Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 3 năm 2023 | 11:1

Giải pháp nào khi tài nguyên cát vẫn bị tận thu trái phép?

Tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép rầm rộ mà người dân thường gọi là “cát tặc” đang diễn ra suốt nhiều năm qua, nhưng chính quyền địa phương lại không giải quyết dứt điểm khiến người dân bức xúc kéo dài.

Khai thác cát trái phép rồi chống người thi hành công vụ

Bị phát hiện hành vi khai thác khoảng sản trái phép, Lê Khánh Duy (SN 1992, ngụ tỉnh Trà Vinh) cùng người thân có hành vi chống đối, vu khống lực lượng làm nhiệm vụ.

Liên quan tới vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Khánh Duy (SN 1992), Nguyễn Văn Tùng (SN 1971) và Nguyễn Sơn Trung (SN 1984, cùng ở huyện Càng Long) điều tra về tội Chống người thi hành công vụ.

Trước đó, Tổ tuần tra chốt kiểm tra khoáng sản của Công an huyện Càng Long tuần tra trên thủy phận sông Cổ Chiên. Đến thủy phận xã Đức Mỹ, Tổ phát hiện ghe gỗ do Duy điều khiển có dấu hiệu nghi vấn khai thác cát sông trái phép nên ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Duy không chấp hành mà điều khiển ghe tăng tốc bỏ chạy vào bờ.

Lê Khánh Duy (SN 1992, ngụ tỉnh Trà Vinh) tại cơ quan điều tra. 

Tổ tuần tra mời làm việc, Duy không chấp hành mà bỏ chạy và bị té ngã. Cùng lúc, Tùng (họ hàng với Duy) đã có những lời lẽ thô tục, chửi bới, xúc phạm Tổ công tác và xông vào đánh một cán bộ trong tổ công tác.

Trung ở gần đó bị kích động từ việc Tùng, Duy hô “Công an đánh dân” nên chửi bới  và xông vào đánh cán bộ trong tổ công tác. Một đối tượng dùng vật cứng (nghi là đá xây dựng) ném vào đầu, gây thương tích cho cán bộ trong tổ công tác.

Bắt quả tang 4 phương tiện khai thác cát trái phép

Theo cơ quan công an, Tổ công tác chống khai thác cát trái phép đã bắt quả tang phương tiện thủy nội địa vỏ thép, không số đăng ký, do ông Phạm Thanh Hùng, sinh năm 1988, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An điều khiển đi cùng ông Võ Văn Hùng, sinh năm 1973, xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đang khai thác cát trái phép tại tuyến sông Cửu Đại, với khối lượng cát khai thác hơn 15m3.

Các phương tiện khai thác cát trái phép bị lực lượng công an bắt giữ.

Tiếp tục tuần tra trên tuyến sông này, Tổ công tác phát hiện và bắt quả tang phương tiện thủy nội địa vỏ gỗ, không số đăng ký do ông Trần Ngọc Tuấn, sinh năm 1987, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang điều khiển và đi cùng ông Võ Khánh Giang, sinh năm 2002, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đang khai thác cát trái phép, với số lượng hơn 8,7m3.

Tiếp đến, tại tuyến sông Cửa Đại thuộc xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, Tổ công tác lại phát hiện và bắt quả tang phương tiện thủy nội địa vỏ thép, không số đăng ký do ông Thái Thanh Tuấn, sinh năm 1985, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre điều khiển chở ông Lê Tấn Thành, sinh năm 1985, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đang khai thác cát trái phép, với khối lượng gần 10m3.

Ngay trong đêm, lực lượng công an phát hiện và bắt quả tang phương tiện thủy nội địa vỏ thép đang khai thác cát trái phép, trên phương tiện có 2 đối tượng (chưa rõ họ tên, địa chỉ) cùng thực hiện hành vi khai thác cát trái phép. Các đối tượng đã không chấp hành hiệu lệnh của Tổ công tác, bỏ lại phương tiện và nhảy xuống sông bơi vào bờ tại ấp Lý Quàng 2, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang). Tổ công tác yêu cầu các đối tượng quay lại nhưng không chấp hành. Hiện, Phòng Cảnh sát môi trường lập hồ sơ và xử lý theo quy định.

