Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 2 năm 2024 | 10:52

Đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống

Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, có hiệu lực từ 1/1/2025, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất.

Chính phủ và các bộ liên quan sẽ ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, để nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống.

5 nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, nhóm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số…

Thứ hai, việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp như quy định thu hồi đất phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều này được thiết kế mới, thể chế hóa đầy đủ Điều 54, Hiến pháp năm 2023, tức là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thực sự cần thiết...; mở rộng các quy định liên quan đến cơ chế thỏa thuận về đất, chuyển mục đích sử dụng đất của những người đang có đất; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Một góc vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: THTH

Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng đất như đất sử dụng kết hợp đa mục đích; thu hẹp lại trường hợp phải xin phép khi chuyển mục đích sử dụng đất…

Thứ tư, về tài chính đất đai như: tách bạch vấn đề về định giá đất với chính sách hỗ trợ miễn giảm về đất; một số chính sách để ổn định tiền thuê đất như hoạt động đầu vào hoạt động sản xuất kinh doanh…

Thứ năm, nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý nhà nước. Nhiều quy định cải cách, cắt giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Sẽ ban hành 15 Nghị định, Thông tư thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Chính phủ và các bộ liên quan sẽ ban hành 15 Nghị định, Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, rà soát kỹ lưỡng những điểm, những điều trong Luật giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết, dự kiến có 9 Nghị định.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 Nghị định; Bộ Tài chính  tham mưu ban hành 2 Nghị định; Bộ Nông nghiệp và PTNT 1 Nghị định.

Dự kiến sẽ ban hành 6 Thông tư, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 4 Thông tư, Bộ Tài chính 1 Thông tư và Bộ Nội vụ 1 Thông tư. Có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu.

Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh phải quy định chi tiết, còn 1 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh ban hành. Trong kế hoạch đã nói rất rõ, phân biệt rất rõ và có quy định thời gian để chuẩn bị.

Cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thì việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), bao gồm cả những luật có liên quan đến đất đai mà trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai chưa sửa đổi trực tiếp, sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ.

Với các nghị định liên quan đến công tác quản lý đất đai, các bộ, ngành có liên quan cũng tiếp tục rà soát. Các địa phương cũng tiếp tục rà soát các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, để sửa đổi, bổ sung, ban hành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đảm bảo thống nhất, đồng bộ

Ông Ngân cũng cho biết, để phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành của Trung ương và các cơ quan thông tấn, truyền thông để phổ biến đến các đối tượng thực sự chịu tác động của Luật.

Làm sao để các điểm mới của Luật Đất đai, nội dung của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành được các đối tượng chịu tác động của Luật và toàn thể Nhân dân đều biết và quá trình quản lý, tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp được thuận lợi nhất, đảm bảo tính khả thi.

Về kế hoạch triển khai các giải pháp, nguồn lực để thực hiện Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất với Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như: Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, điều tra đánh giá cơ bản về đất đai, duy trì hệ thống thông tin đất đai.

Các địa phương cũng tập trung nguồn lực, trước hết là cho các quỹ phát triển đất, đảm bảo tạo ra quỹ đất để thực hiện tổ chức đánh giá việc sử dụng đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư...

Đồng thời, các địa phương tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Đảm bảo cho Luật Đất đai với các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các chính sách mới được triển khai thực hiện một cách đồng bộ sau khi Luật có hiệu lực.

Về sửa đổi Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ rất sớm. Tuy nhiên, đây là Nghị định rất quan trọng, có tác động ảnh hưởng rất lớn đến tài chính về đất đai và giá đất.

Do đó, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các địa phương đã có nhiều hội thảo lấy ý kiến để chọn ra phương án tốt nhất, phương án tối ưu nhằm đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của Nghị định, đồng thời phù hợp với tinh thần của Luật Đất đai năm 2024.

Tại cuộc họp ngày 18/1/2024 với lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan về kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đất đai, quản lý đất đai là lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh - quốc phòng và là mối quan tâm của từng người dân... Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua, vấn đề tiếp theo là làm sao để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách trong Luật vào cuộc sống, đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng, đẩy mạnh thương mại hóa đất đai, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top