Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 bắt đầu từ ngày 15/4 đến 15/5 với chủ đề: “Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới'” đã được các địa phương triển khai quyết liệt, nhiều vụ vi phạm về ATTP đã bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý
Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai Tháng hành động vì ATTP
Ngày 12/4 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội phối hợp UBND huyện Chương Mỹ tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Hà Nội là địa phương trên cả nước triển khai tháng hành động về ATTP
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn TP hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn như vậy nên vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội luôn được đặc biệt quan tâm.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, cùng với các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động tập trung xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.
Ngoài 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Riêng ngành Y tế chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…
Để Tháng hành động mang lại hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long đề nghị, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội lưu ý việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, đặc biệt là hình thức kinh doanh online (trực tuyến).
TP HCM: Tập trung vào kiểm tra, phòng ngừa và tuyên truyền
Phát biểu tại buổi lễ, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết, thời tiết tại TP.HCM đang vào cao điểm nắng nóng, ATTP đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc nâng cao nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn là ưu tiên hàng đầu.
Theo bà Lan, tháng hành động nhưng không có nghĩa chúng ta chỉ tập trung vào mỗi tháng này mà công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là công tác thường xuyên, liên tục suốt năm, từ đợt này sang đợt khác với nhiều mũi nhọn.
TP Hồ Chí Minh tập trung vào 3 mảng chính trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm".
Bà Lan hy vọng, với sự quyết tâm và cố gắng của Sở ATTP, tình trạng vi phạm liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm và ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP.HCM sẽ được kéo giảm, góp phần đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân TP.HCM.
Tháng cao điểm hành động vì an toàn thực phẩm sẽ tập trung vào 3 mảng hoạt động chính, đó là tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các ngành các cấp; tiến hành phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là người tiêu dùng và người hành nghề.
Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh, để Tháng hành động đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm TPHCM cần có những chỉ đạo sát sao về nâng cao vai trò của các cấp chính quyền trong quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm vai trò của những người sản xuất kinh đoanh thực phẩm và của cả người tiêu dùng.
Nghệ An: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy
Phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vinh tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 167-KH/TU ngày 14/3/2023 của Tỉnh ủy Nghệ An về việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, hình thành và phát triển chuỗi nông nghiệp sạch, hữu cơ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 có chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; diễn ra từ ngày 15/4/2024 đến 15/5. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, Nghệ An sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và thực hành đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Phát hiện và xử lý vi phạm về ATTP
Nằm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, các địa phương cũng đã phối hợp vứi các lực lượng chức năng, tiến hành kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm về ATTP trên địa bàn.
Công an huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) phối hợp Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra cơ sở của ông Phạm Văn Lâm tại thôn Đông Hợp, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn về công tác chấp hành pháp luật trong hoạt động chế biến thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở của ông Lâm đang có khoảng 30 công nhân chế biến khoảng 2000 kg chân vịt.
Số chân vịt thu giữ không có bao bì, nhãn mác, được chứa đựng trong các vỏ bao tải (ảnh VOV)
Toàn bộ số chân vịt tại cơ sở không có bao bì, nhãn mác hàng hóa, được chứa đựng trong các bao tải. Đại diện cơ sở là ông Phạm Văn L. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa cũng như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm.
Công an huyện Vân Đồn và Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật vi phạm, xác minh nguồn gốc, tịch thu và tiêu hủy 2000 kg chân vịt không rõ nguồn gốc; không để đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Đồng thời, cơ sở này cũng phải dừng hoạt động cho đến khi đủ điều kiện về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất thực phẩm.
Ngày 16/4 vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra đột xuất Công ty TNHH một thành viên Thương Nhung, tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) và phát hiện một số vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhân viên Công ty TNHH một thành viên Thương Nhung (do ông Nguyễn Văn Thương làm đại diện theo pháp luật) đang sản xuất, chế biến một số mặt hàng đóng gói sẵn từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm thành phẩm gồm: 56 gói bột nếp loại 400 g/gói; 181 gói bột béo loại 150 g/gói và 1 kg/gói; 239 gói bột chiên xù loại 100 g/gói. Tổng giá trị theo niêm yết gần 9,5 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện doanh nghiệp sản xuất 30 gói đường kính trắng loại 1 kg/gói (từ nguyên liệu rõ nguồn gốc xuất xứ) và các sản phẩm bột nếp, bột béo, bột chiên xù nêu trên thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Đội QLTT số 1 đã lập biên bản, đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5, để tháng an toàn thực phẩm đạt nhiều kết quả tốt, ngoài nhiệm vụ của các đơn vị chức năng, mỗi người dân hãy ủng hộ cho công tác an toàn thực phẩm bằng cách lực chọn các thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, được kinh doanh ở các cơ sở hợp pháp, không mua trôi nổi. Biết cách chế biến, sử dụng và bảo quản đảm bảo an toàn thực phẩm. Các đơn vị sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần phát triển bền vững. Thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tập huấn nâng cao nhận thức, tìm thị trường và kiểm tra giám sát chất lượng thực phẩm trong suốt quá trình lưu thông. Khi phát hiện hay chứng kiến những hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, người dân hãy báo cho các cơ quan chức năng qua đường dây nóng để xử lý kịp thời.
Theo báo VOV điện tử, báo Bắc Giang ĐT, báo Kinh tế đô thị ĐT, báo Nghệ An ĐT, báo Công lý ĐT