Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 7 năm 2023 | 16:46

Cà Mau sẽ xuống giống 36.720ha lúa - tôm

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau, năm 2023, tỉnh này sẽ xuống giống 36.720ha lúa - tôm, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Theo kế hoạch, năm 2023 huyện Thới Bình xuống giống 18.000 ha lúa – tôm. Ảnh: Cổng TTĐT Cà Mau

Trong đó, huyện Thới Bình xuống giống 18.000ha, huyện U Minh xuống giống 14.900ha, huyện Trần Văn Thời xuống giống 2.820 ha, huyện Cái Nước xuống giống 500ha và thành phố Cà Mau xuống giống 500 ha.

Ngoài tuân thủ lịch thời vụ, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau cũng khuyến cáo bà con nông dân sử dụng lúa giống cấp xác nhận, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (có nhãn mác bao bì lúa giống theo quy định); mua lúa giống từ các cơ sở cung cấp giống uy tín, không sử dụng giống lúa trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để gieo sạ. Chọn giống lúa cao sản đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, giống thích ứng với điều kiện phèn mặn, năng suất cao, chất lượng, phù hợp với điều kiện canh tác địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu như: Nhóm giống lúa chất lượng cao: OM5451, OM18, BTE1..; nhóm giống lúa thơm đặc sản gồm: ST24, ST25, đài thơm 8; nhóm giống lúa chất lượng trung bình: OM2517, OM576 (hầm trâu, siêu hầm trâu). Ngoài ra, có thể gieo sạ một giống lúa triển vọng như: OM429, DS1.

Tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu trong năm 2023 ổn định năng suất và sản lượng tương đương với năm 2022, bình quân khoảng 3,5 tấn/ha và sản lượng ước đạt khoảng 128.000 tấn. Từng địa phương tổ chức lại sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu giống thích hợp với từng địa bàn, tránh rủi ro do thiên tai gây ra hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tiếp tục phối hợp xây dựng các vùng nguyên liệu liên kết sản xuất và tiêu thụ ổn định với các doanh nghiệp. Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ lúa - tôm đạt diện tích, sản lượng. Tổ chức sản xuất ổn định bền vững các vùng nguyên liệu lúa - tôm; áp dụng các phương pháp canh tác thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường các giải pháp tổng hợp ứng phó El-Nino; đẩy mạnh hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, qua đó góp phần ổn định thu nhập cho nông dân và góp phần bảo vệ môi trường.

Theo đó, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau sẽ tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa – tôm. Trong đó, tập trung mời gọi các doanh nghiệp có năng lực, uy tín tham gia liên kết từ khâu cung cấp vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, bao tiêu sản phẩm đầu ra; tiếp tục duy trì hình thức tổ chức sản xuất liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp ở những nơi đã thực hiện và triển khai nhân rộng ra nhiều địa phương khác; giới thiệu thông tin quảng bá tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký khai thác sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” và “Lúa sinh thái Cà Mau” trên đất nuôi tôm, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu địa phương, giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa – tôm của tỉnh. Đối với các địa phương chưa thực hiện liên kết, cần chủ động tìm kiếm doanh nghiệp, thị trường đầu ra tiêu thụ lúa tôm cho nông dân.

Mô hình lúa - tôm mà tỉnh Cà Mau định hướng nông dân sản xuất được các nhà khoa học xác định thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và bền vững, từng bước hướng đến tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm - tôm sạch”.

 

 

Nguyệt Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top