Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 10 năm 2022 | 13:27

Cách làm sáng tạo của xã Tam Giang Tây trong xây dựng sản phẩm OCOP

Có đủ điều kiện xây dựng sản phẩm OCOP, nhưng thiếu nguồn vốn, xã Tam Giang Tây (Ngọc Hiển - Cà Mau) lựa chọn cách làm táo bạo. Đó là tập trung nguồn lực để xây dựng thành công một mô hình, sau đó nhân rộng bằng kinh tế hợp tác. Từ thành công này, sẽ mở rộng các loại hình sản phẩm OCOP mới.

Đủ lực, nhưng thiếu nguồn

Tam Giang Tây là xã biển vùng sâu còn nghèo của huyện Ngọc Hiển, thu nhập kinh tế chủ yếu từ nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Sản vật từ con tôm, cua, cá nơi đây nổi tiếng khắp cả nước bởi địa phương nằm trong vùng Ngọc Hiển - Năm Căn, nơi có nhiều phù sa bồi đắp. Xã có diện tích 92,35 km², dân số có hơn 9.000 người với mật độ  99 người/km². Thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/người/năm. 

Những sản phẩm tiêu biểu của Giang Loan.

Xã có làng nghề truyền thống từ các sản phẩm đánh bắt lâu đời từ biển và nuôi trồng thủy sản theo hình thức bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến. Với vị trí giáp biển tuy thuận lợi nghề biển, nhưng giao thông còn nhiều hạn chế, do hệ thống sông ngòi chằng chịt.

Trong bối cảnh các tiêu chí nông thôn mới ở Cà Mau ngày càng nâng cao, quy trình thủ tục xây dựng OCOP rất nghiêm ngặt. Vì vậy, nhiều năm nay, Tam Giang Tây vẫn loay hoay với sản phẩm OCOP; hợp tác xã và các hộ nông dân cũng thờ ơ với sản phẩm OCOP. Thêm nữa, các doanh nghiệp - hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn lại không mặn mà với sản phẩm này, bởi thiếu kinh phí và thủ tục phiền hà. Gặp khó khăn là vậy, tưởng không thể vượt qua. Nhưng không vì khó mà xã bỏ không làm OCOP. 

Ông Phạm Chí Công, Bí thư Đảng ủy xã Tam Giang Tây, cho biết: Nghị quyết của xã phải xây dựng 1 sản phẩm OCOP. Bởi làng nghề truyền thống từ sản phẩm biển của xã có hàng trăm năm nay, các sản phẩm từ biển của Tam Giang Tây được tiêu thụ nhiều nơi với sự tín nhiệm cao. Quyết tâm phải đưa sản phẩm của ngành nghề quê hương vươn ra cả nước, Đảng ủy và UBND xã bàn lại, cùng đồng lòng chọn cách đột phá. Cuối cùng, chọn cách “đột phá, nở hoa”.

Theo đó, xã chọn một doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện nội lực (uy tín, năng lực sản xuất, thương hiệu…) để động viên xây dựng sản phẩm OCOP, với cam kết giúp về vốn và thủ tục. Đổi lại, sau khi thành công, doanh nghiệp sẽ cùng xã lập nên mô hình kinh tế hợp tác xã, hợp tác xã này chuyên sản xất các sản phẩm OCOP mới. Đây được xem là cách nhanh và hiệu quả nhất để giúp ích cho người dân.

Theo cách làm đó, năm 2021, xã đã vận động được cơ sở sản xuất hộ gia đình Giang Loan ở Chợ Thủ A. Nửa chừng thiếu vốn, Giang Loan xin rút. Anh em trong xã động viên tiếp tục, gom góp tiền túi được 20 triệu đồng để xoay xở, cho mượn không lãi để làm vốn mở rộng sản xuất. Sau đó, tranh thủ vận động thêm từ nguồn vốn vay thêm 60 triệu khác từ quỹ Hội Nông dân. Vậy là Giang Loan an tâm, cam kết cùng xã đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP với 3 sản phẩm: Tôm khô, bánh phòng tôm các loại và mắm tôm.

Thành công ngoài mong đợi

Có nguồn vốn, Giang Loan đầu tư trang thiết bị hợp vệ sinh theo quy định. Tham gia các lớp tập huấn về sản xuất bảo quản các sản phẩm. Mở rộng nhà xưởng, thuê mướn thêm nhân công. Cán bộ xã lại chính là những người quảng bá giới thiệu sản phẩm với tỉnh và các địa phương khác. Vậy là đầu ra của Giang Loan cứ tăng đều, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm OCOP của Giang Loan chiếm lĩnh thị trường.

