Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 3 năm 2023 | 10:19

Đất nông nghiệp bị khai thác trái phép trong thời gian dài sao không bị xử lý?

Tình trạng khai thác đất nông nghiệp trái phép và vận chuyển đi nơi khác bán đang diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không hề bị lực lượng chức năng “tuýt còi”. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi, có hay không sự “thờ ơ, phớt lờ” cho vi phạm từ chính quyền địa phương?

Trách nhiệm người đứng đầu địa phương đến đâu?

Liên quan đến vụ nhiều xe tải nặng vận chuyển nhiều m3 đất nông nghiệp ra khỏi nơi khai thác thuộc địa phận giáp ranh bờ sông Hồng đoạn chảy qua thôn Đông Thịnh, xã Giới Phiên, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái diễn ra từ hồi đầu năm 2023.

Cảnh tượng đào bới rầm rộ như một đại công trường đặt lọt thỏm giữa một cái hố có vách ta luy sâu tới gần mười mét, rộng khoảng gần 1 ha trên diện tích đất nông nghiệp của người dân đang mùa cày cấy.

Quy trình khai thác đất được thực hiện bài bản, lấy loại đất đạt chất lượng đến đâu người ta lại đổ đá đen xuống làm đường tới đó để tiếp tục lấn dần tiến về phía đồng ruộng thậm chí có cả mồ mả của hộ gia đình phía trong.

Nhiều bà con bày tỏ vẻ lo ngại khi hố đất khổng lồ mỗi ngày một bành trướng rộng và sâu thêm khiến những thửa ruộng xung quanh đó có nguy cơ lún sụt.

Còn những xe đất đầy ắp nối đuôi nhau ì ạch bò ra khỏi điểm đào bới rồi di chuyển tới tận nhà máy gạch Tuynel Yên Bình nằm trên Quốc lộ 70, thì chưa biết đến khi nào dừng lại.

Sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND TP Yên Bái cho biết, đã chỉ đạo UBND xã Giới Phiên và các phòng ban chức năng vào cuộc làm rõ.

Trả lời báo chí về tiến trình xử lý những cá nhân, tổ chức ngang nhiên khai thác đất nông nghiệp trái phép nói trên, ông Nguyễn Ngọc Trúc cho biết, UBND xã Giới Phiên đã tiến hành lập biên bản, ra quyết định xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả.

Được biết, để khắc phục tình trạng kha thác khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trước đó đã ký văn bản gửi các sở, ngành và UBND huyện, thị và Thanh phố.

Máy xúc lọt thỏm dưới hố sâu, đang ngoạm đất nông nghiệp tiến dần vào đồng ruộng nơi có mồ mả của các hộ gia đình.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn yêu cầu UBND các huyện, thị và Thành phố chủ động tổ chứ lực lượng, tập trung chỉ đạo và kiên quyết ngăn chặn, giải tán, chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý, đặc biệt các địa bàn trọng điểm, phức tạp.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, đặc biệt các trường hợp tái phạm, không kịp thời khắc phục tồn tại, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết.

Chỉ đạo các cơ quan ban ngành của cập huyện và cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác tại địa phương theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và các quy định có liên quan.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

Thay vì đổ đất xuống vị trí đã khai thác để khắc phục hậu quả thì những cá nhân vi phạm đã khắc phục bằng cách vận chuyển hàng nghìn khối đá đen san gạt lấp xuống hố, để khắc phục hậu quả . Việc này chính quyền địa phương cần xem xét truy vết nguồn gốc của nó từ đâu ra, việc chôn lấp lượng lớn đá thải xuống đất nông nghiệp như vậy có đúng quy định hay không ?

Bạt đồi lấy đất để lấp hồ trái phép

Xác nhận với báo chí, liên quan tới vụ việc một phần ao hồ ở xóm Bãi Dài, thôn 7, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị san lấp một cách công khai, giữa ban ngày, ông Nguyễn Đức Lượng – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất cho hay, “khu vực thi công phát sinh đất thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình đang tiến hành thi công công trình, liền kề với đó là ao hồ tự nhiên thuộc xóm Bãi Dài của thôn 7. Hiện phần ao hồ Bãi Dài đã bị đất đá san lấp một phần. Được biết phần hồ xóm Bãi Dài thuộc quyền quản lý của UBND xã Tiến Xuân”.

