Xây dựng nông thôn mới tại huyện Đô Lương (Nghệ An) đã và đang làm thay da đổi thịt từ vùng nông thôn đến thành thị, trở thành động lực thi đua sôi nổi, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, Đô thị văn minh”, hướng tới mục tiêu đạt huyện NTM vào năm 2023.
Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nông thôn
Phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những năm qua huyện Đô Lương đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Mô hình trồng chanh không hạt trên diện tích 1 ha cơ cấu trồng 1.000 cây chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xóm 7, xã Thuận Sơn, Đô Lương.
Ủy ban nhân dân huyện đã có Quyết định số 1001/QĐ-UBND ngày 18/4/2022 về ban hành Đề án quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Đô Lương giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Mô hình sản xuất Nho Hạ Đen trong nhà kính tại xã Thịnh Sơn với quy mô 4.000 m2, mô hình sản xuất rau trong nhà lưới tại Thịnh Sơn với quy mô 3.000 m2, tại Trung Sơn, 2.000 m2, tại Lạc Sơn 2.000 m2...
Một số mô hình đem lại hiệu quả vượt trội, được nhân dân đồng tình hưởng ứng đó là mô hình sản xuất lúa ST25 tại các xã: Đặng Sơn, Lạc Sơn, Văn Sơn, Nam Sơn, năng suất trung bình vụ xuân từ 52-58 tạ/ha, vụ hè thu từ 46-56 tạ/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt trên 39 triệu đồng/ha, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng cánh đồng sản xuất lớn thông qua việc tích tụ đất, xây dựng sản xuất hàng hóa chuyên canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; gắn sản xuất với triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.
Đồng thời, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, vùng sản xuất chuyên canh tập trung và cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp, thủy sản phát triển toàn diện. Trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực hàng hóa theo vùng quy hoạch theo đề án phát triển sản xuất của huyện, xã đảm bảo liên kết vùng, liên vùng gắn với việc triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển sản xuất 3 vùng tập trung theo quy hoạch gắn với các sản phẩm chủ lực của huyện (lúa, ngô rau màu, gà, lợn), gồm: Vùng sản xuất trang trại tổng hợp nông lâm gắn với chăn nuôi tập trung tại các xã vùng 2 đầu huyện; Vùng sản xuất lúa hàng hóa tại các xã vùng giữa; Vùng sản xuất màu, rau, củ, quả công nghệ cao tại các xã ven sông Lam. Những năm qua giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng nhanh về sản lượng và giá trị; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 1.886 tỷ đồng năm 2011 lên 3.413 tỷ đồng năm 2022.
Thị Trấn Đô Lương. Ảnh: Báo Nghệ An
Ông Trần Ngọc Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Đô Lương cho biết: Phát triển sản xuất là mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Bám sát mục tiêu đó, trong thời gian tới huyện tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là mở rộng hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, quyết định tính hiệu quả và bền vững của liên kết. Thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ về chế biến nông sản, thực phẩm, thu hút xây dựng khu nghỉ dưỡng, các loiaj hình du lịch cộng đồng, du lịch canh nông.
Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá.
Được đánh giá là “điểm sáng” của vùng Tây Nam Nghệ An, phát triển nhanh và đồng đều cả kinh tế và tiến bộ xã hội, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, Đô Lương đã và đang dồn toàn lực xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa. Thực hiện mục tiêu về đích huyện nông thôn mới năm 2023 và trở thành thị xã trước năm 2030.
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện hàng năm đạt trên 11%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Những con số ấn tượng 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt trên 14 nghìn tỷ đồng, tăng trên 11% so với cùng kỳ. Trong đó giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp- thủy sản đạt 1.674 tỷ đồng; Công nghiệp – xây dựng đạt trên 7.835 tỷ đồng; Dịch vụ đạt hơn 4.548 tỷ đồng; minh chứng cho nỗ lực đột phá mạnh mẽ của thị xã Đô Lương tương lai.
Để tạo đà cho Đô Lương chuyển mình mạnh mẽ và khẳng định là trung tâm của vùng Tây Nam Nghệ An, vừa qua, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030.
Với định hướng đó, vừa qua, tại kỳ họp thứ 5, HĐND huyện Đô Lương khóa XX đã thông qua Nghị quyết về các nội dung quan trọng phục vụ cho việc thực hiện đề án. Một trong những nội dung quan trọng được HĐND huyện thông qua là quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương (tỷ lệ 1/10.000).
Một góc khu đô thị mới do huyện làm chủ đầu tư
Mục tiêu của quy hoạch là: Xây dựng và phát triển đô thị Đô Lương trở thành đô thị loại IV trước năm 2025, làm tiền đề cho huyện Đô Lương trở thành thị xã, đô thị loại III trước năm 2030 đồng bộ với định hướng quy hoạch tỉnh đang triển khai lập; Xây dựng và phát triển đô thị Đô Lương theo hướng thương mại dịch vụ, mang bản sắc văn hóa đặc sắc của địa phương, hướng tới đô thị sinh thái nghỉ dưỡng của khu vực; Tăng cường quản lý, thu hút đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển bền vững, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Làm cơ sở xác định phạm vi mở rộng không gian phát triển đô thị; triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư và làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050... Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu trung tâm mới đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương với diện tích quy hoạch là 270 ha.
Trên cơ sở các quy hoạch cụ thể, huyện đang tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm quy hoạch và lộ trình, trong đó dành quỹ đất lớn, bố trí không gian phù hợp để thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới; nhằm đảm bảo chất lượng sống cho cư dân thị xã.
Đến nay, đô thị trung tâm huyện Đô Lương cơ bản đạt được 54/59 tiêu chí đô thị loại IV theo quy định tại NQ số 1210/1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đang nỗ lực để được công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2023; trở thành thị xã vào năm 2025
Để thực hiện hiệu quả đề án quan trọng này, huyện Đô Lương tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của đề án. Đồng thời, xác định rõ tư tưởng và trách nhiệm của nhân dân trong việc đồng thuận, ủng hộ cấp ủy, chính quyền trong việc giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu của đề án, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng của nhân dân Đô Lương trong việc xây dựng quê hương phát triển toàn diện.
Ông Trần Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tập trung xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2023, định hướng trở thành thị xã trước năm 2030. Trên địa bàn huyện có 32 xã và 1 thị trấn, nhưng khi trở thành thị xã sẽ tiến hành sát nhập thì còn 24 đơn vị hành chính gồm 12 phường, 12 xã, giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã. Để xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030, huyện xác định khai thác tiềm năng, thế mạnh của con người và điều kiện tự nhiên của Đô Lương; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, chú trọng chuyển đổi đổi số… nhằm quản lý, vận hành hiệu quả hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư… Bên cạnh đó, huyện sẽ tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành và sự ủng hộ, phối hợp của các đơn vị nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.