Những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội, nhiều phụ huynh nhận được điện thoại thông báo con mình bị tai nạn, đang cấp cứu và chuyển tiền gấp để cứu chữa. Hành vi lừa đảo mất nhân tính này cần phải xử lý thật nghiêm để tránh xảy ra những hệ lụy không đáng có.
Cuộc gọi “vô nhân tính”
Mặc dù đã biết thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, về hành vi lừa đảo gọi điện thông báo con bị tai nạn nghiêm trọng, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện, nhưng khi chính bản thân mình nhận được cuộc điện thoại như vậy lại vô cùng hoảng hốt “suýt” nữa thì thực hiện theo yêu cầu, nếu như không có sự can ngăn kịp thời của đồng nghiệp đang đứng đó.
Chị H. vô cùng lo lắng trước cuộc gọi con chị gặp tai nạn.
Chị H. (quận Cầu Giấy) cho biết, đang làm việc bỗng nhiên chuông điện thoại reo, nhìn vào thấy số điện thoại không hiện tên nhưng với tính chất của công việc nên tôi bắt máy. Bên kia có giọng của một phụ nữ trẻ hỏi tôi có phải tên là H không? Có con tên là K. đang học ở trường này hay không? Sau khi trả lời xác nhận những thông tin người phụ nữ trẻ kia vừa hỏi, chị H. được người phụ nữ này cho biết: “Con chị vừa bị tai nạn chấn thương sọ não, hiện nay đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức”.
Để cho chị H. tin là con mình bị tai nạn, đối tượng nữ này còn gọi một “bác sỹ” đang cấp cứu cho con chị để nói tình trạng của bệnh nhân. Sau đó, đối tượng nữ này yêu cầu chị phải chuyển tiền ngay để nhập viện và làm các thủ tục cấp cứu để cứu tính mạng cho cháu.
Chị H. cho biết: “Sau khi nghe được thông tin này, tôi rụng rời hết cả tay chân, hốt hoảng vô cùng, rất may lúc đó bên cạnh tôi có nhiều đồng nghiệp, họ đã can ngăn. Ngay lập tức, tôi gọi điện cho con trai để xác minh thông tin. Cháu nhắn tin lại là đang học và không có bị làm sao cả”.
Quá bực mình, chị H. gọi điện thoại lại cho số máy 0703916950 thì số máy trên đã tắt, thuê bao không liên lạc được.
Theo chị H., đây thật sự là hành vi mất nhân tính của nhóm đối tượng này, vì không ai mong muốn người thân của mình bị gặp bất cứ tai nạn nào. Khi nhận được cuộc gọi thì khó có ai có thể bình tĩnh được nếu như không có sự can ngăn kịp thời của người khác tỉnh táo hơn.
Chị H.K, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên ngoại ngữ kể lại, cùng ngày, chị cũng nhận được một cuộc gọi từ số máy 076.986.13xx. Từ đầu dây bên kia, một đối tượng cho hay con chị ngã cầu thang bị hôn mê và phải phẫu thuật não gấp. Đối tượng yêu cầu chị chuyển tiền và ủy quyền để mổ.
“Rất may, đúng thời điểm này tôi đang nói chuyện với cháu qua mạng xã hội nên không mắc bẫy. Các đối tượng lừa đảo quá ác khi sẵn sàng đưa ra câu chuyện như thế”, chị K bức xúc.
Nhận cuộc gọi từ đầu số 070.890.53xx, chị N.H, phụ huynh có con đang theo học tại Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là thông tin rằng học sinh bị tai nạn và phải cấp cứu tại Bệnh viện 354. Chúng yêu cầu phải chuyển khoản tiền để làm các thủ tục điều trị. Thậm chí, các đối tượng còn dàn dựng cả tiếng còi hú xe cấp cứu, tiếng y tá, bác sĩ để tạo dựng lòng tin.
Không ít phụ huynh “sập bẫy”
Tuy đã có cảnh báo, nhưng vẫn có những vị phụ huynh vì quá lo lắng đến tính mạng của con mình nên đã làm theo yêu cầu của những đối tượng lừa đảo.
Các số điện thoại 0708905396, 0764785465, 0774197026, 076.8107537, 0328817027 lừa đảo yêu cầu phụ huynh chuyển tiền.
