Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 2 năm 2023 | 13:21

Giải pháp phát triển rừng bền vững

Rừng là nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hạnh phúc của cộng đồng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua những chức năng môi trường như chống xói mòn, đảm bảo tuần hoàn nước, lá phổi xanh của trái đất...

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển rừng chưa bao giờ là dễ dàng. Vậy, đâu là giải pháp để phát triển rừng bền vững?   

Bài 2: Những mô hình kinh tế rừng hiệu quả

Nhiều khó khăn

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, việc phát triển rừng sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Đất đai và điều kiện sản xuất chưa thực sự phù hợp. Cụ thể, quỹ đất quy hoạch để trồng rừng sản xuất còn hạn chế, không tập trung, chủ yếu quy mô nhỏ với diện tích chỉ 1-2ha. Hệ thống cơ sở hạ tầng lâm nghiệp phục vụ cho các vùng thâm canh trồng rừng còn thiếu và nhiều năm chưa được đầu tư.

Công nhân Đội sản xuất Đông Hữu, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương (Tuyên Quang) chăm sóc diện tích rừng mới trồng.

Nhiều dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch… có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, suy giảm diện tích rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ tràn lan ở nhiều địa phương làm tăng nguy cơ phá hủy môi trường, phá rừng và xảy ra lũ lụt. Thủy điện đã phần nào làm rừng bị mất đi khiến lũ có cường độ tàn phá nặng nề hơn.

Tình trạng người dân chưa mặn mà với trồng rừng cũng đang là vấn đề nổi cộm.

Ngân sách đầu tư cho phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng còn thấp so với các ngành, lĩnh vực khác dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao. Đơn cử như suất hỗ trợ đầu tư trồng rừng đặc dụng, phòng hộ hiện là 30 triệu đồng/ha; hỗ trợ đầu tư trồng rừng kinh doanh gỗ lớn 8 triệu đồng/ha, như vậy còn quá thấp, dẫn tới khó thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia trồng rừng.

Chưa có quy định cụ thể về công tác khuyến lâm, đặc biệt là các quy định về thực hiện mô hình nông - lâm kết hợp trên đất lâm nghiệp, như “tỷ lệ % cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp và định mức hỗ trợ thực hiện mô hình”.

Nhìn thực tế từ góc độ địa phương, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kom Tum), cho biết, về vấn đề thuế môi trường rừng, việc quản lý bảo vệ rừng, nhiều cơ chế, chính sách bất cập cần sớm thay đổi đối với đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, rừng thì rộng mênh mông, trong khi đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng thì rất ít, lương lại thấp mà quản lý diện tích rừng lớn, địa bàn nhiều khó khăn. Trong khi để mất rừng thì trách nhiệm thuộc về đội ngũ quản lý bảo vệ rừng.

Ngoài ra, chế độ an sinh cho người dân bảo vệ rừng còn hạn chế. Trung bình 1 người dân nhận khoán 1ha rừng được trả 600.000 - 800.000 đồng/năm, như vậy là quá thấp. Trong khi chính sách được hưởng từ lâm sản trong rừng cũng chưa rõ ràng.

Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng từ các mô hình kinh tế

Nhận thấy những tiềm năng to lớn mà rừng đem lại, những năm qua, nhiều tỉnh, thành đã mạnh dạn xác định phát triển kinh tế đồi rừng, coi đây là giải pháp giảm nghèo và hướng tới làm giàu bền vững cho người dân và góp phần bảo vệ rừng.

Với tư duy sản xuất lâm nghiệp chuyển từ “bảo vệ và phát triển rừng” sang “phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học”, hoặc “phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững”, kinh tế đồi rừng phát triển theo hướng đa dụng, ngoài sản phẩm là gỗ, thì lâm sản ngoài gỗ và các giá trị của hệ sinh thái rừng được khai thác ngày càng hiệu quả, như du lịch sinh thái gắn với rừng, dịch vụ môi trường rừng và tiến tới là tín chỉ cácbon.

Bình Định là một trong những tỉnh có nghề trồng rừng phát triển mạnh trong khu vực miền Trung. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 124.871ha rừng trồng, 73.284 ha rừng quy hoạch chức năng sản xuất; trong đó, rừng trồng keo chiếm trên 80%. Diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất không ngừng tăng, mỗi năm khai thác, trồng lại khoảng 8.000ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn/năm.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh thuộc diện hộ nghèo, đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thuộc khu vực II và khu vực III theo quy định của Chính phủ, có nhu cầu hỗ trợ để trồng rừng trên diện tích đất chưa có rừng đã được quy hoạch phát triển rừng sản xuất, định mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/ha.

