Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 9 năm 2022 | 15:31

Giải pháp nào giải quyết vấn nạn vi phạm trong khai thác cát?

Ngày càng có nhiều “tàu ma” khai thác cát trái phép ở khắp các tỉnh, thành gây không ít huệ luỵ cho sản xuất của ngành nông nghiệp. Vậy, đâu là giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng này, các bộ ngành cần chủ động vào cuộc, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao mực nước sông phục vụ đời sống, sản xuất.

Thực trạng của hoạt khai thác cát hiện nay

Thông tin từ ngành chức năng  Bà Rịa - Vũng Tàu, mới đây, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ một số xe ben liên tục vào khu đất khu vực này để chở cát. Cụ thể, người dân cho biết, một tháng trở lại đây thường xuyên có xe ben vào lấy cát. Một số xe ben lấy cát xong rồi chạy về tập kết tại khu Chí Linh (phường 10, TP Vũng Tàu).

Ông Vũ Hồng Thuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho biết, khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng lập tức đến tận nơi kiểm tra. Qua đó xác minh đây là vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn. Phía trong khu đất là lổm nhổm các hố sâu bị khai thác cát trước đó, có chỗ sâu gần 5m.

Tại hiện trường phát hiện có một xe cuốc đang múc cát đưa lên xe ben mang biển số 72C-173.84. Khi thấy cơ quan chức năng, tài xế của hai phương tiện này tìm cách rời khỏi hiện trường.

Ông Vũ Hồng Thuấn đã chỉ đạo Công an TP. Vũng Tàu, Phòng Tài Nguyên và Môi trường bắt quả tang, yêu cầu các phương tiện dừng hoạt động; đồng thời lập biên bản tạm giữ 2 phương tiện này để điều tra, xử lý theo quy định.

Trước đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường H.Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phối hợp cùng công an huyện điều tra vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Láng Dài (H.Đất Đỏ).

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý điểm khai thác cát trái phép. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Tương tự, các hộ dân tại thôn 2 và thôn 3, xã Gia An (Tánh Linh) huyện Đức Linh,  tỉnh Bình Thuận đã gởi đơn phản ánh tới cơ quan chức năng việc thời gian từ tháng 4-2022 đến nay, DNTN Xuân Trường lén lút khai thác khoáng sản trên sông La Ngà dù giấy phép đã hết hạn.

Sau đó, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn hỏa tốc giao Sở TNMT yêu cầu DNTN Xuân Trường dừng mọi hoạt động khai thác khoáng sản khi giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn.

Yêu cầu doanh nghiệp này chấp hành việc dừng khai thác, không lợi dụng việc đang tập kết cát khối lượng 5.800 m3 tại hai bãi tập kết để khai thác khoáng sản trái phép. Mọi trường hợp vi phạm, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật, xử lý theo quy định. Đưa tàu của doanh nghiệp hiện đang neo đậu ra khỏi khu vực sông La Ngà.

UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Tánh Linh tiếp tục chỉ đạo Phòng TNMT, Công an huyện, UBND xã Gia An giám sát chặt chẽ để ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng trên sông La Ngà của doanh nghiệp này.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra hai bãi tập kết cát thông qua hiện trạng thực tế và camera giám sát, nếu phát hiện vi phạm xử lý nghiêm theo quy định.

 

Một phương tiện khai thác cát trái phép trên hồ Biển Lạc.

Một phương tiện khai thác cát trái phép trên hồ Biển Lạc.

 

Theo ông Gíap Hà Bắc; ngoài xử lý DNTN Xuân Trường, UBND huyện Tánh Linh và Đức Linh đã phối hợp kiểm tra tại khu vực hồ Biển Lạc phát hiện có 21 ghe, tàu hút cát và trên sông La Ngà có 11 ghe, tàu hút cát đang neo đậu.

Trong đó có 17 tàu, ghe của công dân xã Gia An, huyện Tánh Linh; 4 tàu, ghe của công dân xã Vũ Hoà, huyện Đức Linh.

Trên sông La Ngà có ba tàu của DNTN Xuân Trường; một tàu của cơ sở Phan Minh Châu, giấy phép khai thác đều đã hết hạn và năm “tàu ma”, chưa xác định chủ đậu dọc hai bên bờ sông.

Toàn bộ số tàu nói trên được đóng với mục đích bơm hút, vận chuyển cát, thường được thiết kế gồm gồm máy chạy tàu, buồng lái, khoang chứa cát có dung tích chứa cát từ 15m3 đến 30m3 ở giữa thân tàu; hệ thống máy bơm, đầu bơm, ống dây hút cát.

