Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 27 tháng 8 năm 2023 | 11:10

Đánh thức đồng hoang, làm nên sản phẩm OCOP 3 sao

Quần quật quanh năm với bùn lầy, bất kể mưa hay nắng, để trồng và thu hoạch những củ sen “ẩn mình” dưới lớp bùn sâu, vợ chồng chị Ngô Thị Nhâm đã cung cấp các sản phẩm từ cây sen ra thị trường. Và cũng từ củ sen, chị đã tạo ra sản phẩm tinh bột củ sen và trà củ sen, đưa sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Đánh thức đồng hoang

Sen là loài cây được cả hương và sắc, bao đời nay đã đi vào đời sống và văn hóa của người Việt. Chính từ những điều gần gũi và thiêng liêng ấy mà những người nông dân hiện đại đang tìm hướng đi mới để phát triển cây sen.

Vợ chồng chị Ngô Thị Nhâm (thôn Văn Hòa, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) là một trong những điển hình tiên phong của địa phương về trồng, phát triển cây sen khi tận dụng, thuê lại diện tích ruộng người dân bỏ hoang để trồng sen.

Chị Ngô Thị Nhâm thu hoạch củ sen, cung cấp ra thị trường với giá bán trung bình khoảng 18.000 đồng/kg.

Có dịp về thăm chị Nhâm, mới cảm nhận được sự hy sinh của vợ chồng chị với nghề “chân lấm tay bùn”. Ngồi bên cánh đồng xanh mướt dưới trời thu mát lành, câu chuyện của chúng tôi về cây sen, về công việc mỗi ngày của gia đình chị Nhâm cứ kéo dài mãi.

Chị Nhâm chia sẻ với P.V Kinh tế nông thôn về quyết định từ bỏ công nhân về trồng sen: “Lớn lên cùng cây sen, trồng sen để bán hoa, bán củ, bán gương sen… Đến khi lập gia đình, bản thân nhận thấy cây sen mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ người dân, được nhiều người ưa chuộng, thị trường lại ổn định.

Năm 2009, tôi nghỉ việc tại công ty về quê lập nghiệp từ 5 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) ruộng thuê của người dân để trồng giống sen truyền thống. Ngày đó, sen được trồng xen kẽ với ruộng cấy lúa của người dân, nên rất vất vả trong việc không được để sen lan sang ruộng lúa. Cả ngày, từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt, tôi đều ở cánh đồng, ăn ngủ cùng sen”.

Sau vài năm trồng thử nghiệm, sen đã mang lại hiệu quả kinh tế, tuy nhiên chưa đạt cao vì giống sen truyền thống thời gian canh tác ngắn, năng suất thấp. Năm 2016, vợ chồng chị Nhâm “lặn lội” vào Vĩnh Long tìm hiểu về giống sen tại đây.

Chị Nhâm cho biết: “Qua tìm hiểu thực tế được biết giống sen Vĩnh Long trồng lấy củ sẽ cho hàm lượng tinh bột cao. Sau khi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, tôi mua 2 thùng xốp sen giống với giá 4 triệu đồng về trồng thử nghiệm. Giống sen Vĩnh Long phù hợp với điều kiện thời tiết ở Hải Phòng nên tôi bàn với chồng nhập thêm giống và mở rộng quy mô. Được sự ủng hộ của chồng, cùng với số vốn tích cóp được,  chị mạnh dạn thuê hơn 5ha ruộng bỏ hoang của 98 hộ dân để canh tác.

Dẫn tôi đi tham quan cánh đồng sen bạt ngàn của mình, chị Nhâm cho hay, lúc đầu tất cả ruộng thuê đều bỏ hoang nhiều năm, cỏ mọc um tùm qua đầu người, chuột cũng khá nhiều. Để từng bước thuần hóa những mảnh đất bỏ hoang này, vợ chồng tôi thuê máy móc thiết bị và nhân lực cải tạo mất 2 năm ròng rã. Cải tạo đến đâu, trồng sen đến đó thì mới chiến thắng được cỏ dại.

Cũng từ khi có đôi bàn tay chịu khó và cả những giọt mồ hôi của vợ chồng chị Nhâm, những cây sen dần thay thế cỏ dại. Diện tích đất vốn bị người dân bỏ phí nhiều năm không canh tác, nay trở thành tài sản có giá trị kinh tế, mang lại “trái ngọt”.

Củ sen tạo nên sản phẩm OCOP

Với kinh nghiệm 20 năm trồng sen, chị Nhâm có thể tự tin chia sẻ về kinh nghiệm và thời vụ chăm sóc sen: Tháng 2-4 trồng sen; tháng 5-7 thu hoạch hoa sen tươi bán ra thị trường; tháng 8-12 thu hoạch củ sen để làm tinh bột…

Sản phẩm được làm ra từ những cây sen chị Nhâm trồng.

Chị Nhâm kể,  khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường tiêu thụ củ sen tươi chậm và khó, tôi và người nhà đã thử làm tinh bột củ sen và trà củ sen. Ban đầu phải mang củ sen đi nghiền nhờ, sau đó tiến hành lọc loại bỏ bã. Phần bột sau khi lọc được ngâm trong nước cho đến khi lắng lại dưới đáy thì đổ nước bên trên đi. Lặp lại quá trình này cho đến khi nước bên trên trong, phần bột củ sen trắng tinh thì dừng lại rồi mang bột đi sấy bằng máy sấy và thu được dạng tinh bột nguyên chất. Quá trình từ khi làm đến lúc thành công, tôi đổ đi nhiều lần vì sản phẩm làm ra khi thì bị hỏng, khi thì không đạt chất lượng.

Chị Nhâm đã tạo ra 2 sản phẩm OCOP từ củ sen mang thương hiệu Vũ Đoàn.

Từ khi làm thành công tinh bột củ sen và trà củ sen, chị Nhâm đã tạo nên sản phẩm mang thương hiệu tinh bột củ sen Vũ Đoàn và trà củ sen Vũ Đoàn. Tinh bột củ sen Vũ Đoàn có giá 700.000 đồng/kg. Hiện nay, ngoài hình thức bán hàng truyền thống, chị còn phát triển các kênh bán hàng online thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử Lazada.

Năm 2022, vượt qua những thủ tục khắt khe về quy định và chất lượng kiểm định, 2 sản phẩm tinh bột củ sen Vũ Đoàn và trà củ sen Vũ Đoàn được UBND TP. Hải Phòng công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Qua nhiều năm canh tác trồng sen, đến nay diện tích trồng sen của gia đình chị Ngô Thị Nhâm đã lên đến 15ha, sản lượng trung bình đạt 2 tạ củ sen/sào (Bắc Bộ), với giá bán trung bình 18.000 đồng/kg. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị thu lãi  khoảng 400 triệu đồng.

Mô hình trồng sen lấy củ của gia đình chị Nhâm ngày một phát triển và ổn định, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ.

Đồng thời, mô hình trồng sen cũng góp phần khắc phục tình trạng ruộng sâu trũng, cấy lúa năng suất thấp  bị bỏ hoang không canh tác, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

  • Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

Top