Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương, ghi nhận một số ca ngộ độc ma túy trong bánh, kẹo, đồ uống…, gây tâm lý lo lắng cho người dân. Do đó, rất cần cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý.
Ngộ độc thực phẩm, đồ uống
Cuối tháng 11/2022, một phụ nữ 56 tuổi ở TP.Hà Nội phải vào Bệnh viện Mạch Mai cấp cứu sau khi ăn bỏng ngô do con gái đặt mua trên mạng. Khoảng 1 giờ sau khi ăn bỏng ngô, bệnh nhân này xuất hiện các triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, nôn ói, sau đó rối loạn tri giác. Xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện dương tính với chất cần sa. Được cấp cứu và điều trị kịp thời nên bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Chăm sóc người ngộ độc thực phẩm ở Trung tâm Y tế Hải Dương.
Trước đó, vào ngày 25/10/2022, 13 học sinh của Trường THPT Hoành Bồ (TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã bị ngộ độc sau khi ăn kẹo Nerds Rope được mua từ một quán ở gần trường. Chỉ 30 phút sau khi ăn, những học sinh này có biểu hiện tê bì tay chân, cảm giác khó chịu toàn thân, rối loạn tri giác. Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hạ Long đã rất bất ngờ khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy 13 học sinh đều dương tính với ma túy.
Riêng trên địa bàn Đồng Nai, cuối năm 2022 vừa qua, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã nỗ lực cứu sống em P.T.Y.N. (14 tuổi, ngụ TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc) sau khi em này đặt mua và ăn một số loại đồ ăn vặt trên mạng xã hội như: bánh kẹo, nước xoài.
Gia đình bệnh nhân cho biết, chỉ khoảng 1 giờ sau khi ăn uống những thực phẩm trên, em N. đã đột ngột co giật, tím tái, mất tri giác, khó thở và có biểu hiện ngưng tim. Được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu, qua những triệu chứng trên, các bác sĩ nghi ngờ bé N. bị ngộ độc ma túy nên vừa hồi sức tích cực tim phổi, vừa điều trị theo hướng ngộ độc ma túy và đã cứu em vượt qua nguy kịch.
Cũng thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong năm 2022, bệnh viện cũng đã tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc các chất ma túy tổng hợp sau khi các bệnh nhân ăn bánh kẹo, chocolate, uống trà sữa, nước trái cây mua trên mạng và ở những hàng rong quanh trường học.
Ngộ độc ma túy trong thực phẩm, đồ uống có thể tử vong
BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, ma túy không chỉ gây nghiện kéo dài, khó bỏ mà có thể gây ngộ độc cấp tính, dễ dẫn đến tử vong. Khi vào người, ma túy đầu tiên tác động lên hệ thần kinh và gây ức chế thần kinh, dẫn đến thiếu oxy lên não và oxy đến các cơ quan khác. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh; nếu cấp cứu chậm, sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh, gây liệt não, dẫn đến đời sống thực vật.
Một số loại kẹo, nước trái cây được cơ quan công an xác định có chứa thành phần ma túy, cần sa... và cảnh báo người dân không nên mua bán và sử dụng
Điều đáng nói, hiện nay, nhiều loại ma túy thế hệ mới đang len lỏi đi vào từng hộp bánh, viên kẹo, đi vào từng ly trà sữa hay chai nước hoa quả mà người dùng rất khó có thể nhận biết được. Do đó, việc ngăn chặn và tuyên truyền cho trẻ em hiểu được nguy cơ thực phẩm bị pha trộn ma túy và không sử dụng nó, vai trò của gia đình và nhà trường là rất quan trọng.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, việc thực hiện phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội về các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc… Sở đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện và thành phố, các trường THPT và đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, “bóng cười” và các sản phẩm có chứa chất ma túy “núp bóng”, pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử… cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Đồng thời, phòng GD-ĐT các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh biết về thực trạng nêu trên để chủ động phối hợp phát hiện phòng tránh. Ngoài ra, ngành GD-ĐT cũng tiếp tục phối hợp với ngành Công an xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình Hòm thư tố giác và hoạt động Tìm địa chỉ đen, CLB phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong các trường phổ thông.
Cũng theo ông Khánh, để giúp học sinh tránh xa ma túy và nhận diện được những sản phẩm có chứa ma túy “ngụy trang” dưới nhiều loại thực phẩm, Sở yêu cầu các trường cập nhật thông tin, hình ảnh những loại thức ăn, đồ uống mà cơ quan chức năng đã xác định được có chứa, pha trộn, tẩm ướp ma túy để giúp các em không mua bán, ăn uống những loại đồ ăn, thức uống trên.
Khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm, đồ uống không có nhãn mác
Ngày 03/01/2023, Bộ Y tế có Văn bản số 09/BYT-ATTP về việc thông tin báo nêu về ngộ độc do sử dụng thực phẩm chứa ma túy. Do trong thời gian gần đây, có nhiều báo phản ánh về việc ghi nhận bệnh nhân bị ngộ độc ma túy trong bánh ngọt, bánh quy, kẹo, bỏng ngô…
Trước những nguy cơ tiềm ẩn từ thực phẩm “tẩm” ma túy, thiết nghĩ các cơ quan truyền thông cần tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của thực phẩm “tẩm” ma túy và những loại sản phẩm thường bị trộn, “tẩm” ma túy. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác trong lựa chọn, sử dụng các sản phẩm bánh kẹo, đồ ăn, nước uống.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng, trực tiếp là lực lượng Công an, Quản lý thị trường, cần bám nắm chắc địa bàn; kịp thời phát hiện các loại thực phẩm mới chứa ma túy để sớm cảnh báo, tránh gây hại đến người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán các loại thực phẩm “tẩm”, trộn ma túy; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, những loại thực phẩm “tẩm” ma túy thường hướng đến đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên… Vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập của các loại thực phẩm nguy hiểm này, rất cần sự chung tay, góp sức của nhà trường và các bậc phụ huynh. Nhà trường, nhất là các trường có tổ chức nấu ăn bán trú cần kiểm soát chặt nguồn thực phẩm đầu vào; thường xuyên đưa ra cảnh báo về việc các loại ma túy được “tẩm” vào thực phẩm thường có chứa hỗn hợp của nhiều chất ma túy khác nhau, khi sử dụng sẽ dẫn đến ngộ độc, thậm chí có thể tử vong để giáo dục và phòng ngừa chung cho các em học sinh.
Các bậc cha mẹ, nhà trường cũng phải tăng cường quản lý, giáo dục con em mình, nhất là vào mỗi dịp nghỉ hè để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại chất ma túy dạng mới với hình thức ngày càng tinh vi. Cha mẹ nên quan tâm sát sao, lắng nghe tâm tư của con trẻ, đồng hành chia sẻ, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của con, cùng trao đổi với thầy cô, nói chuyện với bạn bè của con để biết con có liên quan đến ma túy và các tệ nạn xã hội khác không, từ đó có biện pháp phòng ngừa. Trường hợp phát hiện con trẻ có biểu hiện sinh hoạt không bình thường, hay cáu gắt đột ngột, giận dữ, mơ màng hoặc ngồi thẫn thờ… thì rất có thể trẻ đã sử dụng bánh kẹo, thực phẩm “tẩm”, trộn ma túy. Cần đưa ngay trẻ tới các bệnh viện lớn, cơ sở y tế tin cậy để xét nghiệm, có phương án điều trị phù hợp
Tuyên truyền để người dân hiểu rõ các triệu chứng, nếu không may sử dụng phải thực phẩm có chứa chất ma túy cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, vật tư, hóa chất… để xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm