Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 3 năm 2024 | 9:15

Công bố hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế vừ phối hợp với Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) tổ chức Lễ công bố hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam thuộc dự án ODA "Củng cố và thiết lập hệ thống quản trị An toàn thực phẩm tại Việt Nam”.

Hệ thống này sẽ quản lý dữ liệu tập trung, cập nhật theo thời gian thực, phân loại và công bố thông tin về an toàn thực phẩm, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc xuất xứ và sản phẩm an toàn”, Cục ATTP đã phối hợp với MFDS để xây dựng nội dung dự án “Củng cố và thiết lập hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương dự án tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 23/01/2020. Tiếp đó, Văn kiện dự án đã được Lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt để triển khai chính thức.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP phát biểu tại buổi lễ

Đến nay, dự án này đã hoàn thành giai đoạn triển khai bốn năm từ năm 2020 đến năm 2023. Hệ thống quản trị an toàn thực phẩm đã được xây dựng bao gồm 05 hợp phần:

1. Hệ thống báo cáo ATTP trực tuyến từ cấp phường/xã lên cấp quận/huyện lên cấp tỉnh/thành phố và tổng hợp tại cấp trung ương: Đây là hệ thống báo cáo xây dựng theo các biểu mẫu đã được phê duyệt tại Quyết định 3081/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế”. Các thông tin trong báo cáo sẽ được gửi và nhận theo thời gian thực. Trong hệ thống báo cáo, hơn 12.000 tài khoản được thiết lập cho tất cả các xã, huyện, tỉnh và trung ương.

2. Hệ thống Trang web Cổng thông tin ATTP (cho công chúng): Ngoài các thông tin chung về an toàn thực phẩm tại trang web này, hệ thống đã thiết lập Bản đồ thông tin doanh nghiệp theo vùng địa lý. Các thông tin cơ bản của doanh nghiệp như: tên doanh nghiệp, địa chỉ, mã số doanh nghiệp, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, các sản phẩm…được hiển thị và thông báo cho người dân. Chức năng báo cáo vụ ngộ độc thực phẩm cũng được thiết kế tại hệ thống này để các cơ quan quản lý ATTP cấp tỉnh/thành phố có thể đăng nhập và thực hiện báo cáo trực tuyến.

3. Hệ thống quản lý thực phẩm Việt Nam (dành cho cán bộ) - Trang nghiệp vụ dành cho cán bộ quản lý: Các chức năng khác phục vụ cho nhu cầu tin học hóa các nghiệp vụ quản lý cho cán bộ Cục ATTP bao gồm: quản lý thông tin doanh nghiệp, quản lý vụ ngộ độc thực phẩm, quản lý đơn thư khiếu nại, phản ánh, quản lý thông tin giám sát quảng cáo, quản lý thông tin cảnh báo ATTP…

4. Hệ thống quản lý thông tin các phòng kiểm nghiệm: Đây là hệ thống kết nối thông tin giữa các phòng kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP với cơ quan quản lý nhà nước. Dựa trên hệ thống, cơ quan quản lý có thể quản lý tích hợp, tra cứu các chỉ tiêu kiểm nghiệm được chỉ định, tổng hợp các số liệu kiểm nghiệm tự động để phục vụ mục đích quản lý…

5. Hệ thống web mobile: Đây là Cổng thông tin toàn dân được thiết kế rút gọn để có thể sử dụng trên điện thoại di động. Web mobile hiển thị các thông tin về Bản đồ thông tin doanh nghiệp, Bản đồ ngộ độc thực phẩm,…và có chức năng gửi thông báo từ website tới những tài khoản đăng ký vào hệ thống.

Lãnh đạo Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc bàn giao tượng trưng hệ thống quản trị ATTP tại VN

Hệ thống được Bộ Quốc phòng và Tập đoàn FPT (đơn vị kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin độc lập do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép) thực hiện đánh giá và xác nhận là đảm bảo an toàn thông tin, đã sẵn sàng để chính thức đưa vào sử dụng.

Dự án “Củng cố và thiết lập hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam” là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan thuộc Chính phủ của hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc và là sự khẳng định một lần nữa mối quan hệ khăng khít của hai quốc gia Đối tác chiến lược toàn diện trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển.

Nhiều năm qua, người dân trên khắp cả nước đã quen với việc quét mã QR Code để kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, yên tâm hơn trong việc sử dụng thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của mình và gia đình.

Việc công bố Hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc xuất xứ và được sử dụng sản phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục An toàn thực phẩm sẽ có quy chế thực hiện truy cập Hệ thống này hàng ngày, hàng giờ để tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, theo các tính năng của Hệ thống thì yêu cầu các hoạt động phải thực hiện từ cấp cở sở (cụ thể từ xã/phường lên quận/huyện, tỉnh/thành và Trung ương).

Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các chi cục, các sở y tế, các ban quản lý an toàn thực phẩm, các sở an toàn thực phẩm phải tổ chức tập huấn triển khai các tính năng trên Hệ thống một cách chuyên nghiệp.

Nói về hiệu quả của hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thông tin thêm, hệ thống quản trị an toàn thực phẩm được xây dựng tại dự án hợp tác với Hàn Quốc là hệ thống có nhiều ưu điểm, đáp ứng được yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, với hệ thống báo cáo an toàn thực phẩm các cấp được xây dựng rất tổng thế, sử dụng cho tất cả các cấp từ xã, phường thị trấn đến quận huyện, tỉnh, thành phố. 

Ông Đặng Thanh Phong cho hay, hệ thống đã hỗ trợ rất nhiều và làm giảm công sức cho các cán bộ phụ trách trong việc gửi, nhận và kiểm soát báo cáo từ cấp dưới.  Bên cạnh đó, hệ thống đã cung cấp các công cụ phục vụ hoạt động thống kê, tổng hợp, báo cáo số liệu, điều này góp phần giảm thời gian xử lý và tăng tính chính xác của số liệu. 

Hay với bản đồ thông tin doanh nghiệp, qua thông tin trên hệ thống giúp cung cấp thông tin minh bạch tới người dân về tên các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có vi phạm đang bị xử lý.

Còn với Cổng tiếp nhận thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm trực tuyến theo ông Phong đây là điểm rất tiến bộ. Bởi trong công tác quản lý ngộ độc thực phẩm, tính chính xác, kịp thời là mhững yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát vụ ngộ độc và ngăn chặn sự lan rộng của các mối nguy thực phẩm.

"Do đó việc thực hiện báo cáo trực tuyến và cập nhật số liệu theo thời gian thực sẽ là một công cụ hiệu quả cho các cơ quan quản lý thực phẩm kiểm soát được sự cố", ông Đặng Thanh Phong nói.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), báo Đầu tư...

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top