Trọng lượng mỗi tàu từ 18 tấn đến 35 tấn; không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…

Hiện hai huyện Tánh Linh, Đức Linh đã tiến hành trục vớt, cẩu các tàu, ghe lên bờ, chuyển về nơi tập kết để xử lý. Toàn bộ kinh phí thực hiện do chủ phương tiện chịu trách nhiệm chi trả.

Sau khi đưa về điểm tập kết, UBND xã Gia An (Tánh Linh) và Vũ Hoà (Đức Linh) phối hợp với các lực lượng chức năng quản lý, canh giữ; đồng thời ban hành thông báo nhận phương tiện. Trong thời gian 30 ngày nếu không có chủ phương tiện đến nhận thì tiến hành lập hồ sơ đấu giá tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Trường hợp chủ phương tiện nhận về thì phải đưa phương tiện vận chuyển tàu, ghe ra khỏi địa bàn hai huyện trước sự giám sát của lực lượng chức năng.

Theo ông Gíap Hà Bắc, UBND huyện Tánh Linh đã có công văn kiến nghị Sở TN&MT Bình Thuận không gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cho DNTN Xuân Trường và cơ sở Phan Minh Châu; yêu cầu hai doanh nghiệp này đóng cửa mỏ theo qui định.

Cần xử lý trách nhiệm của địa phương

Tại Quảng Ngãi, người dân phản ánh tình trạng cát lại lộng hành, khai thác xuyên đêm chở ra Quảng Nam" nhiều tàu khai thác cát trái phép trên sông Trà Khúc đoạn qua P.Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi). Đây từng là “điểm nóng” nạn khai thác cát trái phép diễn ra dai dẳng thời gian qua.

Cứ thế, đoàn xe biển số 76, 92 nối nhau ra vào, chẳng khác gì một điểm mỏ, chở về các điểm tập kết, đại lý vật liệu trong khu vực TP. Quảng Ngãi, Sơn Tịnh... Đáng nói, nhiều xe chở cát từ TP Quảng Ngãi về tận khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp, xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), để vào nhà máy Bê tông Comin An An Hòa (Công ty CP Comin An An Hòa).

Liên quan nạn khai thác cát trái phép Quảng Ngãi nói trung và các tỉnh lân cận nói riêng, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Công Tín - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho rằng, theo thông tin trên báo chí, vấn nạn cát tặc ở Quảng Ngãi tồn tại dai dẳng thời gian qua nhưng không được xử lý triệt để, cần truy trách nhiệm địa phương, phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, vận chuyển và tiêu thụ.

Theo Luật sư Tín, Điều 18 Luật Khoáng sản hiện hành quy định rõ UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép.

 

Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng

Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng

 

"Để xảy ra tình trạng khai thác cát “lậu” tại Sông Trà Khúc, trước hết chính quyền địa phương tại Quảng Ngãi từ cấp xã, ở đây trực tiếp là UBND P. Lê Hồng Phong, TP. Quảng Ngãi đến cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản tại địa phương.

Mức độ xử lý cần tương xứng với hành vi, hậu quả, thiệt hại xảy ra. Nhẹ thì có thể bị xử lý kỷ luật, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định tại Điều 179 Bộ Luật Hình sự hoặc các tội phạm khác có tính chất buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng", luật sư Tín nhận định.

Hành vi khai thác cát lậu có thể bị phạt đến 7 năm tù

Về hành vi khai thác không phép, luật sư Nguyễn Công Tín cho biết: Hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông; cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, tuỳ vào khối lượng khoáng sản bị khai thác trái phép.

Cùng với đó là hình thức xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản trong trường hợp chưa bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; tịch thu phương tiện sử dụng (kể cả phương tiện khai thác trực tiếp và phương tiện tham gia gián tiếp) để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình hạ tầng kỹ thuật khác, công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh trong trường hợp có hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật là khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính trong trường hợp đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.

Mức phạt nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo Luật sư Tín, hành vi vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP: “Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp”. Mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là Tịch thu tang vật vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, về chế tài hình sự, người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 100 triệu đồng trở lên; Khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên… Hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền đến đến 7 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, ngoài ra còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm theo quy định tại Khoản 4 Điều 227 Bộ Luật Hình sự.

Tiêu thụ khoáng sản lậu có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

Luật sư Tín phân tích, qua thông tin báo chí nếu nhà máy Bê tông Comin An An Hoà (tỉnh Quảng Nam) tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là Tịch thu tang vật vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp khai khống hoá đơn đầu vào; Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp hạch toán hàng hóa để trốn thuế đến 100 triệu đồng (hoặc thuộc các trường hợp đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự), còn có thể bị xử lý về tội Trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ Luật Hình sự.

