Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 1 năm 2024 | 16:9

Để thương hiệu nông sản không bị... đánh cắp

Là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, thế nhưng hiện tại có đến 80% sản lượng nông sản Việt chưa xây dựng được thương hiệu, logo, nhãn mác riêng. Điều này khiến nhiều loại hoa quả đã bị các thương lái “nhập nhèm” vì nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng lại gắn mác hoa quả Việt.

Đơn cử, các thương lái nhập dâu tây Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và gắn mác dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu… sau đó bán với giá chỉ bằng 1/2 so với giá thông thường.

Dâu tây Sơn La bị giả mạo xuất xứ bán tràn lan, giá rẻ bằng một nửa

Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian qua, nhiều loại hoa quả đã bị các thương lái “nhập nhèm” vì nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nhưng lại gắn mác hoa quả Việt. Đơn cử, các thương lái nhập dâu tây Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và gắn mác dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu… sau đó bán với giá chỉ bằng 1/2 so với giá thông thường.

Cụ thể, với những bà con nông dân trồng dâu, đây là thời điểm mong chờ nhất trong năm, vì sau một vụ mùa đổ mồ hôi sôi nước mắt, nay là lúc được thu hoạch thành quả. Tuy nhiên những gì đang diễn ra trên thị trường khiến những người trồng dâu tây ở địa phương này không thể yên tâm khi tình trạng mạo danh dâu tây Sơn La vẫn đang tiếp diễn. Bằng camera giấu kín, nhóm phóng viên đã ghi được câu chuyện tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội.

Cách phân biệt dâu tây Sơn La. ảnh VTV.vn

Chợ Long Biên, vốn là chợ đầu mối nông sản lớn nhất ở Hà Nội. Vì đang bắt đầu vào vụ thu hoạch nên dâu tây ở đây muốn mua bao nhiêu cũng có. Ngoài dâu tây được trồng ở Sơn La, dâu tây nguồn gốc ở bên kia biên giới cũng bạt ngàn.

Dâu tây không thiếu, nhưng thứ thiếu nhất lại là sự trung thực của của người bán. Vì cùng một loại dâu tây, có hình thức và màu sắc y hệt như nhau, nhưng mỗi chủ hàng lại "khai sinh" cho quả dâu có nguồn gốc xuất xứ ở một nơi khác nhau.

Khẳng định chắc nịch sản phẩm dâu tây đang bán là dâu tây Đà Lạt và Sơn La, tuy nhiên, theo tiết lộ của một số tiểu thương tại chợ đầu mối Long Biên và chợ Đền Lừ, loại dâu tây này thực chất là dâu tây Trung Quốc. Thời điểm này trùng với vụ dâu ở bên kia biên giới nên lượng hàng được dân buôn nhập về chợ với số lượng lớn, không chỉ bán buôn mà còn bán lẻ.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho biết: "Quả dâu tây Trung Quốc trên thị trường ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ quả dâu tây Sơn La. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang phối hợp để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho quả dâu tây. Việc xây dựng thương hiệu cho các quả dâu tây Sơn La nói chung và thương hiệu quả dâu tây của hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn là rất quan trọng và cấp thiết trong thời gian tới".

Thời điểm này bắt vào vào vụ thu hoạch, trung bình 1 kg dâu tây Sơn La đang được bán trên thị trường với giá dao động từ 120.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, dâu tây "mạo danh dâu tây Sơn La" cùng loại, cùng kích thước đang được các tiểu thương tại chợ bán với mức giá chỉ rẻ bằng một nửa.

Tình trạng nhập nhằng nguồn gốc này đang là nỗi lo của những người nông dân trồng dâu tây ở Sơn La, vì nếu tiếp diễn, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ sản phẩm và có thể không bán được nông sản của mình.

"Dâu nhà mình đang bán 100.000 đồng. Khách hàng bán 110.000 đồng. Dâu Trung Quốc về nhưng người ta bảo lấy ở Sơn La nhưng chỉ bán 50.000 đồng thì tôi bán làm sao được. Người ta chỉ lấy dâu Trung Quốc. Những người đó đang không phân biệt được dâu tây Trung Quốc và dâu tây Sơn La như thế nào", chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Đại diện Hợp tác xã Dâu tây IChi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La, cho hay.

