Lĩnh vực nuôi biển đã được Đảng, Chính phủ xác định là động lực phát triển với nhiều chính sách để trở thành cực tăng trưởng mới, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản chuyển mình trong giai đoạn đến năm 2045.
Phát triển lĩnh vực nuôi biển là góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
>> Bài 1: Thực trạng nghề nuôi biển
“Tất cả cùng thắng”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, về mục tiêu tổng thể, phát triển nuôi biển cần trở thành “ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc”.
Diễn giải một cách chi tiết, mục tiêu đầu tiên của “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” là góp phần cụ thể hoá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố ven biển: “Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng”.
Lồng HDPE của Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam nằm độc lập, thông thoáng tạo môi trường nuôi tốt hơn so với các bè gỗ kết với nhau.
Tài nguyên biển, trữ lượng các loài thuỷ sinh, do nhiều nguyên nhân, đã dần suy giảm, trong khi dân số ngày càng tăng nhanh. Khúc hát “biển khơi tôm, cá đầy khoang” dần trôi về quá khứ! Khi tài nguyên trở nên khan hiếm, mất cân bằng giữa tái tạo, phục hồi tài nguyên và nhu cầu chưa bao giờ có điểm dừng, lại càng kích thích con người đẩy mạnh khai thác, từ cách thức thô sơ, đơn lẻ, cho đến dùng mọi cách thức tận diệt. Vì bị tận diệt, tài nguyên lại càng khan hiếm.
Một vòng lẩn quẩn kéo theo biết bao hệ luỵ, vừa làm suy kiệt, vừa làm mất đi tính đa dạng sinh học của biển.
Như vậy, tăng “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” là giải pháp nhằm cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững. Bền vững, đơn giản là, không đánh đổi nhu cầu sinh tồn của thế hệ hôm nay với nguồn sống của thế hệ mai sau.
“Tăng “nuôi trồng thủy sản trên biển” giúp giảm áp lực khai thác, hình thành ngành thuỷ sản “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”, có kiểm soát, được quản lý, theo khuyến nghị của quốc tế, để tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề có tính toàn cầu. Như vậy, “nuôi biển”, về mặt nào đó, chính là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Mục tiêu thứ hai là giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia “nuôi biển”, sinh sống, gắn bó mật thiết với biển.
Khi chủ trương “giảm khai thác” được triển khai, thì đồng nghĩa với việc một số lượng ngư dân tham gia đánh bắt trên biển và lực lượng hậu cần trên bờ sẽ mất đi việc làm và sinh kế.
Đó chính là đối tượng cần được chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia vào ngành nuôi trồng trên biển và ven biển. Như vậy, “Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng” là quá trình cấu trúc lại không gian kinh tế biển, song song với yêu cầu cấu trúc lại lực lượng lao động, tổ chức lại ngành nghề, đào tạo lực lượng lao động chuyên nghiệp, phù hợp từng cấp độ chuyên môn trong chuỗi giá trị ngành nghề thủy sản.
Mục tiêu thứ ba là tháo gỡ những xung đột lợi ích trong không gian biển. Thực trạng ngành nuôi biển hiện nay là tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát đang tạo ra xung đột giữa nuôi trồng và sự biến dạng tài nguyên tự nhiên. Những rạn san hô và những giống loài tự nhiên khác trong lòng đại dương khác bị tổn thương hiện nay có thể là một dẫn chứng.
Ngoài ra, còn có sự xung đột lợi ích giữa những người nuôi biển với nhau và giữa cộng đồng nuôi biển với cộng đồng dân cư ven biển do tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hệ quả là xảy ra xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển: “Thủy sản đi đến đâu, du lịch lùi tới đó”, hoặc ngược lại. Nói cách khác, ngành “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” cần trao cơ hội cho cộng đồng này, đồng thời, không tước mất cơ hội của cộng đồng khác. Tất cùng phát triển, tất cả cùng thắng!
Mục tiêu thứ tư là tạo ra một phân ngành kinh tế biển tổng hợp hướng tới giá trị cao hơn nhờ ứng dụng những giải pháp công nghệ nuôi biển hiện đại, bắt kịp ngành nuôi biển của các quốc gia trên thế giới.
