Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 1 năm 2023 | 15:49

Cần mạnh tay xử lý hành vi vi phạm liên quan đến đất nông nghiệp

Tình trạng người dân lấn chiếm, sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm không đúng mục đích và xây dựng nhà ở, nhà kho, làm sân bê tông, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp… Chính quyền địa phương cần “mạnh tay hơn” trong xử lý hành vi vi phạm này.

Làm đường giao thông trên đất nông nghiệp

Theo báo cáo của Phòng TN-MT huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), tại khu đất Đặng Gia Viên gồm 3 thửa đất số 177, 204, 205 cùng thuộc tờ bản đồ số 20, xã Bình Lợi hiện do ông Đặng Hữu Nghĩa làm chủ sử dụng. Khu đất có tổng diện tích hơn 7,7 ngàn m2, trong đó diện tích được quy hoạch đất ở tại nông thôn là hơn 2,9 ngàn m2 và đất trồng cây lâu năm là hơn 4,8 ngàn m2.

Kiểm tra hiện trạng trên khu đất có các công trình xây dựng là nhà ở, nhà kho, sân, đường giao thông nội bộ và công trình kè sông. Theo Luật Xây dựng, các công trình này thuộc trường hợp miễn giấy phép xây dựng.

Công trình nhà vườn cấp 4 hạng 1 bên trong khuôn viên khu đất Đặng Gia Viên

Tuy nhiên, UBND huyện xác định có 2 vi phạm là: Sử dụng đất không đúng mục đích để xây dựng nhà ở, xây nhà kho, làm sân bê tông, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp; lấn chiếm đất do nhà nước quản lý kè sông và chiếm dụng một phần đường giao thông.

UBND huyện Vĩnh Cửu đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp số tiền hơn 4,6 triệu đồng và buộc khắc phục hiện trạng ban đầu, chủ đất đã nộp tiền nhưng chưa khắc phục. Về hành vi lấn chiếm đường đi chung chủ đất đã tự tháo dỡ cổng sắt chắn ngang đường. Riêng phần kè bờ sông huyện chưa xử lý, kiến nghị các sở, ngành của tỉnh hướng dẫn.

Tại buổi giám sát, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Phi cho rằng, vấn đề này thuộc thẩm quyền của xã, huyện, cần phải kiểm tra, xem xét nếu đã có quy hoạch đất ở và đủ điều kiện chuyển đổi cần hướng dẫn đổi mục đích sử dụng đất. Đối với việc chiếm dụng đường chung cần xem xét mức độ ảnh hưởng, tranh chấp với các hộ lân cận. Riêng phần làm kè bờ sông trên phần đất nhà nước quản lý cần thống nhất biện pháp xử lý.

Các sở, ngành cần có hồ sơ biểu mẫu, hướng dẫn cụ thể khi người dân thực sự muốn kè sông giữ đất. UBND huyện tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng tránh tình trạng để xảy ra mới tìm cách giải quyết.

Trước đó, một số phương tiện truyền thông có bài phản ánh tại các thửa đất số 177, 204, 205 tờ bản đồ số 20 xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu xảy ra tình trạng chủ sử dụng đất xây dựng công trình dinh thự lớn trên đất nông nghiệp gồm: xây dựng biệt thự, làm đường nội bộ bên trong khu đất, xây dựng bờ kè lấn sông Đồng Nai, chiếm đường đi công cộng.

Chính quyền đùn đẩy trách nhiệm trong việc xử lý sai phạm

Liên quan đến vị đại gia tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngang nhiên xây dựng dự án trái phép trên đất lúa và chiếm dụng đất do nhà nước quản lý đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Dù cơ quan chức năng khẳng định việc xây dựng là sai phạm rõ ràng nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và chưa có phương án xử lý.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Trần Hoài Đức, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, cho biết: “Việc gia đình ông Lê Thanh Tùng tiến hành gom mua đất trồng lúa của người dân địa phương tại thôn Đồng Vịnh, xã Tân Dân và xây dựng dự án là hoàn toàn sai phạm. Hiện nay chúng tôi đã trực tiếp xuống địa phương kiểm tra và có văn bản chỉ đạo để UBND xã vào cuộc xử lý”.

Tuy nhiên, sau khi làm việc với ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho rằng việc chính quyền huyện Đức Thọ ra văn bản chỉ đạo xử lý, xử phạt những sai phạm của gia đình ông Lê Thanh Tùng là vượt quá thẩm quyền chức năng của UBND xã.

“Sau khi có văn bản của UBND huyện Đức thọ, hiện chúng tôi đã cho đình chỉ xây dựng. Nhưng phương án xử lý, xử phạt thì vượt quá thẩm quyền của UBND xã”, ông Thắng chia sẻ.

Cánh đồng lúa màu mỡ bỗng nhiên biến thành dự án trái phép.

