Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 11 năm 2023 | 10:13

Chủ động kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán

Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 không còn bao xa, đây cũng là thời gian cao điểm các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ và chế biến thực phẩm để cung cấp cho thị trường sắp tới.

Do đó, cần phải chủ động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để người tiêu dùng yên tâm về thực phẩm.

Nhiều cơ sở vi phạm bị xử lý

Có thể thấy việc các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý các đơn vị kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn và với số tiền xử phạt lên đến nhiều tỷ đồng, cho chúng ta thấy mặc dù công tác kiểm tra, kiểm soát của các ngành, lực lượng chức năng thường xuyên diễn ra, nhưng vẫn còn rất nhiều đơn vị, cơ sở vi phạm. Lấy một số địa phương làm ví dụ để minh chứng cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm này.

Chủ động kiểm tra ATTP trên địa bàn TP Hà Nội 

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội với các địa phương ngày 28/11 vừa qua, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; riêng 10 tháng đầu năm 2023, thành phố đã duy trì công tác bảo đảm ATTP tại 100% các phường, thị trấn và 60 tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSSTTP); phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm; trong đó, có 6.578 cơ sở bị xử phạt, với số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Để bảo đảm ATTP TP Hà Nội đã duy trì và nhân rộng mô hình kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP năm 2023 với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã. Đến nay có 65.371 bữa cỗ được giám sát, tư vấn.

Theo ông Vũ Cao Cương, thành phố hiện đang duy trì tốt mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể (BATT) trường học tại 10 quận, huyện; tiếp tục xây dựng mô hình kiểm soát ATTP BATT trường học cấp tiểu học tại 5 quận, 5 huyện theo kế hoạch của Sở Y tế, với tổng số 215 trường.

Thanh Hóa hiện có gần 58.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong 10 tháng năm 2023 toàn tỉnh đã thành lập 1.250 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành; tiến hành thanh tra, kiểm tra 27.555 cơ sở, trong đó có 26.631 cơ sở đạt yêu cầu, phát hiện 924 cơ sở vi phạm; phạt tiền đối với 695 cơ sở với số tiền 2.258 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy nhiều sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Bên cạnh công tác thanh, kiểm tra, công tác lấy mẫu giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm tiếp tục được các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã lấy và xét nghiệm 5.815 mẫu thực phẩm, phát hiện 287 mẫu vi phạm. Trong đó, xét nghiệm tại Labo 3.095 mẫu, phát hiện 109 mẫu vi phạm; xét nghiệm nhanh tại hiện trường 2.720 mẫu, phát hiện 178 mẫu vi phạm. Công tác kiểm tra, thẩm định, hướng dẫn xã ATTP, ATTP nâng cao được quan tâm.

Mặc dù các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý và xử phạt rất nhiều các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhưng dường như các chế tài xử phạt chưa đủ sức mạnh răn đe, vì thế vi phạm vẫn cứ liên tục xảy ra. Điều này rất cần thiết phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa trong việc xử phạt, nhất là thời điểm này đang gần đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chủ động, quyết liệt kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết, lễ hội

Thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu xây dựng kế hoạch chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội năm 2024 sắp tới đây, nhiều địa phương của Hà Nội đã có những kiến nghị, đề xuất để quản lý tốt hơn nữa công tác ATTP.

Lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, huyện có 2.112 cơ sở thực phẩm. Trước đây, trên địa bàn huyện, nhất là khu công nghiệp Quang Minh có nhiều cơ sở hoạt động kinh doanh sản xuất nhưng nay các cơ sở chuyển đổi sang các kho lạnh chứa thực phẩm, logistics nên việc kiểm tra ATTP trong các dịp cuối năm rất quan trọng. Do đó, huyện Mê Linh kiến nghị TP chỉ đạo các sở, ngành cùng phối hợp với huyện tăng cường kiểm tra công tác ATTP, đặc biệt kiểm tra hơn 10 kho lạnh tại khu công nghiệp Quang Minh. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, kiểm tra công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn huyện.

Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra ATTP tại các cơ sở kinh doanh

Để bảo đảm ATTP phục vụ lễ hội Chùa Hương 2024, đại diện lãnh đạo huyện Mỹ Đức kiến nghị Sở Y tế Hà Nội, Chi cục ATVSTP TP tập trung chỉ đạo, cùng huyện tham gia tổ chức lớp tập huấn cho các chủ cửa hàng và người lao động tham gia tại các cơ sở chế biến ở chùa Hương. Huyện sẽ quyết liệt kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép kinh doanh nếu cơ sở không bảo đảm, vi phạm các quy định về ATTP.

Nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác quản lý ATTP trên địa bàn, đại diện lãnh đạo huyện Quốc Oai cho hay, thực hiện phân cấp, hiện nay, đối với công tác quản lý cấp xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ không đăng ký kinh doanh trên địa bàn rất lớn với 2.089 cơ sở. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ có những khó khăn cả về năng lực chuyên môn và nhân lực.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP nhấn mạnh, công tác bảo đảm ATTP hết sức quan trọng liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Dự báo, cao điểm vào dịp lễ Tết, lễ hội, tình hình ATTP hết sức phức tạp. Sau hội nghị sẽ thống nhất ban hành kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết và lễ hội trong 3 tháng tới, cao điểm từ 15/12 đến Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2024.

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp làm rõ, rà soát lại phần việc, phân công nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, xác định rõ các địa bàn trọng điểm và việc làm trọng tâm ở các lĩnh vực. Nếu không xác định rõ trọng tâm, trọng điểm thì rất khó làm. Các lực lượng phải rõ trách nhiệm của từng khâu, từng người, từng phần việc của mình.

Lãnh đạo TP giao Chi cục ATVSTP Hà Nội là đầu mối bố trí trực, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân 24/7 từ đường dây nóng. Công khai số điện thoại đường dây nóng bằng số điện thoại cá nhân để tiếp nhận thông tin của người dân bất cứ lúc nào. Ngoài ra, các sở ngành, đơn vị liên quan cũng có số điện thoại tiếp nhận ý kiến phản ánh.

Việc bảo đảm ATTP cho nhân dân không chỉ đến dịp lễ, tết hoặc các sự kiện quan trọng, các cơ quan chức năng mới tiến hành ra quân, mà công tác này phải được làm thường xuyên, liên tục, kiên quyết và rất cần phải có những biện pháp mạnh. Tuy nhiên vì những lợi ích trước mắt mà các đối tượng vận chuyển, buôn bán và chế biến thực phẩm vẫn coi thường pháp luật, vận chuyển, buôn bán và chế biến thực phẩm bẩn đưa ra ngoài thị trường để tiêu thụ. Việc làm này rất cần được tố giác, lên án và xử lý thật nghiêm minh, có như vậy thì người tiêu dùng mới có thể yên tâm về sức khỏe và tính mạng của mình.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top