Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2022 | 14:16

Báo động tình trạng chế biến kinh doanh thực phẩm không đảm bảo dịp cuối năm

Cứ đến gần dịp cuối năm và Tết Nguyên đán thì tình hình vi phạm ANTT và hoạt động của các loại tội phạm sẽ diễn biến phức tạp. Tình trạng sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục, chất cấm trong chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang rất báo động.

Hơn 3.600 túi xúc xích trôi nổi được vận chuyển bằng xe 'chuyển phát nhanh'

Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) vừa bàn giao 1 xe tải "chuyển phát nhanh" vận chuyển hàng tấn hàng lậu để Công an quận Cầu Giấy và Cục quản lý thị trường xử lý theo đúng thẩm quyền.

Trước đó, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng CSGT (Công an Hà Nội) làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Phạm Văn Đồng phát hiện một chiếc xe tải gắn mác "chuyển phát nhanh" có biểu hiện nghi vấn đã dừng xe kiểm tra.

Và phát hiện khoảng 3600 túi xúc xích không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện phía bên trong thùng xe tải có lượng lớn hàng hóa là bánh kẹo, thực phẩm có gắn nhãn mác nước ngoài.

Đáng chú ý số hàng hóa được ngụy trang rất tinh vi, phía ngoài đều có hóa đơn chứng từ, tuy nhiên khi lực lượng chức năng kiểm tra sâu phía bên trong thì có khoảng hơn 3.600 túi xúc xích nhãn mác nước ngoài. Đây là loại thực phẩm trôi nổi được bán rất nhiều ở khu vực cổng trường học cho học sinh.

Lái xe là Đào Minh Hiệp (sinh năm 1994, ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.

Theo cơ quan công an, những tháng cuối năm, hoạt động giao thương tăng mạnh kéo theo đó là những diễn biến phức tạp về vi phạm gian lận thương mại, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm nhập lậu đưa về Hà Nội.

Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông cùng với các lực lượng chức năng sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát nhằm ngăn chăn các hành vi vi phạm như nói trên.

Lén lút giết mổ động vật trái phép

Vừa qua, lực lượng chức năng P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa phối hợp với Công an phường và Trạm Thú y TP. Biên Hòa kiểm tra và phát hiện lò mổ động vật trái phép (gồm heo và bò) tại KP.2 P.Trảng Dài do ông Nguyễn Hữu Phước làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện chủ cơ sở đang cho 8 người tiến hành giết, mổ heo và bò tại cơ sở với trọng lượng thịt sau khi giết mổ hàng trăm kg. Lực lượng chức năng đã lập biên vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở và 2 trường hợp vận chuyển sản phẩm động vật trái phép ngay tại hiện trường, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở xử lý nhiệt đối với lượng thịt động vật giết mổ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một con bò được làm thịt dưới nền nhà dơ bẩn tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra

Đáng nói, đây là cơ sở giết mổ động vật đã bị rút giấy phép cấp tạm (chủ trương của TP.Biên Hòa không tổ chức giết mổ động vật trong đô thị) nhiều tháng nay nhưng chủ cơ sở vẫn lén lút hoạt động giết mổ vào ban đêm. Ngoài yêu cầu chủ cơ sở chấm dứt hoạt động giết mổ động vật tại cơ sở nói trên, lãnh đạo UBND P.Trảng Dài cho biết, sẽ tiếp tục kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các cơ sở giết mổ trái phép trên địa bàn phường, nhất là từ nay tới Tết Nguyên đán.

Phát hiện cơ sở sơ chế gà chết bốc mùi hôi thối

Cụ thể, theo thông tin ban đầu, qua quá trình theo dõi, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với lực lượng Thú y tỉnh bất ngờ kiểm tra một cơ sở giết mổ gà chết tại tổ 43, khu phố 4C, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, phát hiện tại cơ sở có diện tích khoảng 150 m2 có 4 người đang tiến hành vặt lông và mổ thịt gà trên nền xi măng ẩm thấp, mất vệ sinh. Cơ sở này do bà Trần Thị Ngọc Thương (sinh 1978, ngụ tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận có khoảng 2,2 tấn gà công nghiệp đã chết, bốc mùi hôi thối.

