Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 1 năm 2024 | 9:58

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chuyển nhượng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Trong đó, về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45) cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt khi nhận chuyển nhượng.

Điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45), Dự thảo Luật quy định theo hướng trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế thì cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 176 (không quá 3ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác).

Cá nhân không trực tiếp sản xuất phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất và được phê duyệt khi nhận chuyển nhượng. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm quản lý nghiêm ngặt khu vực đất trồng lúa; thực hiện điều tra, đánh giá chất lượng đất trồng lúa, phòng ngừa việc hủy hoại đất trồng lúa; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất khác; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bảo đảm tầm nhìn dài hạn; đồng thời, đặt ra yêu cầu có dữ liệu thông tin để kiểm soát việc nhận chuyển nhượng trong hạn mức.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XV Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại khoản 7, Điều 45 của dự thảo luật về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, nhiều ý kiến đề nghị đối với đất trồng lúa thì cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.

Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP.

Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định.

Đại biểu Bế Minh Đức Đoàn (Cao Bằng) đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 3 vì từ thực tế ở địa phương cho thấy đa số các đối tượng công chức, viên chức, lao động hợp đồng hay công nhân ngoài giờ làm việc hưởng lương vẫn sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, trồng màu, tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống do nguồn thu nhập từ tiền công, tiền lương chưa đảm bảo được cuộc sống.

Đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, việc chọn phương án 1 có thể xuất hiện trường hợp nhờ đứng tên hộ khi nhận chuyển nhượng, tặng, cho dẫn đến nguy cơ tranh chấp các hợp đồng được lập tại các cơ quan có thẩm quyền là hợp đồng nhằm che giấu nội dung khác.

“Vì vậy, để Luật Đất đai đi vào cuộc sống và có tính khả thi, đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 3", ông Đức kiến nghị.

Cùng ủng hộ phương án 3, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm hạn mức sử dụng đất trồng lúa. “Tôi đề xuất cân nhắc hạn mức đất trồng lúa dưới 1ha không phải thành lập tổ chức kinh tế,” ông Mạc nói.

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Theo đại biểu Đồng, việc không giới hạn về điều kiện sẽ rất khó quản lý, dễ phát sinh những vấn đề không mong muốn.

Tuy nhiên, một số đại biểu ủng hộ phương án 2, không giới hạn và không yêu cầu điều kiện với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng, phương án này sẽ bảo đảm thực hiện đúng chủ trương tại Nghị quyết 18 của Trung ương đã nêu rất rõ là mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng địa phương với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn.

Luật Đất đai sửa đổi là dự án luật không chỉ được các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp quan tâm, mà đông đảo các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng mong đợi, kỳ vọng Luật khi ban hành sẽ trở thành đạo luật chất lượng, có bước đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn liên quan đến cơ chế dịch chuyển đất đai và tạo sự lan tỏa, động lực cho kinh tế Đất nước phát triển.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top