Nông dân bỏ bao công sức, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đến khi có được thành quả là bông lúa trên chính thửa ruộng của mình thì xuất hiện một loại tội phạm bảo kê máy gặt, dẫn đến nhiều hệ luỵ cho người dân… Cần có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.
Nạn nhân chính là nông dân
Dù không có số liệu thống kê đầy đủ, song hầu như năm nào tại một số địa phương khu vực nông thôn cũng xuất hiện những vụ việc liên quan đến việc “chèn ép”, bảo kê máy gặt. Cơ quan điều tra tại các địa phương nhận định đây là loại tội phạm mới ở nông thôn. Chúng hoạt động theo nhóm, chủ yếu là do các đối tượng “có máu mặt” đứng ra “bảo kê” cho các chủ máy gặt làm ăn để “cắt phí”.
Hành động của nhóm đối tượng này rất táo tợn, có đối tượng còn sử dụng cả hung khí... ép buộc người dân phải thuê máy gặt mà chúng đã nhận “bảo kê” với giá cao, nếu không đồng ý thì chúng sẽ không cho gặt hoặc giữ lại lúa đã thu hoạch.
Tình trạng bảo kê máy gặt đang xuất hiện tại các địa phương, dẫn đến tình trạng mất an ninh, trật tự ở nhiều địa bàn nông thôn.
Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng giúp cho người dân giảm bớt nhọc nhằn, giảm bớt chi phí sản xuất cho nông dân. Tuy nhiên, tình trạng bảo kê máy gặt đang xuất hiện tại các địa phương, dẫn đến tình trạng mất an ninh, trật tự ở nhiều địa bàn nông thôn.
Được biết, đối với chủ máy gặt ở ngoài địa bàn, nếu muốn hoạt động thì phải nộp cho chúng 20.000 đến 30.000 đồng/1 sào thì chúng mới cho gặt thuê và phải ký vào bản hợp đồng của các đối tượng này soạn sẵn. Dù rất bức xúc trước hành vi ngang ngược của chúng, nhưng sợ ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch nên người dân nhẫn nhịn, chấp nhận làm theo.
Thủ đoạn của đối tượng là theo dõi, canh chừng cánh đồng lúa và hễ thấy có máy gặt mới nào lạ thì chúng đến hỏi thăm và nếu không hợp tác thì đe dọa, đuổi, phá máy, hành hung (cắm cây sắt vào ruộng lúa khiến cho máy bị hư hỏng…). Nhiều chủ máy gặt vì muốn yên ổn làm ăn nên phải nộp khoảng 2 triệu đồng một máy gặt hoặc phải nộp tiền tính trên đầu sào.
Việc làm này không chỉ gây bất ổn an ninh, trật tự ở nông thôn mà còn kéo theo hệ luỵ “thổi giá lên cao” để lấy thu bù chi của các chủ máy gặt. Xét cho cùng thì nạn nhân chính là người nông dân lao động. Bình quân một sào gặt ở ruộng cạn, công gặt là 120.000 đến 140.000 đồng và khi bị bảo kê, bắt đóng khoản tiền này thì nâng lên khoảng 20.000 đến 30.000 ngàn đồng/sào.
“Lúa chín vàng đồng” vì nạn bảo kê máy gặt
Nhiều hộ dân tại thôn Mỹ Trung, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bức xúc cho biết, từ nhiều năm nay trên địa bàn một số thôn tại xã Cẩm Mỹ tồn tại tình trạng bảo kê máy gặt khiến việc thu hoạch mùa màng của người dân bị chậm so với các địa phương khác.
Theo bà T. (thôn Mỹ Trung), tuy lúa đã chín ngoài đồng nhưng vì nạn bảo kê máy gặt mà không thể thu hoạch. Có máy gặt đến, người dân năn nỉ thuê gặt nhưng chủ máy không dám nhận vì chưa được sự cho phép của người bảo kê.
Một người dân thôn Mỹ Trung cho biết, “nạn bảo kê máy gặt diễn ra đã nhiều năm nay ở xã Cẩm Mỹ, đối tượng bảo kê là người trong thôn, trong xã. Người dân bức xúc vì chúng thao túng, điều hành máy gặt ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch lúa của dân nhưng vì sợ hằn thù nên không dám tố cáo… Lẽ ra gia đình chị thu hoạch xong từ vài ba ngày trước nhưng do chờ đợi máy gặt nên bị chậm. Chị vừa gặt một ruộng, đang chờ gặt thêm ruộng khác. Một số người trong thôn tự gọi máy ở các xã khác về gặt. Một sào họ lấy của chủ máy gặt 20 - 30 nghìn đồng. Những chủ máy này nếu không đồng ý chung tiền thì không dám gặt. Chính vì nạn bảo kê này mà cánh đồng lúa Trung Mỹ gặt chậm hơn những chỗ khác”, người này nói.