Làm việc với cơ quan chức năng, bước đầu, bà Thương khai nhận số gà chết nói trên được thu mua từ các trại gà trên địa bàn các xã La Ngà và xã Suối Nho, thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, với giá 4.000/kg. Sau đó, số gà trên được vận chuyển về cơ sở để tiến hành sơ chế, làm sạch lông, rồi phân loại, đưa đi tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó chủ yếu là bán cho một số cơ sở làm giò, chả.

Việc cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn số lượng lớn thịt gà chết nói trên đã góp phần hạn chế số thực phẩm “bẩn” chuẩn bị đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ.

Hơn 3 tấn đường cát nhập lậu qua địa bàn Đồng Tháp

Qua công tác trinh sát, tại khu vực Đường Võ Văn Kiệt, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, Đội Quản lý thị trường số 3 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp tiến hành dừng và khám phương tiện ô tô tải mang biển kiểm soát 67H-022.59 do ông Lê Thanh An, sinh năm 1988, thường trú tại tỉnh An Giang trực tiếp điều khiển có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Đội QLTT số 3 khám phương tiện tại hiện trường

Qua kiểm tra phát hiện trên phương tiện có 67 bao (50kg/bao tương đương 3.350 kg) đường cát nhãn hiệu WHITE SUGAR, xuất xứ: Thái Lan (Product of Thailand), nhưng không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ gì kèm theo hàng hóa để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tổng giá trị hàng hóa là gần 57 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số số 3 làm việc với ông Lê Thanh An, người điều khiển phương tiện khai nhận ông là người vận chuyển, đồng thời cũng là chủ lô đường cát nêu trên và ông được mua qua trung gian về bán lẻ lại tại các cơ sở tạp hóa chứ không phải trực tiếp nhập khẩu hàng hóa.

Đội Quản lý thị trường số 3 tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên, đồng thời tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 50 triệu đồng và tịch thu 67 bao (tương đương 3.350kg) đường cát nhập lậu nêu trên theo quy định.

An toàn thực phẩm - vấn đề hệ trọng

Về thực phẩm không an toàn, có nhiều nguyên nhân: do đất đai, không khí, thức ăn ô nhiễm; cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển... không đảm bảo; và cả nguyên nhân do người sản xuất, buôn bán “hám lợi” bất chấp đạo lý.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với 522 người bị ngộ độc, trong đó có 11 người tử vong. Đó là những vụ việc được phát hiện. Tình hình chung là hằng ngày chúng ta đều phải ăn để tồn tại và không ai biết đã mang chất độc gì vào người. Theo các nhà khoa học dinh dưỡng, đây là một nguyên nhân làm cho bệnh ung thư ở Việt Nam ngày càng nhiều, bệnh nhân ung thư ngày càng “trẻ hóa”.

Để kiểm soát an toàn thực phẩm, năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2010, Pháp lệnh được nâng lên thành Luật (Luật số 55/2010/QH12). Ban Bí thư (khóa XI) cũng có Chỉ thị 08-CT/TW. Tuy nhiên, do nhiều bất cập mà công tác quản lý, đưa luật vào cuộc sống còn khó khăn.

Ảnh minh họa

Trong số các vấn đề còn bất cập, phải kể đến quy định về kiểm soát và xử lý vi phạm đối với chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc còn bị hạn chế do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hệ thống phân phối lạc hậu, vẫn còn các chợ tự phát, trôi nổi; thực phẩm chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có quy mô nhỏ, mặt bằng chật hẹp, máy móc lạc hậu, trang thiết bị không đầy đủ, ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên không cao. Tình trạng sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đang rất báo động.

Không nước nào đủ lực lượng thanh tra, kiểm tra nếu người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cố ý không chấp hành luật pháp, không có trách nhiệm với đồng loại.

Tình trạng “một mâm cơm, nhiều bộ quản” diễn ra trong thời gian quá dài. Chính vì thế, mới đây Thường trực Ban Bí thư vừa ký ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn lương thực, thực phẩm trong tình hình mới. Đã đến lúc phải thống nhất một đầu mối đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top