Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 10 năm 2023 | 13:52

“Báo động” tình trạng nhập lậu giống gia cầm

Bắt đầu từ tháng 7/2023 xuất hiện tình trạng “nhập lậu” giống gia cầm qua biên giới, các lực lượng chức năng đã tiến hành bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển giống gia cầm trái phép và hàng trăm nghìn con gà, vịt.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn số lượng lớn giống gà vịt nhập lậu này vào nội địa, nguy cơ xảy ra dịch bệnh đối với gia cầm nuôi là rất lớn.

Liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển lậu gà, vịt

Ngày 01/10, Đội tuần tra kiểm soát Đồn Biên phòng Trà Cổ phát hiện 1 bè xốp gỗ đang hành trình hướng từ khu vực vùng biển Trung Quốc sang vùng biển phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái (Việt Nam) có dấu hiệu nghi vấn.

Phương tiện do Nguyễn Thành Quý (sinh năm 1965; nơi thường trú: thôn Sơn Tâm, thị trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) điều khiển.

Qua kiểm tra, trên phương tiện có 111 khay nhựa màu đen, bên trong mỗi khay có chứa 160 con gà giống (khoảng 2 ngày tuổi). Tổng 17.760 con, trị giá gần 90 triệu đồng.

Giống gia cầm nhập lậu bị bắt giữ tại Quảng Ninh

Khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 3/10, Công an huyện Lộc Bình phối hợp với Đồn biên phòng Chi Ma, Hải quan Chi Ma, Đội quản lý thị trường số 3 làm nhiệm vụ tại thôn Quân Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình phát hiện tại kho hàng nhà bà Trịnh Thị Nhớ (SN 1971) có 32 lồng gà chứa 4.827 gà con giống không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Làm việc với cơ quan chức năng, bà Nhớ cho biết, sáng 3/10 có một số người dân không quen biết đến thuê kho hàng để chứa gà giống, bà Nhớ đã cho thuê với giá 100.000đ/ngày.

Ước tính số gà giống trên trị giá khoảng 50 triệu đồng. Hiện, toàn bộ số tang vật và hồ sơ đã được Công an huyện Lộc Bình bàn giao cho Đồn biên phòng Chi Ma xử lý theo quy định.

Trước đó, vào ngày 22/8, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Đồn Biên phòng Quan Lạn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đơn vị đã phát hiện, bắt giữ vụ buôn lậu với khoảng 14.000 con gà, vịt giống và 19.000 quả trứng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đang trên đường vận chuyển về vùng biển Thái Bình.

Tại thời điểm kiểm tra, trên xuồng máy đang vận chuyển 83 lồng nhựa màu đen, mỗi lồng chứa 165 con gà, vịt con, tổng cộng khoảng 14.000 con; 70 lồng nhựa màu vàng mỗi lồng chứa 270 quả trứng, tổng cộng khoảng 19.000 quả. Ông Nguyễn Văn Hoàn không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện, chứng chỉ chuyên môn và giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng trên phương tiện.

Qua điều tra xác minh, ông Nguyễn Văn Hoàn khai nhận, ông được một người đàn ông tên Bắc thuê vận chuyển số hàng trên từ khu vực vùng biển Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) đến vùng biển tỉnh Thái Bình.

Trên đây chỉ là rất ít trong số những vụ vận chuyển gà, vịt giống, được các đối vận chuyển trái phép qua biên giới đưa vào nội địa để tiêu thụ đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cho thấy, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm giống qua biên giới, chủ yếu là khu vực biên giới huyện Lộc Bình. Các đối tượng đã mang vác nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản thuộc địa bàn các xã Tú Mịch, Yên Khoái, huyện Lộc Bình, sau đó vận chuyển bằng xe máy từ các thôn bản khu vực biên giới về khu vực dọc Quốc lộ 4B để đưa lên xe ô tô tải nhỏ theo các tỉnh lộ, Quốc lộ 1A về nội địa tiêu thụ.

Thượng tá Nông Quang Tám, Đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, cho biết từ tháng 7/2023 bắt đầu có hiện tượng nhập lậu gia cầm qua biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã triển khai lực lượng, tăng cường thêm 20 đồng chí cho Đồn biên phòng Chi Ma.

Qua điều tra, thấy thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng đêm tối, qua rào biên hoặc rút rào lên để tuồn giống gia cầm lậu vào bên trong, sau đó từ biên giới vào các bản của xã Yên Khoái, Tú Mịch, tiếp đó tập kết tại bản Thín… của các xã sâu trong nội địa rồi đưa lên xe máy để đưa lên ô tô vận chuyển về xuôi.

