Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 10 năm 2022 | 14:43

Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội nói gì về công trình nằm trong hành lang bảo vệ đê sông Đuống?

Công trình có dấu hiệu vi phạm hành lang bảo vệ kè của đê sông Đuống cũng như lĩnh vực TTXD nằm trên địa bàn phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) nhưng chủ đầu tư vẫn gấp rút hoàn thiện, bất chấp bãi sông bị co hẹp có nguy cơ mất an toàn khi lũ lớn...

Chi cục chỉ quản lý diện tích mặt bằng công trình

Trước dấu hiệu vi phạm của công trình số 517 Ngọc Thụy, ngày 10/10, trao đổi với PV, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (TL&PCTT) Hà Nội, cho biết, mọi công trình cải tạo, sửa chữa liên quan tới đê điều thì có 2 hình thức: Phòng quản lý đô thị sẽ hỏi thông tin Chi cục hoặc cá nhân hỏi; dù hình thức nào thì Chi cục cũng phải trả lời bằng văn bản. Về nguyên tắc, nhà không đảm bảo an toàn thì cho cải tạo, sửa chữa và trên hiện trạng cũ, nguyên hiện trạng cũ, còn lại thủ tục cấp phép mà sai thì lỗi của đơn vị cấp phép... 

Công trình ghi nhận ngày 20/9 so sánh với ảnh hiện trạng cũ công trình thì phần hiên nhà ở tầng 1, ban công tầng 2 đã có sự thay đổi; tương tự phần tum cũng đã có sự thay đổi hiện trạng nghiêm trọng.

Ông Vũ Duy Hợp, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục TL&PCTT Hà Nội), cho hay, Hạt Quản lý đê Long Biên đã báo cáo Chi cục; công trình phá hết tường, chắc tường bị nứt gì đấy, phá đi xây lại, giữ nguyên khung, khung là khung cũ; bên Chi cục chỉ khẳng định cải tạo, sửa chữa, không xây dựng mới.

Về vấn đề công trình phá hết tường đi, xây lại tường mới thì thứ nhất, mình cho vào văn bản là mình chỉ liên quan đến quy hoạch phòng chống lũ thôi, cái này giữ nguyên quy mô, không mở rộng diện tích mặt bằng. Thứ 2, mình chỉ liên quan đến mặt bằng và được quy định trong luật, tức bên mình chỉ cung cấp thông tin để quận cấp phép. Xét Điều 27, Luật Đê điều: “Những công trình, nhà ở hiện có không phù hợp với quy hoạch thì phải di dời, trong khi chưa di dời được thì có thể sửa chữa, cải tạo để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân nhưng không được mở rộng diện tích mặt bằng”, tức bên mình chỉ quan tâm diện tích mặt bằng của cái nhà đấy, không mở rộng diện tích mặt bằng và không xây mới.

Nghĩa là bên Chi cục chỉ quan tâm tới công trình có mở rộng diện tích mặt bằng hay không và cải tạo, sửa chữa hay xây dựng; nếu mà xây dựng, mình trả lời phải chắc chắn đập hết đi, xây dựng cả móng lại thì mới gọi là xây dựng mới. Còn việc công trình đập hết tường đi, xây dựng lại toàn bộ tường mới là cải tạo, sửa chữa hay xây dựng mới thì liên quan tới bên  TTXD…

Việc hiện trạng cũ trước kia của công trình có ban công thì bây giờ, ban công lại là không gian phòng, mở rộng công năng sử dụng phòng thì nội dung này liên quan tới bên TTXD. Nói chung không gian thoát lũ của mình là 2 đê, xây nhà từng này thì chiếm từng này diện tích không gian thoát lũ, bên Chi cục chỉ quản lý về diện tích mặt bằng bên dưới, bởi phần đấy chiếm chỗ thoát lũ.

Tuy nhiên, theo Công văn số 735/CCPCTT-QLĐĐ phúc đáp đề nghị cung cấp thông tin liên quan đê điều cho ông Phạm Đức Phương – chủ công trình 517 của Chi cục PCTT Hà Nội ngày 26/5/2022 chỉ rõ thửa đất nằm trong không gian thoát lũ sông Đuống, thuộc danh mục cần di dời. Quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 27 Luật Đê điều về xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông… thì ông Phương chỉ được sửa chữa, cải tạo nhà ở trên nền móng công trình hiện có, giữ nguyên quy mô công trình hiện trạng (không được mở rộng diện tích mặt bằng).

Đồng thời, không thay đổi vị trí, diện tích xây dựng, diện tích sàn từng tầng, chiều cao, kết cấu, số tầng và công năng sử dụng. Việc cải tạo, sửa chữa nhà không làm ảnh hưởng đến ổn định của công trình kè.