Một chủ máy gặt phải cắt cho người bảo kê 25.000 đồng/sào nếu muốn gặt ở đây (Ảnh: Giao thông)
Theo một chủ máy gặt đến từ xã Cẩm Duệ đang gặt lúa ở cánh đồng thôn Mỹ Trung, máy của gia đình về gặt ở đây đã 2 ngày và đã gặt được gần 20 mẫu (100.000m2). Giá gặt 150.000 đồng/sào, theo thống nhất từ trước.
“Một người tên V. ở trong thôn Mỹ Trung, xã Cẩm Mỹ gọi tôi đưa máy về gặt và đã thu tiền bảo kê 25.000 đồng/ sào. Mùa gặt năm trước, khi về đây gặt, máy của gia đình tôi cũng bị thu 20.000 đồng/sào tiền bảo kê", người này kể.
Cũng theo anh V., mức “cắt” bảo kê cao quá, trong khi máy gặt còn chi phí tiền dầu, tiền thuê 2 lao động đi kèm máy để hứng lúa vào bao tải, buộc lúa, rồi tiền ăn uống nên chủ máy chẳng còn được là bao. Đó là chưa kể máy nhiều lúc còn bị hư hỏng, chi phí sửa chữa tốn kém.
Người này cũng chia sẻ, mong không phải cắt phần trăm cho người bảo kê để tính giá gặt thấp hơn, đỡ phần nào cho người dân.
“Nhà tôi có bớt cho dân họ cũng không bớt cho tôi”, chủ máy này nói và than phiền đã đi gặt nhiều nơi nhưng ở xã Cẩm Mỹ nạn bảo kê vẫn mạnh nhất, lấy phần trăm cao nhất.
Anh T. - một người từng mua máy gặt về nhưng bị nạn bảo kê chèn ép đã phải bán máy chia sẻ: Thời điểm đó, phía bắc xã Cẩm Mỹ chỉ có máy tôi mua về làm việc, giá mỗi sào là 130.000 đồng. Các máy ở các địa phương khác đưa về gặt có giá 160.000 đồng. Khi đang gặt thì máy bị hỏng do có kẻ xấu đem các cọc sắt bỏ xuống ruộng. Công an có về điều tra nhưng khó tìm được kẻ xấu nên thôi. Sau này, vì nhiều lý do nên tôi phải bán máy, chấp nhận thua lỗ.
Đề cập đến vấn đề trên, Trung tá Lương Văn Dũng, Trưởng Công an xã Cẩm Mỹ cho biết, trước đây, khi chưa có công an chính quy về trên địa bàn, tình trạng bảo kê, tranh giành địa bàn giữa các máy gặt là có. Tuy nhiên, từ khi lực lượng công an chính quy về "cắm chốt" tình hình trật tự trị an được lập lại, không xuất hiện tình trạng bảo kê máy gặt nữa. "Về việc các đối tượng như V., gọi máy gặt về rồi cắt phần trăm như phản ánh của báo chí, chúng tôi sẽ cho điều tra, xử lý" ông Dũng nói.
Khốn khổ vì đầu tư máy gặt để rồi “đắp chiếu” vì “lệ làng”
Câu chuyện của anh Đào Quang Tuấn, ở thôn Thuần Mỹ, xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) đã đầu tư mua máy gặt trị giá gần 500 triệu đồng, nhưng thay vì đây là cơ hội để có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình thì việc đầu tư này khiến gia đình anh phải đối diện với khoản nợ chưa biết khi nào mới trả được.
Anh Tuấn cho biết: Gia đình tôi mua máy gặt nhằm phục vụ cho gia đình và bà con trong thôn, đến vụ thu hoạch lúa tôi vẫn tham gia gặt cho bà con bình thường và được bà con tin tưởng thuê máy của mình. Tôi dự tính vài năm là có thể thu vốn đã đầu tư và bắt đầu có lãi. Do mải làm ăn không để ý thôn tổ chức đấu thầu thu hoạch lúa, tôi cũng nghĩ rằng bà con trong thôn vẫn thuê máy gặt của mình, tôi có thể tiếp tục công việc này, không ai ngăn cấm được.