Đây là cách để Bình Định nâng cao diện tích rừng trồng trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện để những hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh thuộc diện nghèo sống cạnh rừng ở những xã thuộc khu vực II, khu vực III có thêm thu nhập từ rừng, cải thiện cuộc sống.

Thời gian tới, Bình Định sẽ phát triển lâm nghiệp là ngành kinh tế hiện đại, có sức cạnh tranh cao, hình thành mối liên kết theo chuỗi từ phát triển, bảo vệ, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.

Với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp và diện tích đất có rừng tương đối lớn, tỷ lệ che phủ rừng 42,96%, tỉnh  Điện Biên  có tiềm năng phát triển lâm sản ngoài gỗ (dưới tán rừng, trên đất trống) và các loại cây dược liệu đặc hữu như: Cẩu tích, sa nhân, thảo quả, đẳng sâm... theo hướng tập trung gắn với chế biến. Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, từ các nguồn vốn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, cho biết,  xã Tênh Phông (Tuần Giáo) phát triển mô hình trồng cây thảo quả với diện tích hơn 80ha, đã cho thu hoạch, thu nhập 50 - 80 triệu đồng/ha. Cây sơn tra (táo mèo) và cây sa nhân cũng là một trong các loài cây sinh trưởng phát triển tốt, cho sản lượng thu hoạch cao, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân xã Tỏa Tình. Trên địa bàn xã này hiện có gần 150ha sơn tra, cho sản lượng khoảng 900 tấn quả tươi. Đó là chưa tính đến việc khai thác du lịch khi mùa hoa sơn tra nở trắng núi rừng.

Còn tại các tỉnh ven biển, thời gian qua, việc canh tác xen ghép tôm trong rừng ngập mặn là cách làm hay, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. Đây cũng là giải pháp có hiệu quả nhất giúp khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, giá trị sản xuất ngành tôm Cà Mau hiện chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản và chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã phối hợp với các ban quản lý bảo vệ rừng, các địa phương, đơn vị và người dân triển khai nhiều dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị tôm - rừng vùng ven biển Cà Mau. Hiện, tổng diện tích nuôi tôm - rừng đạt khoảng hơn 80.000 ha; trong đó, các tổ chức chứng nhận quốc tế đã chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm - rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…), sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, đối với diện tích tôm - rừng được chứng nhận, doanh nghiệp tham gia liên kết sẽ hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng 250.000 - 500.000 đồng/ha/năm và hỗ trợ về con giống chất lượng cao để thả nuôi. Ngoài sản phẩm chính là tôm sú, các hộ nuôi tôm - rừng còn có thu nhập thêm từ cua, cá, sò huyết… Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc hóa học, không phát sinh chi phí sản xuất. Như vậy, không tính chi phí lao động gia đình và chi phí sản xuất, lợi nhuận thu về khá cao, thu lời cao nhất đến 80 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Vũ, tôm - rừng là phương thức nuôi gắn với bảo vệ rừng và trồng rừng ngặp mặn, quan tâm đến tăng trưởng nguồn các-bon xanh phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới. Thực hiện nuôi tôm dưới tán rừng chiếm 30 - 40% diện tích mặt nước và phải đảm bảo ít nhất 50 - 60% tỷ lệ rừng. Điều này góp phần làm tăng tỷ lệ rừng, phát huy khả năng giữ đất chống sạt lở, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, người nuôi tôm còn được chi trả về dịch vụ rừng và được hưởng lợi từ khai thác rừng, qua đó, khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ rừng. Như vậy, nuôi tôm kết hợp phát triển rừng vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo các yếu tố về môi trường bền vững. Thực tế, Tổng cục Thủy sản đã đề xuất mở rộng thực hiện hình thức canh tác này, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia.

Phát triển rừng gắn với trách nhiệm địa phương

Trên lý thuyết, có thế nói, bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân chứ không phải chỉ riêng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khi để xảy ra mất rừng, cần phải đề cập đến trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương là người chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu do: Nhận thức, ý thức, trách nhiệm một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đầy đủ, sâu sắc; tinh thần trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước một số địa phương chưa cao; việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn chưa thường xuyên, liên tục, thiếu sâu sát.

Trồng và bảo vệ rừng, tiền đề để phát triển bền vững.