Nuôi trồng chỉ là một công đoạn trong chuỗi giá trị ngành hàng nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Chuỗi giá trị đó bao gồm giống, công nghệ nuôi trồng, kiểm soát dịch bệnh, dinh dưỡng, thu hoạch, bảo quản chế biến, logistics,... Tất cả đều được ứng dụng công nghệ số.
Tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn sẽ tạo giá trị gia tăng trong toàn chuỗi giá trị ngành hàng. Chuỗi giá trị đó có tính bao trùm trên không gian biển và cả không gian trên bờ gắn với biển.
Mục tiêu thứ năm là chuyển từ tư duy sản xuất nuôi trồng sang tư duy kinh tế, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng dựa trên tích hợp đa giá trị từ tài nguyên biển.
Khi tổ chức lại không gian biển sẽ bảo đảm sự hài hoà giữa khai thác và nuôi trồng, giữa nuôi trồng và chế biến, giữa phát triển thuỷ sản và phát triển du lịch biển. Khi tổ chức lại không gian biển sẽ tạo ra thương hiệu cho những dòng sản phẩm từ biển. Khi tổ chức lại không gian biển sẽ tạo ra sự hài hoà giữa biển và bờ.
Với các mục tiêu của “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” như trên, câu chuyện nuôi trồng không chỉ là giải pháp công nghệ, giải pháp về vốn, giải pháp thị trường, mà còn cả giải pháp tổ chức lại ngành hàng. Không gian biển chỉ hài hoà khi tinh thần hợp tác, liên kết, lấy con người làm trung tâm trở thành cách tiếp cận chủ đạo, xuyên suốt.
Chuyển đổi 100% lồng gỗ sang lồng HDPE
Theo ông Trần Công Khôi (Cục Thủy sản), Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển của Việt Nam đạt 280.000ha, thể tích lồng nuôi đạt 10 triệu mét khối, sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt từ 0,8 đến 1 tỷ USD.
Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu mét khối, sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp hơn 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD.
Nuôi cá lồng bè tại đảo Ông Cụ (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: CTV
Theo các chuyên gia của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nuôi biển được đánh giá cao hơn về hiệu quả kinh tế - môi trường, do có năng suất cao hơn, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, ít gây hại tới môi trường. Tuy nhiên, quy mô phát triển nuôi biển hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh hiện có. Để tạo bước phát triển đột phá trong ngành thuỷ sản, ngành nuôi biển cần phát triển theo hướng công nghiệp, từng bước công nghiệp hoá và áp dụng công nghệ tiên tiến đối với các trại nuôi biển quy mô nhỏ. Hơn thế nữa, việc chuyển dịch dần theo hướng nuôi biển xa bờ, sử dụng công nghệ nuôi và vật liệu tiên tiến (HDPE) là cần thiết.
Được đánh giá là có tiềm năng lớn trong phát triển nuôi biển công nghiệp, với bờ biển dài; nhiều diện tích mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông, nhất là có vùng biển mở gần bờ và xa bơ, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đang chuyển đổi theo hướng nuôi biển công nghệ cao bền vững. Thời gian qua, các địa phương này đã khuyến khích, định hướng ngư dân phát triển nuôi biển công nghiệp, chuyển đổi từ lồng bè gỗ sang lồng vật liệu mới; áp dụng công nghệ, quy trình nuôi mới, thay vì sát các khu dân cư, ngư dân đã chủ động di dời ra xa bờ, các vùng nước vắng để đảm bảo môi trường, chi phí vận hành dù có tăng nhưng an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Quảng Nam có nhiều mô hình nuôi biển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều ngư dân ở TP.Hội An và các huyện Duy Xuyên, Núi Thành đầu tư nuôi biển thu lãi gần 500 triệu đồng/năm, với các loại cá: bớp, sặc, dìa, chẽm, măng… ở ven biển Cửa Đại (Hội An), Cửa Lở (Núi Thành). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Hồ Quang Bửu cho biết, định hướng của tỉnh là ưu tiên nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường, gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi. Trong chiến lược phát triển, tỉnh sẽ có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nuôi biển tại khu vực Cù Lao Chàm (bên ngoài khu vực bảo tồn biển); khu vực quanh mũi Bàn Than, khu Hòn Thơm, Hòn Dứa (xã đảo Tam Hải)…
Ông Trịnh Văn Bình (ấp Hòn Heo, xã Sơn Hải, tỉnh Kiên Giang), người tham gia thực hiện mô hình lồng nuôi HDPE, cho biết, nhờ được tập huấn nên các hộ nuôi chúng tôi hiểu rõ hơn các quy trình kỹ thuật nuôi cá mú trân châu bằng lồng nuôi HDPE để áp dụng vào sản xuất thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế; thích ứng với biến đổi khí hậu. Lồng HDPE có thể nuôi riêng hoặc chung nhiều loại đối tượng với nhau và nuôi được ở nhiều tầng nước khác nhau, nhằm tận dụng tối đa nguồn lợi nuôi thủy hải sản trong một vùng nuôi hoặc trên một đơn vị mặt nước. Đặc biệt, lồng nuôi HDPE chịu được sóng gió, bão cấp 10 - 12, bởi có tính mềm dẻo, độ uốn dẻo rất cao nên không bị giòn, gãy.
