Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3, sản lượng đạt 1.450.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,8 - 2,0 tỷ USD; tầm nhìn đến năm 2045, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu đề ra, nghề nuôi biển cần phải có những bước chuyển mình về kỹ thuật, tận dụng đường biển dài, phát triển nghề nuôi biển công nghiệp, giúp ngư dân ổn định chất lượng nuôi trồng.
Bài 2: Chiến lược phát triển nuôi biển bền vững
Giao khu vực biển lâu dài và xem doanh nghiệp là chủ thể
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, muốn doanh nghiệp, người dân đầu tư một cách bài bản thì giao khu vực biển nuôi trồng lâu dài, ít nhất 20 năm, 30 năm, nếu không người dân mãi mãi nuôi lồng thủ công.
“Luật Thủy sản 2017 quy định thời hạn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng hải sản đến 30 năm, gia hạn đến 20 năm. Luật có rồi nhưng đến nay chưa được thực hiện. Các chính sách phát triển nuôi biển có gần như đầy đủ nhưng chưa được thực thi đồng bộ ở các địa phương”, ông Dũng nói.
Ông Dũng so sánh, Việt Nam có 1.000km2 có tiềm năng phát triển nuôi cá biển. Năng suất nuôi cá biển ở vùng nhiệt đới đạt 10.000-12.000 tấn/ha/năm thì nước ta có thể nuôi đến 10 triệu tấn cá biển.
Tỉnh Khánh Hòa triển khai hạ thủy mô hình lồng HDPE nuôi biển, tiến tới mô hình nuôi công nghiệp.
Như cá tra, nước ta xuất hơn 1 triệu tấn, đạt doanh thu 2,5 tỷ USD. Nếu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế thì mục tiêu đạt được từ 10-15 tỷ USD mỗi năm là chuyện trong tầm tay.
Ông Dũng cũng đề nghị, trong thể chế phát triển nuôi biển công nghiệp, phải coi doanh nghiệp là chủ thể. Cùng với đó là chính sách rõ ràng để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, tạo chuỗi sản xuất.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân ghi nhận những vướng mắc trong phát triển thủy sản nói chung, ngành nuôi biển nói riêng và cho rằng: “Trong phạm vi quy định thẩm quyền, giao biển theo hải lý (từ 6 hải lý cấp tỉnh, 3 hải lý cấp huyện) để linh động phát triển các dự án nuôi biển. Trước mắt, các địa phương ven biển cần tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác thủy sản ven bờ để tránh tận diệt, lãng phí tài nguyên biển. Trong đó, tổ chức lại các bãi giống, cắm mốc, giao biển cho cộng đồng, hộ gia đình và sớm thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã ven biển”.
Chú trọng phát triển nuôi biển công nghệ cao
Trong 28 tỉnh, thành phố có biển, Khánh Hòa có điều kiện về môi trường, khí hậu thuận lợi để phát triển nuôi biển. Đây cũng là một trong những tỉnh đang dẫn đầu cả nước về nuôi biển. Tuy nhiên, nghề nuôi biển của Khánh Hòa chủ yếu theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng lớn nên cần thay đổi sang phương thức nuôi hiện đại, công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III triển khai đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao. Theo ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa, cùng với phát triển kinh tế biển thì kinh tế cảng, đóng tàu, du lịch biển đảo, thủy sản cũng luôn được tỉnh chú trọng. Vì vậy, tỉnh chủ trương phải phát triển nuôi công nghệ cao vùng biển cách bờ từ 3 đến 6 hải lý; gắn với quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo... Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 1.100ha, sản lượng nuôi biển đạt 15.000 tấn; đến năm 2030, diện tích nuôi biển tăng lên 1.500ha.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa chính thức triển khai hạ thủy mô hình lồng HDPE nuôi biển xuống khu vực biển hở tại xã Cam Lập, TP. Cam Ranh, cách đất liền khoảng 7 hải lý. Đây là lần đầu tiên ở Khánh Hòa, mô hình lồng HDPE được thí điểm tại vùng biển hở. Mô hình nằm trong đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa (10 hộ dân tham gia được Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup hỗ trợ mô hình nuôi biển công nghệ cao với vật liệu HDPE, cùng hệ thống theo dõi, chăm sóc tự động hoá hiện đại). Đã có 3 mô hình lồng được triển khai tại vùng biển hở của TP. Cam Ranh. Tại khu vực này, các lồng nuôi có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử; các mô hình nuôi được trang bị máy cho ăn tự động, tiến tới mô hình nuôi công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, việc nuôi thủy sản trên vùng biển hở tại địa bàn tỉnh là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 55 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa, trong đó có nêu rất rõ là phải phát triển bền vững kinh tế biển, chú trọng phát triển nuôi biển công nghệ cao.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định: “Đây là bước đi nhỏ để vươn ra biển lớn. Các lồng bè HDPE do Việt Nam sản xuất có khung lồng chắc chắn đã được nghiên cứu để phù hợp với vùng biển hở; lồng nuôi tôm 2 tầng, vừa giảm được diện tích, vừa tăng năng suất”.