Cách phân biệt dâu tây Sơn La

Những người trong nghề kinh doanh trái cây tiết lộ, không khó phân biệt nguồn gốc xuất xứ của dâu tây Sơn La trên thị trường, nhưng phải có kinh nghiệm để nhận diện.

"Khi nhìn vào 2 loại dâu Sơn La và dâu Trung Quốc, khi nhìn vào đã thấy khác nhau. Màu của dâu Sơn La sẽ là màu đỏ thẫm, còn màu dâu Trung Quốc sẽ là màu cam.

Phần tiếp theo sẽ là đài sen. Đài của dâu Trung Quốc rất to. Khi người ta hái dâu Trung Quốc thì người ta cắt cả cuống. Còn với dâu Sơn La, cùng hạng size, đài của nó rất là bé, được ngắt bằng tay nên không còn cuống ở đây. Hình dâu Trung Quốc thon dài, còn dâu Sơn La là hình oval.

Có một điểm khác biệt rất hay, phải người tinh ý mới nhận ra được, đó là hạt của dâu Sơn La chìm xuống dưới, khi sờ không cảm thấy hạt của nó đâu. Còn dâu Trung Quốc thì hạt nổi, sờ thấy hạt.

Khi cắt ra, ruột bên trong dâu Sơn La có màu đỏ hồng. Còn dâu Trung Quốc thì lõi của nó sẽ là lõi màu trắng", anh Khổng Vũ Minh Long, Phụ trách kinh doanh Cửa hàng trái cây hoa quả Ưu Đàm, cho biết.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Trên thực tế, hiện nay nhiều sản phẩm nông sản cũng đang trong tình trạng tương tự, đơn cử sản phẩm mỳ chũ của hợp tác xã Mỳ chũ Nam Thể (Lục Ngạn, Bắc Giang) do anh Nguyễn Văn Nam làm chủ, mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý độc quyền từ năm 2010 thế nhưng thương hiệu này lại đang bị nhiều cơ sở làm nhái, làm giả để trục lợi.

Việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, hợp tác xã sản xuất chân chính mà còn ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu nông sản của Việt Nam ngay tại thị trường trong nước.

Hiện, Việt Nam có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều… Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn do chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính.

Đáng chú ý, có tới 90% lượng nông sản Việt được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Và khoảng 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, không có logo, nhãn mác.

Để bảo vệ và phát triển thương hiệu nông sản Việt, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần có những giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, hoàn thiện khung chính sách liên quan đến sở hữu công nghiệp nói chung và các quy định cụ thể về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận nói riêng nhằm giúp các địa phương tổ chức hiệu quả các hoạt động xây dựng và quản lý thương hiệu nông sản.

Đồng thời, tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành nghề để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các hộ nông dân sản xuất - kinh doanh nông sản xuất khẩu nhằm xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu Việt Nam uy tín trên thị trường thế giới.

Thứ hai, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu và phân phối sản phẩm nông sản cần tham gia cùng với Chính phủ và các cơ quan quản lý kinh tế trong đẩy mạnh việc triển khai các chương trình quảng bá - marketing thương hiệu và sản phẩm của riêng mình.

Lâu nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này, do vậy nông sản xuất khẩu vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tạo nên giá trị cốt lõi của mình thông qua xây dựng thương hiệu sản phẩm dựa trên chính chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Bởi, sự chủ động nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp chính là một trong những yếu tố nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ ba, tập trung xây dựng kế hoạch, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành theo định kỳ, qua đó phát hiện những hạn chế, thiếu sót của hệ thống văn bản, từ đó đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý.

Cùng với đó nghiên cứu, tham mưu cho UBND địa phương từng bước kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, bền vững gắn với vùng quy hoạch tập trung, kết hợp xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thực phẩm nông sản đặc sản.

 
Thanh Xuân (Tổng hợp từ VTV, baodautu...)
Ý kiến bạn đọc
Top