Mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký ban hành "Kế hoạch tăng cường công tác chống BL, GLTM và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa" nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân.
Giảm nhưng vẫn phức tạp
Theo ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, tình hình hoạt động BL, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra phức tạp, trọng điểm là tại các khu vực đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới. Hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng có thuế suất cao, hàng cấm như ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 An Giang, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trong tỉnh kiểm tra, phát hiện bắt giữ, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2021 về hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, GLTM và hàng giả. Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ trên 141,4 tỷ đồng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu 9,8 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã khởi tố 14 vụ/18 đối tượng. Trị giá hàng hóa bị khởi tố: 21,8 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện và thu giữ tang vật vi phạm
Thời gian qua, tình hình BL, GLTM và hàng giả trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn tiếp tục diễn ra với mật độ nhỏ lẻ. Hàng lậu được các đối tượng tập kết sát biên giới, chờ thời cơ thuận lợi thì nhanh chóng đưa vào nội địa tiêu thụ. Tại Cà Mau, 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, phát hiện 550 vụ vi phạm (trong đó, xử lý vi phạm hành chính 517 vụ, khởi tố hình sự 33 vụ/35 đối tượng).
Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền truy thu thuế và bán hàng tịch thu là 32,147 tỷ đồng. Tang vật vi phạm do các lực lượng chức năng bắt giữ gồm: 2.194 bao thuốc lá; 946.791 lít dầu Diezen; 18.625 kg tôm tạp chất; 2 triệu con giống thủy hải sản; 2.560 bộ Kit test Covid-19; 5.593 sản phẩm đồ điện gia dụng; 1.952 sản phẩm là mỹ phẩm; 4.014 sản phẩm thực phẩm chức năng; 30.526 kg đường cát; 3.478 sản phẩm phụ kiện làm tóc; 71.808 sản phẩm tô, chén, ly và nhiều hàng hóa vi phạm khác.
Thời gian qua, mặc dù các đơn vị chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, một số hành vi vi phạm giảm song thủ đoạn ngày càng tinh vi. Số vụ việc được phát hiện xử lý có quy mô lớn hơn, tính chất phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, xu hướng chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang lợi dụng pháp nhân để hoạt động BL, GLTM và hàng giả.
Các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử là tất yếu, đa dạng. Hiện nay, việc các đối tượng vi phạm lợi dụng môi trường thương mại điện tử để hoạt động BL, GLTM và hàng giả diễn ra khá thường xuyên, công khai và phức tạp. Các cơ quan, lực lượng chức năng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý.
Bất chấp vì lợi nhuận
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực kiểm soát, tình hình BL thuốc lá khu vực biên giới Tây Nam vẫn diễn biến phức tạp trở lại kể từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 sau thời gian giãn cách xã hội vì covid-19. Từ ngày 15-3, Chính phủ quyết định mở cửa hoàn toàn giao thương, giao lưu kết nối trong nước cũng như quốc tế, đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hoạt động bình thường trở lại. Điều này tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để BL, GLTM, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Lợi nhuận từ BL thuốc lá rất cao, riêng lợi nhuận thu được từ một bao thuốc lá Jet nhập lậu từ biên giới khoảng 7.000 - 8.000 đồng, cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp cùng phân khúc. Nghiêm trọng hơn, thuốc lá được nhập khẩu bất hợp pháp vào nước ta không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, những năm gần đây xuất hiện tình trạng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng. Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu thường đối phó bằng cách vận chuyển mỗi lần dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự. Tại thị trường nội địa, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng vẫn được bán lén lút tại các nhà hàng, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ...
Xe tải vận chuyển trái phép thuốc bảo vệ thực vật bị Công an An Giang bắt giữ.
Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như đường biên giới phức tạp với nhiều đường mòn lối mở, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi, hay việc lợi dụng cư dân sống ở vùng biên giới trung chuyển... cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tình hình.
Theo Ban chỉ đạo 389, mỗi năm các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 10.000 vụ vi phạm, tịch thu khoảng trên 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu. Thực tế, việc xử lý chỉ mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ chứ chưa tận gốc nên sau một thời gian hoạt động BL thuốc lá lại tiếp tục tái diễn.
Thời gian qua, công tác chống thuốc lá lậu có tiến triển nhưng còn rất nhiều thử thách bởi đường biên giới của Việt Nam dài, nhiều đường mòn, lối mở khó kiểm soát; tình trạng người lao động không có việc làm, thuốc lá lậu hình thức nhỏ gọn, dễ vận chuyển vào thị trường; hoạt động kinh doanh thuốc lá lậu ngày càng tinh vi, lợi nhuận cao, người tiêu dùng khó từ bỏ; các kho bãi tản mác; thuốc lá lậu nặng hàm lượng nicotine, không theo tiêu chuẩn Bộ y tế, càng khiến người hút khó bỏ...
Khó khăn trong đấu tranh, xử lý
Theo đánh giá của Bộ Công an, thủ đoạn của các đối tượng BL, sản xuất, buôn bán hàng giả, GLTM ngày càng tinh vi hơn trong khi điều kiện trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác đấu tranh chống BL còn hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa nên khó khăn trong công tác điều tra đối tượng chính.
Mặt khác, quy định của Luật thuế về hóa đơn, chứng từ, xuất và sử dụng hóa đơn... còn bất cập, chưa phù hợp dẫn đến công tác quản lý hóa đơn chưa chặt chẽ, là điều kiện để các đối tượng BL lợi dụng để hợp thức hàng hóa nhập lậu. Việc xác định số lợi bất chính đối với hàng hóa có hóa đơn cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể về việc xác định số lợi bất chính mà chủ yếu dựa vào giá trị hàng hóa ghi trong hóa đơn để làm căn cứ, từ đó dẫn đến việc truy thu số lợi nhuận bất chính chưa bảo đảm được số lượng, chưa đủ sức răn đe.
Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và các địa phương chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, chỉ mang tính chất vụ việc, chưa xác lập được chuyên án đấu tranh chung. Lực lượng làm nhiệm vụ chống BL, GLTM, hàng giả còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, trình độ ở một số lĩnh vực (sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, GLTM, kê khai thuế điện tử, kinh doanh trực tuyến) còn hạn chế, chưa tương xứng với tình hình hiện nay, từ đó gây khó khăn cho công tác đấu tranh với các đối tượng.
Bên cạnh đó, kinh phí tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng còn hạn hẹp; việc lưu giữ, bảo quản hàng chờ xử lý gặp nhiều khó khăn do không có kho chuyên dụng. Công tác giám định chất lượng hàng, chờ kết quả giám định chất lượng mất thời gian dài, chi phí cho công tác giám định cao, đặc biệt là những lô hàng tạm giữ hàng nghìn mẫu vật phải giám định từng mẫu vật, ảnh hưởng đến việc lập hồ sơ.
Tại Kế hoạch 92/KH-BCĐ389, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch nắm tình hình, phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa trên các tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu, cảng biển, vùng biển, hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa tại địa bàn nội địa; xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi đơn vị, địa phương, tránh chồng chéo.
Quá trình tổ chức triển khai phải bảo đảm chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, không làm ảnh hưởng hoặc cản trở hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân; nói không với tiêu cực, không bao che, tiếp tay, bảo kê cho hành vi BL, GLTM và hàng giả. Phát hiện những sơ hở, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác chống Bl, GLTM và hàng giả.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.