Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 7 năm 2023 | 10:5

Cán bộ Hội “đánh thức” phong trào làm vườn kiểu mẫu

Gần 20 năm gắn bó với Hội Làm vườn, ông Nguyễn Thế Phiệt, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Chiến Thắng (An Lão - TP. Hải Phòng) được biết đến là người nhiệt tình, tận tâm với công việc; luôn gần dân, thấu hiểu và đồng hành cùng bà con trong phát triển kinh tế vườn. Hơn nữa, ông còn là cán bộ mẫu mực, đi đầu trong phong trào làm vườn mẫu tại địa phương.

Đam mê với nông nghiệp

Tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế VAC của ông Nguyễn Thế Phiệt (SN 1952), Chủ tịch Hội Làm vườn xã Chiến Thắng vào một ngày hè. Tiếp tôi trong căn biệt thự khang trang, ông Phiệt kể về trăn trở làm sao giúp người dân địa phương phát triển kinh tế vườn gắn với xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, để nông thôn trở thành “miền quê đáng sống”.

Từ khi Hội Làm vườn TP. Hải Phòng triển khai Kế hoạch thực hiện xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn tại TP. Hải Phòng (giai đoạn 2022- 2024), ông Phiệt đã ý thức được trách nhiệm cũng như nhiệm vụ quan trọng này. Hơn ai hết, ông hiểu muốn thực hiện được phong trào xây dựng vườn mẫu, trước hết, cán bộ phải gương mẫu đi đầu, từ đó làm gương cho các hộ dân học tập làm theo.

Ông Phiệt bên vườn nhãn của gia đình.

Nắm bắt được cơ hội, Hội Làm vườn TP. Hải Phòng kết hợp cùng Hội Nông dân thành phố tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm vườn mẫu tại hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông Phiệt hăng hái tham gia. “Trước đây, tôi từng công tác tại Nông trường Vinh Quang, đến năm 1988, về hưởng chế độ do mất sức. Khi về địa phương, tôi làm đủ nghề để phát triển kinh tế gia đình: nuôi vịt, gà, cá; cấy lúa; thầu bãi nuôi trồng thuỷ sản… Sau dần cũng đam mê với  làm nông nghiệp, gần gũi với người nông dân. Chính vì vậy, tôi hiểu được họ, để thay đổi tư duy, phương thức sản xuất thì phải cho họ  thấy kết quả thực tế. Từ đó,  cứ có cơ hội là tôi đi thực tế, sau chuyến đi này tôi học được mô hình nuôi ốc bươu kết hợp thả cá, làm vườn kiểu mẫu của địa phương bạn, và trên hết là học được tính cần cù, chịu khó của họ”,  ông chia sẻ.

Ông Phiệt cho biết thêm: “Sau khi học tập, nắm vững được kiến thức về quy trình nuôi, thả, phòng chống dịch bệnh…, tôi bàn với gia đình phát triển mô hình vườn mẫu, góp phần xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Từ suy nghĩ cho đến hành động, cuối tháng 3/2023, ông Phiệt bắt tay xây dựng vườn mẫu của gia đình. Với gần 2.000m2  ao, vườn, ông bắt đầu từ cải tạo ao. Ông nạo vét hết lớp bùn dưới đáy ao đảm bảo độ sâu trên 2m; xây bờ kiên cố bốn xung quang ao, tường rào chắn; phủ lớp cát trên đáy ao; ao nuôi có hệ thống cấp thoát nước ra vào đảm bảo vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt nhất.

Ông  Phiệt phấn khởi khi mô hình của gia đình vừa xuất bán được lứa ốc bươu đầu tiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với 800m2 ao, ông Phiệt kết hợp thả hơn 2.500 con cá trê ta, 1 vạn cá rô đồng, 1 vạn ốc bươu thương phẩm, cá chuối, ba ba, ếch theo mật độ được hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng.

Trên vườn, ông trồng nhiều cây ăn quả như nhãn, mít, chuối và nhiều loại rau màu theo mùa vụ kết hợp nuôi gà thả vườn, có hệ thống thoát nước, tưới tiêu... Tổng nguồn vốn đầu tư ban đầu hơn 130 triệu đồng.

Sau hơn 2 tháng cải tạo ao, vườn, số lượng ốc bươu thương phẩm của gia đình đã được xuất bán ra thị trường với sản lượng  3,5 tạ, với giá 75.000 đồng/kg, cho thu khoảng 25 triệu đồng. Các con vật khác đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình, ông Phiệt ước thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Gương mẫu đi đầu trong xây dựng vườn mẫu

“Là người làm công tác Hội Làm vườn, bản thân tôi luôn tự ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc đồng hành cùng người dân địa phương phát triển kinh tế vườn, kinh tế hộ gia đình. Trách nhiệm là vậy nhưng cũng phải xuất phát từ cái Tâm, sự đam mê, không ngừng thay đổi tư duy,  tiên phong đi đầu trong mọi phong trào. Kết quả từ việc cải tạo ao vườn thành vườn mẫu của tôi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Từ kết quả thực tế đó mình mới vận động được người dân tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, cùng người dân địa phương xây dựng vườn mẫu, tạo cảnh quan, môi trường đáng sống ở vùng quê. Mô hình của gia đình cũng được nhiều người dân địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để làm theo”, ông Phiệt phấn khởi nói.

Dù bước sang tuổi 71, nhưng Chủ tịch Hội Làm vườn xã Chiến Thắng vẫn cần mẫu như con ong chăm chỉ, kiên trì làm việc để tạo nên mật ngọt cho đời. Ông miệt mài với những chuyến đi, có dịp đi các địa phương, tỉnh bạn để học tập, trải nghiệm các mô hình phát triển kinh tế VAC ông đều tham gia.

Ông Phiệt luôn đồng hành cùng người dân địa phương trong phát triển kinh tế vườn hướng đến xây dựng vườn mẫu trên xã NTM kiểu mẫu.

Sau mỗi chuyến đi, trở về là ông lại đồng hành cùng nông dân xây dựng, phát triển kinh tế vườn, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới học được vào sản xuất. Bởi với ông, việc cống hiến hết mình cho công việc, đồng hành cùng người dân địa phương là niềm vui mỗi ngày.

Bà Ngô Thị Minh Hà, Chủ tịch Hội Làm vườn TP. Hải Phòng, nhận xét: Ông Nguyễn Thế Phiệt là cán bộ Hội gương mẫu đi đầu trong các phong trào của Hội. Trên vai trò là Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện An Lão kiêm Chủ tịch Hội Làm vườn xã Chiến Thắng, ông Phiệt đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát với cơ sở, với hội viên, vận động, giải thích cho người dân hiểu và tham gia cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn mẫu theo chủ chương của thành Hội.

Việc thực hiện xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường nhằm gìn giữ cảnh quan, không gian sống trong lành tại địa phương. Cũng chính nhờ những cán bộ Hội có tâm huyết như ông Phiệt, tổ chức Hội Làm vườn và các phong trào do Hội phát động ngày càng phát triển, góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top