Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 8 năm 2023 | 11:39

Đồ uống vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao

Trong những ngày nắng nóng của mùa hè đang diễn ra, nếu được một cốc thạch, chè thập cẩm, chè thái hay một số loại đồ uống giải khát khác sẽ làm cho người sử dụng cảm thấy khoan khoái lạ thường.

Nhưng những loại chè, đồ uống này nguyên liệu được chế biến ra sao, hương liệu được lấy từ nguồn nào đang là một câu hỏi được đặt ra cho các cơ quan quản lý, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh không bị ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Quán chè vỉa hè luôn đắt khách

Trong những ngày hè nóng nực, không khó để tìm những quán chè bưởi, chè Sài Gòn, chè thập cẩm ban miền… ở trên các con phố của Hà Nội nói riêng và các địa phương khác nói chung. Ngay cả những con đường ven các hồ sinh thái, phố đi bộ các quán bán chè mọc lên như nấm, hàng nọ cách hàng khia không xa lắm, thậm chí ngay sát cạnh nhau. Đặc biệt, xung quanh các trường học không thể không có những quán chè như thế này, thực khách chủ yếu là các em học sinh, sinh viên.

Nguy cơ ngộ độc rất cao từ những quán chè vỉa hè do nguyên liệu chế biến không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chè được đựng trong những chiếc bát thủy tinh trong suốt và được bày trong những chiếc tủ kính, hay được đặt trong những thùng xốp đặt ven đường để thuận tiện cho thực khách, chỉ cần ghé qua không cần xuống xe, tắt máy là có thể mua ngay được một cốc chè theo sở thích để thưởng thức.

Giá bán các loại chè này chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng. Ngoài các nguyên liệu quen thuộc để nấu chè như đỗ đen, đỗ xanh, lá thạch đen..., các quán chè vỉa hè sử dụng thêm nhiều thành phần khác để loại thức uống này thêm hấp dẫn, như chuối khô, dừa khô, nước cốt dừa, thạch rau câu, tinh dầu vani, tinh dầu chuối... Với các loại nguyên liệu này, chủ quán có thể dễ dàng mua tại các chợ đầu mối với mức giá siêu rẻ. Chẳng hạn, chuối khô thường có giá 70.000 đồng/kg, thạch rau câu loại đóng hộp 1kg chỉ khoảng 50.000 đồng, dừa khô khoảng 10.000 đồng/túi 5 lạng; tinh dầu vani, dầu chuối, tinh dầu nhài khoảng 3.000 đồng/lọ... Chưa kể đến các loại phẩm màu, hương liệu khác được cho vào để cốc chè thêm “bắt mắt”.

Được thưởng thức cốc chè trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ lên cao vào đúng thời điểm mà cơ thể đang có dấu hiệu mất nước thì thật sự là sảng khoái. Tuy nhiên người tiêu dùng đều không thể biết được những nguyên liệu để chế biến ra các loại chè này ở đâu. Chưa kể, các thực khách thưởng thức những cốc chè ngon, mát ngay tại vỉa hè đồng nghĩa với việc “hưởng” luôn khói bụi, nhất là vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện lưu thông trên đường. Nhiều thùng xốp bán chè không được che đậy và nằm ngay trên hệ thống cống rãnh thoát nước. Các cốc chè ăn dở bị vứt ở gần đó, ruồi nhặng bâu đầy. Đã có nhiều vụ ngộ độc do ăn chè này xảy ra, thậm chí đã có cả những vụ ngộc độc do ăn chè miễn phí xảy ra đối với nhiều người.

Bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc từ ăn chè miễn phí tại An Giang

Sự việc xảy ra khi gia đình bà N.T.A.T. (44 tuổi; ngụ xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang) nấu và cung cấp miễn phí chè đậu trắng cho những người sống lân cận nhân dịp rằm tháng Giêng 2023.

Theo đó, chiều 3/2, bà T. đã dùng 20 kg đậu trắng, 8 kg nếp, 10 kg nước cốt dừa, 24 kg đường cát và 10.000 đồng nước tro tàu để chế biến chè đậu trắng. Do nguyên liệu quá nhiều, bà T. phải chia làm 6 mẻ nấu, sau đó trộn chung lại với nhau và được đựng trong 2 thau. Đến sáng 4-2, bà T. không hâm nóng chè và phát miễn phí cho người dân.

Đến 23 giờ cùng ngày, nhiều người có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt... được người thân chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới cấp cứu. Trong đó, 34 người được điều trị tại tuyến huyện, còn 4 người bị nặng phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Trong vụ ngộ độc do ăn chè miễn phí này rất tiếc đã có 01 ca tử vong.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Với việc sử dụng các loại nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, sử dụng phụ gia, phẩm màu không rõ nguồn gốc, những quán chè được bày bán trong mùa nắng nóng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Bởi đa phần đây là những quán chè được bán “di động” trên đường phố, không có đủ các thiết bị bảo quản như tủ quầy kính chống côn trùng, tủ lạnh...

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định: Khả năng ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn đường phố tăng cao trong mùa nắng nóng. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất là khâu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến người dân bị ngộ độc thực phẩm khi ăn thức ăn đường phố vào mùa hè. Việc bày bán ngoài trời mà không che đậy hoặc che đậy không kỹ, không được bảo quản lạnh... đều khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố.

