Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 30 tháng 4 năm 2023 | 11:0

Cần làm rõ trách nhiệm trong quản lý khai thác khoáng sản

Tình trạng khai thác cát lậu diễn ra rầm rộ với quy mô lớn tại nhiều địa phương. Các đối tượng đưa người và máy móc ngang nhiên vào khai thác cát trái phép. Quá bức xúc, người dân đã gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng, phản ánh tới báo chí...

Khoáng sản bị tận thu hàng chục năm không phép

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản về việc kiểm tra, xử lý việc khai thác khoáng sản không có giấy phép của Công ty TNHH Nhà máy gạch ngói Lâm Viên (Công ty Lâm Viên) tại xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng).

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, các đơn vị có liên quan xem xét đề nghị của UBND huyện Đức Trọng để xử lý theo quy định. Báo cáo UBND tỉnh trong tháng 4/2023.

Trước đó, tại Thông báo số 213/TB-KTNN của Kiểm toán Nhà nước về việc kết luận, kiến nghị kiểm toán ngân sách địa phương năm 2020 của tỉnh Lâm Đồng, đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND huyện Đức Trọng và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý những vi phạm nghiêm trọng liên quan tới hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty Lâm Viên.

Sau khi có kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, UBND huyện Đức Trọng đã vào cuộc xác minh và có các Báo cáo số 152/BC-UBND ngày 27/12/2021 và 153/BC-UBND ngày 29/3/2023.

UBND huyện Đức Trọng xác định, ngày 5/4/2004, Công ty Lâm Viên được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép tạm thời, khai thác tận thu đất sét để làm gạch ngói với diện tích 2ha tại xã Ninh Gia, công suất khai thác 5.000m3/năm, thời hạn 12 tháng.

Hết hạn, ngày 21/10/2009 doanh nghiệp này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác đất sét làm gạch ngói với diện tích 4ha, công suất khai thác 20.000m3/năm, thời hạn khai thác 3 năm.

Đầu năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh bổ sung giấy phép khai thác, cho phép công ty được khai thác đất sét gạch ngói và cát xây dựng (đi kèm), bổ sung thêm công suất khai thác cát xây dựng là 7.000m3/năm, thời gian giấy phép đến ngày 21/10/2012.

Hàng nghìn mét khối đất sét, cát được Công ty Lâm Viên khai thác mỗi năm, nhưng hơn 10 năm qua công ty này vẫn không bị kiểm tra, xử lý.

Tuy nhiên, sau khi được điều chỉnh giấy phép bổ sung thêm công suất khai thác cát xây dựng 7.000 m3/năm, Công ty Lâm Viên không thực hiện lập lại hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường và dự án cải tạo, phục hồi môi trường trình UBND huyện Đức Trọng phê duyệt.

Sau khi kiểm tra, UBND huyện Đức Trọng đã chỉ ra những vi phạm của doanh nghiệp này. Theo đó, từ cuối năm 2012 tới thời điểm kiểm tra (cuối năm 2021), doanh nghiệp này khai thác đất sét, gạch ngói và cát xây dựng ở 8 vị trí, trên tổng diện tích 16,4ha, nhưng không được cấp có thẩm quyền cấp phép.

Các vị trí khai thác khoáng sản này nằm trong khu vực đất kinh tế quốc phòng 78 của Học viện Lục quân tại xã Ninh Gia và nằm ngoài vị trí 4ha mà trước đây đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép khai thác (đã hết hạn năm 2012).

Cơ quan chức năng xác định, công suất khai thác đất sét, gạch ngói không phép trung bình hàng năm của Công ty Lâm Viên là 67.898m3/năm và cát xây dựng đi kèm khoảng 3.278m3/năm và khoảng 25 triệu viên gạch thành phẩm/năm.

Từ tháng 11/2012 đến hết tháng 9/2021, Công ty này đã khai thác lậu tổng cộng 611.082m3 đất sét và 29.501m3 cát xây dựng. Thế nhưng Công ty không có báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh để trường trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và cũng không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường, không lập đề án đóng cửa mỏ theo quy định.

Như vậy, từ năm 2012 tới nay (hơn 10 năm), mặc dù không được cấp có thẩm quyền cho phép khai thác khoáng sản là đất sét và cát để sản xuất gạch ngói, làm vật liệu xây dựng nhưng Công ty Lâm Viên ngang nhiên khai thác. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản và nguồn thu của Nhà nước.

Khoáng sản dưới sông Trà Khúc bị công khai “móc ruột”

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã ký công văn khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi vào cuộc xác minh làm rõ nội dung báo chí phản ánh liên quan đến tình trạng khai thác cát lậu trên sông Trà Khúc đoạn qua trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi.

