Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 2 năm 2023 | 10:9

Phát động Tết Trồng cây: Tầm nhìn xa của Bác

Những năm qua, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho người trồng rừng. Rừng đã thực sự là “vàng”.

Bài 2: Những mô hình kinh tế rừng hiệu quả

Những năm qua, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho người trồng rừng. Rừng đã thực sự là “vàng”.

Phát động Tết Trồng cây: Tầm nhìn xa của Bác

Trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC

Phát biểu tại Lễ phát động thi đua và “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” của tỉnh Tuyên Quang năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thực hiện cho kỳ được vấn đề cốt lõi nhất: Những người trồng rừng phải sống được bằng rừng và giàu lên từ rừng, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tuyên Quang là Trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Rừng cây keo của ông Đỗ Quốc Thuận sau 10 năm trồng, có đường kính từ 25-30cm bán được từ 2,3-2,5 triệu đồng/m3.

Sống được bằng rừng và giàu lên từ rừng đã thành hiện thực ở không ít mô hình trên nhiều địa phương mọi miền đất nước. Tại Tuyên Quang - quê hương cách mạng, từ nhiều năm trước, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ rừng, trở thành triệu phú trồng rừng bằng việc triển khai trồng rừng theo tiêu chuẩn rừng bền vững FSC mà người dân ở đây gọi những cánh rừng FSC là “vàng xanh” mang lại cuộc sống ấm no.

Anh Bàn Sinh Huân, dân tộc Dao ở thôn Nà Quang (xã Trung Yên, huyện Yên Sơn), cho biết: Trước đây, khi chưa chuyển đổi trồng rừng thông thường sang trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, gia đình vẫn ở lưng chừng ngọn núi cao vì không có tiền làm nhà ở trung tâm xã. Được chính quyền xã vận động, thuyết phục, tôi chuyển 4 ha rừng sang trồng theo tiêu chuẩn FSC. Khi được khai thác lần 1, tôi thu về gần 400 triệu đồng. Có chút vốn liếng, tôi quyết định làm nhà và chuyển gia đình về nơi ở mới gần trung tâm xã để thuận tiện đi lại. Về nơi ở mới, ngoài làm ruộng, gia đình còn làm thêm nghề mộc, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo vào năm 2021.

“Nếu mình không chuyển sang trồng rừng FSC, chắc chắn bán rừng không được giá như bây giờ. Không được giá thì mình cũng không có tiền làm nhà mới”, anh Huân chia sẻ.

Nói đến trồng rừng FSC, ông Ma Văn Chuyển, thôn Nà Ho ở xã Trung Sơn (Yên Sơn) phấn khởi nói: “Đúng là trồng rừng FSC làm thay đổi suy nghĩ của tôi về trồng rừng và thay đổi cuộc sống của gia đình. Nếu như trước đây, khi chưa trồng rừng FSC, trung bình tôi chỉ khai thác được 50 - 60 m3/ha nhưng khi trồng rừng FSC, trung bình tôi khai thác 80 - 100 m3/ha. Giá bán cao gấp đôi trước đây. Trước chỉ thu lãi 60 - 70 triệu đồng/ha  thì nay đạt 120 - 140 triệu đồng/ha. Tôi trồng toàn bộ rừng FSC bằng giống keo mô do tỉnh hỗ trợ. Có tiền từ khai thác rừng FSC, công to việc lớn, gia đình đều có tiền dự trữ để trang trải, cuộc sống ngày càng đầy đủ”.

Gia đình ông Chuyển có 5ha rừng,  chuyển đổi 3 ha sang trồng rừng FSC, bình quân mỗi chu kỳ khai thác, cho thu 300 triệu đồng.

Phú Thọ có hơn 137.000ha rừng trồng sản xuất. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ dăm sang mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC). Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Đỗ Quốc Thuận ở khu Đồng Phú (xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn) cho biết, từ năm 2003, gia đình triển khai trồng rừng gỗ lớn nhằm phục vụ vùng nguyên liệu chế biến và xuất khẩu. Qua quá trình triển khai mô hình, nhận thấy rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với rừng gỗ nhỏ.

Hiện, ông Thuận có gần 200ha rừng trồng sản xuất, phần lớn là rừng gỗ lớn. Bình quân, mỗi năm ông  thu lãi hơn 2 tỷ đồng.

Để gia tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn,  Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp như: Nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường; tăng cường vận động tuyên truyền và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung để tạo điều kiện thuận lợi khi đánh giá, cấp chứng chỉ FSC...

Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ ban hành cơ chế cụ thể hỗ trợ người dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn với tổng mức hỗ trợ 12 triệu đồng/ha đối với rừng trồng keo tai tượng và có cam kết khai thác sau 10 năm tuổi của hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình.

