Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024 | 13:5

Biện pháp ngăn ngừa vi khuẩn Salmonella

Liên quan đến vụ 500 người bị ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc là do nhiễm vi khuẩn Salmonella, độc tố đường tiêu hóa nguy hiểm có trong thực phẩm.

Để ngăn ngừa việc nhiễm vi khuẩn Salmonella, rất cần các cơ sở chế biến thực phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa thực phẩm nhiễm lịa vi khuẩn này.

Vi khuẩn salmonella có từ đâu

Salmonella là tên của một loại vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử. Chúng chủ yếu di chuyển bằng roi quanh thân, thu nhận năng lượng từ phản ứng oxy hóa khử, tạo ATP bằng oxy khi có sẵn hoặc sử dụng chất nhận điện tử hay lên men khi oxy không có sẵn.

Vi khuẩn salmonella tồn tại trong thịt sống

Khuẩn salmonella có khả năng xâm nhập vào nhiều loại tế bào khác như như tế bào M, biểu mô, tế bào đuôi gai, đại thực bào. Các bệnh gây ra từ vi khuẩn này gọi là bệnh nhiễm khuẩn salmonella. Bệnh nhân sẽ khó chịu ruột, dạ dày, tiêu chảy, sốt, cảm thấy bụng đau quặn.

Đa phần các trường hợp nhiễm khuẩn thường do thực phẩm bị nhiễm phân người hoặc động vật có bệnh. Chủng salmonella được chia thành nhóm thương hàn và không thương hàn. Nhóm không thương hàn phổ biến hơn và lây nhiễm cho động vật hoặc lây trực tiếp từ động vật sang người. Chủng không thương hàn do các salmonella khác chủ yếu gây nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm ruột. Chủng khuẩn thương hàn gồm Salmonella Typhi và Salmonella Paratyphi A, B, C chỉ phát bệnh ở người, không xuất hiện ở động vật khác.

Con đường lây nhiễm của vi khuẩn salmonella

Môi trường sinh sống của khuẩn salmonella là ruột người, động vật hoặc chim. Đa phần các trường hợp nhiễm bệnh do ăn phải thực phẩm hoặc nước có chứa phân nhiễm khuẩn. Cụ thể là:

Thịt sống, hải sản, gia cầm sống: Phân dính vào thịt trong quá trình giết mổ, hải sản có thể chứa nguồn lây nếu sống trong nước ô nhiễm.

Sữa và các chế phẩm từ sữa chưa tiệt trùng: Có thể nhiễm khuẩn salmonella. Quá trình thanh trùng sẽ loại bỏ các loại vi khuẩn có hại, bao gồm cả khuẩn salmonella.

Rau củ, trái cây: Nhiễm khuẩn trong quá trình chăm bón, sơ chế không cẩn thận.

Trứng sống hoặc trứng chưa nấu chín: Lớp vỏ trứng có khả năng bảo vệ phần bên trong không nhiễm khuẩn nhưng trứng được đẻ từ gia cầm nhiễm bệnh vẫn có khả năng chứa vi khuẩn.

Thực phẩm không được xử lý đúng cách, không rửa tay khi chế biến.

Lây từ vật nuôi hoặc các động vật khác: Chim, bò sát và các loài động vật nói chung có thể mang vi khuẩn trên da, lông và phân.

Triệu chứng nhiễm khuẩn salmonella

Người bị nhiễm vi khuẩn salmonella thường có triệu chứng sốt, tiêu chảy, co thắt dạ dày, buồn nôn, nôn, đau đầu. Những dấu hiệu này thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau nhiễm bệnh, kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Người bệnh thường thấy dễ chịu hơn trong khoảng 1 tuần nhưng sẽ mất khoảng vài tháng để việc đi ngoài trở lại bình thường. Đôi khi, nhiễm trùng khuẩn còn lây lan đến xương khớp, máu, não hoặc hệ thần kinh khiến cho người bệnh gặp các triệu chứng lâu dài gây ảnh hưởng đến cơ quan, bộ phận đó.

Trong trường hợp bạn nhận thấy đang mắc phải một trong các dấu hiệu sau, bạn cần liên hệ với bác sĩ nhanh chóng:

Đi ngoài ra máu;

Tiêu chảy, kèm theo sốt cao đến hơn 39 độ C;

Tình trạng tiêu chảy không giảm sau 3 ngày;

Một số dấu hiệu của việc mất nước như lượng nước tiểu ít, khô miệng, thấy chóng mặt khi đang đứng;

Nôn ói nhiều.

Mặc dù vậy, một số loại vi trùng và bệnh tật cũng có thể gây nên những triệu chứng điển hình tương tự như nhiễm khuẩn salmonella. Nhằm xác định xem bệnh nhân có nhiễm salmonella hay không, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu phân tinh dịch ruột và gửi đến phòng thí nghiệm. Tiếp theo, họ sẽ dùng những kỹ thuật xét nghiệm nhằm kiểm tra sự tồn tại của vi khuẩn. Nếu người bệnh ốm nặng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm nhằm xác định chính xác khuẩn salmonella.

Biện pháp phòng ngừa và công tác quản lý

Mùa hè nắng nóng với nền nhiệt độ cao rất dễ khiến thức ăn bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình.

Thuốc kháng sinh được chỉ định để ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn salmonella

Để phòng bệnh, người dân phải ăn chín, uống sôi, thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường và siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, đừng thả nổi để người dân phải gánh hậu quả nặng nề.

Về phía cơ quan chức năng, được biết hiện ngành Y tế các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Trong đó, chú ý đến ngộ độc do nấm độc vào mùa xuân hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên, nhất là các địa phương khu vực miền núi phía bắc và khu vực Tây Nguyên; ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ đối với các tỉnh, thành phố ven biển khi mùa du lịch đang đến...

Các cơ quan chuyên môn tập trung kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.

Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15/4 đến 15/5) đang diễn ra trên phạm vi cả nước với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.

Ðặc biệt, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

 

Theo Báo Đầu Tư điện tử; Báo lao động điện tử

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top