Ngư dân Nguyễn Văn Thơ (phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh) có 17 năm nuôi tôm hùm, cá trên biển với 300 lồng nuôi tôm, cá theo hình thức truyền thống. Dịp này, gia đình ông được hỗ trợ 1 mô hình lồng nuôi tôm hùm HDPE. “So với mô hình truyền thống thì lồng bè HDPE chắc chắn, giúp người dân có thể theo dõi vị trí, giám sát khi thời tiết bất lợi. Nếu mô hình này hiệu quả, sẽ giúp người dân vươn khơi, tiếp tục đầu tư”, ông Thơ cho biết.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, tỉnh đang thực hiện thí điểm để người dân thấy được hiệu quả qua những mô hình tiên phong này. Tuy nhiên, để mô hình thí điểm này thành công và được áp dụng rộng rãi thì cần phải nhiều cơ chế, chính sách như tín dụng phải vay với lãi suất thấp, hỗ trợ về bảo hiểm; tiếp tục tiến tới nghiên cứu những mô hình, loại hình thức ăn công nghiệp không ô nhiễm môi trường… Vì vậy, cùng với việc triển khai đề án, UBND tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư cho người nuôi, cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia nuôi biển hở. UBND tỉnh cũng đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống giám sát và quản lý chặt chẽ đối với hoạt động nuôi biển hở. Ngoài ra, Khánh Hòa còn kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi công nghiệp; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thương phẩm…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa Nguyễn Trọng Chánh, hoạt động của các doanh nghiệp nuôi biển theo hướng công nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả cao, cụ thể như trang trại của Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, hay trang trại của các công ty Australis, Phương Minh, mô hình nuôi cá bớp bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy...
Ông Nguyễn Hải Ninh chia sẻ: Tỉnh sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách, nhất là việc giao diện tích mặt nước, có chính sách tín dụng dành cho người dân, doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp-người nuôi phát triển theo chuỗi giá trị gia tăng; hướng tới mục tiêu từ nay đến năm 2030, chuyển đổi 100% lồng gỗ sang lồng nhựa HDPE.
Tham tán thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, ông Arne Kjertil Lian, gợi ý, Khánh Hòa có thể học tập kinh nghiệm của Na Uy trong đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi biển kết hợp du lịch. Thời gian qua, với nhiều chính sách ưu đãi, Na Uy đã xây dựng nhiều trang trại trình diễn nuôi cá kết hợp đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Nuôi biển gắn với phát triển du lịch sinh thái
Trong chiến lược phát triển nghề nuôi biển của Bình Định, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng một số vùng sản xuất thân thiện với môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế từ khai thác thủy sản vùng ven bờ sang nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với giao quyền đồng quản lý các diện tích mặt biển cho các tổ chức cộng đồng nhân rộng quy mô sản xuất, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái vùng biển.
Với lợi thế về diện tích mặt nước biển, vùng san hô rộng lớn, xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn) là nơi được ngành Nông nghiệp tỉnh lựa chọn để xây dựng mô hình nuôi biển gắn với phục vụ du lịch.
Ông Nguyễn Văn Điện ở thôn Hải Minh, P.Hải Cảng (TP.Quy Nhơn - Bình Định) cho cá ăn. Ảnh: Tiến Huy.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định, việc lựa chọn Nhơn Hải để thí điểm mô hình nuôi rong sụn kết hợp với phục vụ du lịch nhằm tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất; đồng thời khai thác các giá trị từ hoạt động nuôi trồng thủy sản để tăng hiệu quả kinh tế là một lựa chọn đã được tính toán kỹ lưỡng.
Trước đó, nhờ vào các dự án bảo tồn, khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ, giao quyền đồng quản lý cho tổ chức cộng đồng, vùng san hô dưới biển Nhơn Hải đã hồi sinh và phát triển tương đối tốt.
