Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2022 | 14:25

Cà Mau thực hiện hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau kiểm soát 11.560 lượt tàu cá cập và rời cảng. Thực hiện giám sát 28.625 tấn thủy sản, thu 5.625 nhật ký, cấp 204 biên nhận cho 3.000 tấn thuỷ sản. Phạt hơn 6 tỷ đồng, tịch thu 1 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

 

Tàu cá ở sông Đốc Cà Mau.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, cho biết: Để tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài (IUU), thời gian tới, Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy nhanh và mạnh đồng bộ nhiều giải pháp cùng với các cấp các ngành trong, ngoài tỉnh.

Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các công điện chỉ thị của Thủ tướng cũng như hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về chống khai thác IUU. Đặc biệt, đẩy nhanh và hoàn tất việc lắp thiết bị giám sát cho các phương tiện đánh bắt xa bờ. Toàn tỉnh có hơn 5.000 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có 1.454 phương tiện có chiều dài 15m trở lên, 100% số đó đều đã được gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS) đúng quy định. Các lực lượng được giao nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát đã thực hiện nghiêm túc chế độ trực và kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý. Đặc biệt là những trường hợp vượt ranh giới. Các trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc theo dõi, giám sát trên hệ thống được trang bị đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Tính đến thời điểm tháng 11/2022, công tác quản lý tàu cá của tỉnh đã được thực hiện nghiêm theo quy định. Nhất là về hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản và tiêu chí đặc thù của địa phương về đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá. Tổng số tàu cá được đăng ký là 3.842 tàu, đăng kiểm là 1.244 tàu, có 3.842/3.842  tàu được đánh dấu là tàu cá. 192 chủ tàu cá thực hiện ký cam kết và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong đó, ký cam kết 46 tàu và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 146 tàu cá.

Cảng Sông Đốc, 1 trong 2 cảng cá chỉ định của Cà Mau

Tỉnh đã thực hiện cấp mới và gia hạn 1.359 giấy phép khai thác thủy sản. Thường xuyên thực hiện và cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá của tỉnh trên hệ thống phần mềm VNFishbase; xác thực thông tin tàu cá trên hệ thống giám sát hành trình của Tổng cục Thủy sản.

Kết hợp giữa việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất bến, cập bến của tàu cá, các ngành chức năng Cà Mau còn đẩy mạnh tuyên truyền triển khai Luật Thủy sản 2017. Đây là luật có nhiều điểm mới, phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế, quy định cụ thể về những hành vi được coi là khai thác thuỷ sản bất hợp pháp.

Đặc biệt, Cà Mau đã ký kết phối hợp tuần tra chung các ngành chức năng đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau - Kiên Giang (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 - Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân - Hải đoàn Biên phòng 28 - Chi cục Kiểm ngư Vùng 5...) nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vùng biển, chống những hành vi vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.

Mặt khác, Sở NN&PTNT Cà Mau cũng tham mưu mở chuyên án về IUU với các cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo đủ cơ sở, điều kiện để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu trong điều tra, xử lý đối tượng vi phạm, nhất là đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, cùng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phương tiện đánh bắt gần bờ của huyện U Minh có hơn 3.000 phương tiện. 

Vi phạm giảm mạnh

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, từ năm 2021 đến nay, các đơn vị chức năng tỉnh phát hiện 10 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó có 2 vụ xảy ra trong những tháng đầu năm 2022. Các lực lượng chấp pháp cũng đã phát hiện và xử lý 176 vụ tàu cá vi phạm IUU, với tổng số tiền hơn 6,3 tỷ đồng. 

Tháng 9/2022, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành đối với ông Nguyễn Văn Khải, 45 tuổi, chủ tàu cá mang biển kiểm soát CM 99772 -TS và thuyền trưởng Lê Văn Buôn, 41 tuổi - cùng ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Tổng số tiền phạt lên đến 1,395 tỷ đồng, tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện có liên quan. Đây được xem là quyết định xử phạt nặng nhất từ trước đến nay ở địa phương, tạo được sự quan tâm lớn của ngư dân và các chủ phương tiện. 

Hành động vào cuộc quyết liệt và xử lý kiên quyết nêu trên cho thấy các cơ quan chức năng tại địa phương đã tăng cường việc thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm IUU. Nhờ đó mà số vụ vi phạm IUU đã giảm nhiều so với trước đây. Theo đó những năm qua, khai thác thủy sản bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh từng bước đã giảm dần, đặc biệt là số tàu cá khai thác vùng biển nước ngoài đã giảm mạnh. Qua thống kê, năm 2017 có đến 20 tàu, năm 2018 vẫn có 20 tàu vi phạm. Năm 2019 đã giảm còn 12 tàu, năm 2021 giảm còn 8 tàu khai thác vùng biển nước ngoài bị bắt. Đến thời điểm này của năm 2022 chỉ còn 6 tàu cá vi phạm. Đó cũng là nhờ nỗ lực của các cấp đã nỗ lực trong hoàn thành việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ tàu cá 1.453 thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tại Cà Mau.

Qua kiểm tra giám sát tại 2 cảng cá chỉ định (Sông Ðốc và Rạch Gốc), đã tiến hành kiểm tra 100% tàu cá cập cảng, rời cảng cá chỉ định với 11.560 lượt tàu; lập biên bản nhắc nhở 175 tàu cá và yêu cầu chủ tàu cam kết khai thác thuỷ sản theo đúng quy định của pháp luật.

Một tàu cá vi phạm trên vùng biển Cà Mau bị xử lý.

Ông Phan Hoàng Vũ  cho biết thêm: Công tác quản lý chống khai thác IUU của tỉnh Cà Mau thời gian qua rất quyết liệt, đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị của EC'.

“Thời gian tới, Sở NN&PTNT Cà Mau sẽ cùng các ngành chức năng phối hợp với cơ quan liên ngành, liên tỉnh để tăng cường mở những đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, nhằm phát hiện kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm các quy định về khai thác IUU. Theo đó, thực hiện nghiêm và xử lý triệt để sai phạm, đi cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU” , ông Phan Hoàng Vũ nhấn mạnh.

 

Biểu Quân
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top