Theo đó, trong công văn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh hoạt động khai thác cát lậu đang diễn ra trên sông Trà Khúc, đoạn qua khu vực giáp ranh trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi và xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Công trường cát tặc ngang nhiên tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật ở Quảng Ngãi. Ảnh: Báo Giao thông.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Có giải pháp hữu hiệu, lâu dài để ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát lậu. Báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 25/4.

Trước đó, báo chí đã phản ánh hoạt động khai thác cát lậu diễn ra công khai trên sông Trà Khúc đoạn qua khu vực giáp trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi khiến người dân bức xúc. Các đối tượng khai thác cát lậu tự lập bến bãi, mở đường chạy cắt ngang đường giao thông qua hành lang an toàn đê điều sông Trà Khúc để lập bãi tập kết cát và đưa phương tiện cơ giới vào đào, xúc, vận chuyển cát đi tiêu thụ.

Tái diễn tình trạng hút cát trên sông Cái 

Do nhu cầu cát xây dựng tăng cao, trong khi trên địa bàn lại thiếu các mỏ khoáng sản cung ứng vật liệu xây dựng nên kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tình trạng hút cát trên sông Cái đoạn chảy qua địa bàn huyện Diên Khánh – Khánh Hòa tái diễn rầm rộ, công khai.

Hơn 300 khối cát được lực lượng chức năng thu giữ từ đầu năm đến nay đã cho thấy mức độ phức tạp của tình trạng khai thác cát trái phép ở địa phương này. Lãnh đạo UBND xã cho biết, ngay khi phát hiện tình trạng khai thác cát lậu ngày một nhiều, lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, tổ chức tháo dỡ các bãi bến tập kết trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên lực lượng, phương tiện tại địa phương còn mỏng khiến công tác quản lý, kiểm soát hoạt động này là điều không đơn giản.

Hơn 300 khối cát được lực lượng chức năng thu giữ từ đầu năm đến nay đã cho thấy mức độ phức tạp của tình trạng khai thác cát trái phép 

Không chỉ riêng chính quyền xã Diên Lâm mà tất cả địa phương có dòng sông Cái chảy qua cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc bắt giữ ghe hút cát trái phép, nhất là vào ban đêm. Các đối tượng khai thác cắt cử người cảnh giới, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì các ghe vi phạm chạy ra giữa dòng hoặc đánh chìm. UBND các xã, thị trấn chưa có công cụ, phương tiện phục vụ cho hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm về tài nguyên, khoáng sản tại địa bàn. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe nên các chủ xe tiếp tục tái phạm.

Vừa qua, UBND huyện Diên Khánh đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời sẽ sớm bổ sung nguồn lực, phương tiện để ngăn chặn đối tượng tham gia vào khai thác khoáng sản trái phép.

Cùng với đó, UBND huyện đã giao UBND các xã, thị trấn lập danh sách, mời đối tượng vi phạm ký cam kết để răn đe, phòng ngừa; chủ động rà soát các bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn quản lý, lập kế hoạch đóng, tháo dỡ các con đường, bến, bãi tự phát; Tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện tham gia khai thác khoáng sản tại lòng sông, suối, bãi bồi, khu vực đồi núi, đất rẫy của người dân.

Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm

Trước thực trạng khai thác khoáng sản tại nhiều địa phương, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu vấn đề: “Tại sao các cơ quan ở địa phương lại để xảy ra tình trạng như vậy? Thứ nhất do công tác quản lý nhà nước yếu kém, lơ là quản lý. Thứ hai có thể do lợi ích nhóm. Thứ ba có thể có việc bảo kê cho hoạt động này”.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì cho rằng: “Ở đây vẫn còn nhiều nơi, nhiều địa phương có sự móc nối hay là nhóm lợi ích giữa người làm nhà nước và những đối tượng khai thác cát lậu, sự thực là người dân phải chịu đựng, còn lợi ích thì được chia chác giữa những người làm nhà nước và người khai thác cát lậu”.

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho biết: “Tài sản của người dân mất một cách trắng trợn, người dân rất bức xúc. Tình trạng đó vẫn hiển hiện thì cơ quan quản lý ở đâu, cảnh sát môi trường ở đâu, công an ở đâu, chính quyền địa phương ở đâu? Do đó, Chính phủ cần có chỉ thị chỉ đạo tất cả các địa phương giao trách nhiệm, yêu cầu những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này. Không thể để từng tất đất của người dân mất đi như thế được".

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top