Nghệ An là tỉnh có độ che phủ rừng lớn, cũng là địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước, phong trào trồng mới rừng phát triển mạnh, đang hướng tới mục tiêu trồng rừng gỗ lớn.

Hợp tác xã Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy (Thanh Chương) từ năm 2018 đã được Hiệp hội Gỗ lâm sản Việt Nam hỗ trợ phát triển 2 mô hình trồng rừng gỗ lớn quy mô 10 ha/mô hình. Đến nay, trên diện tích rừng do hợp tác xã quản lý, đã có 150ha rừng gỗ lớn, phát triển từ vườn rừng của 17 hộ thành viên. Tháng 12/2021, xã Thanh Thủy có gần 1.600 ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Gỗ có chứng chỉ được nhà máy thu mua cả vỏ với giá cao hơn 10- 20%.

Ông Nguyễn Sỹ Bình, Giám đốc Hợp tác xã Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy, cho biết, nếu rừng trồng 5 năm cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/ha, thì những rừng keo trồng trên 10 năm giá trị có thể lên tới 180- 200 triệu đồng/ha. Thời gian dài gấp đôi, nhưng người dân không phải bỏ thêm chi phí cây giống đầu tư ban đầu thêm một lần nữa, cây keo từ năm thứ 6 trở đi hầu như không còn phải chăm sóc.

Đến nay, hầu hết các hộ có diện tích rừng lớn, điều kiện kinh tế ổn định đều đã đăng ký trồng rừng gỗ lớn, với diện tích khoảng 500 ha. “Hợp tác xã đang cố gắng tìm kiếm, cân đối nguồn để hỗ trợ  500.000 - 600.000 đồng/ha rừng trồng từ năm thứ 6 trở đi, hỗ trợ cây giống cho những hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn”, ông Bình nói.

Người dân xã Phú Lâm (Yên Sơn - Tuyên Quang) trồng cây xạ đen theo hướng hàng hóa. Ảnh: Tuấn Hùng.

Kết hợp trồng nhiều loại cây có giá trị

Ngày nay, việc trồng rừng không chỉ đơn thuần là trồng các loại cây bình thường, giá trị kinh tế thấp, người trồng rừng đã biết kết hợp với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, cây gỗ quý để gia tăng thu nhập, ổn định trong thời gian dài.

Phát triển kinh tế từ trồng rừng là hướng đi được gia đình anh Lê Hồng Trưởng, hội viên nông dân thôn Vĩnh An, xã Bảo Ái (Yên Bình - Yên Bái) lựa chọn từ nhiều năm nay. Từ rừng, anh Trưởng không chỉ có thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm thời vụ cho một số người dân trong xã.

Để trồng rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo cho rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế, anh Trưởng đầu tư mua giống cây ở những cơ sở có uy tín và trồng trên 10ha, chủ yếu là keo, bồ đề...

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” từ năm 2015, anh Trưởng chuyển đổi 6ha rừng sang trồng quế.

Đến nay, rừng quế hơn 6 năm tuổi của anh đã cho thu hoạch tỉa, bán lá quế, cho thu 50 - 70 triệu đồng/năm. Cây quế dễ trồng, lớn nhanh, chịu được gió bão hơn cây keo, giá trị kinh tế gấp  2 - 3 lần trồng keo trong cùng thời gian. Hơn nữa, trên diện tích trồng quế, còn có thể trồng xen một số loại cây dược liệu… nên gia đình anh Trưởng đang dần chuyển toàn bộ diện tích rừng sang trồng quế.

Bên cạnh phát triển kinh tế rừng, anh Trưởng còn phát triển nuôi gia súc, gia cầm, cá... Từ các nguồn thu nói trên, trừ chi phí, gia đình anh có thu 200 triệu đồng/năm trở lên.

Năm 2012, anh Nguyễn Văn Huê, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân thôn Bản Pá, xã Mai Lạp (Chợ Mới - Bắc Kạn) mạnh dạn chuyển đổi rừng giá trị kinh tế thấp sang trồng 3 ha cây keo, mỡ, đến nay trồng được 12ha đồi cây keo và mỡ. Sau 8 năm chăm sóc, gia đình anh có thu nhập khá cao từ rừng trồng. Để giảm chi phí trong khâu vận chuyển, bốc, xếp, anh Huê thuê máy xúc mở đường cho ô tô chở gỗ lên đến đỉnh đồi rừng trồng để bốc gỗ, rồi thuê vận chuyển đến tận xưởng gỗ xẻ ở tỉnh Thái Nguyên. Năm 2021, anh Huê khai thác đồi keo 1,5 ha, thu về 130 triệu đồng; cuối năm 2022, khai thác tiếp 2ha keo, thu nhập 214 triệu đồng.