Chị V.T.H (quân Hoàng Mai) đang làm việc tại công ty thì nhận được điện thoại tự xưng là giáo viên nhà trường đến số điện thoại cá nhân của chị.
Người gọi điện thông báo con chị là cháu L.G.B. đang học lớp 10A1 Trường chuyên Khoa học tự nhiên bị ngã từ tầng 3 của trường đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch. Sau đó, chị được nối máy đến đối tượng tự xưng là bác sĩ yêu cầu chị chuyển tiền để làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật gấp.
Chị H. đã 2 lần chuyển tiền với tổng số tiền là 200 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng yêu cầu. Sau khi chuyển tiền, chị H. đã liên lạc với nhà trường thì xác định bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Tương tự như chị H., vào hồi 15h30 ngày 13/3, anh L.X.H (SN 1980, tại Thụy Khuê, quận Tây Hồ) đang làm việc tại tòa nhà Golden Palace thì nhận được điện thoại từ số máy lạ và giới thiệu là giáo viên thông báo con gái anh là L.T.M., hiện là sinh viên trường đại học trên đường Hoàng Quốc Việt, bị ngã từ tầng 3 nhà trường.
Cháu M. bị thương nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện 354 trong tình trạng rất nặng, yêu cầu anh H. chuyển ngay số tiền 40 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng ấn định để làm thủ tục mổ ngay. Sau khi chuyển tiền, anh H. kiểm tra lại nhà trường thì phát hiện mình bị lừa đã trình báo tại cơ quan Công an.
Thủ đoạn lừa đảo
Không khó để nhận ra những thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng này, chị Nguyễn Quỳnh Ly (phố Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết, cách đây mấy ngày, tôi nhận được 2 cuộc gọi từ các đầu thuê bao 070 và 076 thông báo con tôi bị tai nạn.
Cuộc gọi thứ nhất đối tượng gọi hỏi tên tôi, có con tên thế này, đang học ở trường này, hiện bị tai nạn chấn thương và đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Cuộc gọi thứ hai đối tượng gọi tự xưng là giá viên nhà trường thông tin cho tôi biết việc con tôi bị tai nạn và đang được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
Theo chị Ly, các đối tượng lừa đảo thường hay gọi cho hầu hết là các gia đình có con đang là học sinh, nhất là học sinh từ cấp THCS trở lên, thời gian gọi thường vào giờ hành chính, khi các con đang học nên khi nhận được thông tin, phụ huynh khi gọi cho con mình để kiểm tra đều không nhận được phản hồi, vì các cháu đang học nên tắt máy. Chính lý do này làm cho các vị huynh huynh sẽ tin tưởng hơn thông tin mà các đối tượng lừa đảo này cung cấp và không ngằn ngại thực hiện yêu cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ), cho biết, gần đây, nhà trường nhận phản ánh từ 2 phụ huynh, thông báo bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin: "Con gặp tai nạn đang ở bệnh viện cấp cứu, cần chuyển tiền ngay để nhập viện".
Tất cả các cuộc gọi lừa đảo đến phụ huynh, đối tượng đều nắm rất rõ thông tin, từ tên của cha, mẹ, con cái, địa chỉ nơi ở, địa chỉ trường, lớp của con đang học… và đều được thực hiện vào các giờ học tập của học sinh, nên việc xác minh của phụ huynh đến học sinh đều khó khăn, do các cháu đang học không nghe được điện thoại. Điều này khiến phụ huynh thêm lo lắng, bất an.
Theo cơ quan điều tra, trong các vụ gọi điện thông báo người thân bị tai nạn để lừa đảo, các đối tượng thường giả mạo giáo viên, nhân viên trường học; bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện hoặc cán bộ cơ quan chức năng để gọi điện cho phụ huynh. Khi gọi, các đối tượng sẽ thông báo học sinh (người thân) bị tai nạn đang trong tình trạng nguy kịch, cần phẫu thuật gấp. Sau đó, chúng sẽ lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của nạn nhân rồi cung cấp tài khoản mạo danh, yêu cầu gia đình chuyển khoản tạm ứng viện phí.
