Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 4 năm 2024 | 11:42

Chờ mùa khóm mới

Giữa mùa nắng chói chang, hơi nóng lan tỏa khắp chợ đồng bằng. Khóm (dứa) bật lên trong số các loại trái cây tươi bán chạy. Dân trồng khóm đang thắp hy vọng bán giá tốt tới khi vào mùa.

Sản phẩm khóm Cầu Ðúc (Hậu Giang).

Khóm tươi chạy chợ

Về miệt trồng khóm phía Nam sông Hậu, khắp cánh đồng lá gai trải rộng dọc theo sông Cái Lớn còn lưu giữ giống khóm Queen ngon nổi tiếng. Ra Giêng dài qua tháng 2 âm lịch, khóm chưa vào mùa chín rộ đã chớm nhận dấu hiệu hút hàng. Đi theo tuyến quốc lộ 61 từ TP Vị Thanh đến TP Rạch Giá, lác đác chừng vài ba sạp bày bán hàng khóm tươi ven đường. Khóm bán lẻ cho khách qua đường, trái to, vàng óng, ăn tươi ngọt lịm 20.000 đồng/trái. Không mấy ai so đo giá cả, khách hàng mua ăn liền, dù biết giá có cao hơn khóm hè phố quanh chợ Cần Thơ, Long Xuyên.

Nhưng người bán giải thích đơn giản, do khóm mùa nghịch. Khóm nằm trong số trái cây giải nhiệt ra chợ chưa nhiều nên giá lên cao. Hơn nữa, nhờ có lợi thế điểm chung trong quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương là độc đáo, danh tiếng. Dân trồng khóm ở Hậu Giang thường khoe giống khóm Queen Cầu Đúc (cầu Cái Tư) là ngon nhất hạng. Cùng giống khóm này, chủ rẫy khóm ở Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, lại cho rằng khóm trồng ở đất cù lao hay ven sông Cái Lớn xẻ tươi rẻ quạt vàng ruộm cho vị ngọt thanh tự nhiên không nơi đâu sánh bằng…   

Khóm Tắc Cậu được trồng nhiều ở các xã Bình An, Vĩnh Hòa Phú và một phần của xã Minh Hòa thuộc huyện Châu Thành (Kiên Giang). Trong đó trên đất cù lao nằm giữa hai sông Cái Lớn, Cái Bé có vùng chuyên canh khóm quanh năm. Ông Ba Tải ở Ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hòa Phú có 4,4ha chuyên canh khóm áp theo mô hình 3 cây, khóm - dừa - cau trên đất cù lao này. Ông vừa thu hoạch lứa khóm rải vụ, trái đang độ vừa chín, vỏ còn xanh, to, đẹp. Ghe thương lái đến tận nơi thu mua, khóm loại 1 (1-1,2 kg/trái), giá 13.000 đồng/trái, sau khi trừ chi phí có lời 5.000 đồng/trái. So với cùng tháng này năm trước khóm loại 1 khoảng 8.000 đồng/trái, cao hơn 5.000 đồng/trái. Trong khi giá khóm rớt loại (800 gram/trái) hiện thời bán 8.000 đồng.

Trong số hộ trồng khóm có kinh nghiệm, ông Ba Tải biết rành kỹ thuật cho trái rải vụ thu hoạch sớm bán được giá khá hơn. Ba Tải dẫn giải: Căn nguyên khóm có giá như hiện nay là do một số vùng trồng khóm nơi khác bị triều cường, nước ngập nên thất mùa, giảm năng suất. Thương lái cũng dự tính nhu cầu tiêu thụ mùa nắng nóng kéo dài tới khi vào hè sẽ còn tăng cao. Dân trồng khóm rành rẽ mùa khóm Cầu Đúc, Tắc Cậu thu hoạch chính vụ kéo dài trong hơn một tháng (từ tháng 4 đến tháng 5 âm lịch, đến qua lễ hội Vía Bà ở Châu Đốc - An Giang) là dứt mùa. Tiếp đó, muốn nối vụ một số nông dân áp dụng kỹ thuật kích thích khóm đẻ trái con để thu rải vụ bán quanh năm. Khóm Queen tuy năng suất không cao, khoảng 15-17 tấn/ha, nhưng ít sâu bệnh. Dùng phân bón và không dùng thuốc trừ sâu độc hại nên người tiêu dùng an tâm, có thể xem là trái ngon, an toàn.