Thậm chí có nơi, có lúc buông lỏng; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng chưa kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả thấp; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày càng phức tạp, tinh vi; công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả chưa cao; việc điều tra, xử lý vi phạm còn chậm, thiếu kiên quyết nên các vụ việc sai phạm để kéo dài, xử lý chưa dứt điểm và thiếu tính răn đe; chưa quyết liệt trong việc giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để khôi phục lại rừng…

Để mất rừng, trước hết phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Việc này góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời điều này còn được xem như tiếng chuông đốc thúc hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các địa bàn khác. Những cán bộ lãnh đạo bị xử lý, các đối tượng phá rừng bị bắt, rừng nhanh chóng được trồng lại trên diện tích bị mất… những động thái đó đã củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Đề cập đến vấn đề đề cao trách nhiệm của chủ rừng và của cả hệ thống chính trị trong quản lý, bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, cho rằng: Cần tăng thẩm quyền trong xử lý vi phạm pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; đồng thời có chính sách ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, giúp lực lượng này ổn định đời sống, gắn bó với rừng, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý, theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi rừng đối với các chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Có thể thấy rằng, trồng rừng là một trong những giải pháp hiệu quả, nhằm cân bằng phát thải CO2, phục hồi hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu, hưởng ứng cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26. Đầu tư trồng rừng là hướng đi đúng đắn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng.

Kết luận cuộc họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Các bộ, ngành phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực quản lý để ứng phó biến đổi khí hậu, với các nhiệm vụ chủ yếu tập trung xử lý các vấn đề: Chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải khí methan, phát triển ô tô chạy điện, trồng rừng để hấp thụ CO2, vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững, truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, các cơ quan, ban ngành cần tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân vùng rừng; nâng cao năng lực của lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng thông qua việc tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo chuyên môn… lồng ghép với chương trình giáo dục pháp luật của các sở, ban, ngành và các lớp tập huấn do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ.

Thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng đóng quân trên địa bàn quản lý để kiểm tra, truy quét ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phối hợp giữa các trạm quản lý bảo vệ rừng, biển với chính quyền địa phương và các ngành chức năng nhằm đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm xảy ra trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, cần xây dựng và thực hiện chính sách quản lý hệ sinh thái rừng, biển, trong đó người dân được phối hợp quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững theo quy định của pháp luật.

Theo đó, xây dựng cơ chế rõ ràng hơn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng nhận rừng để họ yên tâm đầu tư, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lâu dài, nhất là đối với diện tích rừng tự nhiên đang giao cho các chủ dự án thuê rừng quản lý bảo vệ rừng nghèo kiệt. Quan trọng hơn là cần có quy định cụ thể xử lý khó khăn, vướng mắc hiện nay cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện dự án trên đất rừng và sớm ban hành các giải pháp kỹ thuật để địa phương triển khai các dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt để trồng rừng thâm canh, nông lâm kết hợp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị .

Cùng với đó, khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thuỷ điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch… 

Đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông, rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.

Phát huy Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, ngày 01/4/2021, Thủ tướng Chính phủ  ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”.

Theo Đề án, mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cách thức giữ rừng, quản trị rừng, bảo vệ rừng hiệu quả nhất, phải chăng là để rừng luôn rộng mở với người dân, với cộng đồng, chào đón tất cả chúng ta cùng trở về, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Tất nhiên, mở cửa rừng phải gắn với những quy định cần thiết để phòng ngừa rủi ro cho rừng.

Kinh tế lâm nghiệp bền vững cần được quan tâm, quyết không đánh đổi tăng trưởng bằng sự suy thoái môi trường, làm mất đi đa dạng sinh học, cân bằng tự nhiên. Một cây xanh, một khu rừng không chỉ có giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ, mà hơn hết, còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên, với tính mở, tính đa dụng, đa chức năng. Cùng với giá trị kinh tế từ sản xuất gỗ thô, rừng còn là không gian bảo tồn các loài động vật hoang dã, là nơi trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, là nơi gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí các-bon.

“Cân bằng hệ sinh thái rừng giúp cân bằng nhịp sinh học của chính con người, gieo vào con người tình yêu cây cối, yêu rừng, yêu thiên nhiên và trên hết là tình yêu con người. Giá trị giáo dục của rừng, của muôn cây, muôn loài, sẽ ươm mầm những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ, cho cả thế hệ mai sau, nếu chúng ta rộng mở hơn với rừng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Top