Người dân bức xúc về khai thác, tập kết cát trái phép

Người dân sinh sống ở ven bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long, ông Nguyễn Văn Quốc cho biết: Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn đã diễn ra từ hàng chục năm qua, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Nhiều tàu khai thác cát sỏi trái phép hoạt động từ khoảng 23 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau. Tiếng máy hút cát sỏi kêu ầm ĩ cả một vùng rộng lớn khiến người dân không thể ngủ vào ban đêm. Nhưng lo lắng nhất là tình trạng khai thác cát sỏi gây sạt lở bờ sông Thạch Hãn dẫn đến mất đất sản xuất, nguy cơ ảnh hưởng đến nhà ở và các công trình của người dân. Thực tế, bờ sông Thạch Hãn đã và đang sạt lở nhanh, trước đây nhà ở còn cách bờ sông khoảng 50m, nay chỉ còn hơn 10m.

Bức xúc với tình trạng “cát tặc” lộng hành thời gian dài trên sông Thạch Hãn, ông Lê Mậu Ấn cùng người dân làng Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Triệu Phong, nhưng khai thác cát trái phép vẫn liên tục tái diễn.

Bãi tập kết cát sỏi trái phép ở bờ sông Thạch Hãn tại khu vực giáp ranh giữa xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. 

Ông Lê Mậu Ấn cho biết: Hàng chục năm qua, người dân hai làng Bích Lộc Triêu và Đại Thượng Hạ đã nhiều lần đến "gõ cửa" các cơ quan chức năng để "cầu cứu" về tình trạng khai thác trái phép nhưng đều không được giải quyết triệt để. Có thời điểm lực lượng chức năng xử lý được một số trường hợp, nhưng rồi tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra rầm rộ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác khiến người dân bức xúc. Thậm chí có thời điểm, cơ quan chức năng huyện Triệu Phong trả lời kiến nghị của người dân rằng: “Chưa phát hiện hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực thôn Bích Lộc Triêu và Đại Thượng Hạ”. Hoặc khi phát hiện “cát tặc”, người dân gọi điện thoại báo cơ quan chức năng đến xử lý. Sau khoảng 15 – 20 phút, lực lượng chức năng đến hiện trường, nhưng không hiểu vì sao “cát tặc” đã biết trước nên di chuyển đi nơi khác.

Cũng theo ông Lê Mậu Ấn, thời gian qua người dân hai làng Bích Lộc Triêu và Đại Thượng Hạ đã tự triển khai các biện pháp xua đuổi “cát tặc”. Cụ thể, hàng đêm, làng cử người trực canh ở bờ sông, có tàu khai thác cát đến là chiếu sáng vào tàu bằng đèn pin. Đặc biệt, người dân hai làng còn tự nguyện góp tiền mua dây điện, bóng điện và dựng cột điện tạm chiếu sáng dọc bờ sông Thạch Hãn để đuổi “cát tặc”. Thế nhưng “cát tặc” vẫn thản nhiên hoạt động trên sông Thạch Hãn trước sự chứng kiến của người dân.

“Cát tặc” dùng tàu lớn neo đậu ở giữa dòng sông Thạch Hãn, nơi giáp ranh giữa xã Triệu Long và thị trấn Ái Tử, sau đó tắt đèn rồi dùng ống hút dài thọc vào gần bờ để hút cho được nhiều cát sỏi. Sau khi hút cát, sỏi từ lòng sông, “cát tặc” vận chuyển lên bãi tập kết trái phép ven bờ sông Thạch Hãn ở khu vực giáp ranh giữa xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử, nằm ở phía đối diện với làng Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long. Bãi cát trái phép này có diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông, hoạt động từ khoảng 4 đến 9 giờ hàng ngày. Để có bãi tập kết trái phép rộng lớn này, các đối tượng đã san gạt đất để tạo mặt bằng và sát với mép nước sông Thạch Hãn, nhằm thuận lợi cho việc vận chuyển cát, sỏi từ tàu lên bờ.

Có thể thấy, ở bãi cát quy mô lớn này có 2 xe ủi và múc cát lên xe ô tô tải (loại có thùng chở từ 3 – 4m3). Vào cùng một thời điểm có tới 4 - 5 xe ô tô tải cùng nhiều người tham gia vận chuyển cát đi nơi khác. Để vào bãi cát này, các đối tượng mở 2 đường ra và vào phân cách nhau bởi dãy tre và đều đấu nối ra đường Đặng Dung – con đường liên xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử. Hai đường vào bãi cát trái phép luôn trong tình trạng lầy lội, bị lún sâu do phương tiện vận chuyển cát gây ra.

