Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 7 tháng 12 năm 2022 | 10:35

Cơ quan quản lý ở đâu khi nạn khai thác đất, đá trái phép vẫn tồn tại?

Người dân bức xúc phản ánh tình trạng khai thác đất, đá trái phép nhưng xe chở đất, đá "lậu" vẫn từ núi rầm rộ “chạy” về xuôi. Vậy, tại sao những sai phạm này chưa bị xử lý và trách nhiệm này thuộc về cấp quản lý nào?

Dự án trại nuôi heo trở thành nơi khai thác đất trái phép?

Dư luận tỉnh Bình Định bức xúc về việc, chủ đầu tư Dự án Trại chăn nuôi tại làng Hiệp Tiến, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh vừa được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư đã san phẳng một khu đồi.

Cụ thể, công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Hùng Thương Nhật - chủ đầu tư dự án Trại chăn nuôi đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Trong khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, Công ty này đã để nhiều người vào khai thác đất trái phép mà không quản lý vùng đất được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Các đợt mưa lớn vào tháng 10 và 11 vừa qua đã khiến đất đá từ khu vực san gạt để làm Trại chăn nuôi của Công Ty TNHH Một thành viên Sản xuất Thương mại Hùng Thương Nhật tại làng Hiệp Tiến, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh trôi xuống ruộng và lấp mương thoát nước. Thời gian qua, Công ty này không quản lý khu vực đất dự án để cho nhiều đối tượng vào lấy đất trái phép. Việc khai thác đất trái phép để lại một số hố sâu, khi mưa lớn nước đọng lại rất nguy hiểm.

Khu vực Dự án Trại chăn nuôi Hùng Thương Nhật bị san ủi mặt bằng khi chưa có giấy phép xây dựng.

Ông Đoàn Kim Toán, trú làng Hiệp Tiến, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh cho biết, việc triển khai dự án Trại chăn nuôi quá lâu ảnh hưởng đến đời sống của người dân: “Ban đầu các đơn vị đưa máy móc vào nhiều lắm mà sau một năm hầu như dừng lại hết, từ đó đến này không làm nữa. Các đơn vị này múc nhiều khiến đất lấp hết ruộng. Nếu mà làm trại heo trên đầu nguồn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sinh hoạt của người dân khi trên đầu dòng đây có con suối chảy xuống đây”.

Dự án Trại chăn nuôi Hùng Thương Nhật có quy mô hơn 85.000m2 tại làng làng Hiệp Tiến, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh của Công ty TNHH Một thành viên sản xuất thương mại Hùng Thương Nhật được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư vào 7/2019. Theo tiến độ thực hiện thì đến tháng 12/2020, dự án hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, Công ty này chưa được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất, chưa được cấp phép xây dựng theo quy định nhưng đã tự ý đưa máy móc vào khu vực dự án để san lấp mặt bằng. Sau đó, UBND xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh đề nghị Công ty tạm dừng hoạt động san lấp mặt bằng, tạm giữ các phương tiện liên quan. Hơn nửa năm qua, Công ty này không quản lý khu vực diện tích đã được chấp thuận chủ trương đầu tư để nhiều người vào khai thác đất trái phép. Tại khu vực bị khai thác đất trái phép xuất hiện nhiều hầm hố, độ sâu từ 1,5 đến 2m.

Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết: “Công ty Hùng Thương Nhật chưa hoàn thành hồ sơ thuê đất. Việc cấp phép cũng chưa có. Thủ tục liên quan để tiến hành xây dựng trang trại nuôi heo. Thời gian vừa qua trên diện tích trang trại của Công ty Hùng Thương Nhật có tình trạng san gạt đưa đất ra đề mà bán ra các lò gạch tại xã Canh Hiển thì huyện đã kiểm tra đề nghị xử lý”.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, Dự án Trại chăn nuôi Hùng Thương Nhật chậm tiến độ so với Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan, nhà đầu tư đã triển khai được phần lớn các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, dự án được triển khai tại khu vực đồi núi và thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư. Do vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định thống nhất cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Hùng Thương Nhật nghiêm túc thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định. Ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc UBND huyện Vân Canh kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất, khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Một thành viên sản xuất thương mại Hùng Thương Nhật, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật:

“Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đã vào cuộc đề nghị huyện Vân Canh vào cuộc kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Phối hợp với huyện Vân Canh giám sát việc hoạt động của công ty này. Cũng đã mời lãnh đạo công ty này lên làm việc. Tiếp tục liên hệ huyện Vân Canh để phối hợp làm sớm”, ông Lê Văn Tùng cho hay.

