Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 10 năm 2022 | 11:19

Đất nông nghiệp bị sử dụng trái mục đích nhiều năm chưa bị xử lý

Hàng chục ngàn m2 đất nông nghiệp bị sử dụng trái mục đích, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo xử lý nghiêm nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Công trình xây dựng khủng trên đất nông nghiệp ở Thanh Hóa

Theo phản của người dân địa phương xã Phú Sơn (thị xã Bỉm Sơn) trên địa bàn có nhiều công trình xây dựng kiên cố lên đến hàng chục ngàn m2 xây dựng trên đất nông nghiệp tồn tại và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo xử lý nghiêm nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm.

Theo ông Nguyễn Xuân Lâm, Chủ tịch UBND phường Phú Sơn, trước đây có nhiều hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở địa phương. Trong đó có ba hộ gia đình xây dựng trái phép trên diện tích đất nông nghiệp hàng chục ngàn m2.

Hiện trạng cho thấy, công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp này là của ba hộ gia đình có tường rào, bờ kè, hồ bơi, biệt thự, nhà ở, nhà bát giác tồn tại nhiều năm qua.

Tháng 8/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản 12233 yêu cầu tháo dỡ và buộc phải xử lý nghiêm theo quy định và UBND phường cũng đã ra thông báo yêu cầu tháo dỡ theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng đến nay chưa tháo dỡ được.

Thông tin trước báo chí, Trưởng phòng TN&MT thị xã Bỉm Sơn ông Dương Văn Đông lý giải về về công trình khủng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa thể phá dỡ rằng: “Không phải địa phương không tháo dỡ được mà tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển kinh tế... phá thì phải cân nhắc”.

Cũng theo ông Đông, đối với ba hộ dân xây dựng công trình trên đất nông nghiệp nằm trong danh sách công trình phải tháo dỡ, UBND thị xã cũng đã có chỉ đạo xã, phường tháo dỡ.

Căn nhà xây dựng trái phép kiên cố trên đất nông nghiệp của một hộ dân. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

"Việc công trình tồn tại chưa tháo dỡ được thì trách nhiệm thuộc về phường và hiện nay UBND thị xã Bỉm Sơn cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm đối với những công trình xây dựng trái phép", ông Đông cho biết.

Mới đây, UBND thị xã Bỉm Sơn tiếp tục có văn 2871 gửi các Chủ tịch UBND các phường xã về việc xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

UBND thị xã Bỉm Sơn yêu cầu các phường xã trên địa bàn tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể cá nhân liên quan chậm xử lý vi phạm hoặc không xử lý dứt điểm.

Tiếp đến, UBND thị xã Bỉm Sơn tiếp tục có văn chỉ đạo 2983 đôn đốc thực hiện xử lý các trường hợp xây dựng các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay UBND thị xã Bỉm Sơn vẫn đang loay hoay lên phương án xử lý.

Gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Lê Đức Giang đã có văn bản yêu 12233 yêu cầu địa phương tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng các công trình trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Lê Đức Giang giao Sở TN-MT, Sở NN-PTNT, Xây dựng, Thanh Tra tỉnh Thanh Hóa và các địa phương rà soát, kiên quyết xử lý các tổ chức cá nhân, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Xử lý dứt điểm, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép vi phạm theo quy định của pháp luật đất đai, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp theo quy định.

Chế tác đá mỹ nghệ xây dựng trên đất nông nghiệp

Theo phản ánh, hiện nay trên địa bàn xã Hòa Lộc có 1 xưởng chế tác đá mỹ nghệ của hộ ông Nguyễn Văn Hải được xây dựng trên vị trí đất nông nghiệp thuộc thôn 3 Bái Trung, xã Hòa Lộc, với tổng diện tích 3.295 m2, gồm các thửa 1445/490, 1446/837, 1447/619, 1448/701, 1542/648 thuộc tờ bản đồ địa chính số 06 xã Hòa Lộc được đo đạc và phê duyệt năm 2004.