Bất ngờ, ngày 11/10/2022 trên loa phát thanh của thôn thông báo việc những người đại diện cho thôn sẽ đứng ra ký hợp đồng gặt cho toàn bộ diện tích của thôn Thuần Mỹ, trừ nhà có máy gặt. Chính vì thông báo này khiến người dân muốn thuê máy gặt của anh nhưng anh cũng không dám bởi thôn đã ra thông báo bắt buộc người dân phải sử dụng máy gặt của các đối tượng đã trúng thầu. Sau đó, ngày 18/10/2022 anh Tuấn đã làm đơn khiếu nại về hành vi lạm quyền của chính quyền thôn Thuần Mỹ, đại diện là ông Đào Đình Sai - Bí thư Chi bộ thôn, kiêm Trưởng thôn đến UBND xã Hòa Phong. Sau đó, UBND xã Hòa Phong đã chuyển đơn về cho thôn hòa giải.
Trong biên bản hòa giải ngày 18/10/2022 tại nhà văn hóa thôn Thuần Mỹ, có nội dung về việc không cho gia đình anh Tuấn tham gia gặt cho bất kỳ gia đình nào trong thôn, kể cả anh em người nhà với thời gian đến hết năm 2025.
Chiếc máy gặt phải nằm trong kho đã lâu ngày.
Quá thất vọng, anh Tuấn tiếp tục thắc mắc lên UBND xã Hòa Phong thì nhận được thông báo số 2122/TB-UBND ngày 21/10/2022 nêu: “Căn cứ họp dân thôn Thuần Mỹ ngày 25/9/2022 (họp quân dân thôn Thuần Mỹ ngày 03/10/2022) đã thống nhất giao cho lãnh đạo địa phương thực hiện hợp đồng máy gặt để phục vụ việc thu hoạch lúa mùa năm 2022 cho nhân dân được nhanh gọn và thống nhất về giá để quản lý”.
Như vậy, UBND xã Hòa Phong đã đồng ý cho thôn Thuần Mỹ ký hợp đồng máy gặt mặc dù sự đồng ý này diễn ra sau khi thôn đã ký. Và cũng không rõ vì lý do gì mà UBND xã Hòa Phong lại khẳng định ký hợp đồng máy gặt sẽ “nhanh gọn” trong khi chỉ cho 1 máy thu hoạch chứ không phải nhiều máy.
Được biết, anh Tuấn đã gửi đơn nhiều lần đề nghị UBND xã Hòa Phong giải quyết nhưng UBND xã Hòa Phong lại chuyển đơn về thôn Thuần Mỹ. Về phía thôn, người đại diện là ông Đào Đình Sai vẫn tiếp tục cấm máy gặt của anh Tuấn, cấm anh không được tham gia gặt cho bất kỳ ai trong thôn.
Một câu hỏi được đặt ra là: Vậy người đại diện thôn hay còn gọi là “Trưởng thôn” có phải là cấp chính quyền có thẩm quyền giải quyết đơn thư của người dân hay không mà UBND xã Hòa Phong lại chuyển về thôn? Việc thôn tổ chức ký hợp đồng máy gặt xong mới nhận được sự đồng ý của UBND xã là đúng hay sai?
Ngoài ra, anh Tuấn gửi đơn lên UBND thị xã Mỹ Hào để thắc mắc về việc này. Sau đó, UBND thị xã Mỹ Hào đã có văn bản yêu cầu ông Chủ tịch xã Hòa Phong xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc trước ngày 10/2/2023, thế nhưng, đến nay anh Tuấn vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết cũng như văn bản trả lời của UBND xã Hòa Phong.
Trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện UBND xã Hòa Phong - ông Đào Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định đã đồng ý cho thôn Thuần Mỹ ký hợp đồng máy gặt”.
Trước câu hỏi đặt ra, “dựa vào quy định nào để ra quyết định như vậy” ông Khang trả lời: “Ở đây như vậy”.
Qua đó có thể thấy được, những việc làm này của chính quyền địa phương nơi đây đang bộc lộ những yếu kém trong công tác quản lý, quan lưu và thiếu tính thượng tôn pháp luật, sự công bằng… Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.
Quyết liệt ngăn chặn tình trạng “bảo kê” gặt lúa
Nhằm hạn chế tình trạng tranh giành, bảo kê, tự ý nâng giá gặt lúa, các địa phương ở Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, lực lượng Công an các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, nắm bắt thông tin địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc có dấu hiệu “bảo kê” máy gặt, tranh giành địa bàn, tự ý nâng giá.