Các chuyên gia kinh tế học, chuyên gia thủy sản trên thế giới đều nhận định: Nuôi biển xa bờ là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới. Tại Việt Nam, khi triển khai nuôi thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp thì tồn tại một vấn đề chính là nguồn vốn. TS. Võ Sĩ Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để có cơ chế vay vốn, làm bảo hiểm cho ngư dân, doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, chia sẻ, để các hộ ngư dân chuyển sang nuôi công nghiệp, trước hết chúng ta cần tạo chuỗi giá trị, các hộ dân sẽ là chân rết của chuỗi giá trị đó. “Ngư dân sẽ nuôi ở quy mô nhỏ, trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị doanh nghiệp tạo nên sự liên kết bền vững. Chúng ta cần có mô hình và sự hướng dẫn, hỗ trợ lồng HDPE cho ngư dân... Tổ chức đào tạo cho ngư dân nuôi cá biển theo hướng công nghiệp và tiếp cận tín dụng”, ông Dũng đề nghị.
Từ thực tế trên, thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần có chính sách tín dụng dành cho người dân, doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp-người nuôi phát triển theo chuỗi giá trị gia tăng; hướng tới mục tiêu từ nay đến năm 2030 chuyển đổi 100% lồng gỗ sang lồng nhựa HDPE.
Cùng với đó, đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi đảm bảo điều kiện áp dụng các biện pháp thực hành nuôi tốt (VietGAP, Global-GAP...), nuôi công nghệ cao, cũng như tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên các đầm, vịnh kín theo đúng quy hoạch; sắp xếp lại lồng bè nuôi trong các vùng quy hoạch, giải tỏa số lượng lồng, bè dôi dư không đúng quy hoạch, quy định quản lý, tăng cường quản lý chất lượng giống, thức ăn, dịch bệnh, môi trường...
Tích hợp đa giá trị
Để phát triển bền vững ngành nuôi biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần chuyển từ tư duy sản xuất nuôi trồng sang tư duy kinh tế, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng dựa trên tích hợp đa giá trị từ tài nguyên biển.
“Khi tổ chức lại không gian biển sẽ bảo đảm sự hài hoà giữa khai thác và nuôi trồng, giữa nuôi trồng và chế biến, giữa phát triển thuỷ sản và phát triển du lịch biển. Khi tổ chức lại không gian biển sẽ tạo ra thương hiệu cho những dòng sản phẩm từ biển. Khi tổ chức lại không gian biển sẽ tạo ra sự hài hoà giữa biển và bờ”, Bộ trưởng Hoan nói.
Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá, du lịch xanh, du lịch bền vững sẽ là con đường phát triển xuyên suốt trong nhiều năm nữa trên thế giới. Trong số đó, các mô hình, hoạt động du lịch biển cần gắn với bảo tồn thiên nhiên, môi trường sinh thái; phát triển bền vững song song với các ngành kinh tế biển như nuôi trồng thủy sản, xây dựng chuỗi giá trị trong nền kinh tế tuần hoàn.
Mô hình tiên phong - trang trại nuôi biển kết hợp trải nghiệm của STP Group tại Vân Đồn (Quảng Ninh).