Diện tích trên được ông Nguyễn Văn Hải mua lại của ông Mai Văn An và một số hộ liền kề. Hiện bà Bùi Thị Hoa (mẹ đẻ ông Nguyễn Văn Hải) đang là chủ hộ và đứng tên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp nói trên.

Xưởng đá mỹ nghệ được gia đình ông Hải xây dựng và hoạt động từ năm 2014 đến nay, gồm nhà xưởng được dựng bằng khung sắt chịu lực, mái lợp tôn với diện tích 12 x 25 m; nhà ở mái lợp tôn được ốp gỗ với diện tích 5 x 20 m. Số diện tích còn lại gia đình dùng làm nơi để vật liệu. Tuy nhiên, điều đáng nói khu nhà xưởng này chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép làm xưởng, giấy phép kinh doanh và chế tác đá mỹ nghệ.

Khi xưởng hoạt động, nước thải xả trực tiếp ra môi trường không thông qua bể, hệ thống lắng lọc. Vật liệu dư thừa trong qua trình chế tác đá, cơ sở sản xuất để vương vãi xung quanh, làm ảnh hưởng đến các hộ dân liền kề.

Sau khi tiếp nhận thông tin báo chí, vừa qua, UBND huyện Hậu Lộc, UBND xã Hòa Lộc đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hồ sơ xử lý, giải quyết việc xây dựng xưởng đá mỹ nghệ trên đất nông nghiệp từ năm 2014. Tiến hành lập biên bản, ban hành quyết định đình chỉ hoạt động đối với xưởng đá của gia đình ông Nguyễn Văn Hải và đề xuất phương án xử lý theo quy định.

Xưởng chế tác đá mỹ nghệ xây dựng, hoạt động trên đất nông nghiệp tại thôn Bái Trung, xã Hòa Lộc

Căn cứ Điều 12 Luật Đất đai năm 2013, những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai, bao gồm 10 nội dung, trong đó hộ gia đình bà Bùi Thị Hoa (mẹ đẻ ông Nguyễn Văn Hải) đã vi phạm các quy định như lấn, chiếm, hủy hoại đất đai; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

Căn cứ Điều 9, 10, 11 và Điều 12 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, khi sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp mà không chuyển mục đích sử dụng đất thì bị phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2, Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP: Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: Đối với hộ gia đình diện tích đang sử dụng làm xưởng chế tác đá mỹ nghệ là 3.295 m2 (tương ứng 0,33 ha) mức xử phạt từ 15 triệu đến 30 triệu đồng.

Căn cứ vào hành vi vi phạm nói trên đã vượt quá thẩm quyền xử lý của chính quyền cấp xã, UBND xã Hòa Lộc đã báo cáo UBND huyện Hậu Lộc xem xét, xử lý hành vi vi phạm của xưởng chế tác đá mỹ nghệ Hoàng Hải.

Công trình sai phạm gần một năm chưa tháo dỡ, vì sao?

Quần thể công trình nhà vườn được xây dựng trên đất nông nghiệp chuyển đổi và đất công điền tại khu dân cư số 1 (xã An Thượng, TP Hải Dương) đã được báo chí phản ánh thời gian qua. Qua đó, UBND TP Hải Dương đã ra kết luận chỉ rõ sai phạm, yêu cầu tháo dỡ phần vi phạm nhưng đến nay vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” khiến người dân địa phương bức xúc.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hải Dương Trần Hồ Đăng đã ban hành kết luận số 472 nêu rõ, các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp 03 đã được chuyển đổi của hộ ông Hán, bà Sau là vi phạm Nghị định 91 của Chính phủ và quyết định 1654 của UBND tỉnh Hải Dương.