Thứ hai, nhiệt độ vào mùa hè rất lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh. Chuyên gia nhận định, vi khuẩn phát triển trong nhiệt độ 37 - 40oC cao gấp 3 lần so với thời tiết bình thường. Thế nên, ngay cả khi được chế biến đúng cách, đảm bảo an toàn thực phẩm thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra.

Khi ở trong môi trường nắng nóng, vi khuẩn sinh sôi nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, chẳng hạn như vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy, vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn, vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột, vi khuẩn Staphylococcus Aureus gây mủ ở vết thương, vi khuẩn Vibrio Cholerae gây bệnh tả... Khi bị nhiễm khuẩn ở mức độ cao, dù có nấu chín, đun sôi cẩn thận cỡ nào thì độc tố vẫn còn và người dùng không tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Thứ ba, mùa hè là thời điểm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải, sự phát triển mạnh của ruồi, nhặng, gián, muỗi... Các món ăn, đồ uống được bày bán trong môi trường đó không tránh khỏi bị hỏng, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Các chuyên gia y tế đều đưa lời khuyên, người dân không nên mua những loại thực phẩm như mực khô, bò khô, chè, hoa quả dầm... bày bán ở những nơi bụi bặm mà không có nắp đậy cẩn thận. Nên chọn mua thức ăn ở những địa chỉ quen thuộc, tin cậy... Đối với các quán ăn trên đường phố, chúng ta nên chọn mua thức ăn tại quán có dụng cụ bảo quản như tủ kính, các loại thực phẩm được bảo quản trong cốc, hộp sạch sẽ...

Không nên dễ dãi khi giải khát mùa hè

Sử dụng đồ ăn thức uống bán trên hè phố là thói quen của nhiều người. Hành động tưởng chừng vô hại này có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người dân.

Không chỉ ở Hà Nội mà ngay ở những vùng quê, có lẽ không đồ uống nào phổ thông như trà đá, nhân trần và cũng không có loại đồ uống nào lại rẻ hơn loại hình giải khát này. Ngồi quán trà đá đã thành thói quen của người dân Việt.

Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu, trong một cốc 100ml trà đá có chứa khoảng 50-100mg chất oxalate và còn có axit tannic - một chất gây khó tiêu và ngăn cản sự tổng hợp sắt. Nếu bạn đã ăn những thực phẩm có nồng độ oxalate cao thì không nên uống các sản phẩm liên quan đến trà sau đó.

Việc sử dụng trà đá lúc đang đói cồn cào dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh dạ dày. Những người bị đau dạ dày nếu vẫn duy trì thói quen uống trà đá sẽ làm cho cơn đau dạ dày tăng lên, thậm chí có thể làm cho bệnh viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, chất caffein có trong trà sẽ làm suy giảm sự tiết dịch tiêu hóa ở dạ dày, làm chậm lại hoạt động của nhu động ruột. Hậu quả dễ gây táo bón, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trà đá vỉa hè cũng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh rất lớn. Thực tế, nhiều chủ quá sử dụng nguồn đá bẩn để cho vào cốc trà. Đặc biệt, những ngày nắng nóng, đồ uống vỉa hè “lên ngôi” bởi sự tiện lợi và giá cả phải chăng. Những cốc trà quất, nước mía được người bán hàng tùy tiện cho vào túi nilon, cốc nhựa dùng một lần. Nước sinh tố dứa, ổi, dưa hấu được ép nhanh ngay bên lề đường, cổng chợ, được bày bán ngay trên mặt đất, thậm chí gần với cống rãnh... Điều này khiến đồ ăn thức uống dễ bị ô nhiễm, là mối nguy lớn cho sức khỏe người sử dụng.

Theo chuyên gia hóa - thực phẩm, một số dụng cụ của các quán vỉa hè không phải là loại được khuyến khích dùng để chứa đựng thực phẩm, bởi nguy cơ người dùng nhiễm kim loại nặng rất cao. Thêm vào đó, kim loại nặng có thể nằm trong nguồn nước mà nếu không qua chế độ lọc rửa thì không loại bỏ được. Nước uống đường phố nhiễm chì, thủy ngân và cadimi quá mức sẽ gây nhiều bệnh nguy hiểm. Chưa kể, để có những loại nước uống bắt mắt, người ta dùng những loại hóa chất tạo mùi thơm, màu đẹp mắt và vị ngon, phần lớn trong số đó là hóa chất công nghiệp độc hại...

Để lựa chọn đồ ăn thức uống đường phố an toàn, theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, người tiêu dùng nên mua và sử dụng đồ ăn thức uống tại các địa điểm bày bán sạch sẽ, cách xa nơi có rác thải, bùn lầy, cống rãnh; có bàn, giá tủ được đặt cách mặt đất ít nhất 60cm để giảm bớt nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây hại, tránh bụi bẩn từ mặt đất bám vào thực phẩm. Nên chọn những nơi bán mà người chế biến, phục vụ mặc trang phục (quần áo, tạp dề...) sạch sẽ, không nhàu nát, đeo khẩu trang, bao tay khi chế biến, phục vụ.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top