Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 17 tháng 12 năm 2022 | 8:24

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ngăn chặn buôn bán và thói quen ăn động vật hoang dã

Săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) không chỉ vi phạm pháp luật, gây tổn hại tới hệ sinh thái mà việc tiêu thụ, ăn thịt ĐVHD, thịt thú rừng còn tiềm ẩn nguy cơ làm bùng phát, lây lan dịch bệnh từ động vật sang người.

Bắt giữ đối tượng trên đường đưa 75 cá thể rùa đi tiêu thụ

Công an tỉnh Nghệ An thông tin vừa phát hiện, bắt giữ đối tượng mang 75 cá thể rùa trên đường đưa đi tiêu thụ. Toàn bộ số cá thể rùa thu giữ được nghi là rùa đầu to, thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.

Cụ thể, tại địa phận khu vực Cầu Lồi thuộc huyện Diễn Châu, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra đối với V.T.T khi đang có hành vi vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Qua kiểm tra phát hiện trong thùng hàng T. chở chứa 75 cá thể rùa. Quá trình vận chuyển số rùa này, T không có giấy tờ theo quy định, không chứng minh được nguồn gốc rõ ràng. Tổng trọng lượng ghi nhận được là gần 50kg. Qua quan sát bước đầu xác định khả năng số cá thùa rùa này thuộc rùa đầu to, thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ.

Số cá thể rùa lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An thu giữ được. Ảnh CANA

Bước đầu T. khai nhận toàn bộ số cá thể rùa mua lại từ người khác và chuyển ra Bắc tiêu thụ thì bị phát hiện và thu giữ. Hiện lực lượng Công an đang xác minh và xử lý vụ việc theo đúng quy định.

Rùa đầu to (tên khoa học Platysternon megacephalum) là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Phát hiện xe khách vận chuyển 10 khẩu súng săn

Thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát phương tiện giao thông trên tuyến ĐT 261, đoạn qua xóm Đầu Cầu Ca, xã Kha Sơn, tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Phú Bình (Thái Nguyên) yêu cầu xe khách BKS 98B – 005.41 chạy tuyến Nhã Nam - Mỹ Đình dừng lại để kiểm tra phương tiện, hàng hoá.

Thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong khoang vận chuyển hành hóa của xe khách có 10 gói hàng được dán kín, bên trong chứa 10 khẩu súng đã được lắp ráp phần thô và nhiều linh kiện khác của súng.

Bắt quả tang một xe khách vận chuyển trái phép 10 khẩu súng PCP nén khí (nghi là súng săn) và đang phối hợp xử lý vụ việc.

Lái xe Tạ Văn Đại (sinh năm 1982), hộ khẩu thường trú tại thôn Bãi Trại, xã Lan Giới, huyện Tân Yên; phụ xe đi cùng là Bùi Phú Yên (sinh năm 1975), hộ khẩu thường trú tại thôn Thành Trung, xã Phồn Xương, huyện Tân Yên (cùng thuộc tỉnh Bắc Giang), không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số súng trên.

Tổ công tác đã lập biên bản, đưa phương tiện cùng toàn bộ tang vật và những người có liên quan về trụ sở Công an huyện để xử lý theo quy định.

Súng PCP nén khí (súng săn) là loại súng được chế tạo thủ công hoặc bằng máy móc. Việc sử dụng súng hơi, súng săn, các loại vũ khí và vật liệu nổ có thể gây ra hậu quả khôn lường, đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người, động vật hoang dã, do cố ý hoặc vô ý của người sử dụng, gây mất an ninh trật tự. Pháp luật hiện nay nghiêm cấm các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chế tạo, lắp ráp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật

Nghiên cứu của WWF (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ ĐVHD nói chung đang biến Việt Nam trở thành điểm nóng mua bán các sản phẩm này. Theo nghiên cứu này, 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ ĐVHD tại các khu chợ bán ĐVHD trong 12 tháng qua. Đáng chú ý là, 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ ĐVHD chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm ĐVHD trong tương lai.

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm nước có mức độ sử dụng thịt ĐVHD cao, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng. Trong khi đó, phần lớn các bệnh truyền nhiễm mới nổi hiện nay có nguồn gốc từ động vật và lây truyền sang người. Buôn bán ĐVHD gây ra các thảm họa, đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với hệ sinh thái tự nhiên mà còn tới sức khỏe và an toàn của chính con người. Phần lớn người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải gánh chịu khi mua thịt thú rừng, ĐVHD.

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Cúc Phương) thả cầy vòi mốc sau cứu hộ về môi trường tự nhiên. Ảnh: NGUYỄN MẠNH QUYỀN  

Hiện nay, các đợt bùng phát dịch bệnh, thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và ĐVHD. Ước tính trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thế giới ghi nhận sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguồn gốc từ ĐVHD lây sang người như hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS/HIV), Ebola, hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), đại dịch Covid-19 hay bệnh đậu mùa khỉ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện những dịch bệnh này là do việc sử dụng thịt thú rừng để làm thực phẩm. Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) cho biết, trong vòng 60 năm qua đã có 335 bệnh mới nổi xảy ra trên người, trong đó 144 tác nhân gây bệnh (chiếm 43%) có nguồn gốc từ ĐVHD, đặc biệt từ các loài linh trưởng, thú ăn thịt (cầy, cáo), dơi, chim hoang dã, tê tê....

Ngăn chặn việc tiêu thụ và thói quen ăn ĐVHD

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện trên cả nước có khoảng 8.600 cơ sở nuôi ĐVHD với 2,5 triệu cá thể, 300 loài được nuôi. Tại một số khu du lịch sinh thái có hoạt động nuôi ĐVHD với số lượng lớn không vì mục đích thương mại gồm các loài khỉ, cá sấu nước ngọt, đà điểu và các loài thuộc lớp chim phục vụ mục đích tham quan du lịch và nuôi cảnh.

Hiện phần lớn các cơ sở nuôi ĐVHD đã tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ĐVHD. Chuồng, trại xây dựng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của từng loài, bảo đảm điều kiện an toàn cho người, vật nuôi, vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh... Thế nhưng hiện tại vẫn có một số cơ sở đang nuôi ĐVHD nhưng chưa có mã số cơ sở nuôi.

Có tình trạng một số hộ không còn nuôi ĐVHD hoặc tạm dừng nhưng không khai báo với cơ quan kiểm lâm sở tại thu hồi mã số cơ sở nuôi. Ngoài ra, một số cơ sở nuôi ĐVHD không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc; không lưu giữ hồ sơ nguồn gốc động vật đang nuôi sau khi có giấy chứng nhận cấp mã số.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp)

Tại một số địa phương, hồ sơ nguồn gốc ban đầu chưa bảo đảm, một số cá thể nuôi phát triển từ con non bắt ngoài tự nhiên nhưng các hạt kiểm lâm chưa kiểm tra, hướng dẫn và xử lý kịp thời.

Để giảm nguy cơ xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ ĐVHD sang người, Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất chính phủ các nước ban hành những quy định khẩn cấp cấm mua bán ĐVHD còn sống tại các chợ truyền thống, quy định về kiểm soát việc gây nuôi, buôn bán ĐVHD làm thực phẩm cho con người.

Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) cũng khuyến nghị các quốc gia cần có quy định, biện pháp quản lý và giám sát việc khai thác, buôn bán ĐVHD để bảo đảm an toàn, bền vững và hợp pháp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh trên ĐVHD; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị quản lý ĐVHD. Đặc biệt, rất cần truyền thông để nhân dân hiểu rõ các quy định của Nhà nước về quản lý ĐVHD cũng như ý thức được nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan từ ĐVHD sang người.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top