"Việc xử lý như thế nào theo quy định pháp luật rất cần kết quả kiểm tra, kết luận cơ quan chức năng. Do đó, các đơn vị hành chính vào cuộc nghiêm minh, quyết liệt sẽ là tiền đề để dẹp nạn cát tặc, nghiêm trị sai phạm, chống lợi ích nhóm...", Luật sư Tín nói.

Tạo cơ chế thúc đẩy sản xuất “cát nhân tạo”

Tuy nhiên, đó chỉ là phương án “xử lý tình huống” trong ngắn hạn. Về lâu dài, cần có những giải pháp triệt để nhằm hạn chế tối đa thất thoát bùn cát trên sông.

Cát tự nhiên hiện vẫn là loại vật liệu chưa thể thay thế trong xây dựng. Tuy nhiên, theo TS Trần Bá Việt – Chuyên gia cao cấp của Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay, “cát nhân tạo” có nguồn gốc từ đá nghiền đang được sử dụng ngày một phổ biến.

Tuy nhiên, loại “cát” này hiện mới được sử dụng nhiều trong sản xuất bê tông, và chưa thể sử dụng để thay thế cát hạt mịn hoặc cát hạt trung cho các công đoạn xây dựng khác.

“So với cát tự nhiên, quy trình sản xuất cát từ đá nghiền khá phức tạp, do cần có dây chuyền hoàn chỉnh từ nghiền vỡ, đến thau rửa, làm sạch bột đá, rồi phối trộn với phụ gia để tạo thành cát. Thêm nữa, đá được sử dụng để sản xuất cát chủ yếu phân bố ở miền núi; sau thành phẩm phải vận chuyển xuống các tỉnh, TP có nhu cầu xây dựng cao nên chi phí bị tăng. Tại một số tỉnh, TP, giá cát từ đá nghiền lên tới 350.000 – 400.000/m3” – TS Trần Bá Việt thông tin thêm.

Ngoài “cát nhân tạo” từ đá nghiền, PGS.TSKH Bạch Đình Thiên – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới (ĐH Xây dựng Hà Nội) cho biết, đã có một số đơn vị đầu tư sản xuất cát từ tro xỉ sau quá trình nhiệt điện. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ 100 triệu tấn than được tiêu thụ cho nhiệt điện sẽ tạo ra khoảng 150.000 – 300.000 tấn tro xỉ.

Tuy nhiên, cũng giống như “cát nhân tạo” từ đá nghiền, chi phí để chế tạo cát từ tro xỉ tương đối cao. Không chỉ cần quy trình sản xuất được đầu tư bài bản, mà ngay cả chi phí vận chuyển từ các nhà máy nhiệt điện xuống các tỉnh, TP lớn, có nhu cầu về cát xây dựng cao cũng làm gia tăng giá của loại cát này.

Theo một số chuyên gia về vật liệu xây dựng, hiện xu hướng sử dụng “cát nhân tạo” từ đá nghiền và tro xỉ đang ngày một phổ biến, đặc biệt là tại Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore… Chính vì vậy, để giảm thiểu tình trạng khai thác cát trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn vay cho các DN tham gia đầu tư, sản xuất “cát nhân tạo”.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đánh thuế khai thác cát tự nhiên ở mức cao hơn. Chỉ khi giá thành và chất lượng của hai loại cát tự nhiên – nhân tạo được đưa về mức tương đương nhau, thì tình trạng tận diệt lòng sông để kiếm lời từ cát mới mong được giảm thiểu.

Tăng chế tài để tạo sức răn đe

Trước đó, ngày 19/12/2018, Công an huyện Đan Phượng đã khởi tố vụ án Trần Văn Dự (SN 1981, quê ở xã Trung Châu) do vi phạm quy định pháp luật về khai thác tài nguyên. Tòa án Nhân dân huyện Đan Phượng sau đó tuyên phạt Trần Văn Dự 9 tháng án treo, cho thử thách 18 tháng. Trước đó, vào tháng 6/2018, Công an huyện Phúc Thọ cũng đã khởi tố đối tượng Lê Văn Thành (SN 1982, quê ở xã Vân Hà) với cùng tội danh trên. Đối tượng Lê Văn Thành sau đó bị tuyên phạt 6 tháng tù giam.

Tuy nhiên, đây chỉ là hai trong số ít những trường hợp đối tượng khai thác cát trái phép bị khởi tố hình sự. Trong khi, hầu hết các trường hợp có vi phạm về khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản bị bắt giữ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều này được cho là chưa đủ sức răn đe đối với “cát tặc”, do nhiều đối tượng sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục quay trở lại hoạt động trái phép.

