Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 11 năm 2023 | 10:56

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Còn ý kiến khác nhau về việc chuyển nhượng đất trồng lúa

Xung quanh quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa được quy định tại khoản 7, Điều 45 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cũng như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có ý kiến khác nhau, đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để quyết định phương án phù hợp.

Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (ngày 3/11), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại khoản 7, Điều 45 của dự thảo luật về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, nhiều ý kiến đề nghị đối với đất trồng lúa thì cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo UBND cấp tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.

Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP.

Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định.

Khuyến khích tích tụ đất đai để phục vụ sản xuất đất nông nghiệp, hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng thúc đẩy, khuyến khích việc mở rộng góp vốn cho thuê và cho thuê lại quyền sử dụng (Ảnh minh họa)

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 3, vì từ thực tế ở địa phương thấy, đa số các đối tượng công chức, viên chức, lao động hợp đồng hay công nhân ngoài giờ làm việc hưởng lương vẫn sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, trồng màu, tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống do nguồn thu nhập từ tiền công, tiền lương chưa đảm bảo được cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhiều người sinh ra, lớn lên tại vùng nông thôn, chủ yếu làm nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa, gia đình có truyền thống trồng lúa để phục vụ nhu cầu cung cấp lương thực. Nhu cầu chuyển nhượng, nhận, tặng cho đất trồng lúa với các nhóm đối tượng này hoàn toàn thiết thực, chính đáng, phù hợp với tập quán canh tác, sản xuất cũng như nguyện vọng của các bên chuyển quyền, nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, việc chọn phương án 1 có thể xuất hiện trường hợp nhờ đứng tên hộ khi nhận chuyển nhượng, tặng, cho, dẫn đến nguy cơ tranh chấp các hợp đồng được lập tại các cơ quan có thẩm quyền là hợp đồng nhằm che giấu nội dung khác. “Vì vậy, để Luật Đất đai đi vào cuộc sống và có tính khả thi, đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 3”, ông Đức kiến nghị.

Cùng ủng hộ phương án 3, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) và đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, việc không giới hạn về điều kiện sẽ rất khó quản lý, dễ phát sinh những vấn đề không mong muốn.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Tám, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Sông Hồng (Đông Anh – Hà Nội), cho biết: Nhiều năm qua, HTX hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyên sản xuất và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Một trong những khó khăn nhất của HTX là thiếu đất để mở rộng sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, quỹ đất ở địa phương không còn, trong khi nhiều diện tích ruộng của bà con nông dân không sản xuất bỏ không rất lãng phí.

Theo khoản 2, Điều 191, Luật Đất đai năm 2013, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân khó mở rộng được kinh doanh vì không có đất.

 “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Tôi mong muốn Quốc hội xem xét và lựa chọn phương án 3”, ông Tám nói.

Không nên giới hạn về điều kiện?

Ngoài những đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 3, tại khoản 7, Điều 45 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), còn một số đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét chọn phương án 2. Bởi các đại biểu cho rằng, không nên giới hạn và không yêu cầu điều kiện với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng, phương án này sẽ bảo đảm thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng là mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng địa phương với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn.

Cùng quan điểm này, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) bày tỏ không đồng ý với phương án 1 và phương án 3 trong Điều 45 của dự thảo Luật. Theo đại biểu Sỹ, các phương án này không đảm bảo quyền bình đẳng của công dân trong tiếp cận nguồn đất đai, điều này được quy định trong Điều 23 của dự thảo luật.

Mặt khác, trên thực tế, nhiều trường hợp không phải sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn có nhu cầu sử dụng đất trồng lúa. Ví dụ, mua đất nông nghiệp, đất trồng lúa sản xuất lúa, cây ăn quả để cho tiêu dùng của gia đình.

“Vấn đề này, không nên giới hạn quyền. Tôi thống nhất không nên hạn chế quyền này vì chủ yếu việc này nhằm quản lý mục đích sử dụng chứ không hạn chế quyền của công dân trong tiếp cận nguồn lực đất đai”, đại biểu Sỹ nêu ý kiến.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, vấn đề này cũng cần nghiên cứu thêm. “Mở và không giới hạn thì chúng ta sẽ quản lý đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực như thế nào?”, ông Thanh nói.

Tích tụ, tập trung đất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng. Luật đất đai 2103 và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều quy định liên quan để điều chỉnh vấn đề tích tụ và tập trung đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn nhiều vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Do đó, Quốc hội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để quyết định phương án phù hợp đối với việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top