Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2023 | 10:19

Báo động tình trạng khai thác cát trái phép làm sạt lở đất canh tác của người dân

Nhiều vị trí, từng mảng đất nứt toác, sạt lở xuống sông chủ yếu do các tàu cát đang hoạt động hết công suất, thả vòi đục khoét lòng sông để lấy cát. Đặc biệt, hoạt động khai thác cát này diễn ra trong thời gian dài khiến dòng chảy bị biến dạng, xâm chiếm đất sản xuất của người dân.

Ruộng vườn đổ xuống sông

Được biết, dọc sông Krông Ana đoạn chảy qua các xã Yang Tao, Đắk Liêng (thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) nhiều diện tích đất trồng lúa, bắp, cà phê của người dân dọc bờ sông bị sạt lở, trôi theo dòng nước. Nhiều đoạn sạt lở, “ăn” sâu vào đất sản xuất của người dân khiến dòng sông phình to gần trăm mét.

Nhiều vị trí, từng mảng đất nứt toác, đổ sập xuống sông, nhưng cạnh đó các tàu cát đang hoạt động hết công suất, thả vòi đục khoét lòng sông để lấy cát khiến sông Krông Ana luôn trong tình trạng đục ngầu.

Người dân địa phương cho biết, sông Krông Ana sạt lở chủ yếu do hoạt động khai thác cát diễn ra trong suốt thời gian dài khiến dòng chảy bị biến dạng, xâm chiếm đất sản xuất của người dân.

Sông Krông Ana sạt lở "ăn" sâu vào đất sản xuất của người dân. Theo người dân địa phương, nguyên nhân là do tàu hút cát. Ảnh: Ngọc Hùng

Bà D. Th. C. (SN 1960, xã Đắk Liêng) cho hay: “Gia đình có hơn 2 sào đất trồng bắp, canh tác từ năm 1996, nhưng trong vòng 2 - 3 năm qua đã bị sạt lở, mất sạch. Thấy tàu chọc vòi hút cát sát đất của mình, nhưng xua đuổi họ không đi. Tàu cát thi nhau hút mới khiến sông Krông Ana sạt lở như hôm nay”.

Theo bà C., tàu hút cát trên sông Krông Ana nhiều vô kể, khoảng 4-5h sáng đã hoạt động.

"Thấy tàu hút cát chọc vòi vào bờ, người dân trong làng bức xúc ra ném đá, xua đuổi nhưng họ vẫn không ngừng. Tình trạng sạt lở ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Chúng tôi mong chính quyền cấm không cho hút gần bờ, gần làng để giữ cho cuộc sống bà con được yên ổn", bà C. nói.

Tương tự, ông D. V. L. (SN 1977, ngụ Buôn Mliêng 2) bức xúc: “Gia đình có 2,8 sào đất vườn, được Nhà nước cấp sổ đỏ nhưng hiện nay chỉ còn vỏn vẹn 1 sào, còn lại đã nằm dưới sông. Dòng sông giờ sạt lở, lấn sát vào sau nhà gần 30m khiến gia đình vừa mất đất vừa sống trong lo lắng. Tôi đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng không ai giải quyết”.

Theo bà D. Th. C. (SN 1960, xã Đắk Liêng), gia đình có hơn 2 sào đất trồng bắp, canh tác từ năm 1996, nhưng trong vòng 2 - 3 năm qua đã bị sạt lở, mất sạch. Ảnh: Ngọc Hùng

“Khoảng 2 - 3h sáng, tàu đã đi hút, hút sập hết đất. Trước đây, dọc bờ sông những vị trí sạt lở, chính quyền có cắm biển cấm hút cát nhưng tàu hút cùng với mưa lũ, các tấm biển cấm đã đổ xuống sông. Nhiều người dân thấy tàu hút cát sát bờ khiến đất sạt lở dần nên bán rẻ đất cho tàu hút luôn. Nếu không bán, một thời gian đất cũng lở đi hết”, ông L. khẳng định.

Theo một cán bộ địa chính xã Yang Tao, không riêng địa bàn Yang Tao mà người dân cả xã Đắk Liêng phản ánh rất nhiều về tình trạng tàu hút cát. Khi tàu hút cát chọc vòi rồng hút sát bờ, đất lở xuống sông, người dân đến nói còn bị người trên tàu cát đe dọa.

Chờ đánh giá nguyên nhân để đền bù cho dân

Thông tin báo chí, bà H Loan Uông, Chủ tịch UBND xã Yang Tao cho biết, khu vực đất dọc sông Krông Ana thuộc địa giới hành chính của xã nhưng chủ yếu là người dân của xã Đắk Liêng qua canh tác. Hiện chính quyền chưa nghe người dân phản ánh về tình trạng sạt lở, nếu có kiến nghị, có thể người dân đã kiến nghị bên xã Đắk Liêng.

