Dù có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn nạn buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã trái phép nhưng việc quản lý hoạt động này còn khá lỏng lẻo và thiếu giám sát chặt chẽ.
Tình trạng vận chuyển, buôn bán cá thể động vật hoang dã
Mới đây, trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại địa bàn thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, lực lượng chức năng phát hiện L.M.T. (SN 1983, trú tại Thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) đang xếp nhiều lồng sắt ven đường, bên trong có 40 cá thể động vật hoang dã.
Cầy vòi mốc thuộc nhóm IIB, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.
Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng L.M.T. đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số động vật trên (bước đầu xác định toàn bộ là Cầy vòi mốc thuộc nhóm II-B, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ).
Vụ việc đang được Công an huyện Hạ Lang, Cao Bằng tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiếp đến là vụ cứu hộ thành công hai cá thể Cầy vằn bắc, qua đó, ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma tuý, Công an huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá vừa cứu hộ thành công hai cá thể Cầy vằn bắc tịch thu từ hai đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép trên địa bàn huyện và bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.
Đây là hai cá thể Cầy vằn được hai đối tượng trên mua từ người dân bẫy bắt từ trong rừng. Qua kiểm tra sơ bộ, cả hai đều bị thương nặng ở chân do dính bẫy, trong đó có một cá thể rất yếu, suy nhược nghiêm trọng. Hiện hai cá thể này đã được đội cứu hộ đưa về Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tại VQG Cúc Phương để cấp cứu, chữa trị.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam cho biết, hiện nay Vườn quốc gia Cúc Phương đang phối hợp cùng SVW trong việc mở rộng xây dựng chương trình sinh sản bảo tồn loài Cầy vằn để tái thả và phục hồi quần thể ngoài tự nhiên sau này. Trong đó dự kiến một khu sinh sản bảo tồn Cầy vằn sẽ được xây dựng trên diện tích gần 1ha tại Vườn quốc gia Cúc Phương với 50 khu chuồng sinh sản bảo tồn cho loài Cầy vằn. Dự kiến tương lai sẽ lưu giữ lên tới 50 cá thể Cầy vằn và có thể tái thả về tự nhiên mỗi năm từ 6-10 cá thể.
Đại diện công an bàn giao hai cá thể Cầy vằn bắc.
Cầy vằn bắc là một loài đặc hữu của Đông Dương và là một trong những loài thú ăn thịt có diện tích phân bố hẹp nhất, chỉ phân bố ở 3 nước là Việt Nam, đông Lào và một phần phía nam Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam là nước mà Cầy vằn phân bố chính. Cầy vằn bắc được Sách đỏ IUCN xếp vào loài Nguy Cấp và có thể xem xét đưa vào xếp loại Rất nguy cấp (Timmins et al., 2016).
Trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Cầy vằn bắc nằm trong danh mục nhóm IB.
Quần thể Cầy vằn bắc ngoài tự nhiên đã suy giảm hơn 50% trong vòng 15 năm qua, và có xu hướng suy giảm tương tự trong vòng 15 năm tới (Timmins et al., 2016). Dù vẫn ghi nhận qua bẫy ảnh và quan sát được tại một vài điểm, nhưng tần suất và phạm vi bắt gặp của loài ngày càng ít do các hoạt động săn bắn, bẫy bắt, đặc biệt là sử dụng bẫy dây đối với loài kiếm mồi dưới đất như Cầy vằn bắc. Vì vậy, loài này nên được xem xét đưa lên nhóm IB để gia tăng cơ sở pháp lý giúp bảo vệ loài đặc hữu đang nguy cấp của Đông Dương một cách tốt nhất.
Theo Bộ NN-PTNT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17-5-2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Hiện nay đã đến mùa chim di cư (khoảng từ đầu tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau), dự báo tình hình săn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư tại các địa phương sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp.
Chim hoang dã di cư bị săn bắt, bày bán công khai ở đại lộ Thăng Long (Hà Nội)
Để triển khai thực hiện hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư. Chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư.
Công văn này do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh ký, cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, buôn bán sinh vật cảnh trên địa bàn ký cam kết không mua, bán, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm quy định.
Nhiều loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng
Mới đây, báo cáo tại Hội thảo về "nhận diện vai trò và tăng cường năng lực vận động chính sách ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) cho các tổ chức bảo tồn của Việt Nam”, đại diện Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (CNREC) cho biết, Việt Nam là một trong 25 nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất thế giới với khoảng 3.000 loài cá, hơn 1.000 loài chim và 300 loài thú.
Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ: tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã hiện nay đã và đang gia tăng, trở thành mối đe dọa chính, dẫn tới gia tăng tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài ĐVHD, làm suy thoái sinh cảnh tự nhiên, gây mất đa dạng sinh học. Đồng thời, tiềm ẩn những tác động tiêu cực môi trường sống và sức khoẻ của con người và tạo ra áp lực lớn cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam trong suốt 30 năm qua.
Để từng bước giải quyết vấn nạn này, Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), ngăn chặn, buôn bán ĐVHD. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đề ra chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23.7.2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD; chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17.5.2022 về các giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ngày 28.01.2022 với mục tiêu cần phải bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm.
Cộng đồng trách nhiệm bảo vệ ĐVHD
Thời gian qua, các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD đã rất tích cực và chủ động trong hoạt động này. Tuy nhiên, trước những vụ việc buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy, Việt Nam vẫn đang là điểm nóng về buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD, điều này cũng đồng nghĩa ĐDSH cũng có nhiều nguy cơ bị đe dọa.
Để công tác bảo tồn ĐDSH, ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD có hiệu quả, các chuyên gia cho rằng: cần phải có sự chung tay của tất cả các cấp, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng với những hành động thiết thực để bảo vệ các loài ĐVHD, quý, hiếm, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn ĐDSH, phát triển bền vững. “Để phòng chống buôn bán và tiêu thụ trái phép ĐVHD đạt hiệu quả cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cộng đồng, tổ chức xã hội và cơ quan chức năng”, Giám đốc Trung tâm GreenViet Nguyễn Thiên Hương đề xuất.
Đại biểu đề xuất các giải pháp ngăn chặn buôn bán ĐVHD. Ảnh: Khắc Ngọc
Tại buổi Hội thảo, nhiều ý kiến cũng đánh giá cao hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Việt Nam và quốc tế trong trong lĩnh bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD, đặc biệt là công tác bảo tồn ĐDSH và ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Đồng thời, cũng thẳn thắn, sôi nổi trao đổi các vấn đề về chính sách còn bỏ ngỏ trong công tác bảo tồn ĐDSH, ngăn chặn buôn bán ĐVHD trái pháp luật tại Việt Nam và đề xuất các chính sách trong 5 năm tới. Theo đó, các tổ chức phi chính phủ (NGO) cần đưa ra các biện pháp cụ thể, chủ động hơn để vận động việc tăng cường các chính sách, hành động; sự tham gia của Quốc hội, Chính phủ và công chúng vào các hoạt dộng ngăn chặn bẫy bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã cho giai đoạn 2022-2030;….
Nhiều kẽ hở pháp luật
Việt Nam hiện có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD đã được cấp phép và ước tính, còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép. Trong số khoảng 90 loài ĐVHD đang được nuôi, có ít nhất 45 loài ĐVHD nguy cấp trên toàn cầu.
Theo dữ liệu thương mại của Công ước về thương mại quốc tế, trong giai đoạn 2014-2018, Việt Nam là nước xếp thứ 2 trên thế giới có lượng xuất khẩu các loài thú có nguồn gốc do gây nuôi nhiều nhất, chỉ đứng sau Trung Quốc. Một số loài ĐVHD được nuôi ở Việt Nam tính đến năm 2020 là khoảng 940.000 con rắn hổ mang Trung Quốc; hơn 230.000 con cá sấu nước ngọt; hơn 117.000 con rắn ráo trâu; gần 73.000 con trăn đất; gần 18.000 con vòi cầy hương...
Các cá thể rùa bị nuôi nhốt được chuyển tới Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh để được chăm sóc. Ảnh: Thanh Thủy
Theo quy định hiện hành, các cơ sở nuôi có thể được cấp phép nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng hợp pháp ít nhất 39 loài hiện đang bị đe dọa trên toàn cầu. Nếu hoạt động gây nuôi thực sự là mô hình khép kín, nghĩa là không tiếp tục khai thác ĐVHD từ tự nhiên thì vấn đề này không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nhập lậu ĐVHD từ tự nhiên diễn ra tràn lan, ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học của Việt Nam và cả các quốc gia khác trong khu vực.