Ông Lượng cho biết thêm, “hiện phòng ban chuyên môn đã nắm được thông tin, ra văn bản chỉ đạo xã Tiến Xuân khẩn trương rà soát, xử lý vi phạm, yêu cầu dừng thi công. Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu cho UBND huyện Thạch Thất tiếp tục ra văn bản gửi Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình yêu cầu xem xét, dừng thi công đối với công trình kể trên, trả lại nguyên trạng phần ao hồ khu đất ở xóm Bãi Dài, thôn 7 kể trên”.

Được biết, ngày 19/12/2022, Quân khu 3 (Bộ Quốc phòng) có Quyết định số 2479/QĐ-QK3 về việc phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng kết hợp với tăng gia sản xuất tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình trong đó có một số nội dung như sau: đơn vị chủ trì thực hiện là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình; vị trí khu đất quốc phòng tại xóm Bãi Dài và xóm Miễu xã Tiến Xuân; mục đích kết hợp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý sử dụng đất quốc phòng, đảm bảo quỹ đất quốc phòng sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ khi có yêu cầu, tổ chức hoạt động tăng gia, sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, tham gia cung ứng dịch vụ cho nhân dân trong khu vực đóng quân; thời hạn sử dụng 10 năm, diện tích sử dụng kết hợp tăng gia sản xuất là 59.000m2 (tổng diện tích khu đất là 78.909,2m2).

Đồi bị san gạt và đất được dùng để lấp ao hồ tại xã Tiến Xuân. Ảnh: Nam Anh.

Nội dung quyết định còn thể hiện, trách nhiệm của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình khi quản lý, sử dụng khu đất nói trên phải xác định cụ thể ranh giới, mốc giới khu đất trên thực địa và triển khai theo đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt; chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng… trong quản lý, sử dụng đất.

Kế đó, ngày 17/1/2023, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình có văn bản số 236/BCH-PHC gửi các cơ quan chức năng huyện Thạch Thất thông báo việc thực hiện thi công, cải tạo mặt bằng, làm hàng rào ranh giới thửa đất quốc phòng số 204, tờ bản đồ F48-115-24-A và một số công trình phụ trợ khác.

Đến ngày 2/2/2023, UBND huyện Thạch Thất có văn bản số 103/UBND-TNMT gửi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình đề nghị phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện Thạch Thất, xã Tiến Xuân xác định rõ ranh giới, mốc giới khu đất ngoài thực địa trước khi thực hiện, tránh tình trạng chồng lấn, tranh chấp đất đai; sử dụng đất quốc phòng theo đúng quy định, không khai thác, san hạ làm thay đổi, biến dạng địa hình, gây ô nhiễm môi trường, không xây dựng các công trình không được phép xây dựng…

Theo ông Lượng, nhận thấy có tình trạng dùng đất đá san gạt để lấp ao hồ Bãi Dài trong quá trình triển khai, cải tạo mặt bằng từ phía đơn vị thi công không đúng với nội dung văn bản của Quân khu 3, nên phía UBND xã Tiến Xuân đã có báo cáo gửi UBND huyện Thạch Thất. Hiện việc thi công công trình kể trên bị đình chỉ, phục vụ công tác kiểm tra mốc giới, tránh tình trạng chồng lấn, lấn chiếm khi thi công.

Việc san gạt, hạ đồi, lấp ao hồ Bãi Dài diễn ra công khai giữa ban ngày. Ảnh: Nam Anh.

Trước đó, nhiều ngày đầu tháng 2/2023, 2 chiếc máy múc công suất lớn, hiện đại được điều động tới phục vụ việc thi công thực hiện thi công, cải tạo mặt bằng, làm hàng rào ranh giới thửa đất quốc phòng số 204, tờ bản đồ F48-115-24-A và một số công trình phụ trợ khác.

Còn theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống tại xã Tiến Xuân, cũng như quan sát thực tế cho thấy, 2 chiếc máy múc này hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, phần đất được cho là cải tạo lại khoét sâu vào khu đồi trồng cây xanh phủ bóng mát. Đất đồi sau khi được hạ cốt lại tiếp tục được 2 chiếc máy múc kể trên đổ xuống lấp ao hồ Bãi Dài. Sự việc nêu trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống, cảnh quan cũng như hệ sinh thái trong khu vực.

Để có thêm thông tin, cũng như làm rõ việc 2 máy cơ giới san gạt đất đồi, lấp một phần ao hồ Bãi Dài, gây bức xúc trong nhân dân, ông Đinh Công Tuân – Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân đã xác nhận với báo chí, khoảng thời gian những ngày đầu tháng 2/2023, trên địa bàn xã có xảy ra việc lấp một phần ao hồ Bãi Dài. Hiện chính quyền xã Tiến Xuân đã tiến hành lập biên bản, tạm dừng thi công.

