Di tích Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đây là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị đặc biệt của di tích.
Hôm nay (24/3), trong không khí vui tươi, phấn khởi của toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (24/3/1975 – 24/3/2023), UBND tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hoá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ).
Chương trình văn nghệ chào mừng đặc sắc “Sa Huỳnh – dấu ấn thời gian” do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn.
Trao và nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Một trong 03 trung tâm văn minh ở thời đại kim khí
Di tích Văn hóa Sa Huỳnh là một trong 03 trung tâm văn minh ở thời đại kim khí Việt Nam. Quảng Ngãi là một trong những địa phương lưu giữ khá nhiều di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh, với 26 di tích được khai quật, trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu; chủ yếu phân bố ở phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. Các di tích khảo cổ này hội tụ đầy đủ tính nguyên vẹn, tính xác thực và tính nổi bật về lịch sử văn hóa; là bằng chứng cho một giai đoạn lịch sử cư trú, khai phá vùng đồng bằng ven biển của cư dân từ tiền Sa Huỳnh sang Văn hóa Sa Huỳnh, đại diện tiêu biểu nền văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam và khu vực.
Đầm An Khê và lạch An Khê – sông Cửa Lỗ thuộc xã Phổ Khánh là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, một di sản thiên nhiên, một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh, mang lại những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của cư dân bản địa, góp phần hình thành và phát triển nền Văn hóa Sa Huỳnh cổ.
Với giá trị tiêu biểu đó, năm 1997, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích cấp quốc gia cho di tích văn hóa Sa Huỳnh. Và đến ngày 29/12/2022, di tích cấp quốc gia Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Diễn văn tại buổi Lễ, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn nói: Quảng Ngãi luôn tự hào là nơi đầu tiên phát hiện ra Văn hóa Sa Huỳnh, là nơi có địa danh mà nền văn hóa mang tên, cũng là trung tâm của Văn hóa Sa Huỳnh - một trong 3 nền văn hóa cổ phát triển rực rỡ trên đất nước Việt Nam trong thế giao thoa, tương tác với Văn hóa Đông Sơn ở vùng đồng bằng Bắc bộ và Văn hóa Óc Eo ở vùng Đông Nam Bộ.
Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã dành nhiều tâm huyết, sức lực để tìm tòi, nghiên cứu và giải mã một nền văn hóa phát triển rực rỡ, đồng thời cũng hết sức kỳ bí này. Từ khi phát hiện đến nay, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, đã không ngừng nỗ lực trong phát hiện, khai quật, phục dựng, nghiên cứu về Văn hóa Sa Huỳnh và đã đạt được những bước tiến đáng kể. Chúng ta đã phát hiện được hàng trăm di tích Văn hóa Sa Huỳnh từ các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận, Đồng Nai, từ các cồn cát ven biển đến hải đảo Lý Sơn, lên vùng Trường Sơn hiểm trở, với hàng ngàn hiện vật đã được phát hiện và phục hồi.
Có thể nói, Quảng Ngãi là “cái nôi” của Văn hoá Sa Huỳnh với hàng loạt di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh đã được nghiên cứu như: Long Thạch, Bình Châu, Gò Văng, Núi Sứa, Gò Quách, Gò Quê, Tịnh Thọ, Xuân Phổ, Gò Kim, Xóm Ốc, Suối Chình… Nói đến Văn hóa Sa Huỳnh là người ta nghĩ đến những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao được dùng để lưu giữ phần xác của con người khi về thế giới bên kia, là nói đến những đồ trang sức bằng thuỷ tinh, bằng mã não rất độc đáo; những khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm, những bình gốm con tiện, bát đồng, chậu, vò…, những đồ gốm này đều được trang trí hoa văn đẹp và tinh xảo.
Nhưng không chỉ có vậy, gắn liền với Văn hóa Sa Huỳnh còn có đầm An Khê và lạch An Khê – đây là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển thuộc xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh, một di sản thiên nhiên – một đầm nước ngọt đặc biệt có giá trị và là một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh, mang lại những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của cư dân bản địa, góp phần hình thành và phát triển nền Văn hóa Sa Huỳnh cổ. Trong quá khứ và hiện tại, đầm An Khê và lạch An Khê luôn giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái hội tụ núi - rừng - đầm - dải cát ven biển và biển, vừa giúp con người đương đại hình dung sinh cảnh của con người từng tồn tại nơi đây nhiều ngàn năm trước, vừa là một bộ phận hợp thành cảnh quan thiên nhiên độc đáo của vùng đất - biển Sa Huỳnh - một địa danh nổi tiếng cả nước và quốc tế.
Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.
Di tích Văn hóa Sa Huỳnh phân bổ xung quanh đầm An Khê được trưng bày tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.
Tại buổi Lễ, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Tổng biên tập Tạp chí khảo cổ học Việt Nam đã có bài phát biểu sâu sắc, tâm huyết về di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh.
Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Đông Nam Bộ là ba trung tâm văn minh ở thời đại kim khí của Việt Nam, trong đó Văn hóa Sa Huỳnh phân bố trên dải đất miền Trung từ vùng Hà Tĩnh đến Bình Thuận- Đồng Nai; Trung tâm của văn hóa này nằm ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, phía bắc Bình Định.
Cư dân Văn hóa Sa Huỳnh làm nghề trồng trọt, đánh cá, đi biển; làm đồ trang sức, đồ gốm, kỹ thuật đúc thủy tinh, đặc biệt là tục chôn cất người qua đời trong những chum lớn thường tập trung ở các cồn cát ven biển và lan dần ra đảo gần bờ.
Những hiện vật của Văn hóa Sa Huỳnh có giá trị rất lớn và được các nhà khoa học, khảo cổ học đánh giá rất cao. Sự hiện diện của nền văn hóa cổ này tại tỉnh Quảng Ngãi thật sự là thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Với những giá trị đặc biệt đó, di tích Văn hóa Sa Huỳnh đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với vài trò và những giá trị to lớn của Văn hóa Sa Huỳnh trong lịch sử. Đồng thời, đây cũng là sự ghi nhận đối với những nỗ lực cùng những đóng góp tích cực của tỉnh Quảng Ngãi trong việc gìn giữ và phát huy giá trị đặc biệt của di sản Văn hóa Sa Huỳnh.
Lợi thế để “cất cánh” du lịch Quảng Ngãi
Trở thành di tích quốc gia đặc biệt, Văn hóa Sa Huỳnh có thêm lợi thế để phát triển , tạo đà cho di sản “cất cánh”.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết: Di tích Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị đặc biệt của di tích.
Để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những giá trị của di tích, thu hút khách tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi hãy chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Văn hóa Sa Huỳnh để di tích này mãi mãi là niềm tự hào, là tài nguyên quý báu của Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Phó chủ tịch Trần Hoàng Tuấn đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thị xã Đức Phổ sớm có những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích, kết hợp với phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mong rằng, trong thời gian tới, Hội đồng di sản quốc gia sẽ tiếp tục hướng dẫn về chuyên môn để di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh thực sự là điểm đến nghiên cứu, học tập và tham quan của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, của học sinh, sinh viên và du khách trong và ngoài nước; đồng thời tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh là Di sản Văn hóa thế giới.