Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 12 năm 2022 | 16:51

Đông Anh nâng cấp sản phẩm OCOP và kết nối cung cầu

Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động chào mừng Lễ đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất, UBND huyện Đông Anh tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn và "Ngày hội sản phẩm OCOP và sản phẩm truyền thống huyện Đông Anh năm 2022" để đánh giá, phân hạng, nâng cấp các sản phẩm OCOP 2022.

172 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp sản phẩm OCOP

Tại "Ngày hội sản phẩm OCOP và sản phẩm truyền thống huyện Đông Anh năm 2022", huyện Đông Anh đã trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương, đây là những sản phẩm tiềm năng OCOP mang nét đặc trưng gắn với văn hóa, lịch sử của huyện nhằm tôn vinh các chủ thể có sản phẩm OCOP. Thông qua sự kiện này, huyện Đông Anh giới thiệu các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng; đồng thời tạo cơ hội kết nối giao thương các sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối, chuỗi bán lẻ, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP của huyện.

Nhiều sản phẩm được công nhận OCOP - Ảnh TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu như đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Đông Anh đã có 172 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp sản phẩm OCOP, tập trung vào 3 nhóm ngành hàng: thực phẩm, đồ uống và thủ công mỹ nghệ. Chương trình OCOP của huyện Đông Anh thu hút sự tham gia của 42 chủ thể, trong đó có 17 hợp tác xã, 14 hộ kinh doanh và 11 doanh nghiệp.

Trong tổng số 172 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP huyện Đông Anh, có 122 sản phẩm thuộc nhóm rau củ quả thực phẩm bao gồm 70 sản phẩm rau củ quả và thực phẩm tươi sống, 52 sản phẩm chế biến; 03 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm đồ uống; 47 sản phẩm thuộc nhóm đồ thủ công mỹ nghệ.

Đặc biệt, Đông Anh có 01 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, 59 sản phẩm được công nhận 4 sao, 113 sản phẩm được công nhận 3 sao.

Xã Đại Mạch với sản phẩm ống hút rau củ của Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng. Sản phẩm được đánh giá xếp hạng tiềm năng 5 sao với tính sáng tạo, độc đáo, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, có quy mô sản xuất lớn và được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

xã Cổ Loa có chủ thể là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Cổ Loa với 03 sản phẩm rau củ quả là hành lá, bí đỏ và lạc nhân được xếp hạng 3 sao tại Hội đồng OCOP Hà Nội năm 2020 và năm 2021.

Xã Dục Tú với sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng của chủ thể Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Dục Tú; xã Tàm Xá với 10 sản phẩm OCOP của chủ thể  Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Tàm Xá; trong đó, có 5 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao; xã Nguyên Khê với 12 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao, trong đó chủ thể Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực phẩm Ngân Giang có 7 sản phẩm; chủ thể Hợp tác xã Sơn Du với  4 sản phẩm và Chủ thể Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạt giống và nông sản năm sao có 1 sản phẩm; thị trấn Đông Anh với 16 sản phẩm thực phẩm chế biến, trong đó Cơ sở chế biến thực phẩm Mạnh Cường với 9 sản phẩm OCOP 4 sao; chủ thể cơ sở chế biến thực phẩm Nghị Được với 7 sản phẩm OCOP 3 sao; xã Tiên Dương với 11 sản phẩm OCOP; trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Dương có 1 sản phẩm xếp hạng  OCOP 3 sao và 3 sản phẩm OCOP 4 sao; chủ thể hộ kinh doanh Tuấn Khanh với 2 sản phẩm  được xếp hạng OCOP 4 sao; chủ thể Hợp tác xã rau sạch Đông Anh có 5 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao; xã Vân Hà với 42 sản phẩm thủ công mỹ nghệ  được xếp hạng công nhận sản phẩm OCOP…

Mở rộng kết nối cung cầu nông sản trên địa bàn huyện Đông Anh

Tại Hội nghị Kết nối cung cầu đã có hơn 60 sản phẩm nông nghiệp rau, củ quả được mang đến trưng bày, giới thiệu. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, với 180 sản phẩm OCOP (trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 58 sản phẩm 4 sao và 113 sản phẩm 3 sao) được mang đến tại Hội nghị lần này, những giá trị kết nối, hợp đồng hợp tác, liên kết, đầu tư sẽ được thiết lập và triển khai thành công, tạo đà phát triển cho những năm kế tiếp; góp phẩn triển khai thành công các chương trình, mục tiêu kinh tế, phát triển của UBND huyện Đông Anh về triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện.