Khai thác đất, đá trái phép tại núi Cây Trâm

Mặc dù UBND tỉnh Phú Yên đã nhiều lần chỉ đạo xử lý tình trạng khai thác đất, đá trái phép tại núi Cây Trâm, Gò Vông (xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa), nhưng cho đến nay tình trạng khai thác đất, đá "lậu" vẫn từ núi rầm rộ  “chạy” về xuôi.

Cụ thể, liên tiếp trong thời gian dài vừa qua, tại khu vực núi Cây Trâm, núi Gò Vông, tình trạng khai thác đất, đá trái phép hoạt động ngang nhiên, "qua mặt" các cơ quan thực thi pháp luật trên địa bàn.

Nhiều công nhân chẻ đá xây dựng cùng máy móc liên tục đào sâu vào núi để đưa những khối đá lớn ra khỏi lòng đất. Khối lượng đất dôi ra tiếp tục đưa liên xe chở đi nơi khác tiêu thụ.

Cảnh quan thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng từ hoạt động khai thác đá. Cả trăm công nhân đang ngày đêm khoét núi, đập đá hủy hoại thiên nhiên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cảnh quan và môi trường.

Trước thực trạng khai thác đất, đá tại khu vực núi Cây Trâm, Gò Vông gây nhức nhối cho người dân xung quanh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ra văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm, đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, xã đã để xảy ra việc khai thác khoáng sản trái phép phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Mặc dù UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo cương quyết như vậy, nhưng đất, đá tại khu vực trên vẫn từng ngày bị đào bới nham nhở rồi đưa lên xe vận chuyển về xuôi.

Việc khai thác đất, đá trái phép, tự phát, không có sự quản lý từ cơ quan chức năng khiến cho toàn bộ khu vực thay đổi hiện trạng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan thiên nhiên, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, các hố sâu đọng nước sau khi khai thác rất nguy hiểm đối với con người và gia súc.

Ngoài ra, tại khu vực được quy hoạch làm bãi rác của thị xã Đông Hòa đang xuất hiện nhiều điểm khai thác, kinh doanh đá xây dựng. Nguồn nguyên liệu sản xuất đá được lấy từ quá trình thi công bãi rác này. Việc khai thác "lậu" đất, đá tại núi Cây Trâm, núi Gò Vông và bãi rác tại huyện Đông Hòa đang ngày càng gây bức xúc, phẫn nộ cho người dân địa phương.

Sai phạm trong khai thác tài nguyên sẽ phải thực hiện khắc phục ra sao?

Thông tin trước báo chí, ông Ngô Trí Dũng - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang) cho biết: Sau khi bị UBND tỉnh xử phạt và yêu cầu báo cáo kết quả khắc phục sai phạm, Công ty TNHH MTV Vĩnh Long đã có văn bản gửi Sở TN&MT.

Văn bản báo cáo của Công ty TNHH MTV Vĩnh Long cho biết: Sau khi nhận được quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Bắc Giang, công ty đã nộp phạt theo quy định, nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục các tồn tại trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản (đất san lấp mặt bằng) tại khu vực núi Bòng, thôn Bòng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn).

Công ty vẫn ngừng hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực núi Bòng và hiện chưa hoạt động trở lại, đồng thời nộp phạt xong 565 triệu đồng.

Đã chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh, thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường.