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, cho biết, một số loại hình du lịch biển kết hợp nuôi biển là xu hướng ngày càng phổ biến như: du lịch trải nghiệm (khám phá các hoạt động chân thực tại địa phương, cơ sở nuôi biển); du lịch đào tạo (giao lưu, học hỏi các mô hình, công nghệ mới trong nuôi biển, nuôi trồng thủy sản); du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (hướng tới phát triển các khu resort, bungalow, nhà hàng trên biển...).
Nắm bắt xu hướng này, STP Group đã xây dựng trang trại nuôi biển và trải nghiệm tại đảo Phất Cờ (Vân Đồn - Quảng Ninh) - mô hình tiên phong tại Việt Nam. Trang trại với quy mô 40ha được thiết kế, thi công gồm 3 phân khu: Khu điều hành, Khu nuôi trồng và Khu trải nghiệm, với tầm nhìn về kinh tế sinh thái và kinh tế tuần hoàn.
STP Group cũng xây dựng mô hình nuôi biển kết hợp trải nghiệm kiểu mẫu, với chuỗi các doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, vệ sinh an toàn, thân thiện môi trường, hệ sinh thái... đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, góp phần tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho các cộng đồng ven biển.
Trước những lợi thế từ du lịch kết hợp nuôi biển đem lại, bà Nguyễn Thị Hải Bình đề xuất Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết lập các cụm công nghiệp nuôi hải sản trên biển; từ đó có chỉ đạo truyền thông giúp cho người nuôi trồng hải sản nhận biết, triển khai việc cần chuyển đổi sang phương thức, quy mô công nghiệp, giúp gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm nuôi trồng, bảo vệ môi trường biển; kết hợp có các chương trình truyền thông trọng tâm, đột phá tại địa phương để phát triển được song song nuôi trồng thủy sản và du lịch.
Ngoài kết hợp giữa du lịch và nuôi biển, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm, cần tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển… Trong thể chế phát triển nuôi biển công nghiệp phải thay đổi tư duy, coi doanh nghiệp là chủ thể, đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến, kết hợp với phương thức tích hợp đa ngành.
Phát triển ngành nuôi biển bền vững
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, để thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1195/QĐ-BNN-TCTS ngày 4/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cục Thủy sản đã tham mưu Bộ triển khai một số nhiệm vụ: đánh giá sức tải môi trường nuôi tôm hùm; xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ tôm hùm tại Phú Yên và Khánh Hòa; tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi biển bền vững năm 2022” ...
Thời gian tới, Cục Thủy sản cùng với bốn địa phương (Quảng Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận, Kiên Giang) tổ chức xây dựng và triển khai dự án đầu tư hạ tầng thí điểm vùng nuôi trồng thủy sản trên biển, sau đó sẽ tổng hợp kết quả để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn, con giống chất lượng cao, giải pháp phòng chống và điều trị dịch bệnh, công nghệ nuôi, công nghệ thu hoạch và bảo quản sản phẩm trong nuôi biển…
Trước những khó khăn của nghề nuôi biển hiện nay, Cục Thủy sản xác định cần tập trung triển khai một số nội dung sau: Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thủy sản tại Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, tập trung quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát tốt chất lượng con giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để có những điều chỉnh hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết, hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để thuận tiện, hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để hóa giải thách thức trong việc quản lý từng nhân tố trong chuỗi giá trị, quản lý các yếu tố đầu vào, quản lý môi trường, dịch bệnh, quy trình sản xuất, cần thực hiện tối ưu hóa quản lý sản xuất thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đây cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược ngành thủy sản Việt Nam; đặc biệt đối với các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) và các đối tượng có giá trị kinh tế cao khác. Cục Thủy sản đang tiếp tục hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu về quản lý nuôi trồng thủy sản, giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Tăng cường hợp tác quốc tế, xử lý rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại. Duy trì phát triển thị trường truyền thống, tích cực tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới. Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Do quy định đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (cấp mã số) chưa phù hợp, nên việc triển khai tại địa phương còn gặp một số khó khăn. Nắm bắt thực tế, Cục Thủy sản đã tham mưu để Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ xem xét sửa đổi quy định này…”, ông Luân cho biết.
Bài 3: Những cách làm hay
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.