Có nhiều bằng chứng cho thấy cơ chế quản lý lỏng lẻo và thiếu sự giám sát hiệu quả đối với hoạt động nuôi thương mại ĐVHD đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng nhằm thu lợi bất chính từ việc nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp. Các cơ sở có thể dễ dàng mua bán “giấy phép vận chuyển” để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của ĐVHD. Một số cơ sở đã và đang nuôi nhốt ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp trong một thời gian dài trước khi đăng ký với cơ quan chức năng, hoặc nuôi các loài không phải là loài được cấp phép. Chính vì vậy, hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước.
Theo một nghiên cứu tiến hành trong giai đoạn 2014-2015 của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), toàn bộ 26 cơ sở nuôi thương mại ĐVHD được khảo sát (đa phần là các trại nuôi có quy mô lớn) đều có dấu hiệu “nhập lậu” ĐVHD. Gần đây, ENV đã ghi nhận một khối lượng lớn ĐVHD, khoảng gần 30 tấn, được vận chuyển từ các cơ sở tại miền Nam đến cửa khẩu Móng Cái chỉ trong thời gian hơn 10 ngày. Các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng, phần lớn các cá thể ĐVHD của lô hàng này đã bị săn bắt từ tự nhiên, rồi được “phù phép” trở thành ĐVHD có nguồn gốc từ các cơ sở nuôi được cấp phép.
Đề xuất ban hành danh mục loài vật có thể được gây nuôi
Ông Thomas Lyons, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, một khía cạnh khác của hoạt động buôn bán ĐVHD thường không được chú ý nhiều là nạn buôn bán trái phép ĐVHD trong nước. Phần lớn các trường hợp này liên quan đến hoạt động “rửa ĐVHD”. Tương tự như hoạt động rửa tiền, “rửa ĐVHD” là việc các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại hợp pháp để buôn bán ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD trái phép. Điều này thường được thấy tại các cơ sở nuôi ĐVHD, những nơi tự biến ĐVHD nhập lậu từ nước ngoài thành ĐVHD được sinh sản thành công và từ đó hợp pháp hóa các loài ĐVHD này.
Cá thể gấu bị nuôi nhốt để trích hút lấy mật phục vụ thị trường ĐVHD bất hợp pháp. Ảnh: Xuân Hương
Theo ENV, một trong những giải pháp mang tính khả thi cao để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi ĐVHD tại Việt Nam là việc ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại. Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế là cơ chế quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD hiện tại vừa chưa rõ ràng, vừa không đủ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Việc ban hành Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại ĐVHD chỉ trong những loài này là một giải pháp đơn giản, hữu hiệu, góp phần định hướng cho người nuôi và tạo điều kiện cho công tác quản lý, từ đó, bảo vệ tốt hơn các quần thể loài ĐVHD trong tự nhiên”.
Theo nhận định của EVN, Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại sẽ giúp giải quyết các lỗ hổng trong quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD tại Việt Nam. Đó là bảo đảm tất cả các loài ĐVHD không phù hợp cho nuôi thương mại không bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép hay nhập lậu vào các cơ sở nuôi thương mại; góp phần bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm bằng cách chấm dứt được tình trạng săn bắt, nhập lậu các loài này vào các cơ sở đăng ký gây nuôi thương mại.
Ông Thomas Lyons cho rằng: “Giải pháp lâu dài tốt nhất để đối phó với hoạt động “rửa ĐVHD” là thắt chặt quản lý nuôi ĐVHD và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về ĐVHD. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, cách tiếp cận lâu dài này sẽ mất nhiều thời gian. Cho đến thời điểm đó, ENV đang vận động xây dựng “Danh mục ĐVHD được phép nuôi thương mại tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, trong đó nêu rõ những loài có thể được gây nuôi và giới hạn hoạt động nuôi thương mại đối với những loài này. Cách tiếp cận bước đầu này sẽ là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ các loài ĐVHD đang bị buôn bán thông qua các trang trại gây nuôi thương mại”.
Việc ban hành một danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi vì mục đích thương mại là giải pháp bước đầu được kỳ vọng có thể ngăn chặn tình trạng lợi dụng lỗ hổng pháp luật về quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD, loại bỏ những tác động tiêu cực của hoạt động này đối với các loài ĐVHD đang bị đe dọa. Về lâu dài, giải pháp này cũng cần kết hợp cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách và tăng cường thực thi pháp luật để quản lý toàn diện, hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD vì lợi ích bảo tồn đa dạng sinh hoạt, đảm bảo tương lai an toàn cho các loài ĐVHD, đồng thời, cho phép người dân phát triển kinh tế và tăng lợi nhuận mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.