Những sản phẩm khác đang được Tam Giang Tây xây dựng OCOP mới năm 2023.

Tính đến nay, Giang Loan đã 3 có sản phẩm đã hoàn tất thủ tục đăng ký lên sàn OCOP, dự kiến chính thức lên sàn ngày 15/11/2022. Nhưng thành công hơn, doanh số của cơ sở tăng mạnh, khi Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, hơn 1 tấn tôm khô được các bạn hàng ở Bình Dương, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu tiêu thụ, nhưng vẫn không đủ bán. Chưa kể hơn 1 tấn bánh phồng tôm các loại cũng được tiêu thụ hết. 

Nhưng những người mừng nhất, chính là lãnh đạo xã Tam Giang Tây. Khi có đến 9 hộ kinh doanh khác đăng ký được hợp tác làm ăn với Giang Loan dưới hình thức hợp tác xã để mở rộng mô hình sản xuất các sản phẩm OCOP. Theo kế hoạch của xã và Giang Loan, hợp tác xã này sẽ chuyên sản xuất các sản phẩm OCOP khác từ các sản phẩm thế mạnh của địa phương từ tôm sinh thái, các loại cá khô, các loại mắm tôm, mắm cá, cua, ba khía… Hiện, các thủ tục thành lập hợp tác xã đang được UBND xã vận động xúc tiến.

Bà Trương Kim Loan, Chủ cơ sở Giang Loan cho biết, gần 20 năm qua, cơ sở đã sản xuất theo cách thủ công, dân gian. Với quy trình thô sơ, không đảm bảo thời gian bảo quản. Nhưng từ sau tháng 11/2022, khi 3 sản phẩm OCOP của cơ sở chính thức lên sàn, cơ sở sẽ tiếp tục xây dựng thêm hai sản phẩm OCOP khác là mắm cá sơn và mắm tôm bằng quy trình với thiết bị hiện đại. Tất cả đều là nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của xã về vốn, kiến thức, và trợ giúp thủ tục pháp lý. 9 hộ dân khác đang đợi cùng Giang Loan mở rộng sản xuất với hình thức hợp tác xã. Chỉ chuyên về sản xuất sản phẩm OCOP được lên sàn và xây dựng sản phẩm OCOP mới. Bà Loan chia sẻ: “Vừa mừng vừa lo, vì đang có nhiều đơn hàng đặt thêm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 cao hơn nhiều so với các năm trước, trong khi gần đây mưa nhiều, không thuận lợi cho các sản phẩm tôm, cá khô”.

Ngoài thành công khi doanh thu tăng vọt từ khi làm sản phẩm OCOP, cơ sở Giang Loan còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 người thân trong gia đình cùng 5-7 người dân lân cận với thu nhập bình quân 250.000 - 350.000 đồng/ngày. Việc này đã góp phần giải quyết được một số lao động nhàn rỗi của địa phương, khi hợp tác xã đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho vài chục lao động khác. 

Theo ômg Công, thành công của mô hình này sẽ còn lớn hơn, khi vào cuối năm 2022 đầu năm 2023 có hàng chục hộ tham gia Hợp tác xã theo mô hình kể trên. Ngoài việc góp phần tiêu thụ nông sản của xã, tăng doanh thu, tạo được nhiều việc làm cho nhân công nhàn rỗi tại địa phương. Còn góp phẩn đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất nuôi trồng tại địa phương Tam Giang Tây. Cùng với các hoạt động kinh tế sản xuất khác, hợp tác xã sẽ góp phần ổn định tình hình kinh tế chính trị xã hội của địa phương. 

Sắp tới, xã sẽ chủ động nhờ huyện và tỉnh hướng dẫn các bước để tiếp cận với các siêu thị, trong ngoài tỉnh. Qua đó, tạo kênh tiêu thụ sản phẩm theo quy trình vững chắc: thu mua nguyên liệu tại địa phương - sản xuất OCOP vững chắc - tiêu thụ sản phẩm bền vững. Từ đó tạo sự ổn định và niềm tin cho bà con an tâm sản xuất. Với thành công bước đầu hiện tại, nhiều bà con đã quan tâm tìm hiểu để học tập. Nên chắc chắn, năm 2023, xã Tam Giang Tây sẽ không chỉ có 1 sản phẩm OCOP như nghị quyết đặt ra.

 

 

Biểu Quân
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top