Anh Huê cho biết: “Trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng nhiều giống cây nông nghiệp khác trên diện tích rừng. Người trồng rừng phải chọn được giống cây tốt mới có lợi nhuận cao, nhất là cây keo, trồng 1ha keo làm gỗ băm khoảng 5 năm cho khai thác với doanh thu bình quân 80 triệu đồng, trừ chi phí,  lãi khoảng 60 triệu đồng. Nếu diện tích rừng trồng nào được chăm sóc tốt, cung đường vận chuyển ngắn, thuận lợi thì số tiền lãi còn cao hơn nhiều…”.

Không chỉ gia đình anh Huê mà  nhiều hộ nông dân khác ở xã Mai Lạp thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ trồng rừng. Ban đầu chỉ có vài hộ tự trồng mỡ, trồng keo theo dự án cấp giống, trả công trồng rừng của Nhà nước. Thấy cây phát triển tốt nên mọi người cùng học tập trồng mới rừng với diện tích lớn tạo ra phong trào sâu rộng, đưa việc trồng rừng trở thành hướng phát triển kinh tế chủ đạo với người dân địa phương. Ngoài ra, người dân ở đây đã thực hiện có hiệu quả phương châm “lấy ngắn nuôi dài” thông qua việc trồng thêm ngô, sắn, cây họ Đậu, chăn nuôi gà, lợn... để tăng thêm thu nhập.

Từ năm 2015 đến nay, xã Mai Lạp đã trồng được hơn 1.000ha rừng, chủ yếu là keo, mỡ và vài năm gần đây trồng thêm lát, quế, nhiều hộ trồng trên 12 ha, hộ trồng ít nhất 0,5ha. Bà con trồng keo 4 - 5 năm được khai thác gỗ dăm; còn trồng keo, mỡ từ 6 năm trở đi sẽ cho khai thác gỗ bóc.

Chị Hà Thị Thúy Vin, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Lạp, cho biết: “Mai Lạp rất thuận lợi cho phát triển kinh tế rừng vì có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với keo, mỡ, quế; địa hình đồi núi thấp, có thể mở đường cho xe lên tận đỉnh đồi thuận tiện vận chuyển gỗ và vận chuyển giống, vật tư lên đồi để trồng rừng. Ngay tại trung tâm xã, có xưởng gỗ bóc; các xã bên cạnh cũng có xưởng gỗ dăm nên rất thuận lợi cho khâu tiêu thụ. Qua nhiều năm được tuyên truyền, tập huấn về trồng rừng, bà con nông dân cơ bản nắm rõ kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng và nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng về lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của rừng và kinh tế từ rừng mang lại, nhiều hộ dân có thu nhập cao và ổn định từ trồng rừng”.

Hướng đi mới: Trồng cây dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng

Khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra chuỗi giá trị đã và đang mở ra hướng đi mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tỉnh Tuyên Quang có độ che phủ rừng tới 65%, dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên, như: khôi nhung, thảo quả, hương nhu, sả, nghệ, giảo cổ lam, cà gai leo... Đặc biệt, ở huyện Lâm Bình còn sưu tầm được một loại thảo dược quý là trà hoa vàng hay “Kim hoa trà”, trà trường thọ được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loại trà”, đang trồng thử nghiệm để tiến tới nhân rộng.

Từ năm 2018, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành dược đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó định hướng phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng với mục tiêu: giai đoạn 2016-2020 trồng 1.200 ha cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, giai đoạn 2021-2025 trồng 3.000 ha.

Triển khai kế hoạch, Tuyên Quang đã thực hiện 10 đề tài, dự án khoa học-công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển cây dược liệu, trong đó có nhiều dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng, như: thâm canh cây sa nhân, thảo quả, ba kích, xạ đen,...

Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) Đỗ Văn Hiếu cho biết, từ năm 2018, người dân trong xã đã trồng 2 ha cây khôi nhung, một trong những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, dưới tán rừng. Người dân được đơn vị thu mua hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Hiện, 1kg lá cây khôi nhung khô được đơn vị liên kết thu mua với giá 200 - 300 nghìn đồng. Xã cũng kết nối với Trung tâm Đào tạo nghề nông nghiệp và Tư vấn phát triển nông thôn (Trường cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ) hỗ trợ xây dựng vùng dược liệu an toàn có chỉ dẫn địa lý.

Huyện Sơn Dương có ba xã là Hợp Hòa, Sầm Dương và Văn Phú đã đưa cây cà gai leo vào trồng trên diện rộng, giá thu mua cây tươi khoảng 30 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) cũng thu gần chục triệu đồng/vụ. Mỗi năm thu được ba vụ đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Năm 2021, sản phẩm cà gai leo của xã Hợp Hòa được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP.