Kết luận nêu rõ, trên diện tích đất của hai hộ dân trên đã xây dựng các công trình gồm tường bao xung quanh khu đất, diện tích ao đã làm kè xong và quây cột bê tông xung quanh là hơn 1500 m2, diện tích đổ nền sân 159m2. Đáng chú ý công trình nhà có diện tích xây dựng 86m2 (hộ ông Hán 27m2, hộ bà Sau 27m2, các công trình phụ như nhà vệ sinh, bếp, mái hiên khung thép).

Công trình vi phạm hiện vẫn chưa được tháo dỡ.

Theo kết luận, diện tích xây dựng nhà cấp 4 của ông Hán vượt quá 7m2 so với quy định, yêu cầu phải tháo dỡ phần diện tích này. Hộ bà Sau không đủ điều kiện xây nhà trông coi, công trình của hộ bà Sau có diện tích 27m2 nhưng lại xây dựng sang phần đất của hộ ông Hán 20m2 không đúng quy định và 7m2 trên đất nhà bà Sau. Do đó, yêu cầu hộ bà Sau phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên. Đối với diện tích các hộ xây dựng công trình vệ sinh, sân xung quanh nhà, mái che do vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp nên yêu cầu tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu.

Khi đó, UBND TP Hải Dương giao UBND xã An Thượng yêu cầu hộ gia đình ông Hán, bà Sau tháo dỡ các công trình vi phạm trên. Trường hợp các hộ cố tình không chấp hành, UBND xã An Thượng xây dựng kế hoạch thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định. Đối với công trình nhà ông Hán, khi cưỡng chế tháo dỡ phần diện tích 7m2 xây quá quy định.

Tuy nhiên từ khi UBND TP Hải Dương ban hành kết luận, yêu cầu tháo dỡ phần vi phạm đến nay, công trình trên vẫn tồn tại, khiến người dân địa phương bức xúc.

Thời điểm xảy ra vi phạm trên, ông Nguyễn Xuân Thắng khi đó là Bí thư Đảng ủy xã An Thượng, sau đó kiêm chức Chủ tịch UBND xã. Trong thời gian này, dù một bờ tường được xây dựng trái phép hay một xe đất đổ vi phạm, ông Thắng đều chỉ đạo xử lý quyết liệt. Thậm chí, tháng 4/2022, Phó Chủ tịch UBND xã An Thượng (TP Hải Dương) Nguyễn Văn Hanh đã bị côn đồ đánh nhập viện khi ngăn chặn hành vi san lấp trái quy định trong ca trực đêm.

Một công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp chuyển đổi của hộ ông Hán, bà Sau được người dân thông tin đến xã sớm, cán bộ xã nhiều lần xuống kiểm tra nhưng vẫn được xây dựng, hoàn thiện. Ngay cả khi UBND TP Hải Dương chỉ rõ sai phạm trên kết luận và yêu cầu tháo dỡ nhưng đến nay đã gần 1 năm

UBND xã An Thượng chưa xử lý dứt điểm. Bản thân ông Nguyễn Xuân Thắng khi làm Chủ tịch UBND xã An Thượng đã bị UBND TP Hải Dương yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm do chưa có biện pháp kiên quyết yêu cầu các hộ thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm theo chỉ đạo của thành phố. Dư luận đặt câu hỏi, nguyên nhân gì khiến UBND xã An Thượng thiếu quyết liệt trong việc xử lý công trình vi phạm trên?

Tạm dừng cưỡng chế do người dân thừa nhận đã chuyển nhượng đất nông nghiệp

Mới đây, thông tin báo chí, về việc này chính quyền chưa quyết liệt xử lý quần thể công trình vi phạm trên đất hộ ông Hán, bà Sau, ông Nguyễn Văn Hiệu - Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, ông mới về xã nhận chức và cũng mới nhận bàn giao.

“Tôi đã mời những người liên quan lên làm việc. Khi tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trên lại phát sinh tình tiết mới nên phải dừng lại. Hiện thành phố cũng giao cho thanh tra làm lại”, ông Hiệu cho biết.

