Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 11 năm 2023 | 9:58

Bảo đảm an toàn thực phẩm: Cần rà soát toàn bộ hệ thống quản lý

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 9/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 381 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong. Tính chung 9 tháng của năm 2023, cả nước xảy ra 80 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.356 người bị ngộ độc, trong đó có 15 người tử vong.

Để hạn chế tình trạng trên, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023, trong đó Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu.

Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm mặc dù đã được cảnh báo, đề phòng, tuy nhiên, các tỉnh thành trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Nhiều sinh bị nghi ngộ độc thực phẩm được chăm sóc y tế

Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, trong 2 ngày 21 và 22/9, tại địa phương đã ghi nhận 30 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau khi uống một loại nước ngọt có chữ nước ngoài mua ở cổng trường. Các em sau khi uống loại nước trên có triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Những học sinh này mua nước ngọt ở cổng trường, đóng trong chai dung tích 245ml, không rõ nguồn gốc, nhãn ghi chữ nước ngoài. 20 phút sau uống loại nước trên, các em đều có biểu hiện ngộ độc. Một số em nhẹ vào điều trị tại Trạm Y tế xã Cốc Pàng, còn trường hợp nặng phải đưa lên Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc.

Vào các ngày 15-17/9, tại các Trạm Y tế và Trung tâm Y tế huyện Hải Hà (Quảng Ninh) tiếp nhận 30 học sinh, giáo viên Trường mầm non Quảng Thịnh nhập viện với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, sốt. Qua xét nghiệm, phân tích, đánh giá của Trung tâm Y tế huyện Hải Hà và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh, các ca bệnh bị rối loạn tiêu hoá do nhiễm vi khuẩn E.coli và vi khuẩn Shigella. Các vi khuẩn này gây bệnh đường tiêu hoá, lây lan từ người sang người, chủ yếu qua đường phân và miệng, có thể gián tiếp hoặc trực tiếp. CDC Quảng Ninh và chính quyền xã Quảng Thịnh phải tiến hành phun khử khuẩn tại khu vực trường học, gia đình có ca bệnh để hạn chế lây lan.

Bệnh nhân bị ngộ độc được chăm sóc tại cơ sở y tế

Ngày 11/9 nhiều người nhập viện với triệu chứng ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng. (số 2 Phan Châu Trinh, thành phố Hội An).Tính đến chiều 14/9, có 150 bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng. Hiện, các bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, Viện Pasteur Nha Trang – Bộ Y tế vừa gửi thông báo đến Sở Y tế, Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Nam về kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan vụ ngộ độc thực phẩm tại thành phố Hội An. Kết quả kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm được lấy tại cửa hàng bánh mỳ Phượng cho thấy trong món chả phát hiện Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL. Mẫu thịt heo xíu (xá xíu) dương tính với Salmonella spp. Mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa chuột phát hiện Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL và Salmonella spp. Mẫu thịt xíu mại có chủng Bacillus celeus sinh độc tố NHE và HBL và Salmonella spp.

Kiểm tra là phát hiện vi phạm

Từ đầu năm đến nay, ngành y tế thành phố Hà Nội đã kiểm tra, giám sát ATTP tại 46 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở các lễ hội trên địa bàn 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong quá trình thanh kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cùng Đoàn kiểm tra bếp ăn tập thể của trường Tiểu học Nguyễn Du (Khu đô thị Vinaconex 3 Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm).

Kết quả, 9 tháng năm 2023, đã có 386 cơ sở thực phẩm được thanh tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý vi phạm 75 cơ sở. Lỗi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng; sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có giấy chứng nhận GMP, nhãn phụ sản phẩm ghi không đúng, không đủ theo quy định...

Theo báo cáo của Sở Y tế, Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong 8 tháng năm 2023, toàn TP thành lập hơn 800 đoàn thanh tra, kiểm tra.

Kết quả, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm là 71.557 cơ sở, trong đó có 62.397 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 87,2%) và phát hiện 9.157 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt 5.954 cơ sở với số tiền hơn 18,2 tỷ đồng; đồng thời đình chỉ 65 cơ sở và tiêu hủy 124 loại sản phẩm vi phạm của 658 cơ sở.

Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở tại chỗ 2.480 cơ sở có những lỗi tồn tại như nhân viên đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức khi chế biến thực phẩm…

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai đã báo cáo kết quả đạt được trong công tác ATTP 9 tháng đầu năm 2023. Trong đó số cơ sở sản xuất thực phẩm là 114 cơ sở, số cơ sở kinh doanh thực phẩm là 931 cơ sở, số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là 10.473 cơ sở. Số cơ sở đạt là 10.689 cơ sở, chiếm tỉ lệ 92,8%.

Số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 97 cơ sở với số tiền 1.028.170.000 đồng. Chỉ riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai đã thực hiện kiểm tra 86 cơ sở, đạt 51 cơ sở, không đạt 35 cơ sở. Xử phạt vi phạm hành chính 35 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 346.270.000 đồng, xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động 2 tháng đối với 02 cơ sở. Đồng thời công bố tên, địa chỉ những cơ sở vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó nhận thức của cơ sở trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP được cải thiện.

Những con số nêu trên qua công tác ATTP của hai điah phương là Hà Nội và Đồng Nai đã cho chúng ta thấy, vi phạm ATVSTP thường xuyên xảy ra, mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên. Tuy nhiên cứ kiểm tra là phát hiện ra sai phạm, điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các ngành chức năng, muốn bảo vệ được sức khỏe của người dân không thể thiếu công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý những sai phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Rà soát toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm

Tại Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu (từ sản xuất đến tiêu dùng) và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2023. Các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, đánh giá các nghị định, thông tư có liên quan để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm hiện nay, trong đó chú trọng quy định về phân công trách nhiệm quản lý cho rõ ràng, tránh trùng chéo; áp dụng mức chế tài phù hợp, bảo đảm tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm…

Thông báo nêu rõ, các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam rà soát, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, sản phẩm quảng cáo thực phẩm (trong đó có trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo); kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Cũng trong thông báo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các lực lượng chức năng thuộc các bộ: Công an, Quốc phòng (Biên phòng, Cảnh sát biển), Công thương (Quản lý thị trường), Tài chính (Hải quan) tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thực phẩm, phòng, chống nhập lậu và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn.

Về vấn đề tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế với chức năng là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm phải có đánh giá kỹ lưỡng về hiệu lực, hiệu quả của phương thức quản lý, chất lượng nhân lực, công cụ, trang bị, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay, làm rõ các vấn đề tích cực, hạn chế, nhất là đối với cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở để đề xuất phương thức quản lý phù hợp yêu cầu quản lý hiện nay.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ và UBND tỉnh, thành phố có liên quan tổng kết mô hình thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.

Điều chỉnh cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Tham mưu Chính phủ kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương” tại Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 từ Bộ Nội vụ sang Bộ Y tế; Bộ Nội vụ phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top