Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 5 năm 2023 | 16:2

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (Sửa đổi): Đề nghị xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi

Mặc dù giá trị sản xuất ngành chăn nuôi hiện chiếm khoảng 24% trong toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhưng trong Luật Đất đai chưa có quy định rõ ràng đất dành cho chăn nuôi. Trang trại, cơ sở chăn nuôi muốn mở rộng và phát triển quy mô lớn gặp khá nhiều khó khăn.

Đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, các chủ trang trại và các hiệp hội đề nghị bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi.

Không có quỹ đất để mở rộng chăn nuôi

Đông Tảo (Khoái Châu - Hưng Yên) cung cấp lượng thịt lợn thành phẩm cho thị trường khá lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chăn nuôi lợn của bà con trong xã không còn sôi động như trước, thậm chí, nhiều gia đình chăn nuôi phải bỏ chuồng, chuyển sang lĩnh vực khác. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh, một phần cũng do không mở rộng được khu vực chăn nuôi vì không có quỹ đất.

Anh Lê Hồng Lượng (thôn Đômg Tảo Nam, xã Đông Tảo) cho biết: Gia đình tôi là một trong những hộ  chăn nuôi lợn thương phẩm lớn nhất xã, trong chuồng luôn có hàng trăm đầu lợn xuất chuồng; ngoài ra còn có lợn bố mẹ, lợn con. Nhưng đến nay, chuồng trại của gia đình bỏ không hoàn toàn, tôi chuyển sang kinh doanh đồ gia dụng. Nguyên nhân  bỏ chăn nuôi lợn thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do dịch bệnh, giá lợn thấp, giá thức ăn tăng cao và không có quỹ đất để mở rộng khu chăn nuôi.

Cần bổ sung quỹ đất cụ thể cho chăn nuôi trong Luật Đất đai.

“Thời điểm chăn nuôi lợn ở đây phát triển, thương lái ở các tỉnh, thành về thu mua lợn thương phẩm khá đông. Lúc đó, chúng tôi muốn mở rộng diện tích chăn nuôi, vừa để phát triển kinh tế, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vì  ở đây không có khu tập trung,  nhưng làm gì có đất để mở rộng chăn nuôi”, anh Lượng nói.

Công ty CP Tiên Viên là một trong những doanh nghiệp đầu tư lớn vào chăn nuôi gà ở Chương Mỹ (Hà Nội). Hiện, công ty liên kết với 30 trang trại chăn nuôi vệ tinh, duy trì đàn gà khoảng 120.000 con. Để hoàn thiện chuỗi, công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng cho khu sơ chế, đóng gói sản phẩm trứng với công suất 200.000 quả/ngày.

Giám đốc Công ty CP Tiên Viên - ông Đặng Đình Tiên cho biết, công ty đang phải thuê giết mổ gia cầm ở bên ngoài với chi phí khá cao. Công ty kiến nghị các sở, ngành tham mưu hỗ trợ các vấn đề liên quan đến thủ tục cấp phép xây dựng và kết nối các nguồn vốn hỗ trợ để có thể sớm hoàn thành dự án xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại.

Đồng Nai có số cơ sở chăn nuôi phải di dời tính đến ngày 01/01/2025 là 3.006 cơ sở. Nếu tính mức tối thiểu diện tích trung bình cho một cơ sở chăn nuôi trang trại nhỏ và vừa hiện dao động 1 - 5ha, tỉnh phải cần 3.000 - 15.000ha đất lõi để xây dựng chuồng trại, chưa tính đến không gian, đảm bảo có khoảng cách tối thiểu cho vấn đề kiểm soát môi trường, dịch bệnh theo quy định hiện hành.

Hiện nay, các cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời đang gặp phải khó khăn lớn nhất  là đất đai và mặt bằng phải đáp ứng được với yêu cầu đủ điều kiện chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT  Phùng Đức Tiến, cần có sự gắn kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi để triển khai xây dựng thêm cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố nên có thêm cơ chế, chính sách dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi hiệu quả. Ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ năng lực; đồng thời, thu hút thêm các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới.

Theo kết quả điều tra thống kê năm 2020, tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước là trên 27,9 triệu hecta, trong đó: đất trồng trọt 11,7 triệu hecta; đất lâm nghiệp 15,4 triệu hecta, đất nuôi trồng thủy sản 786.184 ha, đất làm muối 15.586 ha và đất nông nghiệp khác 58.532 ha; không hề có  con số nào thể hiện quỹ đất dành cho chăn nuôi được thống kê.

Xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào dự thảo Luật

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng, không chỉ trong vấn đề an ninh dinh dưỡng mà còn là sinh kế của hàng chục triệu người nông dân. Sau một thời gian dài phát triển, ngành chăn nuôi đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, gia tăng xuất khẩu và góp phần quan trọng giữ vững mức tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp, ổn định và từng bước cải thiện thu nhập, đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện sản xuất chăn nuôi trong nước đang xuất hiện nhiều bất cập và ngày càng khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp bị thua lỗ triền miên, có nguy cơ phá sản hàng loạt trong thời gian tới.

Ngoài kiến nghị về bổ sung quỹ đất dành cho chăn nuôi vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, thực sự phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do không gian chăn nuôi của Việt Nam ngày càng thu hẹp và điều kiện chăn nuôi ngày càng khắt khe. Do đó, Hội Chăn nuôi và các Hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực chăn nuôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hiện, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm khoảng 24% trong toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhưng lại không có quỹ đất rõ ràng cho chăn nuôi. Trong khi các nước trên thế giới đều dành một tỷ trọng rất lớn đất cho chăn nuôi, nhất là các nước châu Âu, thường đất trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi chiếm 50-70% diện tích đất nông nghiệp...

Bên cạnh đó, chưa tính đến quỹ đất cho nhu cầu mở rộng quy mô đàn vật nuôi theo Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 về Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, thì quỹ đất cho nhu cầu di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi, hạn cuối cùng phải thực thi (ngày 1/1/2025) là rất lớn. Đây đang được xem là “cuộc đại di dời trong sản xuất nông nghiệp” của nước ta.

Do đó, Hội Chăn nuôi và các Hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực chăn nuôi kiến nghị cần đưa vào phần giải thích từ ngữ của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khái niệm làm rõ đất cho chăn nuôi tập trung để các địa phương áp dụng trong quy hoạch, vì chăn nuôi tập trung có tính đặc thù cao: “Là đất nông nghiệp, có thể xây dựng được chuồng trại lâu dài, đảm bảo yêu cầu vệ sinh phòng bệnh và môi trường”.

“Nếu không có quy định rõ trong Luật, hôm nay chính quyền cấp cho trang trại, ít lâu sau lại cấp cho dân đến ở xung quanh hoặc xây dựng công trình công cộng khác và cơ sở chăn nuôi lại bỗng dưng trở thành vi phạm các điều kiện, phải di dời, thì không bao giờ chúng ta có được ngành chăn nuôi phát triển bền vững và người chăn nuôi thì lúc nào cũng nơm nớp, không dám đầu tư...”, văn bản của Hội Chăn nuôi và các Hiệp hội ngành hàng trong lĩnh vực chăn nuôi nhấn mạnh.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top