Đến nay, san hô tại khu vực 12,8ha mặt nước quanh khu vực Hòn Khô do Tổ chức cộng đồng địa phương ở Nhơn Hải quản lý và bảo vệ đã dày hơn, tăng độ che phủ, thu hút được nhiều cá, tôm, rùa biển về quần cư. Tổ chức cộng đồng khoanh vùng, thả phao và khai thác thủy sản, kết hợp tổ chức trải nghiệm du lịch ở các vùng được phép để bảo vệ hệ sinh thái dưới biển.
Xuất phát từ thực tế này, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định thông qua kết nối của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tạo điều kiện để HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản xã Nhơn Hải tham gia mô hình thí điểm trồng rong sụn trong vùng biển được tổ chức cộng đồng địa phương quản lý, vừa bảo vệ rạn san hô vừa tạo vùng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất. Thông qua tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống, giữa tháng 3/2023, HTX đã trồng thử nghiệm gần 10.000 cây rong sụn.
Hiện, HTX đang sản xuất nước rau câu từ nguồn rong biển tự nhiên, từng bước hoàn thiện quy trình, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nước rau câu Nhơn Hải. Trong quá trình phát triển, HTX muốn có thêm nguồn nguyên liệu để đưa vào sản xuất nhằm đa dạng các sản phẩm của HTX, vừa có thể tăng đầu ra, vừa có thể thu hút được du khách tham gia vào hoạt động sản xuất của HTX để nâng cao giá trị của du lịch trải nghiệm cộng đồng ở làng biển.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Toàn tỉnh có 4 tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển với tổng diện tích 46,134ha tại những địa điểm có thể phát triển mô hình nuôi biển kết hợp du lịch sinh thái biển.
Để khai thác tiềm năng nghề nuôi biển, hướng đến phát triển hiện đại, bền vững, mục tiêu lâu dài của tỉnh là, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các kênh cung cấp thông tin thị trường, thông tin về thiên tai, biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế…
Đưa Quảng Ninh trở thành địa phương phát triển mạnh nghề nuôi biển
Để phát triển nghề nuôi biển với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa biển đặc trưng và phát triển du lịch bền vững, Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, quy chuẩn địa phương về phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển, tạo nền tảng vững chắc để từng bước thúc đẩy ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi biển đạt trên 8.800ha, chiếm 33% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; sản lượng nuôi biển chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, khoảng 59.540 tấn; tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2020-2025 là 8%/năm; giá trị sản xuất trên 4.600 tỷ đồng.
Năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 9.280ha, sản lượng nuôi biển đạt khoảng 94.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2025 - 2030 là 9,6%/năm, giá trị sản xuất trên 8.000 tỷ đồng.
Định hướng đến năm 2045, phát triển ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Nuôi biển trở thành một trong những bộ phận quan trọng của ngành thủy sản, có đóng góp trên 80% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2045, phát triển ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. (Ảnh: Sở NN&PTNT tỉnh cung cấp).
Để cụ thể hoá mục tiêu phát triển nghề nuôi biển kể trên, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đưa ra nhiều giải pháp: Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại diện tích, đối tượng nuôi phù hợp; hoàn thiện quy trình nuôi, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường; tập trung phát triển nuôi biển công nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật Thủy sản hiện hành; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có chứng nhận (ASC, GlobalGAP, VietGAP ...) hoặc chỉ dẫn địa lý đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, tương thích với quy định của thị trường nhập khẩu.
Đồng thời đa dạng hóa đối tượng nuôi, tập trung phát triển sản xuất các giống thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao, từng bước chủ động nguồn giống đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu cho các vùng nuôi trong tỉnh. Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu thị trường gắn với thị trường mục tiêu như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, ASEAN... Duy trì và giữ vững 3 thị trường xuất khẩu chủ lực (Trung Quốc, EU, Nhật Bản); mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực có nhiều tiềm năng như: Đông Âu, Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, ASEAN...
Tổ chức sắp xếp lại hoạt động chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, tạo chuyển biến nhanh, bền vững trong lĩnh vực chế biến và thương mại thủy sản.
Cùng với đó là ứng dụng chuyển đổi số để quản lý đội tàu, cơ sở, vùng nuôi, các dự án nuôi trồng hiện nay. Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển thủy sản, phát triển nuôi biển trong bối cảnh mới; ban hành các chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nuôi biển theo hướng ứng dụng công nghệ, quy trình nuôi hiện đại, chủ đạo dẫn dắt thị trường và tổ chức sản xuất.