Công ty này cam kết sau khu được UBND tỉnh Bắc Giang cho phép hoạt động trở lại sẽ thực hiện khai thác đúng các thông số của hệ thống khai thác (chiều cao tầng, góc đốc sườn tầng) đã xác định trong thiết kế mỏ, báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt.

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định xử phạt với Công ty TNHH MTV Vĩnh Long (thôn Trí Yên, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cho 3 hành vi vi phạm với số tiền 565 triệu đồng.

Báo cáo khắc phục sai phạm của Công ty TNHH MTV Vĩnh Long.

Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh, Công ty TNHH MTV Vĩnh Long khai thác vượt quá 10% một trong các thông số của hệ thống khai thác (chiều cao tầng) đã xác định trong thiết kế mỏ/báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản (cụ thể: Theo hồ sơ được phê duyệt thì chiều cao tầng khai thác là 5m; tuy nhiên thực tế đã khai thác tại khu II: chiều cao tầng từ 10m - 40m, tại khu III: chiều cao tầng từ 20m - 60m; như vậy vượt chiều cao tầng so với thiết kế tại điểm vượt thấp nhất là 100%, tại điểm vượt cao nhất là 1.100%).

Công ty đã tổ chức Khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản (Quyết định số 579/QĐ-UBND ngày 18/4/2019) từ 100% trở lên (cụ thể: Năm 2020, Công ty TNHH Một thành viên Vĩnh Long đã khai thác 394.410m3 đất san lấp, vượt công suất được phép khai thác là 244.410m3, tương ứng 162,9%). Ngoài ra, Công ty còn lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm hoặc số liệu thông tin không chính xác (cụ thể: Năm 2021, Công ty TNHH Một thành viên Vĩnh Long cung cấp số liệu về sản lượng khoáng sản (đất san lấp) đã khai thác các năm 2019, 2020, 2021 cho Sở Tài nguyên và Môi trường không chính xác).

Hành vi khai thác vượt quá chiều cao tầng cho phép, UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt đơn vị này số tiền 50 triệu đồng. Hành vi tổ chức khai thác vượt công suất cho phép từ 100% trở lên, Công ty bị xử phạt số tiền 500 triệu đồng. Hành vi lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ… Công ty TNHH MTV Vĩnh Long bị phạt 15 triệu đồng. Tổng hợp hình phạt, Công ty TNHH MTV Vĩnh Long bị xử phạt với số tiền là 565 triệu đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Giang áp dụng hình phạt bổ sung đối với Công ty TNHH MTV Vĩnh Long: Buộc phải khai thác đúng các thông số của hệ thống khai thác (chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng) đã xác định trong thiết kế mỏ/báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt. Buộc thực hiện các biện pháp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh. Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc. Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH MTV Vĩnh Long báo cáo kết quả khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt này và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát.

Ông Ngô Trí Dũng - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT Bắc Giang) xác nhận đến thời điểm hiện tại, mỏ này chưa hoạt động trở lại. Thời gian tới, nếu mỏ hoạt động, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang sẽ tham gia giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật.

 

Theo khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010, khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm già, các hoạt động khác có liên quan.

Trong đó, việc khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. (Khoản 2 Điều 4 Luật Khoáng sản 2010)

Do đó, khai thác khoáng sản trái phép được hiểu là một hành vi vi phạm pháp luật do cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động thu hồi khoáng sản mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tội khai thác khoáng sản trái phép theo Điều 227 Bộ luật Hình sự

Khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm khai thác khoáng sản trái phép, cá nhân, tổ chức sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể như sau:

* Đối với cá nhân

Khung 1:

- Người nào vi phạm quy định về khai thác khoáng sảni của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Khung 2:

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;

+ Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Có tổ chức;

+ Gây sự cố môi trường;

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

* Đối với pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Khoản 4 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), thì bị phạt như sau:

- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khung 1 (đối với cá nhân), thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khung 2 (đối với cá nhân), thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, cá nhân có hành vi khai thác khoáng sản trái phép thì theo Điều 227 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tù đến 07 năm.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top