Hội nghị kết nối cung cầu nông sản Đông Anh

PGS.TSKH Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ, để sản phẩm của người dân Đông Anh đến trực tiếp với người tiêu dùng, chắc chắn luôn cần sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo huyện bằng việc kết nối với các doanh nghiệp siêu thị, hỗ trợ thuế, mặt bằng trong nông nghiệp,… và kéo dài hơn thời gian lãi suất và thủ tục nhanh chóng cho người dân khi vay vốn tín dụng.

Bà Bùi Thị An cũng nêu ý kiến, để đưa nền nông nghiệp của nước ta phát triển hơn và bền vững, cần tăng cường chuỗi liên kết giữa “Nhà khoa học - nhà sản xuất - nhà nước - nhà tiêu thụ - nhà báo”, đặc biệt với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí vào cuộc trong công tác quảng bá, truyền thông các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tới các thị trường, giúp người sản xuất bán được sản phẩm và người tiêu dùng có nơi mua sắm hợp lý.

Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam Từ Tuyết Nhung đã nêu ra một số vấn đề trong “Nhu cầu sản xuất an toàn và tính bền vững của kinh tế tuần hoàn, tiềm năng phát triển của Đông Anh”. Sản phẩm hữu cơ đang được nhà nước thúc đẩy hỗ trợ và đi song song với nó là phát triển kinh tế tuần hoàn, thay vì việc tự phát của nông dân xưa nay trong việc chăm bón cây trồng, rau củ quả thì với những chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay đã tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn bền vững, sử dụng tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả hơn, động lực cho người nông dân tạo ra các sản phẩm sạch, giảm thiểu chi phí, tránh lãng phí các nguồn tài nguyên khó tái tạo lại.

Từ năm 2017, Hà Nội đã bắt đầu thí điểm áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây kinh doanh trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội. Từ thành công ban đầu này, năm 2018, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về việc áp dụng sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” tên thương mại là CheckVN để triển khai xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc thành phố Hà Nội. Năm 2018, huyện Đông Anh đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội bàn giao tài khoản quản trị hệ thống truy xuất nguồn gốc huyện Đông Anh: da.check.net.vn để vận hành và quản lý an toàn thực phẩm, quản lý doanh nghiệp sản xuất nông sản thực phẩm trên địa bàn huyện Đông Anh.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Với 180 sản phẩm OCOP (trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 58 sản phẩm 4 sao và 113 sản phẩm 3 sao) được mang đến tại Hội nghị lần này, những giá trị kết nối, hợp đồng hợp tác, liên kết, đầu tư sẽ được thiết lập và triển khai thành công, tạo đà phát triển cho những năm kế tiếp; góp phẩn triển khai thành công các chương trình, mục tiêu kinh tế, phát triển của UBND huyện Đông Anh về triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện.

Lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, năm 2023, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/HU và Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, huyện chỉ đạo các phòng chức năng hướng dẫn, kiểm tra các xã, thị trấn trong thực hiện Bộ tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã thành phường, huyện thành quận theo Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận; tập trung chỉ đạo 6-8 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao (Vân Hà, Mai Lâm, Tiên Dương, Võng La, Nguyên Khê, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Kim Nỗ) và 4 xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu (Tàm Xá, Bắc Hồng, Kim Chung, Cổ Loa); tiếp tục hướng dẫn 3 xã làm điểm thực hiện Bộ tiêu chí hợp nhất năm 2023.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top