Như vậy, hiện nay chính quyền UBND huyện Đức Thọ và xã Tân Dân đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, chưa đưa ra biện pháp xử phạt nào dù sự việc đã xảy ra một thời gian khá dài.

Hiện người dân địa phương hết sức bất bình, mong muốn UBND huyện Đức Thọ vào cuộc một cách quyết liệt, nghiêm túc để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã “làm ngơ” cho gia đình ông Tùng xây dựng trái phép trên đất trồng lúa. Sai phạm tới đâu phải xử lý tới đó, không nên tạo tiền lệ xấu về sau.

Trước đó, như báo chí đã thông tin, gia đình ông Lê Thanh Tùng, một người con quê hương xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, hiện đang sinh sống tại tỉnh Bình Dương đã về quê tiến hành gom mua đất trồng lúa của người dân địa phương tại thôn Đồng Vịnh, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ.

Sau đó vị “đại gia” này đã tiến hành xây dựng tường rào 4 phía kiên cố bao quanh hơn 33.000m2 diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 28.000m2 đất trồng lúa và 5.100m2 đất công do chính quyền UBND xã Tân Dân quản lý.

Phía trong bức tường, hơn 33.000m2 đất nông nghiệp đang được công nhân tiến hành đào hồ thả cá và trồng cây. Thoáng nhìn qua, cả cánh đồng trông giống một khu du lịch sinh thái có quy mô đang được xây dựng.

Dự án của ông Lê Thanh Tùng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện, nhưng vẫn ngang nhiên tiến hành xây dựng một hệ thống tường rào kiên cố bao quanh đất nông nghiệp, đồng thời cho máy xúc đào ao sâu, trồng cây trên diện tích lớn đã tạo dư luận trái chiều.

Với những sai phạm nói trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Từ một vùng đất trồng lúa màu mỡ, nay chuyển đổi sang đất nuôi trồng thủy sản, được đầu tư công phu như vậy liệu có phải là chiêu bài để một số người lợi dụng rồi tiếp tục chuyển đổi sang đất thương mại, dịch vụ...?.

Truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm

Mới đây, ông Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ký Chỉ thị số 29/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

Chị thị chỉ rõ: Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở một số địa phương chưa chặt chẽ; quá trình khai thác khoáng sản không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường; còn có các điểm mỏ khai thác khoáng sản đã hết hạn nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, đúng thời hạn việc cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ theo quy định; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thời gian vẫn còn xảy ra ở một số địa phương; việc tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp chưa được ngăn chặn triệt để…

Nguyên nhân được chỉ ra là do những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên là do sự chưa có vào cuộc quyết liệt của của một số ngành, cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương, thậm chí còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan cấp trên; chưa kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thanh, kiểm tra, rà soát và ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm.

Truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để khai thác khoáng sản trái phép

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Sở TN&MT không tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cấp giấy phép mới hoặc gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản đối với các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật. Đề xuất UBND tỉnh đình chỉ khai thác và thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân vi phạm.

“Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản ở các điểm mỏ không theo đúng nội dung giấy phép, vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường; các điểm mỏ được phép cấp phép đã hết hạn hoặc hết trữ lượng... mà không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác và thực hiện đóng cửa mỏ để bàn giao cho địa phương, chủ sử dụng đất quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật”, Chỉ thị số 29 nêu rõ.

Công an tỉnh là đơn vị được giao chủ động điều tra, đấu tranh, xử lý hình sự và triệt phá các vụ việc khai thác khoáng sản trái phép và các vụ việc trốn thuế đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Trong đó, Giám đốc Công an tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác đất, cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh. Đồng thời gắn rõ trách nhiệm của từng đơn vị nghiệp vụ, Công an cấp huyện, Công an cấp xã và cán bộ, chiến sĩ được phân công quản lý theo lĩnh vực, địa bàn và xử lý về trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm về khai thác đất, cát, sỏi, đất san lấp trái phép và sử dụng các phương tiện vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải trọng quy định.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc lợi dụng các dự án hạ cốt đất nông nghiệp và lâm nghiệp, nạo vét công trình thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, khai thác đất trái phép trên diện tích đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tùy theo nhiệm vụ, chức năng được phân công có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mất an ninh trật tự trên địa bàn trong hoạt động khoáng sản.

Chỉ thị 29 cũng nếu rõ, các điểm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ được khai thác khoáng sản trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày, trường hợp đặc biệt phải khai thác ngoài thời gian này nhằm phục vụ thi công các công trình dự án cấp bách, quan trọng phải có ý kiến của UBND tỉnh mới được phép thực hiện.

Đặc biệt, các phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản ở các điểm mỏ cấp phép trên địa bàn tỉnh phải gắn biển ghi rõ tên của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được cấp giấy phép khai thác để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và thuận lợi cho người dân tham gia giám sát.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top