Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 1 năm 2024 | 14:18

Các địa phương tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, vì thế nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm bắt đầu tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm mà thực phẩm không rõ nguồn gốc được đem đi tiêu thụ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề. Vì thế, các lực lượng chức năng ở các địa phương đang triển khai quyết liệt công tác kiểm tra ATTP.

Tăng cường kiểm tra các cơ sở thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội

Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội là thời gian cao điểm diễn ra các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, vui chơi, người dân tổ chức tiệc tùng. Vì thế, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) cần được đặc biệt quan tâm. Dịp này cùng với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng, người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng luôn phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP, vừa để bảo vệ công việc kinh doanh của mình được bền vững, vừa bảo vệ tốt sức khỏe của cộng đồng.

Nhiều địa phương tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm.

Từ đầu tháng 1/2024, Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về ATTP thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đã xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024 trên địa bàn. Các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ cấp thành phố đến phường, xã được thành lập, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Bà Đậu Hoa Lưu, Trưởng phòng Y tế thành phố cho biết: Các đoàn tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, rượu, bia, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Thành phố Phủ Lý có 1.264 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến lương thực, thực phẩm; trong đó, kinh doanh thực phẩm 305 cơ sở; sản xuất thực phẩm (bao gồm vừa sản xuất vừa kinh doanh) 159 cơ sở; dịch vụ ăn uống 825 cơ sở (thành phố quản lý 326 cơ sở; phường, xã quản lý 499 cơ sở trong đó có 67 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố).

Ngày 18/1, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tiến hành kiểm tra các cơ sở chế biến nông sản, pa tê bánh mì, nem chả… trên địa bàn TP. Huế. Hoạt động nằm trong kế hoạch kiểm tra định kỳ của Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP tỉnh.

Đây là những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Qua thực tế khu vực chế biến và rà soát giấy tờ đăng ký, đoàn kiểm tra góp ý việc hoàn thiện các hồ sơ tự công bố, bổ sung thông tin bao bì khi cung cấp hàng cho các đơn vị tiêu thụ, nguồn nguyên liệu đầu vào phải có xuất xứ rõ ràng, bảo dưỡng trang thiết bị thường xuyên, chú trọng khâu vệ sinh trong sản xuất. Hoạt động kiểm tra kéo dài đến ngày 20/3.

Thời gian này các địa phương trên cả nước đều đồng loạt ra quân để kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, qua kiểm tra đã có nhiều vụ vi phạm về ATTP bị phát hiện và thu giữ.

Hà Nội thu giữ hơn 6,2 tấn mỡ bò, óc lợn trôi nổi chuẩn bị vào nhà hàng, quán ăn

Thực hiện kế hoạch cao điểm đấu tranh và trấn áp tội phạm để đảm bảo ANTT Tết Nguyên đán 2024, cũng như thực hiện kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp này và mùa Lễ hội Xuân 2024, Công an TP Hà Nội đã tiến hành theo dõi hoạt động nhập nguyên liệu phục vụ chế biến thực phẩm của một số nhà hàng và xưởng sản xuất xúc xích trong khu vực.

Hơn 6,2 tấn mỡ bò và óc lợn không có nguồn gốc CA Hà Nội thu giữ.

Theo Công an TP Hà Nội, ngày 17/1, sau khi kiểm tra lực lượng Công an đã phát hiện một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại thôn Thuỵ Ứng, xã Hoà Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, lưu trữ hơn 6,2 tấn thực phẩm (bao gồm 5,5 tấn mỡ bò và 0,7 tấn óc lợn) không có hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Chủ cơ sở thừa nhận đã thu mua mỡ bò, óc lợn từ nhiều nguồn trên địa bàn Hà Nội và sau đó tích trữ trong kho lạnh để bán cho người dân, nhà hàng, bếp ăn và xưởng sản xuất xúc xích có nhu cầu trong khu vực và các tỉnh lân cận.

Điều đáng chú ý là số mỡ bò đã bị đổi màu, chảy nước, không đảm bảo an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nếu sử dụng trong các cơ sở chế biến và sản xuất thực phẩm.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội tiếp tục phối hợp xác minh để làm rõ vi phạm của cơ sở này, để xử lý nghiêm.

Ngày 18/1, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Trạm chăn nuôi, thú y TP Thuận An kiểm tra phát hiện một kho thực phẩm đông lạnh có chứa hàng tạ thịt đang có dấu hiệu phân hủy.

Khoảng hơn 300 kg thịt gà xay đang có dấu hiệu phân hủy. Ảnh: CABD

Đoàn kiểm tra phát hiện một số sai phạm như kho bảo quản thực phẩm của công ty không có đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; không phân loại, bảo quản riêng biệt phế thải; 330 kg thịt gà xay đông lạnh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Đáng chú ý, khoảng 300 kg thịt gà xay đông lạnh đã biến đổi màu sắc có dấu hiệu đang phân hủy.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, đơn vị này không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Nhiều biện pháp kiểm tra được thực hiện

Mới đây, văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 16/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các Bộ gồm: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chủ động xây dựng, vận hành các trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm nhằm tạo thêm công cụ để quản lý và có biện pháp để doanh nghiệp, người dân có thể đăng ký, công bố sản phẩm của mình với thủ tục hành chính đơn giản, thuận lợi; qua trang điện tử này, người tiêu dùng được thông tin và có thể phản ánh, đánh giá về sản phẩm thực phẩm, bảo đảm công khai, minh bạch.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chiến lược, chỉ thị về an toàn thực phẩm. Rà soát, tham mưu về các nhiệm vụ, giải pháp về công nghệ và kỹ thuật, phòng thí nghiệm... giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm có kết nối với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp nền tảng cho các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý thực phẩm và để doanh nghiệp, người dân đăng ký, công bố sản phẩm thực phẩm của mình theo hướng dẫn của các bộ, ngành. Bộ Y tế phải coi việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR... là một giải pháp nhằm cải cách quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất Dự án về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm (Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế thực hiện việc này), báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

Ngay trong tháng 01/2024, Bộ Y tế hướng dẫn về mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách, trước mắt và lâu dài (về thể chế, chiến lược), trong đó có giải pháp cho các vấn đề mới để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và có biện pháp quản lý hiệu quả.

Hiện đại hóa cách thức thanh tra, kiểm tra, quản lý. Rà soát, cập nhật, ban hành mới các quy định về quản lý các vấn đề cụ thể như sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, thực phẩm nhập lậu, hàng giả... Các ngành, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra.

Các Bộ, cơ quan ở Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực (tránh hình thức) bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2024 theo Kế hoạch số 1540/KH-BCĐTƯATTP ngày 13/12/2023 của Ban chỉ đạo; lưu ý tăng cường việc kiểm tra đột xuất.

Với biện pháp kiểm tra ATTP thông qua các trang thông tin điện tử như thế này, sẽ giúp người tiêu dùng an tâm  và các lực lượng chức năng sẽ làm tốt công tác kiểm tra ATTP hơn.

 

Theo Báo Gia đình & Xã hội, báo Bình Dương, báo Hà Nam, báo Thừa Thiên Huế

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top