Được biết, tình tiết mới khiến việc tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trên là do hai hộ ông Hán, bà Sau mới đây thừa nhận với cơ quan chức năng việc họ đã chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp, đất công ích cho bà Huyền ở TP Hải Dương. Những công trình vi phạm không phải do hai hộ dân này đầu tư xây dựng.

Mới đây, thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Xuân Hán cho biết: “Tôi đã khai thẳng với Phó chủ tịch UBND thành phố, Ban thanh tra, đội quy tắc là tôi đã bán diện tích đất nông nghiệp trên cho bà Huyền ở TP Hải Dương. Tất cả các công trình trên do bà Huyền xây dựng”. Đại diện gia đình bà Sau cũng cho biết, gia đình bà đã bán diện tích đất cho bà Huyền xây dựng công trình trên.

Đáng chú ý, nội dung ông Hán, bà Sau chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất công ích đã được UBND TP Hải Dương đề cập trong kết luận 472 từ ngày 30/11/2021.

Kết luận của UBND TP Hải Dương khi đó nêu rõ, qua làm việc ông Hán, bà Sau đều khẳng định chưa chuyển nhượng diện tích đất 03 được chuyển đổi cho ai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên hai ông bà. Toàn bộ đơn xin phép làm ao, kè, xây tường, nhà đều mang tên ông Hán, bà Sau. Các biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi UBND xã, Đội kiểm tra quy tắc lập đều ghi tên ông Hán, bà Sau.

Ông Vũ Văn Bắc, nguyên Chủ tịch UBND xã An Thượng khẳng định, chưa làm thủ tục hay xác nhận nội dung gì liên quan việc ông Hán, bà Sau chuyển nhượng đất 03. UBND xã An Thượng cũng không xác nhận hoặc làm bất cứ thủ tục gì liên quan việc hai ông, bà trên chuyển nhượng đất công ích được UBND xã cho thuê thầu cho người khác.

Kết luận cũng nêu ý kiến của bà Trần Thị Thanh Huyền (người được cho là mua đất, xây dựng công trình vi phạm trên) khi làm việc cơ quan chức năng khẳng định bà không nhận chuyển nhượng đất của ông Hán, bà Sau. Các công trình xây dựng trên là do ông Hán, bà Sau đứng ra xây dựng.

Từ đó, kết luận cho rằng, việc người tố cáo cho rằng ông Hán, bà Sau đã chuyển nhượng cho bà Huyền diện tích đất được giao 03 và diện tích đất công ích mà ông Hán, bà Sau thuê thầu của UBND xã nhưng đã hết hạn hợp đồng từ cuối năm 2020 là chưa đủ căn cứ.

Dư luận đề nghị UBND TP Hải Dương cần chỉ đạo thanh tra cùng các cơ quan chức năng xác minh việc chuyển nhượng mua bán đất nông nghiệp, đất công ích trên. Nếu có căn cứ cần xử lý nghiêm hành vi mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp chuyển đổi (nếu có), xử lý dứt điểm, tháo dỡ công trình vi phạm. Đồng thời xem xét trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng mua bán đất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép trên.

Trả lời bà Nguyễn Thị Phương (khu dân cư số 1 xã An Thượng, TP Hải Dương) cho biết, Bí thư Thành ủy Hải Dương đã nhận được tố cáo của bà và đã giao Văn phòng Thành ủy chuyển đơn đến UBND TP Hải Dương xem xét.

Trước đó, ngày 3/10, bà Phương đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Đảng ủy xã An Thượng nhiều nội dung liên quan việc buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng xây dựng công trình vi phạm. Đáng chú ý, người tố cáo dẫn việc ông Thắng làm việc với bà Huyền từ 11h đến 15h ngày 16/8/2021 và đặt câu hỏi về việc khách quan trong xử lý vi phạm của ông Thắng? Những nội dung trên hiện đang được các cơ quan TP Hải Dương xác minh.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top