Vai trò quản lý của chính quyền địa phương?

Theo tài liệu Chi cục TL&PCTT Hà Nội cung cấp cho PV thì văn bản số 185/HQLĐ ngày 15/9/2022 của Hạt quản lý đê Long Biên báo cáo Chi cục số nhà 517 Ngọc Thụy cho biết: “Hiện trạng xây dựng đến nay: Đã xây dựng cơ bản hoàn thành công trình nhà ở; quy mô xây dựng 2 tầng + 1 tum”. Kèm theo, Biên bản làm việc của Hạt quản lý đê Long Biên ngày 14/9/2022 phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra công trình 517 Ngọc Thụy cho biết: “Qua kiểm tra đến nay công trình đang hoàn thiện phần trát ngoài, quy mô diện tích thực hiện đúng theo giấy phép xây dựng và văn bản thỏa thuận”.

Biên bản của Hạt Quản lý đê Long Biên phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra công trình 517 Ngọc Thụy ngày 20/9 đề cập: “Tại thời điểm kiểm tra, khối nhà 3 tầng 517 đã phá hiện trạng cũ và xây lại với diện tích 106 m2. Hiện, đang hoàn thiện công trình (cải tạo trên nền móng cũ).

Tại Báo cáo số 314/BC-UBND của UBND quận Long Biên ngày 28/9/2022 do Chi cục TL&PCTT Hà Nội cung cấp cho PV, ngày 20/9/2022, đoàn kiểm tra của Quận đã ghi nhận “tại số nhà 517 đang xây dựng 1 nhà riêng lẻ; kết cấu nhà khung bê tông, 2 tầng, 1 tum, diện tích 106m2 (đang trong giai đoạn hoàn thiện)”, “UBND quận đã giao các phòng, ngành UBND phường Ngọc Thụy tiếp tục theo dõi chặt chẽ quá trình cải tạo, sửa chữa…”.

Ở thông tin khác, người dân phản ánh, công trình 517 Ngọc Thụy có dấu hiệu được xây dựng mới với kết cấu khung trụ, sàn mái từng tầng, tường gạch, thay đổi hiện trạng, công năng sử dụng các tầng… Theo hình ảnh ghi nhận của PV thời điểm ngày 22/8, công trình đang được xây dựng toàn bộ gạch mới, mái của tầng 3 vẫn còn lớp bạt lót bên dưới để đổ bê tông sàn mái; tương tự tầng 1, tầng 2.

Không chỉ vậy, dựa trên hình ảnh hiện trạng cũ số nhà 517 Ngọc Thụy mà PV có, so sánh với công trình thời điểm hiện tại, công trình mang nhiều dấu hiệu vi phạm về thay đổi hiện trạng, kiểu dáng, công năng sử dụng các tầng, vị trí phần tum, ban công. Cụ thể, theo ảnh hiện trạng cũ công trình có phần hiên nhà ở tầng 1 và ban công ở tầng 2, nhưng so sánh với công trình hiện nay thì phần hiên nhà lại là không gian phòng, trước là cửa lớn ra vào và giờ đây lại là cửa sổ; phần ban công tầng 2 trước đây thì lại là không gian phòng.

Cũng theo ảnh hiện trạng cũ, tum của công trình nằm ở phần mái phía sau tầng 2, hoàn toàn không nằm ở phía trước mái và vị trí phía trên của ban công tầng 2. Tuy nhiên, phần tum của công trình tại thời điểm hiện tại lại có quy mô đồ sộ, không giống với hiện trạng cũ, có vị trí nằm ở cả phía trước mái của tầng 2.

Tìm hiểu những nội dung trên, PV đặt lịch liên hệ công tác với UBND phường Ngọc Thụy từ ngày 22/8 nhưng đến nay, việc phát ngôn cho báo chí của lãnh đạo địa phương vẫn chưa được thực hiện. Tương tự, ngày 22/8, PV đã thông tin, đặt lịch làm việc với UBND quận Long Biên, đến nay vẫn không nhận được trả lời. Tiếp đến, Tòa soạn có Công văn số 446/CV-KTNT ngày 26/9/2022 về việc tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến các công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD, ảnh hưởng hành lang đê tại phường Ngọc Thụy gửi tới đồng chí Bí thư Quận ủy và đồng chí Chủ tịch UBND quận Long Biên, đến nay cũng chưa có phản hồi.

Từ đây, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò quản lý lĩnh vực đê điều, TTXD và công tác thông tin tới báo chí của quận Long Biên, phường Ngọc Thụy. Kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều, UBND TP. Hà Nội, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội xem xét, kiểm tra để đảm bảo công tác quản lý đê điều, đặc biệt trong thời điểm mưa lũ bất thường và khó dự báo như hiện nay.

 

 

Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
Top