Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 9 năm 2023 | 10:6

Cần xử lý dứt điểm những vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp

Vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, nếu không ngăn chặn, sẽ tạo tiền lệ xấu cho hàng loạt những vi phạm tiếp theo. Không chỉ đất nông nghiệp, bờ sông, nơi vốn dĩ nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều cũng sẽ trở thành mục tiêu lấn chiếm, xây nhà dựng cửa trái phép.

Đất nông nghiệp là đất trồng trọt và chăn nuôi

Theo báo cáo của Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, trong năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 19.211 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 320 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,67%. Con số này, có lẽ vẫn chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm đang xảy ra trên thực tế hiện nay. Nhất là ở các khu vực quá trình đô thị hóa đang diễn ra "nóng".

Trong khi Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2014, quy định rất rõ, đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chủ yếu phục vụ cho việc trồng trọt và chăn nuôi, không có mục đích để ở. Vì thế, người sử dụng đất không được xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Thế nhưng, trên thực tế nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà ở kiên cố, nhà xưởng trái phép diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Dù đã có quy định cụ thể và có chế tài xử lý đi kèm, nhưng ở một số vùng ngoại thành Hà Nội, hoạt động xây nhà dựng xưởng trên đất nông nghiệp vẫn tiếp diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà ở kiên cố, nhà xưởng trái phép diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Xây dựng trái phép, nếu không ngăn chặn ngay từ khi manh nha bắt đầu, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự ở địa phương mà còn để lại nhiều hệ lụy, tốn kém ngân sách nhà nước vì địa phương sẽ phải huy động nhân lực vật lực để cưỡng chế, giải tỏa công trình vi phạm sau này.

Quá trình xây dựng những nhà xưởng trên đất nông nghiệp có quy mô như vậy vốn không thể che giấu được… Vậy nhưng lại gần như "tàng hình" đối với cơ quan chức năng tại địa phương.

Theo quy định hiện nay, mức xử phạt hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định về xây dựng sai phép, xây dựng trái phép, xây dựng không có giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 15 - Nghị định số 139 /2017 của Chính phủ. Trong đó nêu rõ: đối với công trình trái phép thì chủ công trình bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 60 triệu đồng nếu bị phát hiện vi phạm.

Đồng thời các trường hợp này bị áp dụng biện pháp yêu cầu khắc phục hậu quả. Đối với công trình đang thi công thì bị lập biên bản xử phạt và yêu cầu dừng thi công. Đối với công trình đã hoàn tất xây dựng, thì buộc tháo dỡ công trình và phần công trình vi phạm.

Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện các biện pháp xử phạt có triệt để hay không thì lại là một câu chuyện khác. Thực tế cho thấy một tình trạng phổ biến hiện nay, vi phạm trật tự xây dựng sau khi phát hiện, thì cũng chỉ xử phạt hành chính và để cho tồn tại.

Vi phạm sử dụng đất nông nghiệp ở nội thành

Thực tế đang diễn ra tại ngõ 291/90 đường Phú Diễn (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thay đổi hiện trạng để xây dựng công trình nhà xưởng, công trình như khu tiểu sinh thái có lầu vọng nguyệt và hồ nước.

Tại ngõ 140 đường Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) hàng loạt công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp và đất lấn chiếm thuộc Dự án chung cư cao tầng X1 cũng được “mọc lên”.

Hay điển hình nhất tại các khu vực nội thành Hà Nội, không còn xa lạ gì khi nhắc tới địa bàn phường Định Công (Hoàng Mai) tình trạng tràn lan các hạng mục nhà ở được xây dựng kiên cố ngay trên đất nông nghiệp nhưng dường như, vấn đề này lại không hề bị chính quyền địa phương nơi đây xử lý triệt để; tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn này hiện đang ở mức đáng báo động.

Văn bản chỉ đạo của UBND huyện Thanh Trì cho chủ trương xây dựng các điểm vui chơi giải trí và thể thao để phục vụ nhân dân trong xã.