“Tiếp nhận thông tin, chúng tôi sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra khu vực sông qua địa bàn xã Yang Tao sạt lở thế nào để có báo cáo và hướng xử lý. Nếu thuộc thẩm quyền xã, xã sẽ xử lý, nếu vượt thẩm quyền, xã sẽ báo cáo huyện”, bà H Loan Uông khẳng định.

Theo phản ánh của người dân, hoạt động khai thác cát trên sông Krông Ana khiến bờ sông lở từng ngày. Ảnh: Ngọc Hùng

Ông Ma Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng cho biết: “Sông Krông Ana chảy qua xã Đắk Liêng với chiều dài khoảng 3km. Thời gian qua, tình trạng tàu hút cát gây sạt lở đất của người dân, được người dân ý kiến rất nhiều. Tuy nhiên, việc này vượt quá thẩm quyền giải quyết của địa phương nên chúng tôi báo cáo lên huyện, UBND huyện cũng đã xuống kiểm tra”.

Theo ông Hoàn, buôn Mliêng 2 sạt lở nhiều nhất nhưng nguyên nhân sạt lở không phải 100% do tàu hút cát mà có cả do mưa lũ. Thời gian qua, người dân ý kiến cần phải xây kè để giữ được đất và nhà cửa người dân. Trước đây, tàu hút gần khu dân cư, khiến cho bờ sông bị sạt lở sát nhà dân, nay đã cấm hút khu vực này nhưng tình trạng sạt lở vẫn đang diễn ra. Hiện diện tích sạt lở vẫn chưa kiểm kê được.

Ông Phạm Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Lắk cho biết: “Trên địa bàn huyện có 5 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát. Trong đó, trên sông Krông Ana có 3 đơn vị gồm: Công ty CP Đoàn Chính Nghĩa, Công ty TNHH VLXD Sông Núi, Công ty TNHH VLXD Tây Nguyên.

Đối với ý kiến của cử tri xã Đắk Liêng đề nghị xem xét có chính sách hỗ trợ người dân có diện tích đất bị sạt lở ven sông Krông Ana, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Đắk Liêng tổng hợp báo cáo cáo cụ thể về vị trí sạt lở, số hộ bị sạt lở, nguồn gốc đất và mục đích sử dụng đất bị sạt lở.

Trên cơ sở báo cáo của UBND xã Đắk Liêng, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban ngành có liên quan tiến hành kiểm tra đánh giá, xác định nguyên nhân gây ra sạt lở để làm cơ sở xem xét, giải quyết cho các hộ dân.

Đất sản xuất sạt lở đổ xuống sông khiến một số vị trí phình to gần cả 100m. Ảnh: Ngọc Hùng

Đối với xã Yang Tao, UBND huyện, phòng TNMT chưa nhận được ý kiến phản ánh của người dân cũng như báo cáo của UBND xã này về tình hình sạt lở trên địa bàn. Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra thực tế tình hình sạt lở trên địa bàn xã Yang Tao, báo cáo đề xuất UBND huyện chỉ đạo xử lý”.

“UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành có liên quan xác định cụ thể nguyên nhân sạt lở để có căn cứ xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, đề nghị Công an huyện tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các phương tiện vận chuyển, xử lý nghiêm đối với các phương tiện vận chuyển khoáng sản trái phép, vượt quá tải trọng cho phép, không đảm bảo ATGT, gây ô nhiễm môi trường”, ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thanh, trước đó, trên sông Krông Ana có 3 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở được UBND tỉnh phê duyệt cấm khai thác cát với tổng chiều dài 1.880m. Trong đó, tại xã Đắk Liêng có 1 vị trí với chiều dài 1.200m, 2 vị trí tại xã Yang Tao với tổng chiều dài 680m. Các điểm này, được huyện Lắk cắm 6 biển cấm khai thác cát tại điểm đầu và điểm cuối của từng điểm.

Theo người dân địa phương cần cấm khai thác cát gần bờ, phải xây kè, để giữ được đất và nhà cửa của người dân. Ảnh: Ngọc Hùng

Tiếp đó, UBND huyện đã đề nghị UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở bờ sông, đề xuất đưa vào khu vực cấm và tạm thời cấm khai thác khoáng sản. Sau đó, trên địa bàn xã Đắk Liêng có 6 điểm sạt lở bờ sông, xã Nam Ka 1 điểm, xã Ea R'bin 11 điểm, xã Buôn Triết 4 điểm và đã được UBND tỉnh phê duyệt cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và được cắm biển.

Buộc dừng hoạt động khai thác cát  nếu để xảy ra sạt lở

Liên quan đến phản ánh của báo chí về tình trạng khai thác cát gây sạt lở sông Krông Nô, ngày 20/3, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh đã nắm được thông tin về tình trạng sạt lở trên sông Krông Nô đoạn chảy qua xã Quảng Phú, huyện Krông Nô.

“UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền huyện huyện Krông Nô lập đoàn kiểm tra, làm rõ tình hình sạt lở và báo cáo. Nếu đơn vị nào để xảy ra sạt lở tại những điểm đã được cấp phép, tỉnh sẽ buộc đơn vị đó dừng hoạt động khai thác cát ngay. Còn việc sạt lở mới thì giao cho các cơ quan, ban, ngành đánh giá một cách khách quan, làm sao không để tiếp tục sạt lở. Nếu đơn vị nào khai thác tại những vị trí này thì sẽ cấm ngay việc khai thác”, ông Yên khẳng định.

Một đoạn sông Krông Nô bị đào bới nham nhở do khai thác cát.

Cũng theo ông Yên, cùng với việc chỉ đạo làm rõ tình hình sạt lở trên sông Krông Nô đoạn chảy qua xã Quảng Phú, tỉnh Đắk Nông cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ việc doanh nghiệp khai thác cát mua đất sản xuất của người dân tại khu vực sạt lở. “Đất sản xuất ở ven sông có kết cấu chủ yếu là cát, nếu doanh nghiệp lợi dụng mua bán đất để thuận tiện cho việc khai thác cát trái phép, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành vào cuộc xử lý nghiêm”, ông Yên khẳng định thêm.

Sông Krông Nô bị sạt lở, đào bới nham nhở bởi khai thác cát.

Cụ thể, trên sông Krông Nô đoạn chảy qua xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông nhiều nơi đang bị sạt lở nghiêm trọng. Tại khu vực được UBND tỉnh Đắk Nông cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát như Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Phước Lộc, Doanh nghiệp tư nhân Văn Hồng, Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Quảng Phú… nhiều điểm đang sạt lở sâu vào bờ, làm sông biến dạng, mất đất ở, đất canh tác của người dân nhưng tàu vẫn hút cát rầm rộ ngày đêm. Một số tàu còn tiến vào gần bờ sông khu vực sạt lở để hút cát gây bức xúc dư luận.

Theo thống kê, đến cuối năm 2022, đã có 30 hộ dân ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô bị thiệt hại về đất sản xuất, cây trồng do sạt lở sông Krông Nô. Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, tháng 11/2022, UBND huyện Krông Nô đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông tạm dừng hoạt động khai thác cát tại các điểm sạt lở xã Quảng Phú theo quy định tại Nghị định 23 năm 2020 của Chính Phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Nhiều diện tích đất canh tác của người dân dọc sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát.

Tháng 1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh trực tiếp đi kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô. Tuy nhiên, đến nay, các tàu thuyền vẫn ngang nhiên hút cát rầm rộ tại những khu vực sạt lở mà không hề bị xử lý trách nhiệm.

"Cát tặc" lại hoành hành bất chấp mối lo ngại thiếu cát

Huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi là một trong số những địa phương có nhiều dự án đầu tư công về hạ tầng giao thông (HTGT) đang triển khai, khiến nhu cầu về cát thêm cấp thiết. Mỏ khan hiếm nên một số đối tượng khai thác trái phép ngay khu vực bãi bồi dọc theo sông Liên.

Được biết, đoạn sông Liên qua thôn Tân Long Trung, xã Ba Động dòng chảy thay đổi nên nước sông áp sát bên phía QL24. Phía đối diện tạo thành một bãi bồi khá bằng phẳng. Con đường mòn từ những rừng keo bất ngờ mở ra, chạy thẳng về bãi sông.

Những dấu tích loang lổ trên sông Liên sau khi "cát tặc" rút đi và chưa kịp xóa dấu vết.

Trên nền cát lộ ra những vệt bánh xe còn mới, cạnh đó là những hố sâu lồi lõm tạo thành những ao nước ngay cạnh bên sông. Nhiều người dân địa phương cho biết, đây là dấu tích cát tặc để lại chưa kịp xóa.

“Cứ đêm xuống, những đối tượng khai thác cát lậu lại cho thiết bị cơ giới như xe đào, xe tải chạy rầm rập ra bãi sông. Trên QL 24, họ lập chốt cảnh giới, khi có động là phương tiện tắt máy, án binh bất động. Có thời điểm họ cho xe chạy vào rừng keo “trốn”. Ban đầu chúng tôi nghĩ huyện cho phép đơn vị khai thác, nhưng sau mới rõ là họ làm trộm”, một người dân nhà gần bãi bồi cho hay.

Một bãi tập kết cát trái phép ngang cạnh sông Liên, xã Ba Động, trên nền đống cát vẫn hằn lên vệt bánh xe còn mới.