Phụ huynh phải hết sức cảnh giác
Liên quan tình trạng lừa đảo nói trên, một loạt các trường học trên địa bàn Hà Nội đã lên tiếng cảnh báo.
Cụ thể, trường Marie Curie đã đưa ra khuyến cáo: “Khi có sự việc bất thường xảy ra đối với học sinh, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc trực tiếp đến phụ huynh. Nếu cần tiền để làm thủ tục nhập viện, nhà trường sẽ chủ động thu xếp, phụ huynh không phải chuyển tiền cho bất kỳ ai”.
Tương tự, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ gửi tin nhắn đến các phụ huynh khẳng định: Hiện nay có hiện tượng kẻ xấu mạo danh giáo viên gọi điện thông báo con bị tai nạn giao thông và yêu cầu phụ huynh chuyển tiền. Đề nghị quý phụ huynh cảnh giác và gọi điện cho thầy, cô chủ nhiệm để kiểm chứng.
Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Khoa học công nghệ (Sở GD&ĐT Hà Nội), cho biết, hiện tại một số trường trên địa bàn đã có thông tin phản ánh về các cuộc điện thoại thông báo học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu và chuyển tiền gấp. May mắn, các trường hợp báo cáo phụ huynh khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn đã cảnh giác, xác minh thông tin từ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nên không bị lừa.
“Chúng tôi đã nắm được thông tin và sẽ đề xuất với lãnh đạo có văn bản nhắc nhở các nhà trường về nội dung này", ông Trung cho biết.
Ông Trung nhận định, chiêu trò lừa đảo này không mới, tuy nhiên, nó đánh vào tâm lý phụ huynh thường lo lắng khi biết tin con gặp chuyện nên dễ bị lừa. Vì vậy, phụ huynh phải hết sức cảnh giác. Nếu nhận được bất kỳ thông tin, cuộc gọi từ số điện thoại lạ phản ánh về con em mình, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là liên hệ ngay với nhà trường để xác minh.
“Một số trường hợp kẻ xấu gọi điện liên hệ, mạo danh là giáo viên đang dạy bộ môn của lớp. Vì vậy, phụ huynh cần gọi điện đến giáo viên chủ nhiệm để xác minh”, ông Trung nói và cho biết sở sẽ yêu cầu các trường có số máy thường trực để phụ huynh liên lạc, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin.
Ngoài ra, ông Trung lưu ý khi tham gia các giao dịch ngoài xã hội, phụ huynh cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân và gia đình.
Hành vi lừa đảo này không mới, nhưng nếu phụ huynh không cảnh giác vẫn có thể bị “sập bẫy” của các đối tượng này. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra để bắt giữ nhóm đối tượng này, do đó, khuyến cáo từ các cơ quan chức năng đến tất cả mọi người dân, khi nhận được các cuộc gọi thông báo thân nhân gặp nạn cần phải bình tĩnh, kiểm chứng thông tin thật chính xác, không được nôn nóng, vội vã thực hiện theo yêu cầu.
Từ tình hình trên, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH, trường cao đẳng sư phạm phối hợp chặt chẽ với công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng triển khai một số nhiệm vụ sau:
Các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh và học sinh, sinh viên biết về hình thức lừa đảo nêu trên và các phương thức thủ đoạn lừa đảo khác qua điện thoại, internet và mạng xã hội (như cho vay tiền nhanh qua ứng dụng trên điện thoại di động, sàn giao dịch tiền ảo, bán hàng đa cấp, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo…).
Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát công tác bảo mật, cung cấp thông tin của học sinh, sinh viên tại các nhà trường và cơ sở giáo dục; kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có), không để các đối tượng xấu chiếm đoạt nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự.
Nhà trường vận động những phụ huynh, học sinh, sinh viên bị lừa đảo kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan công an để điều tra, xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả; Tiếp tục phối hợp với lực lượng công an các cấp triển khai có hiệu quả Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT ngày 28/5/2015 giữa Bộ Công an và Bộ GD&ĐT “Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục”.
Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra và xử lý thật nghiêm các đối tượng này để trả lại sự bình yên cho nhân dân, tránh không để những “hệ lụy” từ các cuộc gọi “vô nhân tính” gây ra.