Các đối tượng vận chuyển bằng xe máy, xe ô tô rất manh động, cắt cử người theo dõi lực lượng chức năng, điều khiển phương tiện giao thông luồn lách, chạy xe tốc độ cao nhằm trốn tránh lực lượng chức năng, thậm chí có đối tượng còn rất manh động đâm xe vào các lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ, gây ra rất nhiều khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, trong 9 tháng của năm 2023, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý tổng số 31 vụ việc vi phạm liên quan đến kinh doanh, vận chuyển gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính trên 214 triệu đồng. Lực lượng chức năng của tỉnh đã tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính, gồm: 100.000 con gà vịt giống; trên 8.530kg sản phẩm từ gia cầm các loại (hơn 1.730 kg chân gà, 270 kg đùi gà bảo quản đông lạnh, 4.000 kg vịt thịt nguyên con đã qua giết mổ bảo quản đông lạnh, 2.530 chân gà đóng túi hút chân không)…

Nhiều lực lượng chức năng vào cuộc

Trước tình trạng vận chuyển lậu giống gà, vịt qua biên giới trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 426, và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn chỉ đạo UBND các tỉnh biên giới, trong đó có văn bản gửi trực tiếp cho Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu làm tốt công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển con giống từ nước ngoài vào Việt Nam.

Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chủ trì cuộc họp.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo đôn đốc triển khai công tác ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.

"Trong 4 tháng qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo chống nhập lậu gia cầm. Việc buôn bán, vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới vào nước ta rất tác hại, chúng ta trải qua rất nhiều đợt địch cúm gia cầm, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và sức khỏe của người dân”, ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh.

Thượng tá Nông Quang Tám, Đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, cho biết từ tháng 7/2023 bắt đầu có hiện tượng nhập lậu gia cầm qua biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã triển khai lực lượng, tăng cường thêm 20 đồng chí cho Đồn biên phòng Chi Ma.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn thông tin: các đối tượng rất hung hãn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra. Điển hình là ngày 29/9 vừa rồi, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tổ chức bắt giữ vụ việc hơn 18.000 con gà giống nhập lậu, các đối tượng liều lĩnh đâm cả xe vào lực lượng cảnh sát giao thông. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt nhưng hiện nay tình trạng này vẫn còn. Công an tỉnh đã tổ chức cuộc họp yêu cầu Trưởng công an các huyện đi kiểm tra, báo cáo tình trạng này.

“Chúng tôi khẳng định, tình trạng này diễn ra lén lút, trốn tránh lực lượng chức năng chứ không dám hoạt động rầm rộ, công khai” – Đại tá Nguyễn Minh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho hay, thời quan qua, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các đội, nhất là đội tuyến biên giới, các lực lượng của huyện Lộc Bình để ngăn chặn giống gia cầm nhập lậu từ Chi Ma về.

“Với địa hình từ Chi Ma về đến Lộc Bình có rất nhiều đường mòn lối mở, những đường ngắn và lực lượng chức năng mỏng, nhiều khi phối hợp để triển khai, đón lõng rồi nhưng rất khó khăn trong việc chống buôn lậu gia cầm giống”, ông Nguyễn Minh Tuấn nêu thực tế.

Xác định việc buôn bán trái phép sản phẩm gia cầm dự báo còn diễn biến phức tạp, đặc biệt từ nay đến cuối năm, ông Hồ Tiến Thiệu yêu cầu Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh và các cơ quan chức năng như 389, UBND các huyện vùng biên xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý tình trạng nhập lậu gia cầm trái phép qua biên giới.

Vận chuyển lậu giống gà, vịt qua biên giới là hành vi tiếp tay cho các hoạt động nhằm phá hoại ngành chăn nuôi của chúng ta, không những làm thiệt hại kinh tế, nhập lậu giống gà, vịt còn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao đối với không chỉ gia cầm mà có thể lây lan sang cả gia súc và vật nuôi khác. Kiên quyết đấu tranh và xử lý các vụ vận chuyển này là trách nhiệm của các lực lượng chức năng, của toàn xã hội và chính từ những người dân vùng biên giới. Cần tuyên truyền cho đồng bào không nên vì thấy được giá vận chuyển mà làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của chính bà con và ngành chăn nuôi

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top