Thoát cảnh bồng bềnh…

Ở ĐBSCL có nhiều vùng trồng khóm nổi tiếng lâu đời. Cây khóm có khả năng thích nghi vùng đất phèn như cây tràm, cây mía. Vào khoảng thập niên 40 thế kỷ XX, cây khóm cắm chân bén rễ trên vùng đất này. Theo các địa phương có vùng trồng khóm, trong những năm thị trường tiêu thụ tốt ĐBSCL có khoảng 40.000ha. Vùng trồng khóm Cầu Đúc, tỉnh Hậu Giang có trên 3.100ha. Tỉnh Kiên Giang có hơn 7.580ha, sản lượng trên 115.000 tấn/năm. Trong đó khóm Tắc Cậu thuộc huyện Châu Thành có trên 1.860ha, năng suất bình quân hiện đạt 14 tấn/ha. Riêng tỉnh Tiền Giang, tại huyện Tân Phước có vùng trồng khóm chuyên canh hơn 15.000ha, năng suất bình quân 17 tấn/ha, sản lượng hơn 257.800 tấn/năm. Trong giỏ hàng rau - củ - quả, người tiêu dùng biết rõ khóm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe. Khóm cung cấp vitamin C và chất chống oxy hóa tuyệt vời.

Ở nước ta có một số địa phương có nhiều vùng trồng khóm rải khắp từ Bắc vào Nam. Trong đó, ĐBSCL cây khóm có điều kiện, lợi thế mở rộng vùng sản xuất, khả năng tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu chế biến thực phẩm và phát triển thành ngành hàng xuất khẩu. Dù vậy, qua nhiều năm dài chuyện đưa khóm từ quê ra chợ vẫn chưa thoát cảnh thân phận long đong.

Hồi trước và sau những năm đầu sau năm 1975, khóm Queen từ miền Tây vào mùa được ghe thương lái mua chở về các chợ nổi rồi bán sang qua xuồng ghe nhỏ len lỏi theo sông rạch bán dạo tới các chợ lớn - nhỏ trong vùng. Nhưng sức mua mạnh nhất vẫn là đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến giữa những năm 1980 giống khóm Cayenne (còn gọi là dứa gai, thơm) nổi lên với năng suất cao lấn sân với giống khóm Queen, vì được các nhà máy thu mua chế biến đóng hộp hay đông lạnh tươi xuất khẩu. Sau một thời gian khi thị trường xuất khẩu hạ nhiệt, vùng trồng khóm Cayenne thu hẹp dần. Giống khóm Queen xem ra vẫn được nông dân lưu dụng, thị trường nội địa ăn bền.

Mấy năm gần đây khóm Queen có dấu hiệu phục hồi khi các địa phương mở ra nhiều chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật trong trồng trọt, chế biến thực phẩm tạo ra nhiều loại sản phẩm đa dạng. Song, bên cạnh việc cung cấp sản phẩm trái tươi vào các siêu thị, nhà máy chế biến thực phẩm, cơ sở làm bánh kẹo, nước giải khát. Phần lớn sản lượng khóm vẫn còn tiêu thụ nội địa theo kênh phân phối qua các chợ  truyền thống. Hoạt động gắn kết cung - cầu giữa các Hợp tác xã và doanh nghiệp tiêu thụ còn khiếm diện ở một vài địa phương, chưa bật lên thành mô hình mẫu. Một khi chuỗi liên kết sản xuất chưa hình thành, người trồng khóm miền Tây còn "tự bơi" tìm thị trường hay vẫn bán khóm theo lối mòn cũ, chờ gặp may trúng chợ thì phận khóm vẫn chưa hết long đong.

 

Hữu Đức/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
Top