Tiếp đến là vấn đề bức xúc của cử chi sinh sống trên địa bàn xã Thanh Liệt (Thanh Trì - Hà Nội) phản ánh về việc, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại xứ Đầm Giếng đang bị nhiều cá nhân đưa máy móc vào san gạt mặt bằng làm sân bóng mini cỏ nhân tạo cùng hàng loạt khu nhà xưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh trái phép nhưng chưa bị chính quyền địa phương vào cuộc xử lý dứt điểm. Thậm trí, chính quyền địa phương nơi đây còn tạo cơ chế để những hạng mục vi phạm được phép tồn tại và hoạt động. Trao đổi với Tạp chí kinh tế nông thôn, ông Trình Quốc Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt, cho biết: Khu vực sân bóng cỏ nhân tạo đã được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt cho UBND xã Thanh Liệt làm điểm luyện tập thể thao kết hợp trồng cây xanh. Mặc dù ba sân bóng nói trên đúng là không được cấp phép chính thức nhưng có văn bản chỉ đạo của huyện cho chủ trương xây dựng các điểm vui chơi giải trí và thể thao để phục vụ nhân dân trong xã nhằm mục đích có đủ tiêu chí để nâng cấp lên thành xã nông thôn mới nâng cao.

Như vậy, những thông tin mà vị Phó chủ tịch xã Thanh Liệt nói (khu vực sân bóng cỏ nhân tạo đã được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt cho UBND xã Thanh Liệt làm điểm luyện tập thể thao kết hợp trồng cây xanh) thì chẳng khác nào huyện Thanh Trì “đi ngược” với chủ trương và chỉ đạo của lãnh đạo Hà Nội?

Tràn lan vi phạm sử dụng đất nông nghiệp ở ngoại thành

Còn tại ngoại thành, khu vực gần cầu chui xóm Lẻ (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng đang diễn ra tràn lan. Khu vực này xuất hiện hàng loạt công trình nhà xưởng “án ngữ” trên đất nông nghiệp với diện tích mỗi công trình lên đến hàng nghìn mét vuông.

Trạm trộn bê tông Việt Phát có địa chỉ tại thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường (Thường Tín - Hà Nội) xây dựng trên diện tích hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp.

Cũng trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội) xuất hiện một trạm trộn bê tông mang tên Việt Phát có địa chỉ tại thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường. Trạm trộn bê tông này được xây dựng trên diện tích hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, nằm ngay khu vực đông đúc dân cư. Vì những tác động xấu tới môi trường, gây ảnh hưởng đời sống của người dân, nên trạm trộn này đang bị nhiều hộ dân sinh sống xung quanh phản ánh về những hoạt động không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và hàng loạt xe bồn chở bê tông đi tiêu thụ hằng ngày đã “cày” nát con đường dân sinh, làm hạ tầng giao thông xuống cấp trầm trọng.

Huyện Thạch Thất, tại các thôn Kim Bông và đội 7 thuộc xã Tân Xã cũng xuất hiện hàng loạt công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, nhà trọ trên đất nông nghiệp.

Huyện Hoài Đức, tại ngõ 308 đường Đức Thượng (xã Đức Thượng) có hàng chục nhà xưởng được dựng trái phép. Mỗi xưởng rộng hàng nghìn mét vuông, đã được đưa vào hoạt động…

Hàng loạt công trình xây dựng trái phép tại xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức).

Theo người dân quanh khu vực, toàn bộ khu đất xây dựng nhà ở, nhà xưởng trong ngõ 308 là trên đất nông nghiệp. Những công trình này được xây dựng rải rác từ năm 2018 đến nay. Mặc dù xây trên đất nông nghiệp, nhưng những công trình này lại được chính quyền đánh số nhà như đất thổ cư.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa có văn bản yêu cầu xử lý việc lấn, chiếm và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận huyện, thị xã trên địa bàn.

UBND TP Hà Nội đã có kiểm tra, kết luận đối với 30 quận, huyện, thị xã và 579 phường, xã, thị trấn về công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đã được thống kê và chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và đề xuất hình thức xử lý theo quy định.

Cần sớm siết chặt kỷ cương

Tình trạng buông lỏng quản lý, cán bộ cơ sở còn thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu bật “đèn xanh” cho các tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đã được cử tri Hà Nội đề cập đến trong các lần tiếp xúc lãnh đạo thành phố.

Cử tri Hà Nội mong muốn thành phố có thái độ kiên quyết trong việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm về xây dựng nói chung, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp nói riêng, xem xét trách nhiệm của cán bộ cơ sở để xảy ra vi phạm.

Từ năm 2018 đến 25/5/2023, việc xử lý, khắc phục các vi phạm về xây dựng, đất đai chỉ đạt khoảng 50% vi phạm cần phải xử lý.

“Một số địa phương vẫn còn để vi phạm mới phát sinh mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, có địa phương để xảy ra các vi phạm trong quản lý đất rừng, xây dựng trái phép nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm...”, UBND Hà Nội cho biết.

UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các huyện, thị xã thống kê diện tích đất rừng và xác định đối tượng đang quản lý, sử dụng. Việc thống kê này phục vụ cho công tác thanh tra, gửi Sở NN&PTNT trước 31/7/2023.

Sở này chủ trì cùng các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát, tổng hợp các vi phạm và kiến nghị các biện pháp xử lý báo cáo UBND TP trước 30/9/2023.

Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức tại địa bàn các phường, xã, thị trấn để phát sinh các vi phạm mới mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai đối với các trường hợp phân lô, bán nền liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, theo quy định của Luật Đất đai và các chỉ đạo của UBND TP.

Đối với công tác quản lý, xử lý vi phạm đối với đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công do UBND cấp xã quản lý, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức xử lý, khắc phục xong các vi phạm đã được thống kê tại các kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở TN&MT để tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội trước 15/11/2024.

Liên quan vướng mắc về xây dựng trên đất nông nghiệp, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Ông Trần Sỹ Thanh, cần có sự nghiên cứu của chuyên gia, hướng dẫn cụ thể, quy hoạch rõ ràng. Đối với việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp, cần có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện. “Hơn 2 tháng trước, tôi đã chỉ đạo Văn phòng UBND TP lập tổ công tác, bay flycam ở 6 huyện ven sông. Từ đó, gửi hình ảnh sai phạm cho lãnh đạo huyện, trong đó có cả sai phạm lấn chiếm, san lấp lòng sông”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin.

Sở TN&MT tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP Hà Nội trước 1/12/2024

Mới đây, ông Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đã trả lời nhiều nội dung phản ánh của công dân liên quan đến vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.

Ông Trần Ngọc Tường (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) và tập thể có đơn đề nghị nhanh chóng giải tỏa 14 hộ dân làm nhà không phép trên đất nông nghiệp và đất lấn chiếm thuộc dự án chung cư cao tầng X1. Cử tri đề nghị làm đường, vỉa hè ngõ 140 - đường Nguyễn Xiển theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Về việc này, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị phường Hạ Đình thống nhất với khu dân cư sắp xếp, xử lý dứt điểm chỗ để xe, dành không gian cho cư dân sinh hoạt, vui chơi.

Với 14 hộ làm nhà không phép trên đất nông nghiệp và đất lấn chiếm thuộc dự án chung cư cao tầng X1, đề nghị quận Thanh Xuân xử lý quyết liệt theo đúng quy hoạch, báo cáo kết quả vào tháng 8/2023.

Trước đó, tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội (ngày 12/5/2023), cử tri quan tâm về các vấn đề “nóng” như: Quy hoạch, cơ chế trong phát triển nông nghiệp; vi phạm trên đất nông nghiệp; cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại phiên họp trên thừa nhận nông nghiệp tại Hà Nội chưa phát triển hết tiềm năng. Việc này do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm.

“Trong nhiệm kỳ này, thành phố cơ bản sẽ hoàn thành các quy hoạch chi tiết, cùng với quy hoạch chung Thủ đô sẽ khơi thông các vướng mắc và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top