Với tiềm năng sẵn có cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành địa phương, sự nỗ lực của ngư dân, tin tưởng rằng ngành thủy sản Quảng Ninh sẽ thực hiện thắng lợi, trở thành một trong những địa phương phát triển nghề nuôi biển mạnh của cả nước.
Phối hợp các bên và hài hoà lợi ích
Là doanh nghiệp đầu tư khá sớm và mạnh vào nuôi biển ở Khánh Hòa, đến nay, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam đang gặp khó khăn trong mở rộng mặt nước để phát triển nuôi biển. Doanh nghiệp muốn xin mở rộng diện tích nuôi nhưng do tỉnh chưa có quy hoạch nên doanh nghiệp không thể thuê thêm được.
Ông Hoàng Ngọc Bình, Giám đốc Vận hành Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, cho biết, nhu cầu của doanh nghiệp phải hàng trăm hecta. Bởi khi đầu tư nuôi công nghiệp, nhu cầu mặt nước lớn để đảm bảo mật độ, khoảng cách giữa các trại nuôi, luân chuyển khu nuôi... nhằm đảm bảo tái tạo sinh thái khu nuôi và môi trường.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển, doanh nghiệp đã đầu tư nuôi thử nghiệm và đang xin phép để đầu tư nuôi dài hạn ở Kiên Giang. Nhưng việc xin đầu tư cũng gặp không ít khó khăn.
Theo ông Bình, khi xin đầu tư nuôi mặt nước, doanh nghiệp đồng thời cũng phải thuê được một số diện tích mặt đất để đầu tư cơ sở hậu cần, kho bãi cho vùng nuôi. Nếu chỉ được một trong hai đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ không thể đầu tư vào nuôi biển.
“Chẳng hạn như ở Khánh Hòa, doanh nghiệp thuê được mặt đất đến năm 2043 nhưng khi thuê mặt nước chỉ được cấp tới năm 2023. Nếu không thuê được mặt nước để nuôi thì kho bãi trên mặt đất cũng như bỏ đi. Hiện doanh nghiệp đang xin gia hạn thời gian thuê mặt nước khớp với thời gian thuê mặt đất, nhưng gặp rất nhiều khó khăn do tỉnh chưa có quy hoạch”, ông Bình chia sẻ.
Ở một góc độ khác, HTX Nuôi trồng Thủy sản Phất Cờ (Quảng Ninh) không có nhu cầu cao trong mở rộng diện tích nuôi vì hiện nay số thành viên lên tới 32. Tuy nhiên, với nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn ở địa phương thì người nuôi bên cạnh việc phải tuân thủ theo quy định của tỉnh về vật liệu lồng nuôi thì diện tích nuôi phải được cấp phép đúng quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Sỹ Bính, Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX Nuôi trồng Thủy sản Phất Cờ, tỉnh cần sớm phân định rõ vùng nuôi để giao mặt nước cho người đầu tư nuôi biển để họ yên tâm đầu tư sản xuất. Nếu nằm trong vùng quy hoạch sản xuất thì các tổ chức, cá nhân sẽ có giấy tờ đầy đủ và dễ dàng tiếp cận vốn vay, các chính sách hỗ trợ; sản phẩm được truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị.
“Người nuôi không nhất thiết phải trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Chỉ cần với giấy tờ đầy đủ, họ sẽ dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước,” ông Bính cho hay.
Ở góc độ quản lý ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, nuôi biển là một trong những giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia, sinh sống, gắn bó mật thiết với biển.
Theo Bộ trưởng, nếu để hoạt động nuôi biển tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát sẽ tạo ra xung đột giữa nuôi trồng và sự biến dạng tài nguyên tự nhiên. Ngoài ra, còn có sự xung đột lợi ích giữa những người nuôi biển với nhau và giữa cộng đồng nuôi biển với cộng đồng dân cư ven biển do tình trạng ô nhiễm môi trường.
Câu chuyện nuôi trồng không chỉ là giải pháp công nghệ, giải pháp về vốn, giải pháp thị trường, mà còn cả giải pháp tổ chức lại ngành hàng. Chuỗi giá trị ngành hàng nuôi trồng thủy sản trên biển bao gồm giống, công nghệ nuôi trồng, kiểm soát dịch bệnh, dinh dưỡng, thu hoạch, bảo quản chế biến, logistics, ứng dụng công nghệ số...
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua, rào cản quản lý đã cản trở việc mở rộng giới hạn, tận dụng tiềm năng ngành nuôi biển. Các viện nghiên cứu về nuôi biển cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để hình thành chuỗi giá trị tham gia thị trường, đưa nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.