Trước thông tin người dân cho rằng, việc san lấp ao hồ Bãi Dài để phục vụ mục đích không phải là nuôi trồng thủy sản như vốn sẵn, ông Tuân cho hay, hiện phần diện tích ao hồ Bãi Dài 10.684m2 được giao cho ông Lâm Văn Bỉnh (ở xóm Miễu, xã Tiến Xuân) để nuôi trồng thủy sản, với thời gian sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, hiện ông Bỉnh có chuyển nhượng cho ai khác không, thì bản thân ông Chủ tịch xã Tiến Xuân cũng không nắm được.

Thông tin với báo chí, Thượng tá Lê Văn Tuệ, Chủ nhiệm hậu cần, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình cho hay, có sự việc xảy ra như Báo Đại Đoàn Kết nêu. Theo đó, nhân công cũng như 2 chiếc máy cơ giới dùng để thi công công trình giáp ranh khu ao hồ Bãi Dài của xã Tiến Xuân, đều do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình điều động.

Thượng tá Tuệ cho biết, sau khi nhận được thông tin từ UBND huyện Thạch Thất, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình lập tức cho dừng thi công, kiểm tra xác minh. Hiện những người tham gia thi công đều phải làm báo cáo, viết kiểm điểm.

Về nguyên nhân và giải pháp, theo thượng tá Tuệ, trong thời gian sớm nhất, phòng ban chức năng của Ban chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình sẽ làm việc với chính quyền xã Tiến Xuân nhằm đo đạc lại mốc giới. Kế đó là dùng máy cơ giới nạo vét, khôi phục lại phần đất đá mà trước đó dùng san lấp một phần ao hồ Bãi Dài.

Công ty CP Prime Vĩnh Phúc liệu có tiêu thụ đất khai thác trái phép?

Thông tin từ Công an huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, sau khi Báo chí phản ánh vụ việc Công ty CP Prime Vĩnh Phúc tiêu thụ đất khai thác trái phép về làm nguyên liệu sản xuất gạch tại KCN Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Công an huyện Bình Xuyên đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế và Cảnh sát môi trường vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Trước đó, trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Cục sẽ chỉ đạo Phòng Quản lý doanh nghiệp kiểm tra, xử lý nghiêm việc Công ty CP Prime Group (Công ty mẹ của Công ty CP Prime Vĩnh Phúc) mua khoáng sản khai thác trái phép theo phản ánh của Báo chí.

Cận cảnh bãi vật liệu nằm giữa nhà máy sản xuất gạch Prime (Nguồn:  Báo Giao thông).

Cục Thuế Vĩnh Phúc khẳng định, hàng hóa cung cấp cho các nhà máy, doanh nghiệp bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ liên quan. Điều này thể hiện những đơn vị này đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản thu liên quan.

Liên quan đến thông tin nêu trên, mới đây, một nội dung phản ánh được Báo Giao thông đăng tải có nội dung “ghi nhận cận cảnh kho chứa đất, vật liệu làm gạch tại Công ty CP Prime Vĩnh Phúc”. Theo đó, bãi chứa nằm giữa KCN Hương Canh, huyện Bình Xuyên; có diện tích rộng hàng chục nghìn m2, nằm lộ thiên trong khuôn viên nhà máy. Hàng ngày, các xe vận chuyển đất vẫn tấp nập di chuyển từ TL 302 vào nhà máy.

Trước đó, báo chí đã phản ánh về đoàn xe chở hàng quá tải gần 100% trọng tải cho phép của xe, vận chuyển đất được khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh giữa huyện Lập Thạch và Sông Lô đưa về Công ty CP Prime Vĩnh Phúc, phục vụ sản xuất gạch.

Điều này đã được bộ phận mua hàng của Công ty CP Prime Group (Công ty quản lý Công ty CP Prime Vĩnh Phúc) thừa nhận và cho rằng đây chỉ là hàng mẫu, chưa yêu cầu hóa đơn, chứng minh nguồn gốc.

Buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát?

Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh Hưng Yên phối hợp với các đơn vị bắt quả tang vụ khai thác đất trái phép tại cánh đồng thôn Ninh Đạo (xã Tân Phúc, huyện Ân Thi, Hưng Yên). Theo đó, tại khu vực cánh đồng thuộc địa phận thôn Ninh Đạo, xã Tân Phúc lực lượng CA của Phòng Cảnh sát môi trường chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động, CA huyện Ân Thi và CA xã Tân Phúc phát hiện, bắt quả tang nhóm người cùng các phương tiện cơ giới đang khai thác đất trái phép.