Theo Đại úy Trần Mạnh Tiến – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy và môi trường (Công an huyện Phúc Thọ), mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định khai thác tài nguyên khoáng sản hiện đã tương đối cao. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mà cát mang lại lớn hơn rất nhiều. Do đó, nhiều đối tượng sau khi bị phạt tiếp tục quay lại… hành nghề. Chính vì vậy, việc tăng cường xử lý hình sự là rất cần thiết.

 

 Một điểm tập kết cát sỏi ven sông Hồng trên địa bàn  quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng

  Một điểm tập kết cát sỏi ven sông Hồng trên địa bàn  quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng

 

Mặc dù vậy, Đại úy Trần Mạnh Tiến cho rằng, việc xử lý hình sự các trường hợp “cát tặc” lại… không đơn giản. Cụ thể, theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, để khởi tố hình sự các đối tượng thì cần phải xác định được đối tượng “thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100 đến dưới 500 triệu đồng”.

Áp vào thực tiễn công tác xử lý thì rất khó xử phạt do rất khó “chứng minh hành vi”. Thực tế, cả hai đối tượng Trần Văn Dự và Lê Văn Thành nêu trên đều là các trường hợp tái phạm nên mới bị xử lý hình sự theo Khoản 4 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015.

Hiện, việc xử lý “cát tặc” chủ yếu được cơ quan chức năng các địa phương áp dụng theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản”, và Nghị định số 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa”.

Nhiều ý kiến đề xuất các bộ, ngành nên sớm nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành quy định tịch thu phương tiện và xử lý hình sự ngay các trường hợp khai thác cát trái phép, thay vì phải “chứng minh hành vi” như hiện nay. Đây sẽ là hai nhóm chế tài được cho là bảo đảm đủ sức răn đe.

Giải pháp công trình

Trong bối cảnh tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp, việc thực thi pháp luật còn gặp không ít khó khăn, mực nước sông Hồng trong thời gian tới được cho sẽ còn hạ thấp. Chính vì vậy, các giải pháp công trình nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ đời sống, sản xuất là rất cấp thiết.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, đơn vị đang nghiên cứu xây dựng hệ thống đập dâng trên hệ thống sông Hồng. Đây là giải pháp mang tính dài hạn nhằm chủ động dâng, điều tiết mực nước, lưu lượng trong mùa kiệt trên sông Hồng. “Kết quả nghiên cứu chỉ ra, giải pháp này có thể giúp dâng mực nước sông Hồng lên từ 0,45 – 2,6m; bảo đảm các công trình thủy lợi dọc tuyến có thể lấy được nước” – ông Tỉnh cho biết.

Một giải pháp công trình khác được Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước) Hoàng Xuân Hồng đưa ra là chỉnh trị khu vực cửa vào sông Đuống. Giải pháp này nhằm hạn chế lưu lượng nước từ sông Hồng đổ vào sông Đuống, qua đó, giúp tăng mực nước trên sông Hồng. Tuy nhiên, đối với cả hai giải pháp công trình kể trên, kinh phí thực hiện đều sẽ rất lớn. Chính vì vậy, các bộ ngành, địa phương phải cùng nhau thảo luận, thống nhất phương thức huy động nguồn vốn phù hợp.

Nâng cấp các công trình thủy lợi thích nghi với điều kiện nguồn nước cũng giải pháp được Hà Nội chú trọng thực hiện trong những năm qua. Theo đó, hàng trăm tỷ đồng đã được TP đầu tư nâng cấp các trạm bơm: Phù Sa, Ấp Bắc, Thanh Điềm… Dù vậy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho rằng, các giải pháp công trình sẽ chỉ có ý nghĩa về mặt lâu dài, khi bảo đảm được mức cân bằng giữa lượng bùn cát về hạ du và khối lượng được khai thác hàng năm.

Và để làm được điều đó, giải pháp cấp bách hiện nay là cần kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát trên sông Hồng. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng lòng sông cạn kiệt, tài nguyên thất thoát, bảo đảm an toàn nguồn nước trên sông Hồng.

"Nhu cầu về sử dụng vật liệu xây dựng hiện rất lớn. Chính vì vậy, đề nghị UBND TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ được xác định; đồng thời, có cơ chế cho thuê đất tập kết, trung chuyển vật liệu tại những khu vực phù hợp quy hoạch. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng lập bến bãi, khai thác cát trái phép, gây thất thoát ngân sách và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đê điều", Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh nhấn mạnh.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top