Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 13 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 6 năm 2023 | 10:9

Để nông sản an toàn phải loại bỏ các chất cấm dùng trong nông nghiệp

Thay vì sử dụng những chất được phép sử dụng trong việc chăm bón cho cây trồng, nhiều nông dân đã chọn mua những chất cấm với giá rẻ để phun xuống đồng ruộng, cho cây trồng. Những tồn dư hóa chất này trong nông sản Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, nông sản bị đối tác nước ngoài trả về sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, do đó phải loại bỏ những chất cấm nguy hại sử dụng trong nông nghiệp.

Tồn dư các chất hóa học trong nông sản thực phẩm gây hại đến sức khỏe

Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, việc tồn dư các chất hóa học trong nông sản thực phẩm bao gồm các mối nguy về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật; dư lượng kim loại nặng như asen, cadimi, đồng, chì,... dư lượng nitrat; dư lượng kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng và các hóa chất khác như dầu mỡ, hóa chất bảo quản,…khi các chất này có dư lượng tồn dư trong thực phẩm vượt ngưỡng cho phép gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.

Tồn dư hóa chất do sử dụng thuốc BVTV bị cấm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Về tác hại khi các hóa chất có dư lượng vượt ngưỡng cho phép, hóa chất bảo vệ thực vật có thể gây co giật, tổn thương tim, nghẹt thở, ảnh hưởng đến thần kinh; kim loại nặng có thể gây nhiễm độc cấp tính/mãn tính, gây ung thư…; chất kháng sinh có thể dẫn đến suy tủy, còi cọc, ung thư, nhờn thuốc...; chất kích thích tăng trưởng gây rối loạn hệ thống nội tiết.

Thông thường có 3 con đường chính để thuốc BVTV đi vào cơ thể. Thứ nhất, ăn các loại thực phẩm, rau quả nhiễm độc từ các loại thuốc bảo vệ thực vật khi chúng đang có tồn dư thuốc, chưa đủ thời gian cách ly. Thứ hai, qua đường hô hấp khi chúng ta hít phải thuốc, có thể đi qua chỗ người ta đang phun thuốc, gió thoảng qua. Thứ ba là qua việc tiếp xúc trực tiếp, tức sử dụng các loại thuốc mà không đeo găng tay, đồ bảo hộ.

Vì thế, dư lượng hóa chất do sử dụng thuốc BVTV bị cấm trong sản phẩm nông sản thực phẩm là vô cùng nguy hiểm. Lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho hay tất cả loại hóa chất BVTV đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình.

Phát hiện 183 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Định hướng công tác chất lượng, chế biến gắn với phát triển thị trường nông lâm sản, thủy sản" vừa qua, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết: Giám sát chất lượng nông sản 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức lấy 8.164 mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, phát hiện 183 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 2,24% (cùng kỳ năm 2022 là 3,6%; năm 2021 là 5,37%)…

Thanh tra, kiểm tra chất lượng nông sản để xử lý các sản phẩm khoogn đảm bảo an toàn đến sức khỏe.

“Qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đã đáp ứng ngày càng tốt hơn quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, sai lỗi về điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị và đặc biệt là áp dụng chương trình quản lý chất lượng” ông Ngô Hồng Phong nói.

Đề cập về công tác kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu, ông Phong cũng cho hay các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện thẩm tra, kiểm tra, chứng nhận trung bình 100.000 lô/1.400.000 tấn hàng thủy sản xuất khẩu đi các thị trường (tăng 1,5% so với trung bình năm giai đoạn 2017-2019); đã lấy mẫu kiểm nghiệm trung bình 31.000 lô/năm, phát hiện khoảng 0,5% số lô không đạt yêu cầu về chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm sản, giai đoạn 2020 – 2030. Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành 19 văn bản (Nghị định/Quyết định/Chỉ thị); phối hợp Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm; trực tiếp ban hành 13 Thông tư về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; ban hành 98 TCVN và 07 QCVN về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Nông sản xuất khẩu gặp khó do còn tồn dư hóa chất

Việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là lý do dẫn đến nhiều loại nông sản "gặp khó" khi xuất khẩu. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do nông dân bón phân và phun thuốc trừ sâu vượt mức cho phép.

