Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 5 năm 2023 | 18:33

Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu làm rõ hiện tượng "thịt thải loại" tại thị trường Việt Nam

Ngày 4/5, tại cuộc họp giao ban của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Thú y làm rõ thông tin về việc: có hay không hiện tượng "thịt thải loại" xuất hiện tại thị trường Việt Nam.

Thời gian qua, một số cơ quan thông tấn, báo chí phản ánh, ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn vì cung vượt cầu, nhưng nhập khẩu thịt và phụ phẩm tiếp tục tăng trong tháng 4/2023.

Cụ thể, thông tin từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật nhập khẩu vào Việt Nam đạt 407 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ 2022.

Trước thực trạng này, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét các biện pháp để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Việt Nam hiện là thành viên của WTO. Do đó, mọi hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu, trong đó có các sản phẩm thịt và phụ phẩm đều tuân theo nguyên tắc thị trường. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam rất minh bạch. Hiện, có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được cấp phép xuất khẩu thịt động vật sang Việt Nam".

Cục Thú y khẳng định không có chuyện nhập thịt thải loại. Ảnh minh họa.

Ông Long nhấn mạnh, để một sản phẩm thịt và phụ phẩm có mặt trên thị trường Việt Nam cần tuân thủ nhiều bước. Đầu tiên là nước xuất khẩu nộp hồ sơ đánh giá năng lực thú y tới Việt Nam. Tiếp theo, đoàn công tác Việt Nam sẽ kiểm tra thực địa để đối chiếu hồ sơ. Tiếp đó, hai bên sẽ thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch từ nước xuất khẩu. Sau đó, các thủ tục do phía Việt Nam ban hành nhằm cho phép doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhập khẩu thực phẩm động vật theo Nghị định 15.

 "Quy trình nhập khẩu thịt và phụ phẩm vào Việt Nam rất nghiêm ngặt. Ngay cả khi được cấp phép, các sản phẩm này còn phải lấy mẫu kiểm dịch thú y định kỳ, cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm", ông Long nói.

Khẳng định, không có chuyện Việt Nam thả cửa cho các sản phẩm thịt "thải loại" vào thị trường, Cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm, mọi sản phẩm thịt xuất khẩu vào nước ta đều trải qua quy trình đàm phán tối thiểu 5 năm. Nhiều hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã phản hồi và đánh giá cao về cách làm bài bản của nước ta.

Ông Nguyễn Như Tiệp - cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, nhìn nhận có hiện tượng các sản phẩm thịt ở những quán nhậu tương đối rẻ so với mặt bằng chung.

Bên cạnh việc giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, ông Tiệp cho biết sẽ chỉ đạo hệ thống quản lý chất lượng tại địa phương phối hợp chặt chẽ với hệ thống thú y và cơ quan quản lý địa phương để tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, giúp bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Đưa ra ý kiến cho hiện tượng "thải loại" được Bộ trưởng quan tâm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thị hiếu của người dân Việt Nam là thích thịt đùi gia cầm, hoặc những phần thịt dai. Điều này ngược so với đa số các nước trên thế giới thích phần ức gà.

Với đặc điểm là đường biên giới cả trên đất liền lẫn trên biển rất dài, Việt Nam luôn chịu nguy cơ sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng có thể được đưa qua biên giới. Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, một số vụ vi phạm có thể xảy ra.

Bằng kinh nghiệm trong thời gian làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội 2 khóa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, hệ thống thú y và các đơn vị liên quan tại Trung ương cũng như địa phương đã và đang làm tốt công việc giám sát thịt nhập khẩu. 

"Hàng năm, WTO luôn tổ chức nhiều phiên họp về các quy định liên quan tới thị trường. Nếu có bất cứ vấn đề gì, chúng ta sẽ lập tức nhận được phản ánh", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top