Một trong những vấn đề trọng tâm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đây là nội dung được nhiều người quan tâm, nhất là nông dân, khi đất nông nghiệp là “tư liệu sản xuất” quan trọng nhất, nếu bị thu hồi và việc bồi thường không thỏa đáng, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của bà con.
Đảm bảo người bị thu hồi đất có điều kiện sống tốt hơn
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Với nội dung này, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật thể chế hóa rõ hơn các quy định tiêu chí thế nào là tốt hơn nơi ở cũ, để các địa phương có căn cứ áp dụng.
Vườn quất cảnh giúp gia đình chị Toan có thu nhập ổn định hàng chục năm qua.
“Nếu thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, việc bồi thường không thỏa đáng, giá bồi thường thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, sẽ dẫn đến cuộc sống của nông dân không ổn định, vì nguồn thu nhập từ trồng quất cảnh sẽ không còn thường xuyên nữa. Do đó, rất cần các tiêu chí cụ thể khi thu hồi đất, chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân”, chị Toan nói.
Đề cập đến việc thu hồi đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, GS. Trần Đình Long, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học và môi trường (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), cho rằng, phải lưu ý đến quyền lợi của người dân, bởi trong vấn đề này, người nông dân luôn là đối tượng “cực khổ” nhất.
“Hiện nay, nhiều nhà ở như khu An Khánh (Hà Nội) vẫn còn bỏ hoang. Bất cập là vậy, nhưng lúc đền bù đất nông nghiệp, nông dân chỉ nhận được mức đền bù rất thấp. Số tiền đó không đủ để người nông dân tái thiết sản xuất, kinh doanh và tái định cư”, GS. Trần Đình Long đề nghị quy định trong dự thảo luật lưu ý thêm quy định về thu hồi đất nông nghiệp, làm sao để người nông dân không phải chịu thiệt thòi.
Theo PGS.TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng, thực tế hiện nay, sự chênh lệch giữa giá đất đền bù khi Nhà nước thu hồi và giá đất sau khi chuyển đổi, đưa vào kinh doanh đang tạo ra các kẽ hở. Dự thảo Luật quy định giá đất theo giá thị trường là điều người dân mong đợi vì sẽ khắc phục được sự chênh lệch này.
“Người dân mong muốn Luật Đất đai làm sao để đời sống nhân dân thấy có lợi trong việc bồi thường giá đất, không bị thiệt thòi như trước đây, phải nhận bồi thường giá thấp trong khi giá đất sau thu hồi đưa vào kinh doanh lại tăng gấp nhiều lần”, ông Phạm Hữu Tiến nêu ý kiến.
Về quy định cách định giá đất, GS.TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng cho biết, trong dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định rất đơn giản là “giao Chính phủ quy định chi tiết”. Khi Chính phủ biên soạn lại theo ý kiến của các bộ có liên quan sẽ không tránh khỏi tình trạng “quan liêu”, vì vậy, nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản.
“Cần lưu ý, khi đất nông nghiệp bị thu hồi thì giá đất được tính bằng giá đất nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với giá đất thương mại và đất ở sau khi đã chuyển đổi mục đích. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc nông dân đòi quyền lợi và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng”, GS. Lê Vân Trình nói.
Đừng để thu hồi đất thành nỗi ám ảnh của nông dân
Đóng góp ý kiến vào Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới, đề nghị, làm rõ nội dung thu hồi đất đai để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tránh tình trạng chung chung, dễ bị lợi dụng.
Ông Hoàng Trọng Thủy góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Những năm gần đây, chính sách thu hồi đất đã làm tốt hơn, song các dự án chỉnh trang đô thị, giải phóng mặt bằng lại tăng lên. “Vấn đề đất đai tiếp tục phát sinh mâu thuẫn vì lợi ích của người bị thu hồi đất thường thấp và nhỏ hơn chủ dự án và tập đoàn kinh tế”, ông Thủy nói.
Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội, nêu ý kiến đề nghị cần quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng thành 3 nhóm theo mục đích, gồm: xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội; xây dựng các công trình có tính thương mại; và xây dựng công trình vừa phục vụ phúc lợi xã hội, vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.
“Hiện nay, xảy ra tình trạng Nhà nước thu hồi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp làm dự án mang tính thương mại, dịch vụ dẫn đến việc thu hồi giá thấp (theo quy định của Nhà nước), khi xây dựng hạ tầng cho thuê lại thì giá rất cao, gấp 5 - 7 lần với giá thu hồi. Như vậy, làm lợi rất lớn cho các nhà đầu tư, gây bức xúc trong nhân dân và xã hội. Nhà đầu tư lợi đơn, lợi kép, người bị thu hồi đất thì thiệt đơn, thiệt kép”, bà Hoa nêu.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên (Hà Nội) Phạm Văn Hùng kiến nghị: Tại Điều 36, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quyền đối với trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm theo hướng người được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm được quyền thế chấp, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Điều 50, dự thảo Luật đã quy định khi thực hiện quyền này phải bảo đảm các tiêu chí sau: Tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; đã hoàn thành việc xây dựng đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận, trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra; ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp. Đây là quy định mới cần được cân nhắc, xem xét kỹ, đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc thẩm định, quản lý.
Luật Đất đai là luật rất quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và tác động trực tiếp đến từng người dân. Do đó, việc xây dựng Luật Đất đai phải đảm bảo được vai trò quản lý của Nhà nước, không bị thất thoát, lãng phí, đồng thời phải bảo đảm quyền lợi của tất cả người dân, nhất là những người nông dân, lấy đất đai là “tư liệu sản xuất” chính để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.