Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 7 năm 2023 | 9:41

Đề nghị mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa

Muốn huy động huy động các nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phải không hạn chế tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa từ hộ gia đình, cá nhân. Đây là ý kiến của chị Bùi Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai.

“Thấy xót” khi đất nông nghiệp bị bỏ hoang

Đến Xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai (trước đây thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình) tôi được cán bộ xã đưa đến gia đình của chị Bùi Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam, để nghe chị trải lòng về sự nghiệp của mình trong lĩnh vực chế biến nông sản sau thu hoạch.

Xã Đông Xuân đang tiến hành quy hoạch, cải tạo làm đường xung quanh hồ.

Sinh ra và lớn lên ở xã Thủy Xuân Tiên của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) trong một gia đình thuần nông, ruộng lúa, mảnh đất của làng quê đã thấm vào trong hơi thở và con tim của mình. Đất đai là kế sinh nhai của gia đình chị và những người nông dân ở vùng quê luôn phải chịu ngập lụt mỗi khi “thiên nhiên nổi giận”. Những giọt mồ hôi mặt chát của cha và mẹ đổ xuống mảnh đất của gia đình để nuôi chị lớn không, đã cho chị một tình yêu vô bờ bến, vì thế chị yêu đất đến vô cùng.

“Tôi rất cảm ơn cha mẹ của tôi đã gìn giữ được mảnh đất ở Thủy Xuân Tiên, chính điều này đã cho tôi một nền tảng vững chắc để dấn thân vào kinh doanh trong lĩnh vực chế biến sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp”, chị Hằng nói.

Điều làm cho tôi trăn trở đó là việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất khó khăn, bởi các quy định của Nhà nước về đất đai đang có những bất cập, nhất là việc thuê, chuyển nhượng lại đất trồng lúa, đất nông nghiệp của bà con nông dân lại không được phép.    

Do không có đất để xây dựng nhà xưởng, vì thế nguyên liệu để chế biến các sản phẩm mỹ phẩm được chiết suất từ hoa hồng, hay nguyên liệu để làm các sản phẩm nông sản sấy khô như dứa, bí đao đều phải vận chuyển về Chương Mỹ, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bảo quản nguyên liệu cho sản xuất.

Trong khi bà con nông dân có ruộng nhưng trong quá trình sản xuất nông nghiệp lại không hiệu quả, sản phẩm làm ra đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức lại không bán được do giá quá thấp, không đủ chi phí cho mua giống, công chăm sóc và các loại chi phí khác. Vì thế, người nông dân bỏ hoang ruộng rất nhiều, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng không có điều kiện để phát triển.

“Là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chế biến sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp và chế biến mỹ phẩm từ các loại hoa, chúng tôi rất mong muốn có đất để xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản cho bà con, ổn định được cuộc sống, phát triển được kinh tế hộ gia đình, nhưng lại không có đất để xây dựng. Nhìn những mảnh ruộng của bà con nông dân bị bỏ hoang mà lòng tôi thấy xót xa vô cùng, uổng phí tài nguyên là rất lớn nếu như không có sự thay đổi trong Luật Đất đai lần này”, chị Hằng nói.

Mở rộng đối tượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để nông thôn phát triển

Luật Đất đai năm 2013 đã quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp, điều này làm hạn chế việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chưa khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Chị Bùi Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Rosa Valley​ Việt Nam.

Một thực tế mà theo chị Bùi Thị Thanh Hằng cho biết, hiện nay, cuộc sống của người dân đã được nâng cao lên rất nhiều, nhu cầu để hưởng thụ là rất lớn, xã Đông Xuân rất phù hợp để xây dựng những Homestay bởi có các điều kiện thuận lợi để mở rộng dịch vụ này. Nhất là sau 15 năm Đông Xuân được sáp nhập về Hà Nội trở thành một xã của huyện Quốc Oai, người dân ở các quận, huyện nội thành đã về đây mua đất xây dựng nhà để ở và nghỉ ngơi sau một tuần làm việc căng thẳng và mệt mỏi. Mô hình kinh doanh Homestay đã ra đời, tuy nhiên do chưa có quy định của Pháp luật nên các Homestay này chỉ xây dựng trong phạm vi đất cho phép của mình mà không thể mở rộng được, nếu có mở rộng loại hình kinh doanh này thì hầu hết không được phép xây dựng.

Theo chị Hằng, đây là một thực tế nhưng thực tế này đang tạo ra một sự bất cập đó là chính quyền sở tại thì không quản lý được, Nhà nước thì bị thất thu, cuộc sống của nhân dân ở đây sẽ không phát triển. Nhưng nếu Luật Đất đai lần này cho phép các doanh nghiệp được chuyển nhượng đất nông nghiệp thì sẽ tạo cho những vùng đất bán sơn địa như xã Đông Xuân được phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân được thay đổi, hạ tầng cơ sở như đường xá sẽ được chính các doanh nghiệp này đầu tư để thuận tiện cho du khách đến nghỉ dưỡng cuối tuần.

“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này theo hướng không hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Tại khoản 4 Điều 49 của dự thảo quy định điều kiện tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất trồng lúa phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận là hợp lý”, chị Hằng nói.

Luật Đất đai sửa đổi khu vực này sẽ có những doanh nghiệp đầu tư xây dựng Homestay. 

Trong buổi thảo luận tại hội trường vào ngày 21/6 vừa qua đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có các quy định mở hơn nữa trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và cân nhắc về quyết định điều kiện đối với tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.

Nếu mở rộng quy định này trong Luật Đất đai và được Quốc hội thông qua, tôi nghĩ bộ mặt nông thôn sẽ còn nhiều thay đổi hơn nữa, cuộc sống của bà con nông dân ở đây sẽ còn thay đổi nhiều nữa, vùng quê sẽ trở nên đáng sống hơn bao giờ hết và đây chính là lý do để người thành phố di chuyển về đây sinh sống nhiều hơn, nội thành sẽ giảm tải dân số, áp lực về giao thông và ô nhiễm môi trường cũng sẽ giảm đáng kể, chị Hằng mong muốn. 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top