Đơn cử, tại xã Trung Lộc (H. Can Lộc) có gần 302 ha lúa Xuân đang vào vụ thu hoạch. Ngoài 4 máy gặt của người dân trên địa bàn, các thôn đang liên hệ thêm 8 máy gặt từ địa phương khác về thu hoạch lúa cho người dân. Việc có nhiều máy gặt hoạt động cùng lúc góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, nhưng cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất ANTT do sự tranh giành địa bàn, nâng giá gặt lúa giữa các chủ máy.
Công an xã Trung Lộc trao đổi với chủ máy gặt về hoạt động thu hoạch lúa Xuân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Đại- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc, cho hay: Nhằm đảm bảo ANTT, tránh những hành vi vi phạm trong việc thuê máy gặt lúa, chính quyền xã Trung Lộc đã có thông báo quy định cụ thể về giá gặt lúa: tại chân ruộng là 130.000 đồng/sào; với diện tích bị đổ ngã, sình lầy, giá có thể cao hơn nhưng cũng chỉ dao động trong mức 140.000 - 150.000 đồng/sào. Ngoài việc giao các thôn khi đưa máy về phải đăng ký qua xã để có phương án phân bổ, tránh tình trạng tranh giành địa bàn và thống nhất mức giá, xã Trung Lộc yêu cầu Công an xã quản lý chặt việc đăng ký quản lý cư trú về lưu trú và tạm trú đối với chủ máy gặt trên địa bàn theo quy định. Xã cũng cắt cử cán bộ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để có biện pháp xử lý với các hành vi gây mất ANTT như bảo kê, tranh giành địa bàn, tự ý nâng giá trong mùa gặt.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) Trần Mạnh Sơn, nhằm chủ động công tác thu hoạch lúa vụ Xuân, triển khai đề án sản xuất Hè thu, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn mời tổ trưởng tổ hợp tác, chủ hộ có máy gặt làm việc để thỏa thuận, thống nhất mức giá gặt lúa tại địa phương quản lý và phân chia khu vực gặt nhằm đảm bảo tiến độ nhanh nhất. Các địa phương thông báo rộng rãi cho người dân được biết định mức giá gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với các tổ chức, cá nhân có máy gặt để thực hiện. Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng ép giá và chậm trễ trong việc thu hoạch lúa. Địa phương nào để xảy ra tình trạng ép giá, “bảo kê” giữ ruộng làm chậm tiến độ thu hoạch, chủ tịch UBND xã, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
Việc tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng bảo kê, tranh giành địa bàn, tự ý nâng giá hoặc cố tình kéo dài thời gian thu hoạch của các chủ máy gặt đang được các địa phương ở Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo nhằm đảm bảo ANTT trong vụ thu hoạch lúa Xuân.
“Bảo kê” máy gặt lúa bị xử lý ra sao?
Trước tình trạng “chèn ép”, “bảo kê” máy gặt hoành hành, một số địa phương đã triển khai những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Tuy nhiên, tại một số nơi, để xảy ra tình trạng như trên, còn do chính quyền một số địa phương chưa quan tâm giải quyết, xử lý một cách rốt ráo. Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng “chèn ép”, “bảo kê” máy gặt lúa để chiếm đoạt tài sản từ những đối tượng vi phạm pháp luật, người dân và các chủ máy gặt khi bắt gặp hoặc là nạn nhân của tình trạng trên thì nên báo ngay cho lực lượng chức năng hoặc chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý, tránh bị đe dọa chiếm đoạt tài sản hoặc những rắc rối đáng tiếc có thể xảy ra.
Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh xử lý vụ việc "chèn ép" tranh giành địa bàn cung cấp máy gặt tại địa phương. (Nguồn: dantri.com.vn).
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Tiến, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, khi đủ căn cứ cấu thành tội hình sự, đối tượng vi phạm có thể đối diện với “Tội cưỡng đoạt tài sản”. Theo đó, đối chiếu theo quy định, đối tượng vi phạm có thể phải chịu mức xử phạt thấp nhất là 01 năm tù; đặc biệt, trường hợp lợi dụng thiên tai, dịch bệnh hoặc lợi dụng tình trạng khẩn cấp có thể chịu mức phạt cao nhất lên tới 20 năm tù giam (điều 170, chương XVI, Bộ luật hình sự 2015). Cụ thể như sau:
"Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.