Từ đường Đặng Dung đến bãi tập kết trái phép ven bờ sông Thạch Hãn chỉ khoảng 100m. Bãi cát này cũng nằm gần với đất sản xuất, nhà ở, công trình và Cụm công nghiệp Ái Tử; đồng thời, cách cầu An Mô nối thị trấn Ái Tử với xã Triệu Long chỉ khoảng trên 500m về phía Bắc. Đáng chú ý bờ sông Thạch Hãn đoạn từ cầu An Mô đến bãi tập kết cát trái phép đã và đang bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, một tuyến kè bờ sông Thạch Hãn tại đây đang được thi công khẩn cấp để bảo vệ cầu An Mô, nhà ở và đất sản xuất người dân. Ngoài ra, bãi cát này nằm cách Ủy ban nhân dân huyện Triệu Phong và các cơ quan chức năng huyện này chỉ khoảng hơn 1km.

Phương tiện hoạt động lúc rạng sáng tại bãi tập kết cát sỏi trái phép ở bờ sông Thạch Hãn tại khu vực giáp ranh giữa xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. 

Theo người dân sinh sông gần bãi tập kết trái phép, hoạt động ở bãi cát diễn ra rầm rộ và công khai đã nhiều năm qua; xe ô tô tải, máy ủi cát liên tục gầm rú từ rạng sáng cho đến gần trưa. Xe ô tô tải chở cát từ bãi cát ra đường Đặng Dung gây bụi mù mịt vào ngày nắng, nhếch nhác vào ngày mưa. Cầu An Mô (cũ) đã xuống cấp nghiêm trọng nên có biển báo cấm xe ô tô tải đi qua. Thế nhưng, một số xe ô tô tải chở cát vẫn đi qua cây cầu này. Sau khi vận chuyển hết cát đi nơi khác, 2 máy ủi được đưa ra khỏi bãi tập kết; còn lại mặt bãi nham nhở và chằng chịt vết xe ô tô tải, xe ủi cùng một số vật dụng hỗ trợ chuyển tải cát từ sông lên bờ.

Vừa qua, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ái Tử Nguyễn Trịnh Điển xác nhận: Bãi tập kết cát ở khu vực giáp ranh giữa xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử là trái phép và gây bức xúc cho người dân. Ngoài ra, bãi tập kết cát trái phép này còn hoạt động… ngay trên đất do thị trấn Ái Tử quản lý. Ngay trong ngày 6/3, địa phương tập trung kiểm tra xử lý, trước mắt là rào chắn lối ra vào bãi cát này.

Qua đó, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Văn Linh cho biết: Trên địa bàn huyện chỉ có 3 bãi tập kết cát sỏi được cấp phép hoạt động, cụ thể là ở hai xã: Triệu Thượng 2 bãi, Triệu Thuận 1 bãi. UBND huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra xử lý bãi tập kết cát, sỏi trái phép ở khu vực giáp ranh xã Triệu Ái và thị trấn Ái Tử.

Chỉ đạo xử lý dứt điểm hoạt động khai thác cát trái phép

Theo văn bản số 1701/UND-TL ngày 9/3/2023, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, yêu cầu UBND huyện Lâm Hà tiến hành tiếp tục kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân theo kế hoạch đã ban hành, xử lý dứt điểm việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/4/2023.

Theo Báo cáo số 88/BC-STNMT ngày 3/3/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, tại khu vực các xã Phú Sơn, Đạ Đờn, Phi Tô của huyện Lâm Hà có 3 đơn vị là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiên Cường, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Dung và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Nghi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản với thời hạn từ 18 năm đến 28 năm; diện tích khai thác từ 4 ha tới 49 ha và 3 km lòng sông; sản lượng khai thác từ 5.000m3 đến 100.000m3/năm.  Riêng Công ty Năm Hương và Công ty Đình Tâm chưa được giấy phép thăm dò, khai thác cát. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thường xuyên có văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định, đề nghị các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

Nhiều vị trí sông Đạ Dâng tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà bị khai thác cát trái phép. Ảnh (tư liệu): baolamdong.vn

Từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2023, một số cơ quan báo chí phản ánh, cuộc sống của người dân dọc sông Đa Dâng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động khai thác cát tại đây. Chỉ một đoạn sông ngắn trên địa bàn thôn R’Teing nhưng có tới 5 công ty khai thác cát đang hoạt động hoặc tạm dừng hoạt động. Các đối tượng khai thác cát không chỉ đào xới lật tung đường đi, hệ thống cấp nước của thôn, thậm chí còn cho thiết bị cơ giới ngang nhiên hút cát trên phần đất thuộc vườn cà phê của một số hộ dân…

Trước thông tin này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND huyện Lâm Hà kiểm tra làm rõ; xử lý dứt điểm các hoạt động khai thác, tập kết, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã triển khai lắp đặt camera giám sát các khu vực thường xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép…

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top