Dù hiện trường điểm khai thác cát lậu nằm ngay bên QL24, thậm chí khai thác ngay dưới bên chân cầu Trũng Kè, cách trụ sở UBND xã Ba Động không xa, nhưng cát tặc vẫn vô tư lộng hành...

Dọc theo tuyến đường bê tông nông thôn dẫn vào bãi cát không khó để nhận thấy dấu tích “cát tặc” để lại. Đoạn đường bê tông lồi lõm, bong tróc, đi thêm đoạn nữa đến đường đất là những vệt bánh xe tải trọng lớn hằn sâu xuống nền đường tạo thành hai rãnh dọc sâu khoảng 25cm.

Dọc theo tuyến đường đất cách sông Liên tầm 250-300m là những bãi tập kết cát mọc lên. Dù khai thác cát trái phép, song các đối tượng khai thác cát lậu vẫn ngang nhiên tập kết cát, thiết bị cơ giới ngay cạnh đó chờ đêm xuống để hoạt động.

Thiết bị cơ giới được "ém" trong một góc vườn với nhiều cây xanh bao phủ cũng là một trong những bãi tập kết cát trái phép của "cát tặc".

Nhiều người dân địa phương xác nhận, cát từ sông chở lên bãi tập kết, ngay trong đêm những đoàn xe tải chạy đến và chở cát đi. Ở khu vực bãi tập kết cát, hàng trăm vệt bánh xe chồng chéo lên nhau dày xéo bãi cỏ thành ruộng lầy cho thấy sự nhộn nhịp trong quá trình khai thác cát lậu xảy ra tại đây.

Trước thông tin báo chí, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh thừa nhận tại khu vực này có xảy ra hiện tượng khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động nhỏ lẻ, xuất phát từ nhu cầu của người dân trong vùng.

Hiện trạng cho thấy, hoạt động khai thác diễn ra rầm rộ, huy động phương tiện cơ giới, tập kết cát trái phép khối lượng lớn, ông Vinh cho biết sẽ vào cuộc kiểm tra.

“Huyện đã giao công an thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp doanh nghiệp, tổ chức tham gia khai thác cát trái phép nhằm mục đích kinh doanh. Đến thời điểm này chưa nghe đơn vị báo cáo có thực trạng này. Tuy vậy, với thông tin phóng viên cung cấp huyện sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm”, ông Vinh nói.

Chủ dự án thủy điện cũng nạo vét tận thu cát trái phép?

Còn tại huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi, từ hơn một tuần qua, người dân xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây không khỏi bất ngờ khi ngay sát Nhà máy thủy điện Đăkđrinh, những thiết bị cơ giới như xe đào, xe tải cũng tham gia khai thác cát.

Hiện trạng cho thấy, ngay cạnh Nhà máy thủy điện Đăkđrinh (nơi đặt tổ máy phát điện), mặt sông Đăkđrinh nước vẫn chảy điều. Thế nhưng, bên dưới lòng sông một máy đào cỡ lớn đang hoạt động hết công suất. Cạnh đó, một chiếc xe tải đang đậu sẵn chờ “ăn hàng”. Tiếng động cơ máy đào vang rền cả một góc núi.

Chiếc xe tải sau khi “no cát” đã chở thẳng về bãi đất trống cạnh nhà máy thủy điện để xuống hàng. Tại đây, một núi cát đã hình thành với trữ lượng hàng trăm m3.

Phương tiện cơ giới đi ra giữa sông Đăkđrinh để "ăn" cát.

Người dân địa phương nói rằng, khu vực này là điểm xả cuối của nhà máy thủy điện, bên cạnh đó nơi đây cũng là điểm xả nước của một thủy điện khác. “Đây là nơi xả nước thì không thể nạo vét, tận thu cát được. Người ta khai thác rầm rộ như vậy nhưng không ai nói gì”, một người dân địa phương nói.

Được biết, đa phần các dự án thủy điện, thủy lợi xin giấy phép nạo vét bùn, cát và tận thu tạp chất này thường tiến hành nào vét khu vực lòng hồ. Nhưng Công ty CP thủy điện Đăkđrinh lại nạo vét sông Đăkđrinh, cách lòng hồ thủy điện hàng chục km.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho biết, địa phương chưa có chủ trương hay quyết định nào về việc nạo vét, khai thác cát của Công ty CP thủy điện Đăkđrinh. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra các thủ tục liên quan đến việc nạo vét. Trước mắt, yêu cầu Công ty Đăkđrinh tạm dừng việc nạo vét.

Được biết, trước đó vào năm 2021, Công ty CP thủy điện Đăkđrinh cũng vi phạm trong việc nạo vét lòng hồ thủy điện để khai thác cát và tập kết bến bãi khi chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý. Ngay sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc xử lý đối với đơn vị này và đối tác triển khai nạo vét là Công ty TNHH MTV xây dựng và đầu tư Tân Tiến Đạt.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top