Ngày 02/12/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 16/01/2023, trong đó thuốc bảo vệ thực vất bị cấm sử dụng gồm: Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 23 hoạt chất ( Aldrin; BHC, Lindane; Cadmium compound (Cd); Carbofuran; Chlordane; Chlordimeform; DDT; Dieldrin; Endosulfan; Endrin; Heptachlor; Isobenzen; Isodrin; Lead (Pb); Methamidophos; Methyl Parathion; Monocrotophos; Parathion Ethyl; Sodium Pentachlorophenate monohydrate; Pentachlorophenol; Phosphamidon; Polychlorocamphene và Trichlorfon (Chlorophos).

Thuốc trừ bệnh: 6 hoạt chất: (Arsenic (As); Captan; Captafol; Hexachlorobenzene; Mercury (Hg); Selenium (Se).

Thuốc trừ chuột: 1 hoạt chất: (Talium compound)

Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất: (2.4.5 T).

Nhiều năm qua các nước như Úc, Mỹ, Nhật, EU đã từ chối nhiều sản phẩm rau củ của Việt Nam với trị giá lên đến hàng tỷ USD. Theo các chuyên gia của Liên minh Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nguyên nhân các sản phẩm nông sản xuất khẩu Việt Nam thường xuyên bị trả về là do nông dân bón phân và phun thuốc trừ sâu vượt mức cho phép. Doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo tiêu chuẩn sản xuất sạch như VietGAP, Global GAP.

Ngày 07/4/2023 vừa qua, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã ra thông báo sẽ ngừng bán và thu hồi sản phẩm ớt của Việt Nam sau khi kiểm tra và phát hiện ớt Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn.

Sản phẩm bị thu hồi là ớt Việt Nam có năm sản xuất 2021 và 2022 được nhập khẩu từ Công ty TNHH JM Food (Gongju-si, Chungcheongnam-do) và Công ty TNHH Thực phẩm Daelim Global (Gangseo-gu, Busan). Co., Ltd. (Gyeongsan-si, Gyeongsangbuk-do) đã bán các phân khu.

Sản phẩm được nhập khẩu dưới dạng ớt đỏ đông lạnh, sấy khô và chia nhỏ để bán tại Hàn Quốc và bị phát hiện không phù hợp sau khi kiểm tra.

Trong các sản phẩm này có phát hiện chất tricyclazole, loại thuốc trừ bệnh được sử dụng chủ yếu trong canh tác lúa, vượt tiêu chuẩn cho phép.

Mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bị phát hiện đối với hàng nhập khẩu của JM Food là 0,11mg/kg, gấp 11 lần tiêu chuẩn (dưới 0,01mg/kg) và hàng nhập khẩu của Daelim Global Food là 0,05mg/kg.

Ớt Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Hàn Quốc đạt 3,79 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhóm hàng gia vị, trong đó có ớt Việt Nam được thị trường này khá ưa chuộng.

Theo thông tin từ Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD), liên quan đến dư lượng hoá chất trong nông sản, mới đây Uỷ ban châu Âu (EU) đã đưa ra quy định mới liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) về dư lượng hoá chất có trong thực phẩm. Quy định nào có hiệu lực từ 26-9-2023 và áp dụng trên các sản phẩm nông sản như rau, củ quả tươi và đông lạnh, nhóm các loại hạt như hạt điều, cà phê… Đây là những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường này.

Việc thu hồi sản phẩm do tồn dư thuốc trừ sâu vượt quá mức tiêu chuẩn tại Hàn Quốc vừa qua chỉ là một vụ việc rất nhỏ trong rất nhiều vụ việc khác, không những làm thiệt hại về kinh tế còn làm ảnh hưởng cả đến các hiệp định thương mại ký kết giữa hai bên. Do đó để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân trong nước rất cần loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật nguy hại, các cơ quan chức năng cần kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bị cấm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, nhấn mạnh phải nâng cao chất lượng sản phẩm, để nông lâm thủy sản nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thanh tra, điều tra xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng như sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh, chất bảo quản ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Thứ trưởng Nam cho rằng để đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm sản, thủy sản và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông lâm sản, thủy sản, định hướng tới của ngành nông nghiệp là sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top