Với nhiều chính sách phát triển cây dược liệu, Yên Bái đã phát triển được một số vùng cây dược liệu lớn như vùng quế hơn 80 nghìn ha, sơn tra 10 nghìn hecta, thảo quả 1.300 ha, có hơn 3.400 ha cây dược liệu cho sản lượng khai thác hằng năm đạt hơn 7.600 tấn sản phẩm. “Tỉnh cũng chủ động mời gọi các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua liên kết kinh tế và các chương trình khuyến nông, các dự án khoa học-công nghệ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển cây dược liệu trên địa bàn”, ông Toàn cho biết thêm.

Ông Hoàng Quốc Cứ, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang, cho biết: Tỉnh xác định phát triển cây dược liệu là giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng cao nên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến dược liệu. Từ năm 2015 đến nay, đã hỗ trợ giống, phân bón, lãi suất vốn vay và tập huấn cho người dân với số tiền gần 17 tỷ đồng; hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho hai doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển cây dược liệu...

Gia đình ông Hà Quang Cảnh ở xóm Làng Chảo, xã Động Đạt (Phú Lương - Thái Nguyên) là một trong những hộ tiên phong trong phát triển kinh tế đồi rừng. Với trên 33 ha đất đồi rừng của gia đình, ông trồng keo và cây ăn quả. Ngoài ra, ông còn  nuôi bò, dê, ngựa và đào ao thả cá, vừa cải thiện đời sống, vừa tăng thêm thu nhập.

Hiện, rừng keo của gia đình ông đang ở độ tuổi thứ 6. Theo tính toán, đầu tư cho 1ha rừng keo từ lúc ban đầu đến nay, tiền mua cây giống, công cuốc hố, trồng cây và bón phân lót chi phí hơn 20 triệu đồng. Đến thời gian thu hoạch, sẽ đạt năng suất 120 tấn/ha. Với giá khoảng 1,3 triệu đồng/tấn, gia đình ông thu lãi bình quân  hơn 60 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ hướng dẫn,  hỗ trợ cho bà con về các loại giống để người dân ổn định đời sống gắn với công tác bảo vệ rừng,  nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình vườn-rừng-ao-chuồng trên địa bàn huyện”.

Gia đình anh Vàng A Lai, ở bản Sin Suối Hồ tham gia dự án trồng và bảo vệ rừng trên địa bàn xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Với diện tích đất trống, anh đưa cây sơn tra (táo mèo) vào trồng; dưới tán rừng trồng trên 2.000 gốc thảo quả, địa lan. Đất chẳng phụ công người, đến nay, gia đình anh Lai có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu hái quả sơn tra, thảo quả và hoa địa lan…

Có thu nhập từ trồng rừng FSC, anh Bàn Sinh Huân, thôn Nà Quang, xã Trung Sơn đã đầu tư xây nhà ở mới khang trang.

“Tín chỉ carbon rừng”, một hiệu quả kinh tế từ trồng rừng

Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO 2. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO 2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO 2, gọi chung là 1 tấn CO 2 (viết tắt là CO 2e). Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO2 hoặc CO 2e được tạo ra từ hoạt động REDD+. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính thông qua REDD+. Tín chỉ carbon cũng được xem là mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính.

Quảng Nam trở thành địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021 - 2025).

Từ năm 2007, thế giới đã hình thành thị trường tín chỉ carbon rừng theo cơ chế được xác lập trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp quốc. “Thị trường” này hình thành từ nhu cầu thực tế của các nước phát triển có hạn ngạch phát thải khí nhà kính thấp, đang phát thải vượt quá hạn ngạch cho phép. Các nước này sẽ tìm mua tín chỉ/giấy phép carbon rừng từ kết quả hoạt động Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) tại các nước đang phát triển chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Với giá bán ít nhất 5 USD/tấn CO2, khi đề án được thực hiện, Quảng Nam có nguồn thu từ 110 - 130 tỉ đồng/năm. Đề án được triển khai hiệu quả sẽ giúp Quảng Nam giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có 466.113 ha, tăng 20% trong vòng 10 năm từ 2021-2030, tăng độ che phủ rừng nói chung lên 61% vào năm 2025, giảm phát thải 14,17 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030…

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, sau khi đề án hoàn thành, địa phương sẽ mời thêm các doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Kinh phí thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ được tái sử dụng cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Địa phương cũng sẽ có cơ chế để người dân địa phương trực tiếp tham gia tuần tra, bảo vệ, trồng rừng, bảo quản, lưu giữ carbon. “Bán tín chỉ carbon rừng vừa thêm nguồn thu về dịch vụ môi trường rừng vừa là cơ hội để các chủ rừng và người dân tiếp cận tư duy sản xuất mới và quản trị rừng chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, giúp người dân sẽ dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng”, ông Bửu nói.

Bài 3. Giải pháp phát triển rừng bền vững

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top