Các đại biểu thống nhất như vậy khi tham gia Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VII năm 2023 với chủ đề “Chuyển đổi Xanh” do Báo TN&MT phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Phú Yên, Báo Phú Yên, Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 2/4, tại TP Tuy Hòa.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để các tỉnh, thành trong cả nước góp phần thực hiện lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, 27 và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải nhà kính
Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, đóng góp ý tưởng, sáng kiến, đề xuất giải pháp trong kiểm soát kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero.
Các đại biểu tham dự tại diễn đàn
Diễn đàn cũng là cầu nối giúp nhà quản lý hiểu hơn về thực tế triển khai chính sách về kiểm soát kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, thực hiện kinh tế tuần hoàn để có những điều chỉnh kịp thời, đồng thời đưa ra những kiến nghị trong việc xây dựng và ban hành chính sách để quản lý và phát triển doanh nghiệp ngày một hiệu quả và đáp ứng được những yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm phát thải, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển theo hướng “xanh và bền vững”… Đồng thời còn thông tin rõ về chủ trương, chính sách, chiến lược, lộ trình, biện pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính; trong đó nhấn mạnh giải pháp chuyển đổi năng lượng; chính sách hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển (cả về tài chính và chuyển giao công nghệ) để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - bà Hồ Thị Nguyên Thảo cho biết, biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan, thời tiết bất thường đã và đang tác động tiêu cực đến hầu hết quốc gia trên thế giới, cũng như Việt Nam, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, đời sống của người dân và trở thành mối lo ngại của toàn cầu trong thế kỷ 21. Từ năm 2021, hưởng ứng đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Yên đã tổ chức trồng được hơn 9 triệu cây xanh, đạt 63% so với chỉ tiêu đề án Trồng 15 triệu cây xanh của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đề ra và trong năm 2023, Phú Yên đang tiếp tục phấn đấu trồng 3,7 triệu cây xanh. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nhiều dự án về bảo vệ môi trường như: Tăng cường năng lực cộng đồng bảo tồn rạn san hô Hòn Yến; phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái... Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, gắn với việc bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Bộ TN-MT, Hội Nhà báo Việt Nam tặng hoa chúc mừng các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí Phát triển xanh hướng đến Net Zero có mặt tại diễn đàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ, cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong khu vực miền Trung, do tác động của biến đổi khí hậu, Phú Yên chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cực đoan. Hạn hán, thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt vào mùa hè; mưa bão vào mùa đông, gây khó khăn, bất lợi cho sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của người dân.
Tăng cường nhận thức về tăng trưởng xanh
Tại diễn đàn, các đại biểu được nghe các tham luận nêu lên vị trí, tầm quan trọng của TN&MT; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, từ vĩ mô đến vi mô; trách nhiệm của toàn xã hội, từng ngành, từng tập đoàn, doanh nghiệp; trách nhiệm, phương pháp của những người làm báo trong nhiệm vụ bảo vệ TN&MT.
Các đại biểu đều thống nhất quan điểm: “Bảo vệ tài nguyên môi trường là trách nhiệm chung, vô cùng quan trọng của toàn xã hội”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu
Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) - bà Nguyễn Thị Thu Hoài cho rằng, cần chú trọng tăng cường nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao thống nhất trong Đảng, đồng thuận của xã hội trong thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, gắn với bồi đắp ý chí, khát vọng hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược phát triển bền vững đất nước.
“Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, áp dụng, lồng ghép chuyển đổi xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ngành; tăng cường giám sát và kiểm soát để đảm bảo rằng các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng tài nguyên được thực hiện đúng quy định và đảm bảo bền vững về môi trường; xây dựng và phát triển các công trình và cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường; tăng cường giáo dục và tuyên truyền cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và chuyển đổi xanh, từ đó khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, bà Hoài nói.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho rằng, trong nhiệm vụ chuyển đổi xanh, bảo vệ tài nguyên, môi trường thì công tác tuyên truyền để từng người dân, doanh nghiệp cùng tham gia là hết sức quan trọng. Trong công tác tuyên truyền, chủ trương của Phú Yên trong thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh là xây dựng TP Tuy Hòa là một trong những thành phố sạch nhất nước. Phú Yên sẽ thực hiện theo hướng từ nhiệm vụ dễ đến khó, xây dựng các mô hình từ rẻ đến đắt để công tác bảo vệ môi trường ở địa phương sẽ có bước chuyển dịch vững chắc.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, địa phương cũng đã xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản được định hướng, quy hoạch ở các địa phương trên địa bàn, có sự kiểm soát về mô hình cũng như công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh có mời các chuyên gia trong nước, quốc tế nghiên cứu, hỗ trợ giải quyết các vấn đề về môi trường, từ đó định hướng cho các địa phương trong đầu tư nuôi trồng thủy sản.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành phát biểu ý kiến tại diễn đàn và tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện chính sách pháp luật về TN-MT.
Phát biểu kết luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành khẳng định quan điểm nhất quán về mục tiêu chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, phát triển bền vững; đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước tiếp tục chung tay thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra; truyền thông điệp về sứ mệnh, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông và các nhà báo trong việc tuyên truyền mục tiêu chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, phát triển bền vững với giá trị cốt lõi: Chuyển đổi xanh - Phát triển xanh…