Lúc này, máy xúc do Phùng Đắc Duy, SN 1983, trú tại phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương điều khiển, đang xúc đất lên ô tô BKS: 34H-020.86. Xe tải này do Hoàng Công Việt, SN 1993, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương điều khiển. Số đất đã xúc lên xe là khoảng 3m3 đất. Thời điểm lực lượng CA ập vào bắt giữ, Việt đã cố tình hạ ben đổ đất xuống đường và di chuyển xe ra vị trí cách đó khoảng 50m. Tại hiện trường, lực lượng CA còn phát hiện 5 xe ô tô khác (chủ yếu mang BKS của tỉnh Hải Dương) đang chờ để chở đất. Tất cả đều không xuất trình được giấy tờ liên quan đến việc khai thác đất.

Các xe tải biển kiểm soát tỉnh Hải Dương đang chờ đến lượt chở đất đưa ra tàu

Quá trình xác minh mở rộng, xác định lượng đất khai thác tại khu đất trên đã được vận chuyển, xúc lên tàu thủy số hiệu: VP-1421 do Nguyễn Văn Hùng, SN 1968, trú xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc điều khiển. Lúc CA kiểm tra, tàu đang neo đậu tại bến thủy nội địa của Cty TNHH TM&DV Vi Thành (địa chỉ tại xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Thời điểm kiểm tra trong khoang tàu đang có khoảng 200m3 đất ghi xám (nghi là đất sét). Sau đó, lực lượng Cảnh sát môi trường đã lập biên bản, tạm giữ các phương tiện để phục vụ công tác điều tra.

Theo tìm hiểu, khu đất diễn ra tình trạng khai thác đất trái phép của 7 hộ gia đình đều là người nhà của ông Trần Huy Hưng, SN 1976, trú tại thôn Ninh Đạo, xã Tân Phúc, huyện Ân Thi được cấp có thẩm quyền đồng ý cho chuyển đổi vào năm 2015. Đến năm 2022, hộ ông Hưng đã đắp đường, đổ phế thải xây dựng từ bờ ra giữa ao, làm lối đi cho xe ô tô tải vào để múc đất sét, ghi xám, vận chuyển đi nơi khác.

Được biết, ngày 19/9/2022, UBND xã Tân Phúc đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Hưng về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định. Đồng thời yêu cầu ông Hưng chấm dứt ngay hành vi vi phạm, san lấp trả lại đất, khôi phục tình trạng ban đầu. Ngày 26/9/2022, UBND xã Tân Phúc ban hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai với ông Trần Huy Hưng với số tiền 3 triệu đồng do sử dụng đất không đúng mục đích và tiếp tục yêu cầu san lấp trả lại tình trạng ban đầu.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép đất tại vị trí này tiếp tục diễn ra trong khi chính quyền địa phương không kịp thời, quyết liệt ngăn chặn, không phát hiện được quả tang hành vi vi phạm cho thấy sự buông lỏng trong quản lý đất đai, khoáng sản của UBND xã Tân Phúc dẫn đến những vi phạm ngày càng lớn hơn. Thậm chí đối tượng vi phạm còn ngang nhiên, thách thức pháp luật khi huy động nhiều xe trọng tải lớn đến đến múc, chở đất xuống tàu vận chuyển đi nơi khác để bán.

Vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, đất ghi xám, đất sét là một loại khoáng sản. Trong quá trình sử dụng, người sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ phần đất đó, không được tự ý khai thác trái phép. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác. “Việc các đối tượng khai thác đất khi chưa có giấy phép đã vi phạm khoản 1, Điều 47, Nghị định 36/2020/NĐ-CP có thể bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm đến dưới 10m3”, luật sư Thái cho biết.

Luật sư Thái viện dẫn, theo Điều 51 Luật Khoáng sản năm 2010, các đối tượng này không phải là chủ thể được khai thác khoáng sản. Nếu hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường mà không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tùy từng hành vi và mức độ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 41 Nghị định 33/2017/NĐ-CP. Vi phạm về khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh bị phạt từ 200 - 300 triệu đồng. Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT thì bị phạt từ 300 - 500 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn. Trong vụ việc trên, để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép, trước hết chính quyền địa phương tại Hưng Yên từ cấp xã, ở đây trực tiếp là UBND xã Tân Phúc đến cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại địa phương.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top