Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 2 năm 2023 | 16:9

Chuyện cựu chiến binh vượt khó xây dựng vườn mẫu

“Rời tay súng, chắc tay cày”, ông Trần Hữu Hộ ở thôn Đông Châu, xã Thạch Ngọc (Thạch Hà - Hà Tĩnh) đã xây dựng khu vườn mẫu rộng gần 5.000m2, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Miệt mài chinh phục vườn tạp

Ông Hộ kể: Năm 1979, khi ông tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Năm 1983, ông không may bị thương nên được xuất ngũ.

Mang theo thương tật (thương binh hạng 3/4, bệnh binh 2/3) trở về quê hương lập nghiệp, bước đầu cuộc sống của ông Hộ rất nhiều khó khăn. Thu nhập của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng và khu vườn tạp. Thế nhưng, trong khó khăn, với tinh thần, quyết tâm không lùi bước, ông Hộ đã kiên trì, không ngại khó, ngại khổ để cải thiện dần cuộc sống gia đình. Ngoài mấy sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) ruộng, ông phát triển chăn nuôi, trồng rau, làm công theo mùa vụ...

Kinh tế vườn đã đưa đến cho ông Hộ và gia đình có mức thu nhập khá. Trừ  chi phí,  ông Hộ “bỏ túi” hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Hộ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với bà con, đồng đội về phát triển kinh tế vườn.

“Tôi luôn tâm niệm, bản thân là người lính thì phải luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, luôn học và làm theo tấm gương của Bác. Từ đó, tôi như có thêm động lực để cố gắng xoay xở, vượt lên đói nghèo...”, ông Hộ chia sẻ.

 Năm 2012, cựu chiến binh Trần Hữu Hộ tiến hành đầu tư cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế gia đình. Đầu tư phát triển kinh tế vườn là quyết định khó khăn và táo bạo của ông Hộ. Bởi đây là vùng đất bán sơn địa, đất nhiều sỏi đá, do đó, muốn trồng cây phát triển tốt phải san phẳng mặt vườn, kết hợp với bón phân hữu cơ và tưới nước để từng bước cải tạo vườn.

Mặt khác, vào thời điểm này, kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vì thế không thể đầu tư một lúc nhiều loại cây, con. Thay vào đó, vợ chồng ông Hộ quyết định “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu chỉ là vài chục gốc cam, bưởi, vài chục con gà..., dần dần mới tăng số lượng, đa dạng vật nuôi - cây trồng. Bên cạnh đó, ông Hộ còn tham gia các lớp đào tạo về sản xuất cũng như ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong việc trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Và sỏi đá đã không phụ sự cần cù, mồ hôi nước mắt của vợ chồng người cựu chiến binh, 5.000m2 vườn tạp của gia đình trở thành khu vườn xanh mướt, trù phú, đa dạng cây - con. Hiện, khu vườn có gần 400 gốc cam, bưởi, 300 gốc đào, 40 trụ cây thanh long. Ngoài ra, ông hộ còn trồng thêm xoài, nhãn, hồng, chè... và nuôi hơn 200 con gà, 200 con bồ câu, 3 con bò.

Ông Hộ chia sẻ, làm vườn không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo thêm không gian xanh, làm đẹp cho nhà mình, cho thôn xóm, quê hương. Chính nhờ trồng được nhiều cây, ít bê tông nên nhà lúc nào cũng mát mẻ.

“Vườn là cuốn sổ hưu”

Ngoài việc đem lại nguồn lợi kinh tế khá cao, năm 2016, khu vườn của ông Hộ còn được địa phương vận động tham gia xây dựng vườn mẫu, có quy hoạch rõ ràng, tận dụng hết ưu thế đất đai. Đến năm 2017, vườn của ông Hộ được tỉnh Hà Tĩnh đánh giá đạt chuẩn vườn mẫu. Cũng trong năm đó, khu vườn đạt giải khuyến khích trong cuộc thi vườn mẫu cấp tỉnh.

Tiếp nối niềm vui, năm 2019, hai cây trồng chủ đạo là bưởi và cam của ông Hộ đã được chứng nhận sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP. Các sản phẩm cam, bưởi của gia đình luôn đảm bảo chất lượng, thị trường tiêu thụ tốt, được người tiêu dùng đón nhận.

Những mùa trái ngọt là thành quả của bao năm đổ mồ hôi chăm chút, vun trồng của cựu chiến binh Trần Hữu Hộ.

Nhờ thu nhập cao từ vườn mẫu, vợ chồng ông Hộ có điều kiện mua sắm thêm nhiều phương tiện máy móc để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sắm sửa tiện nghi trong gia đình. Đặc biệt, ba người con của vợ chồng ông Hộ cũng đã được học hành chu đáo và có việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc.

Ông Hộ chia sẻ, để các loại cây trồng phát triển tốt, ngoài tự tìm tòi, nghiên cứu đặc tính của từng loại cây kết hợp chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật, gia đình còn sử dụng nhiều chế phẩm sinh học để xua đuổi các loại côn trùng, đảm bảo tính an toàn cho các sản phẩm. Xây dựng vườn mẫu đã giúp vợ chồng tôi nhìn thấy tương lai tuổi già của mình. Chăm sóc vườn mẫu không mất nhiều công sức mà vẫn cho thu nhập đều đặn. Giờ đây, chúng tôi xem nó như là cuốn sổ hưu của hai vợ chồng sau này”.

Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, cựu chiến binh Trần Hữu Hộ còn là người nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Năm 2018, ông tự nguyện đập bỏ hàng rào bê tông và hiến gần 70m2 đất của gia đình để mở rộng đường làng.

Ông Hộ cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với bà con, đồng đội về phát triển kinh tế vườn, để mọi người đều có thể vươn lên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Với những “quả ngọt” trong phát triển kinh tế, với tinh thần nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương, cựu chiến binh Trần Hữu Hộ đã nhận được nhiều Giấy khen của các cấp. Vườn mẫu của ông cũng thường xuyên đón các cá nhân, đơn vị đến học hỏi, tham quan, học tập kinh nghiệm.

“Với đức tính cần cù, chịu khó, cựu chiến binh Trần Hữu Hộ là gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế để mọi người học tập và noi theo. Hơn thế, ông còn gương mẫu đi đầu trong phong trào Hội và tích cực tham gia, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông Hộ đã thể hiện đúng tinh thần của người lính, luôn học và làm theo Bác. Tấm gương của ông Hộ đã góp phần giúp địa phương giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”, ông Phan Danh Đào, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạch Ngọc, cho biết.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top