Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này quy định, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho nhiều dự án.
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều dự án đã được triển khai thực hiện, người dân đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhưng người dân vẫn phải chờ bồi thường, thậm chí sống tại khu tái định cư hạ tầng vẫn chưa được triển khai gây không ít khó khăn cho cuộc sống của họ.
“Dài cổ” chờ bồi thường và hoàn thiện hạ tầng
Hơn 10 năm kể từ khi thực hiện Dự án Khu cư xá và vận hành Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn I, cũng là từng ấy năm người dân Tổ dân phố Đại Thủy, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng về đất do bị giải phóng mặt bằng. Cũng vì vậy, khiến nhiều hộ lâm vào hoàn cảnh nhiều thế hệ cùng sinh sống trong diện tích chật hẹp, ảnh hưởng không nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày.
Ông Lê Văn Nhàn (63 tuổi, ở Tổ dân phố Đại Thủy) bức xúc: Khi Nhà nước tiến hành thu hồi 326m2 đất ở, gia đình nhanh chóng thống nhất và bàn giao để thực hiện Dự án Khu cư xá và vận hành Trung tâm nhiệt điện Nghi Sơn I. Thế nhưng, hơn chục năm trôi qua, gia đình vẫn chưa được bố trí đất ở tái định cư một cách thỏa đáng, trong khi gia đình đông con đang phải sinh sống trên khu đất chật hẹp, đời sống sinh hoạt hằng ngày hết sức khó khăn.
Khu tái định cư Tân Tiến, xã Tân Quang, thành phố Sông Công (Thái Nguyên) được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về chỗ ở cho các hộ dân thuộc diện phải di dời để phục vụ giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Sông Công 2.
Sau gần 4 năm di chuyển ra nơi ở mới để nhường đất triển khai Dự án Khu công nghiệp Sông Công 2, hàng trăm hộ dân ở Khu tái định cư Tân Tiến, xã Tân Quang (TP. Sông Công - Thái Nguyên) vẫn sống trong điều kiện khó khăn do hệ thống hạ tầng khu dân cư chưa được xây dựng hoàn thiện. Nhiều lần người dân trong Khu tái định cư Tân Tiến kiến nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Đặng Đình Phúc, Khu tái định cư Tân Tiến, chia sẻ: “Ban đầu, đường, điện, nước thải sinh hoạt và nước sạch sinh hoạt chưa hoàn thiện, sau đó được củng cố dần. Nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh dừng không triển khai thực hiện, nên một số đoạn đường đi lại rất khó khăn”.
Tại Thủ đô Hà Nội cũng có nhiều dự án mở đường giao thông, người dân phải di chuyển đến khu tái định cư để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, nhiều hộ dân khi chưa di chuyển, vẫn có thể sinh sống bằng việc buôn bán nhỏ lẻ, nhưng khi phải bàn giao mặt bằng, họ lại được bố trí tái định cư ở chung cư cao tầng. Vì thế, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.
Trên đây chỉ là vài ba ví dụ về việc người dân đã thực hiện bàn giao mặt bằng cho dự án, nhưng đổi lại họ phải “dài cổ” để chờ các cơ quan chức năng bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành, hoặc chuyển ra khu tái định cư để nhường đất cho dự án, nhưng cuộc sống của người dân thì gặp phải vô vàn khó khăn khi hạ tầng chưa hoàn thiện.
Để chủ trương đi vào cuộc sống, hạn chế thấp nhất việc phát sinh khó khăn, đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đà Nẵng) và một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể khác, đảm bảo định lượng rõ hơn yếu tố “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi bồi thường thu hồi đất. Cần tiếp tục quan tâm làm rõ, bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến đời sống sinh kế người dân khi bị thu hồi đất.
Còn đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhấn mạnh, Điều 86 về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
Đại biểu Huân cho rằng, để đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ dựa vào thu nhập mà còn dựa trên nhiều tiêu chí, nên cần nghiên cứu rà soát để quy định một cách toàn diện hơn.
Cần phải làm rõ tiêu chí người có đất bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ
Khoản 2, Điều 89 quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Về nội dung này, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cho rằng, cụm từ “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” rất chung chung, đề nghị cần làm rõ hơn tiêu chí bằng hoặc tốt hơn cụ thể là như thế nào?
ThS. Bùi Hồng Nhung, Đại học Luật Hà Nội.
Đồng tình với quy định trong dự thảo Luật Đất đai: “Thu hồi đất phải bảo đảm cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”, sẽ giúp đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể có đất bị thu hồi. Nhưng ThS. Bùi Hồng Nhung, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quy định như dự thảo luật chưa định lượng cụ thể thế nào là “tốt hơn hoặc bằng”. Do vậy, cũng cần có hướng dẫn một cách rõ ràng và cụ thể để hiểu như thế nào là “bằng” hoặc “tốt hơn” nơi ở cũ về các tiêu chí như: vị trí, các công trình phụ trợ xung quanh phục vụ nhu cầu cuộc sống, giao thông đi lại,… Ban soạn thảo đưa quy định này vào dự thảo Luật rất tốt nhưng làm thể nào để cụ thể hóa, đưa ra các tiêu chuẩn định mức cũng là vấn đề cần được các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính khả thi.
Trên thực tế, do chưa rõ ràng trong quy định về nơi ở mới cho người dân bị thu hồi đất, nên còn có nhiều trường hợp người dân gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho người dân, nhưng tất cả kiến nghị, yêu cầu của dân đều không được giải quyết thỏa đáng. Vì thế, mới xuất hiện nhiều khu tái định cư, người dân đến đây ở có “nhiều không” như không điện, không nước, không đăng ký tạm trú, tạm vắng, không có trường học...
Do đó, dự thảo Luật Đất đai lần này phải cụ thể hóa cho bằng được khu tái định cư thế nào là “tốt hơn hoặc bằng” nơi ở cũ, để người dân biết và giám sát các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp có thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đất đai hay không, nhất là các quy định về tái định cư cho người dân phải di chuyển đến nơi ở mới. Có như vậy, người dân mới có thể yên tâm và vui vẻ bàn giao mặt bằng thực hiện dự án, đồng thời hạn chế khiếu kiện kéo dài liên quan đến các điều kiện tại khu tái định cư...
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.